CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; quản lý hoạt động của phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, gồm: Luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập thác; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ như mốc cao độ, mốc tọa độ, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, nhà trạm; công trình, vật dụng kiến trúc, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý, khai thác giao thông đường thủy nội địa.
2. Luồng chạy tàu thuyền là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn (trong Nghị định này gọi là luồng đường thủy nội địa).
3. Cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng là cảng, bến thủy nội địa chỉ xếp, dỡ nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất cho chủ cảng, bến đó hoặc phục vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài.
4. Bến khách ngang sông là bến thủy nội địa chuyên phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa từ bờ bên này sang bờ bên kia sông, kênh, rạch, hồ, đầm phá. Một vị trí bến ở mỗi phía bờ là một bến khách ngang sông.
5. Bến phao là bến thủy nội địa sử dụng kết cấu nổi, phương tiện, pông – tông đặt tại một vị trí ổn định trên vùng nước để tiếp nhận phương tiện neo đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác.
6. Khu neo đậu là vùng nước bên ngoài vùng nước của cảng, bến thủy nội địa được thiết lập bằng hệ thống phao neo, trụ neo hoặc tự neo để phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ neo đậu chuyển tải hàng hóa, hành khách hoặc thực hiện hoạt động khác theo quy định.
7. Chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là tổ chức, cá nhân sở hữu công trình cảng, bến thủy nội địa, phao neo, trụ neo và được giao sử dụng vùng đất, vùng nước của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
8. Người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trực tiếp khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu hoặc tổ chức, cá nhân thuê cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu để khai thác hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
9. Người đề nghị làm thủ tục cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu là chủ phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài, thuyền viên, người lái phương tiện, người khai thác thủy phi cơ hoặc người được ủy quyền đề nghị làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (sau đây gọi là người làm thủ tục).
10. Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa (trong Nghị định này gọi là phương tiện).
11. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy mang cờ quốc tịch nước ngoài.
Chương II
QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 4. Nguyên tắc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này, quy định về đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đất đai, khoáng sản, môi trường và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa (trừ bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính), khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu chưa có hoặc khác với quy hoạch đã được phê duyệt, trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Điều 5. Tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Tổ chức quản lý
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa không sử dụng nguồn vốn Nhà nước quyết định tổ chức quản lý, bảo trì công trình theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
a) Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được bảo trì nhằm bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn công trình;
b) Nội dung công tác quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bao gồm: Công tác quản lý; bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ, đột xuất, khắc phục công trình bị hư hỏng; các hoạt động nhằm cải thiện tình trạng hiện có của công trình; bổ sung, thay thế báo hiệu, bộ phận công trình và các thiết bị gắn với công trình; lập hồ sơ theo dõi công trình, vật chướng ngại; hoạt động bảo đảm an toàn giao thông và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
c) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết nội dung quản lý, bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Điều 6. Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa
1. Các công trình, hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa phải được bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa
a) Chủ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, người khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo đảm và duy trì an toàn, an ninh công trình, hoạt động trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác theo quy định của pháp luật;
b) Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đối với công trình và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.
Mục 2. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 7. Phân loại, cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa được phân thành ba loại, gồm: Luồng đường thủy nội địa quốc gia (sau đây gọi là luồng quốc gia), luồng đường thủy nội địa địa phương (sau đây gọi là luồng địa phương) và luồng đường thủy nội địa chuyên dùng (sau đây gọi là luồng chuyên dùng).
2. Luồng quốc gia là luồng đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Đi qua hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên có vai trò quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia;
b) Luồng trong địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nối trực tiếp với tuyến vận tải ven biển hoặc nối trực tiếp với hai luồng quốc gia;
c) Luồng qua biên giới hoặc trên biên giới.
3. Luồng địa phương là luồng thuộc phạm vi địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này.
4. Luồng chuyên dùng là luồng nối vùng nước cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với luồng quốc gia hoặc luồng địa phương.
5. Luồng đường thủy nội địa được phân thành các cấp kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
Điều 8. Thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa
1. Trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa chủ đầu tư phải thỏa thuận về thông số kỹ thuật của luồng với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thẩm quyền thỏa thuận
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận về thông số kỹ thuật luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia;
b) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận về thông số kỹ thuật luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương.
