Nghị định số 29/2013/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 29/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2009/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG, MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã,

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

1. Bổ sung vào cuối Điểm c Khoản 1 Điều 5 như sau:

“Riêng đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí, ngoài lương hưu hiện hưởng, hằng tháng được hưởng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định này và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp bậc 1, nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.”

2. Bổ sung Khoản 3b sau Khoản 3 Điều 16 như sau:

“3b. Những người đã có thời gian làm cán bộ cấp xã trước ngày 01 tháng 01 năm 1998, nếu trong thời gian công tác này mà đảm nhiệm chức danh có quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và được điều động, tuyển dụng vào quân đội nhân dân, công an nhân dân hoặc vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì thời gian đảm nhiệm chức danh trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 nếu chưa được tính hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.

3. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế để chi trả hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

1. Cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 20,3 tháng lương tối thiểu chung;

2. Cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,6 tháng lương tối thiểu chung;

3. Cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 17,6 tháng lương tối thiểu chung.”

4. Khoản 3 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Áp dụng việc thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế để chi trả hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:

a) Đối với thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới, hải đảo; thôn thuộc xã có khó khăn về ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính và thôn thuộc xã loại 1, xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 tháng lương tối thiểu chung;

b) Đối với các thôn ngoài quy định tại Điểm a Khoản này và các tổ dân phố được khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 tháng lương tối thiểu chung”.

5. Bổ sung Khoản 3b sau Khoản 3 Điều 19 như sau:

“3b. Căn cứ vào quỹ phụ cấp, bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế được ngân sách trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại Điều 14 và Khoản 3 Điều 19 Nghị định này và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố, yêu cầu quản lý, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương và các quy định tại Nghị định này; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố; Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã;  Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ; Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định những nội dung sau:

a) Quy định cụ thể số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

b) Quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố từ nguồn kinh phí khoán quỹ phụ cấp của ngân sách trung ương và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm tương quan hợp lý với hệ số lương của cán bộ, công chức cấp xã và khuyến khích những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2013.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài chính hướng dẫn việc hạch toán các khoản chi theo quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định tại Khoản 3b Điều 16 Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX (3b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

   Nguyễn Tấn Dũng