BỘ TƯ PHÁP
———
Số: 03/CT-BTP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA BỘ TƯ PHÁP
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công tác cán bộ, công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là công tác quản lý công chức, viên chức) đã có những bước phát triển tích cực, góp phần kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ, Ngành. Bên cạnh đó, công tác quản lý công chức, viên chức còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thậm chí có nơi có lúc yếu kém. Một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quản lý công chức, viên chức; vẫn còn hiện tượng buông lỏng quản lý, dẫn đến hiệu quả thực hiện một số khâu trong công tác quản lý công chức, viên chức chưa cao; còn để xảy ra sai phạm trong quản lý công chức, viên chức, tiềm ẩn yếu tố mất đoàn kết trong nội bộ một số đơn vị. Một bộ phận công chức, viên chức chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được giao; chưa thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính dẫn đến vi phạm kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng tới uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp.
Để tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, Ngành trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế và để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ, tăng cường thực hiện công tác quản lý công chức, viên chức theo các nội dung sau:
1. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ về công tác quản lý công chức, viên chức, trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Đảng, Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là Thủ trưởng đơn vị và đội ngũ cán bộ chủ chốt của đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp, Quy chế văn hoá công sở, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc; phát huy tính tự thân, tự giác của từng công chức, viên chức trong rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao đạo đức của người cán bộ tư pháp “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
2. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý công chức, viên chức của đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các quy định về quản lý cán bộ trong tất cả các khâu: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động, quy chế chi tiêu nội bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện các công việc sau:
2.1. Khẩn trương xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức, xác định rõ biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị; rà soát, nghiên cứu hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị.
2.2. Có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch đội ngũ công chức, viên chức chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của các đơn vị. Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015.
Đẩy mạnh công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; các quy định về chuyển đổi vị trí công tác. Thực hiện nghiêm túc chế độ bồi dưỡng bắt buộc về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và bồi dưỡng theo vị trí việc làm hàng năm đối với công chức, viên chức theo quy định. Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cán bộ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác cán bộ của các đơn vị.
2.3. Khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng đã được Ban cán sự Đảng Bộ phê duyệt, Bộ trưởng ban hành; nghiên cứu, thực hiện thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo, quản lý trong ngành Thi hành án dân sự.
2.4. Phân công công việc cụ thể, theo dõi sát sao việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thực chất, chính xác trên cơ sở chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Kiên quyết khắc phục hiện tượng nể nang, hình thức trong đánh giá công chức, viên chức. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức của đơn vị mình.
Động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính và pháp luật về công chức, viên chức.
2.5. Thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính, giờ giấc lao động, nội quy, quy chế của Bộ, của đơn vị. Tăng cường công tác tự kiểm tra công tác quản lý công chức, viên chức trong đơn vị. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, thực thi công vụ, hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.
2.6. Chấn chỉnh, đưa chế độ quản lý hồ sơ công chức, viên chức, hồ sơ tuyển dụng và chế độ báo cáo thống kê đội ngũ công chức, viên chức vào nề nếp, bảo đảm đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn quy định.
3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội và công chức, viên chức và người lao động trong công tác quản lý công chức, viên chức
3.1. Phát huy quyền làm chủ, giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội và công chức, viên chức đối với việc thực hiện công tác quản lý công chức, viên chức của các đơn vị theo Quy chế thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp và của cơ quan, đơn vị; kịp thời kiến nghị với Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng đơn vị khắc phục những hạn chế, bất cập, xử lý vi phạm trong công tác này.
3.2. Mỗi công chức, viên chức và người lao động phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, của Bộ; thường xuyên tự rèn luyện, chủ động tự học tập, nghiên cứu nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp của công tác tư pháp.
4. Tổ chức thực hiện Chỉ thị
4.1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy Đảng và tổ chức chính trị – xã hội của cơ quan, đơn vị:
a) Tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị tới toàn thể công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện, đồng thời để công chức, viên chức giám sát việc tổ chức thực hiện;
b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với hoạt động đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của cơ quan, đơn vị; xác định trách nhiệm thực hiện Chỉ thị là một trong các nội dung đánh giá công chức, viên chức;
c) Định kỳ hàng năm, tổ chức đánh giá, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị trong nội dung báo cáo công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị.
4.2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị trong các đơn vị thuộc Bộ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị trong các cơ quan Thi hành án dân sự.
4.3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị, tổ chức có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị.
4.4. Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về nội dung Chỉ thị và hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị của các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
5. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện tại đơn vị mình./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ; (để b/cáo)
– Phó TTgCP Nguyễn Xuân Phúc; (để b/cáo)
– Ban Tổ chức Trung ương; (để b/cáo)
– Ủy ban Kiểm tra Trung ương; (để b/cáo)
– Bộ Nội vụ; (để b/cáo)
– Các đơn vị thuộc Bộ (để th/hiện);
– Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Chi cục THADS các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (để th/hiện);
– Đảng ủy BTP (để ph/hợp);
– Các TC CT-XH của Bộ (để ph/hợp);
– Cổng TTĐT của Bộ, Báo PLVN (để đưa tin);
– Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Hà Hùng Cường
|