3. Nội dung thỏa thuận
a) Sự phù hợp với quy hoạch;
b) Quy mô, thông số kỹ thuật.
4. Hồ sơ thỏa thuận
a) Đơn đề nghị thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
c) Hồ sơ thiết kế sơ bộ luồng đường thủy nội địa.
5. Trình tự thỏa thuận
Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này để thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa gửi chủ đầu tư.
Điều 9. Thẩm quyền, thủ tục công bố mở luồng và quản lý luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa trước khi đưa vào khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền công bố mở luồng.
2. Thẩm quyền công bố mở luồng
a) Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố mở luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố mở luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương.
3. Hồ sơ đề nghị công bố mở luồng
a) Đơn đề nghị công bố mở luồng đường thủy nội địa theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, bản vẽ hoàn công công trình luồng, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa đối với luồng có dự án đầu tư xây dựng mới hoặc luồng được cải tạo, nâng cấp;
c) Bình đồ hiện trạng luồng đề nghị công bố thể hiện địa danh, lý trình, vị trí báo hiệu, các công trình hiện có trên luồng đối với luồng không có dự án đầu tư xây dựng.
4. Trình tự công bố mở luồng
a) Luồng quốc gia: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập hồ sơ, báo cáo Bộ Giao thông vận tải; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố mở luồng;
b) Luồng địa phương: Sở Giao thông vận tải lập hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố mở luồng;
c) Luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố mở luồng;
d) Luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Sở Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố mở luồng;
đ) Quyết định công bố mở luồng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Trường hợp luồng đường thủy nội địa đã có trong quy hoạch được phê duyệt chỉ cần khảo sát luồng, thiết lập báo hiệu để khai thác, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Giao thông vận tải tổ chức khảo sát luồng, thiết lập báo hiệu. Sau khi hoàn thành khảo sát luồng, thiết lập báo hiệu, thực hiện thủ tục công bố mở luồng theo quy định tại Nghị định này. Kinh phí khảo sát luồng, thiết lập báo hiệu do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách.
6. Quản lý luồng đường thủy nội địa
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý luồng quốc gia;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý luồng địa phương;
c) Tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng tổ chức quản lý luồng chuyên dùng.
7. Lập, công bố danh mục luồng đường thủy nội địa
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập danh mục luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia, trình Bộ Giao thông vận tải công bố;
b) Sở Giao thông vận tải lập danh mục luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố. Danh mục luồng sau khi được công bố gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổng hợp, theo dõi;
c) Tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng có trách nhiệm báo cáo số liệu về thông số kỹ thuật luồng chuyên dùng đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông vận tải để phục vụ việc lập, công bố danh mục luồng đường thủy nội địa;
d) Danh mục luồng đường thủy nội địa được cập nhật, điều chỉnh và công bố định kỳ 03 năm/lần. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp danh mục luồng đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 10. Chuyển đổi luồng đường thủy nội địa
1. Điều kiện chuyển đổi luồng đường thủy nội địa
a) Phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được phê duyệt;
b) Đáp ứng điều kiện của luồng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
2. Thẩm quyền chuyển đổi luồng đường thủy nội địa
a) Bộ Giao thông vận tải quyết định chuyển đổi luồng địa phương, luồng chuyên dùng thành luồng quốc gia và luồng quốc gia thành luồng địa phương;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi luồng chuyên dùng thành luồng địa phương, luồng địa phương thành luồng chuyên dùng.
3. Hồ sơ chuyển đổi luồng
a) Văn bản đề nghị gửi kèm theo báo cáo hiện trạng luồng đề nghị chuyển đổi của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với luồng quốc gia), của Sở Giao thông vận tải (đối với luồng địa phương);
b) Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trường hợp chuyển đổi luồng địa phương thành luồng quốc gia hoặc luồng quốc gia thành luồng địa phương).
4. Trường hợp luồng địa phương chuyển thành luồng quốc gia hoặc luồng quốc gia thành luồng địa phương: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải lập hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố chuyển đổi luồng.
5. Trường hợp luồng chuyên dùng chuyển thành luồng quốc gia: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng lập hồ sơ trình Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố chuyển đổi luồng.
6. Trường hợp luồng chuyên dùng chuyển thành luồng địa phương, luồng địa phương thành luồng chuyên dùng: Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố chuyển đổi luồng.
7. Khi có quyết định chuyển đổi luồng, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện điều chuyển tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản, cơ quan, đơn vị nhận tài sản thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định.
8. Trường hợp luồng chuyên dùng chuyển thành luồng quốc gia hoặc thành luồng địa phương thì được xem xét hoàn trả một phần vốn đầu tư (nếu có) cho tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 11. Công bố đóng luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa được xem xét công bố đóng trong các trường hợp sau:
a) Không đảm bảo an toàn khai thác vận tải;
b) Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
c) Không còn nhu cầu khai thác, sử dụng.
2. Thẩm quyền công bố đóng luồng đường thủy nội địa
Cơ quan quyết định công bố mở luồng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố đóng luồng.
3. Hồ sơ đóng luồng
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải có biên bản kiểm tra hiện trạng luồng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với luồng quốc gia), Sở Giao thông vận tải (đối với luồng địa phương); biên bản kiểm tra hiện trạng luồng giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia hoặc giữa Sở Giao thông vận tải với tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương. Trong biên bản phải có kết luận về tình trạng luồng không đảm bảo an toàn khai thác;
b) Văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an yêu cầu đóng luồng đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Đơn đề nghị công bố đóng luồng đường thủy nội địa theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Phương án thu hồi báo hiệu đường thủy nội địa do cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý luồng lập.
4. Thủ tục đóng luồng quốc gia, luồng địa phương
a) Trường hợp đóng luồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Sau khi kiểm tra, nếu không đảm bảo an toàn khai thác vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải có văn bản thông báo tạm dừng khai thác vận tải gửi đơn vị trực tiếp quản lý luồng và đăng trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời lập hồ sơ đề nghị công bố đóng luồng gửi cơ quan có thẩm quyền đóng luồng;
b) Trường hợp đóng luồng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị đóng luồng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đóng luồng, thời điểm đóng luồng gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Thời gian thông báo trước thời điểm yêu cầu đóng luồng ít nhất 30 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Trường hợp đóng luồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với luồng quốc gia) hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với luồng địa phương) lập hồ sơ đề nghị đóng luồng gửi Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức thu hồi báo hiệu đường thủy nội địa trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định đóng luồng có hiệu lực;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố đóng luồng theo phạm vi quản lý.
5. Thủ tục đóng luồng chuyên dùng
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải phải yêu cầu tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng tạm dừng khai thác vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị đóng luồng phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, thời điểm đóng luồng gửi tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian thông báo trước thời điểm yêu cầu đóng luồng ít nhất 30 ngày;
c) Đối với trường hợp quy định điểm c khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia) hoặc Sở Giao thông vận tải (đối với luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương);
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định công bố đóng luồng theo phạm vi quản lý;
đ) Tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng có trách nhiệm thu hồi báo hiệu đường thủy nội địa trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định đóng luồng có hiệu lực.
6. Quyết định công bố đóng luồng theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và phải được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thời gian 02 ngày, kể từ ngày ký quyết định.
7. Chi phí thực hiện đóng luồng quốc gia, luồng địa phương do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách.
8. Chi phí liên quan khi đóng luồng chuyên dùng do tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng chi trả, trừ trường hợp đóng luồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này do cơ quan đề nghị đóng luồng chi trả.
Điều 12. Khảo sát luồng đường thủy nội địa
1. Luồng đường thủy nội địa trong quá trình khai thác phải được khảo sát thường xuyên, khảo sát định kỳ và khảo sát đột xuất.
2. Trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng tổ chức khảo sát, lập bình đồ, số hóa bình đồ (nếu có), lập, duy trì và cung cấp cơ sở dữ liệu khảo sát, bình đồ để phục vụ quản lý, thông báo và khai thác luồng;
b) Tổ chức, cá nhân khảo sát luồng phải cung cấp kết quả khảo sát cho cơ quan quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này để thông báo luồng và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin đã cung cấp.
3. Kinh phí phục vụ khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa
a) Kinh phí khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng quốc gia, luồng địa phương theo quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách;
b) Tổ chức, cá nhân quản lý luồng chuyên dùng có trách nhiệm bố trí kinh phí để khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng theo quy định tại Nghị định này.
4. Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết công tác khảo sát luồng đường thủy nội địa.
Điều 13. Thông báo luồng đường thủy nội địa
1. Thông báo luồng đường thủy nội địa là văn bản do cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều này ban hành, công bố trên cơ sở kết quả khảo sát để phục vụ quản lý và cung cấp thông tin, chỉ dẫn cho thuyền viên, người lái phương tiện và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
2. Nội dung thông báo luồng
a) Đối với thông báo luồng lần đầu trước khi đưa vào khai thác: Tên luồng, chiều dài, tọa độ điểm đầu, điểm cuối, các điểm tim luồng; cấp kỹ thuật; bãi cạn trên luồng, tên vật chướng ngại và công trình vượt sông trên luồng;
b) Đối với thông báo luồng định kỳ: Tên luồng, chiều dài, điểm đầu, điểm cuối, tọa độ tim luồng, chiều rộng, chiều sâu, bán kính cong của luồng, cấp kỹ thuật; cao độ đại diện của bãi cạn trên luồng, tên và tọa độ, cao độ của vật chướng ngại, công trình vượt sông trên luồng không đảm bảo kích thước đường thủy theo cấp kỹ thuật, mực nước tại thời điểm khảo sát và một số vấn đề khác cần lưu ý;
c) Đối với thông báo luồng thường xuyên: Tên luồng; chiều rộng, chiều sâu của luồng tại khu vực có vị trí bãi cạn, vật chướng ngại trên luồng; mực nước tại thời điểm khảo sát; cảnh báo cần thiết khác;
d) Đối với thông báo luồng đột xuất: Tên luồng; mô tả tình huống đột xuất; vị trí (tọa độ, lý trình, độ sâu, độ cao tĩnh không) tình huống đột xuất; chiều rộng, chiều sâu của luồng tại khu vực có tình huống đột xuất; mực nước tại thời điểm khảo sát và ảnh hưởng của tình huống đột xuất đến hoạt động vận tải; cảnh báo cần thiết khác.
3. Hình thức thông báo luồng
Thông báo luồng đường thủy nội địa được thực hiện bằng văn bản; đăng trên trang thông tin điện tử, cập nhật trên cơ sở dữ liệu, bình đồ số luồng tuyến (nếu có) của cơ quan thông báo quy định tại khoản 4 Điều này hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Trách nhiệm thông báo
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo lần đầu luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia;
b) Chi cục đường thủy nội địa khu vực thông báo định kỳ, thường xuyên, và đột xuất luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia;
c) Sở Giao thông vận tải thông báo lần đầu, định kỳ, thường xuyên và đột xuất luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương;
d) Khi có tình huống đột xuất trên luồng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì luồng phải có thông báo kịp thời bằng tín hiệu, âm hiệu trực tiếp tại khu vực xảy ra tình huống và báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải.
5. Thời gian thông báo luồng quốc gia, luồng địa phương: Trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khảo sát, cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này kiểm tra số liệu, thông báo luồng đường thủy nội địa theo Mẫu số 06, Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
6. Thời gian thông báo luồng chuyên dùng: Tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng gửi đơn đề nghị công bố thông báo luồng theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quy định tại khoản 4 Điều này. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng, cơ quan có trách nhiệm thông báo kiểm tra số liệu, thông báo luồng đường thủy nội địa.
Mục 3. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA, KHU NEO ĐẬU
Điều 14. Quy định chung về đầu tư xây dựng và hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
1. Đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và quy định tại Nghị định này.
2. Vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu không được chồng lấn với luồng đường thủy nội địa; chiều dài vùng nước cảng, bến thủy nội địa không vượt quá vùng đất tiếp giáp với sông, kênh, rạch được cơ quan có thẩm quyền cấp để xây dựng cảng, bến thủy nội địa.
3. Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động theo quy định trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, chủ đầu tư, người quản lý khai thác phải tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật khác có liên quan và những nội dung trong quyết định công bố hoạt động; các phương tiện, thiết bị xếp, dỡ hàng hóa, thiết bị neo đậu phục vụ hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải được bảo đảm an toàn kỹ thuật theo quy định.
4. Đối với cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa nguy hiểm phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo quản, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
5. Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định công bố, nếu không được gia hạn hoạt động thì chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải tháo dỡ công trình, thiết bị có ảnh hưởng đến an toàn giao thông, rà quét và thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (nếu có) trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn hoạt động. Cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) tổ chức giám sát việc tháo, dỡ công trình cảng, bến thủy nội địa, rà quét và thanh thải vật chướng ngại trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
6. Quy định về quản lý đầu tư xây dựng, hoạt động khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu tại Nghị định này không áp dụng đối với cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Điều 15. Thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa
1. Nội dung thỏa thuận
a) Vị trí xây dựng cảng, bến thủy nội địa;
b) Công năng của cảng, bến thủy nội địa;
c) Quy mô xây dựng cảng, bến thủy nội địa.
2. Thẩm quyền thỏa thuận
a) Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài;
b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cảng thủy nội địa có vùng nước, vùng đất vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương, cảng thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này và các trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định;
c) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, cảng thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này và các trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.
3. Hồ sơ thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa, gồm:
a) Đơn đề nghị thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng thủy nội địa theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Hồ sơ dự án;
c) Bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
d) Bình đồ vị trí xây dựng cảng thủy nội địa: Thể hiện địa danh, vị trí công trình cảng, kho, bãi, vùng nước, lý trình (km) sông, kênh, rạch; vùng đất; các công trình liền kề (nếu có). Vùng nước trên bản vẽ phải thể hiện chiều rộng tối thiểu từ mép bờ đến hết chiều rộng luồng. Bình đồ được lập trên hệ tọa độ quốc gia VN2000 và cao độ nhà nước, có tỷ lệ từ 1/500 đến 1/1.000.
4. Hồ sơ thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa, gồm:
a) Đơn đề nghị thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
c) Sơ đồ mặt bằng vị trí dự kiến xây dựng bến thủy nội địa: Thể hiện địa danh, vị trí công trình, vùng đất, vùng nước trước bến thủy nội địa, lý trình (km) sông, kênh, rạch và các công trình liền kề (nếu có).
5. Trình tự thỏa thuận
a) Cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với cảng thủy nội địa quy định tại điểm b khoản 2 Điều này), Sở Giao thông vận tải (đối với cảng thủy nội địa quy định tại điểm c khoản 2 Điều này) để thẩm định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì gửi báo cáo kết quả thẩm định và 01 bộ hồ sơ về Bộ Giao thông vận tải.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với việc xây dựng cảng thủy nội địa; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng gửi chủ đầu tư;
b) Cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải có văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng gửi chủ đầu tư;
c) Bến thủy nội địa
Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Sở Giao thông vận tải. Đối với bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, trước khi có văn bản thỏa thuận, Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến của Chi cục đường thủy nội địa khu vực. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Chi cục đường thủy nội địa khu vực có văn bản trả lời. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chi cục đường thủy nội địa khu vực, Sở Giao thông vận tải có văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng gửi chủ đầu tư;
d) Trường hợp cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, trước khi thẩm định, thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến của Cảng vụ hàng hải bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời.
6. Thời hạn của văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa không quá 24 tháng, kể từ ngày ký văn bản. Sau ngày văn bản thỏa thuận hết hiệu lực, nếu chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng mà có nhu cầu tiếp tục xây dựng cảng, bến thủy nội địa thì phải thực hiện lại thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa theo quy định tại Điều này.
Điều 16. Thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính
1. Nội dung thỏa thuận
a) Vị trí xây dựng bến;
b) Công năng của bến;
c) Quy mô xây dựng bến.
2. Thẩm quyền thỏa thuận
Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ điều kiện cụ thể, Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, quận, huyện trực thuộc (sau đây gọi là cấp huyện) thỏa thuận xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
3. Hồ sơ thỏa thuận
a) Đơn đề nghị thỏa thuận xây dựng bến thủy nội địa theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản vẽ mặt bằng vị trí dự kiến xây dựng bến thủy nội địa: Thể hiện địa danh, vị trí công trình lân cận, vùng đất, vùng nước trước bến, lý trình (km) sông, kênh, rạch.
4. Trình tự thực hiện thủ tục thỏa thuận
Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến gửi chủ đầu tư.
5. Thời hạn của văn bản thỏa thuận không quá 24 tháng đối với bến khách ngang sông, 03 tháng đối với bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính. Sau ngày văn bản thỏa thuận hết hiệu lực, nếu chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng bến mà có nhu cầu tiếp tục xây dựng bến thì phải thực hiện lại thủ tục thỏa thuận xây dựng bến theo quy định tại Điều này.
6. Trường hợp bến khách ngang sông có một hoặc nhiều vị trí bến đối lưu ở địa bàn của tỉnh, thành phố khác, trước khi thỏa thuận xây dựng bến, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phải thống nhất với địa phương có bến đối lưu.
Điều 17. Đặt tên, đổi tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
1. Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải đặt tên và theo nguyên tắc sau đây:
a) Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được đặt tên khi lập dự án đầu tư xây dựng hoặc khi công bố đưa vào sử dụng;
b) Không đặt tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trùng nhau trên một địa bàn cấp tỉnh, không gây nhầm lẫn với tên của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã công bố hoặc không đúng với tên gọi, chức năng của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đó;
c) Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để đặt tên hoặc một phần tên riêng của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
d) Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu;
đ) Tên cảng, bến thủy nội địa viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tên bằng tiếng Anh, bắt đầu là cụm từ “Cảng thủy nội địa” hoặc “Bến thủy nội địa” hoặc “Khu neo đậu”, tiếp theo là tên riêng của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
2. Khi có nhu cầu đổi tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có đơn đề nghị theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có văn bản chấp thuận đổi tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
Điều 18. Công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa
1. Thẩm quyền công bố hoạt động
Cơ quan thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng cảng, bến thủy nội địa quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa.
2. Hồ sơ công bố hoạt động cảng thủy nội địa
a) Đơn đề nghị công bố hoạt động cảng thủy nội địa theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu văn bản phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu giấy tờ về sử dụng đất để xây dựng cảng thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp;
d) Bản sao quyết định phê duyệt dự án hoặc thiết kế kỹ thuật công trình cảng thủy nội địa;
đ) Biên bảnnghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng; bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chiếu đứng và mặt cắt ngang công trình cảng thủy nội địa;
e) Biên bản nghiệm thu kết quả rà tìm vật chướng ngại trong vùng nước cảng; biên bản xác nhận thiết lập báo hiệu tại cảng;
g) Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của pông-tông, phao neo thuộc đối tượng phải đăng kiểm (nếu sử dụng pông-tông làm cầu cảng);
h) Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
i) Bản sao giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài (đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài);
k) Bản sao quyết định công bố mở luồng chuyên dùng của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) đối với trường hợp cảng thủy nội địa có luồng chuyên dùng.
3. Hồ sơ công bố hoạt động bến thủy nội địa
a) Đơn đề nghị công bố hoạt động bến thủy nội địa theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao có chứng thực quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu đối với bến thủy nội địa có dự án đầu tư xây dựng;
c) Bản sao có chứng thực giấy tờ về sử dụng đất để xây dựng bến thủy nội địa hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp là bến phao;
d) Bản sao có chứng thực quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật của chủ đầu tư (đối với bến thủy nội địa có dự án đầu tư xây dựng) hoặc phương án khai thác bến thủy nội địa;
đ) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chiếu đứng, mặt cắt ngang công trình đối với bến thủy nội địa có dự án đầu tư xây dựng;
e) Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của kết cấu nổi, phương tiện, pông-tông hoặc phao neo thuộc diện phải đăng kiểm (nếu sử dụng kết cấu nổi, phương tiện, pông-tông làm cầu bến hoặc bến phao).
4. Trình tự công bố hoạt động
a) Trước khi đưa công trình cảng, bến thủy nội địa vào khai thác, chủ cảng, bến thủy nội địa nộp trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia và cảng thủy nội địa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định này), Sở Giao thông vận tải (đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và cảng, bến thủy nội địa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định này) đề nghị công bố hoạt động;
b) Đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa;
c) Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa;
d) Đối với bến thủy nội địa: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa.
5. Quyết định công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo đề nghị của chủ cảng, bến nhưng không quá thời hạn sử dụng đất để xây dựng cảng, bến thủy nội địa hoặc không quá thời hạn hoạt động của dự án được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
7. Trường hợp cảng thủy nội địa xây dựng xong một hoặc nhiều cầu cảng, chủ đầu tư có nhu cầu khai thác ngay, thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động tạm thời. Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố hoạt động tạm thời cầu cảng không quá 01 năm. Quy định này không áp dụng đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
8. Công bố cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài tại cảng thủy nội địa đã được công bố hoạt động
a) Trường hợp cảng thủy nội địa đã được công bố hoạt động, nếu có nhu cầu tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, chủ cảng có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với cảng thủy nội địa theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 15 Nghị định này. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài gửi chủ cảng;
b) Chủ cảng gửi hồ sơ đề nghị công bố cảng thủy nội địa theo quy định tại điểm a, điểm i khoản 2 Điều này đến Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ cảng, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
9. Công bố hoạt động cảng thủy nội địa trường hợp không còn nhu cầu tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
a) Trường hợp cảng thủy nội địa đã được công bố tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài nhưng chủ cảng không còn nhu cầu tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, chủ cảng có văn bản (nêu rõ lý do) gửi Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ cảng, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận gửi chủ cảng;
b) Chủ cảng gửi đơn đề nghị công bố cảng thủy nội địa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của chủ cảng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố hoạt động cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài gửi chủ cảng đồng thời gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để theo dõi.
10. Cơ quan công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm gửi quyết định công bố hoạt động cho chủ đầu tư, Cảng vụ đường thủy nội địa (sau đây gọi là Cảng vụ), Cảng vụ hàng hải (đối với cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển), Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cảng, bến thủy nội địa và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định; cập nhật thông tin cảng, bến thủy nội địa đã được công bố trên phần mềm cơ sở dữ liệu cảng, bến thủy nội địa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 19. Công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính
1. Thẩm quyền công bố hoạt động
Cơ quan thỏa thuận xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính.
2. Hồ sơ công bố hoạt động
a) Đơn nghị công bố hoạt động theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình (nếu có), bản sao có chứng thực giấy tờ về sử dụng đất để xây dựng bến (đối với bến khách ngang sông); bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của kết cấu nổi, phương tiện, pông-tông hoặc phao neo thuộc diện phải đăng kiểm (nếu sử dụng kết cấu nổi, phương tiện, pông-tông làm bến);
3. Trình tự công bố hoạt động
a) Trước khi đưa bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính vào khai thác, chủ bến nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này đề nghị công bố hoạt động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này ban hành quyết định công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính;
c) Quyết định công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Thời hạn hiệu lực quyết định công bố hoạt động
a) Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố hoạt động bến khách ngang sông theo đề nghị của chủ bến, nhưng không quá thời hạn sử dụng đất để xây dựng bến do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Thời hạn hiệu lực của quyết định công bố hoạt động bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính theo đề nghị của chủ bến, nhưng không quá thời gian thi công xây dựng công trình chính.
5. Cơ quan công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính có trách nhiệm gửi quyết định công bố hoạt động cho chủ đầu tư, Cảng vụ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bến và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định; cập nhật thông tin bến khách ngang sông đã được công bố trên phần mềm cơ sở dữ liệu cảng, bến thủy nội địa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 20. Công bố lại và gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa
1. Cảng, bến thủy nội địa phải công bố lại hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Thay đổi quy mô, công năng của cảng, bến thủy nội địa;
b) Thay đổi vùng đất, vùng nước của cảng, bến thủy nội địa;
c) Thay đổi chủ cảng, bến thủy nội địa.
2. Thẩm quyền công bố lại, gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa
Cơ quan công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền công bố lại, gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa.
3. Hồ sơ đề nghị công bố lại hoạt động
a) Đơn đề nghị công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Hồ sơ theo quy định tại các điểm d, đ, e, g, h khoản 2 Điều 18 Nghị định này đối với phần thay đổi kết cấu công trình của cảng thủy nội địa;
c) Hồ sơ theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản 3 Điều 18 Nghị định này đối với phần thay đổi kết cấu công trình của bến thủy nội địa;
d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi vùng đất, vùng nước (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này);
đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu các văn bản chứng minh việc thay đổi chủ cảng, bến (đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này).
4. Trình tự công bố lại hoạt động
a) Người khai quản lý thác cảng, bến nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải;
b) Đối với cảng thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, bến thủy nội địa, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa;
c) Đối với cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định và báo cáo thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định công bố lại hoạt động cảng thủy nội địa;
d) Trường hợp thay đổi chủ cảng, bến thì chủ mới của cảng, bến phải đề nghị công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận cảng, bến thủy nội địa.
5. Quyết định công bố lại hoạt động cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong quyết định chỉ ghi những nội dung thay đổi.
6. Gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa
a) Cảng, bến thủy nội địa khi hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định công bố, nếu chủ cảng, bến có nhu cầu tiếp tục khai thác và được cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời hạn sử dụng đất thì được xem xét gia hạn hoạt động;
b) Hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động, gồm: Đơn đề nghị gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa; giấy tờ liên quan đến đất xây dựng cảng, bến thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời hạn sử dụng;
c) Chủ cảng, bến nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa có văn bản gia hạn hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
7. Cơ quan công bố lại, gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm gửi quyết định công bố lại, văn bản gia hạn hoạt động cảng, bến thủy nội địa cho người quản lý khai thác cảng, bến, Cảng vụ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cảng, bến thủy nội địa và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định; cập nhật thông tin cảng, bến thủy nội địa đã được công bố trên phần mềm cơ sở dữ liệu cảng, bến thủy nội địa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 21. Kiểm định chất lượng cảng thủy nội địa
1. Chủ cảng hoặc người quản lý khai thác cảng phải chịu trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng công trình. Nội dung và quy trình thủ tục tiến hành kiểm định chất lượng công trình cảng thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về kiểm định chất lượng cảng thủy nội địa của người quản lý khai thác thuộc phạm vi quản lý.
Điều 22. Sửa chữa, nạo vét vùng nước, cải tạo nâng cấp cảng, bến thủy nội địa
1. Cảng, bến thủy nội địa được cải tạo nâng cấp để thay đổi quy mô, công năng so với quyết định đã được công bố và phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.
2. Trước khi thực hiện cải tạo nâng cấp cảng, bến thủy nội địa thì chủ cảng, bến gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 Nghị định này để có ý kiến về cải tạo nâng cấp cảng, bến thủy nội địa. Văn bản đề nghị phải nêu rõ quy mô dự kiến cải tạo nâng cấp công trình; thời gian thực hiện cải tạo nâng cấp công trình; ảnh hưởng của việc cải tạo nâng cấp đến hoạt động của phương tiện trong vùng nước, phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng hóa và hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; công trình liền kề.
Trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ cảng, bến thủy nội địa cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 Nghị định này có ý kiến bằng văn bản về cải tạo nâng cấp cảng, bến thủy nội địa.
3. Việc cải tạo nâng cấp cảng, bến thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trước khi sửa chữa, cải tạo nâng cấp, nạo vét vùng nước cảng, bến thủy nội địa, chủ cảng, bến, người quản lý khai thác cảng, bến phải gửi thông báo (nêu rõ tên cảng, bến thủy nội địa; thời gian; phạm vi sửa chữa, cải tạo nâng cấp, nạo vét vùng nước) cho Cảng vụ.
Điều 23. Nâng cấp bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa
1. Bến thủy nội địa được nâng cấp thành cảng thủy nội địa nếu đảm bảo các điều kiện sau:
a) Bến thủy nội địa đã được công bố hoạt động;
b) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trước khi thực hiện nâng cấp bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa thì chủ bến thủy nội địa gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này để có ý kiến thỏa thuận nâng cấp bến thủy nội địa. Văn bản đề nghị phải nêu rõ quy mô dự kiến nâng cấp; thời gian thực hiện cải tạo nâng cấp công trình; ảnh hưởng của việc cải tạo nâng cấp đến hoạt động của phương tiện trong vùng nước, phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng hóa và hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; công trình liền kề.
Trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ bến thủy nội địa cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này có văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật nâng cấp bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa.
3. Việc cải tạo, nâng cấp bến thủy nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trước khi cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa, chủ bến, người quản lý khai thác bến phải gửi thông báo (nêu rõ tên bến thủy nội địa; thời gian; phạm vi cải tạo nâng cấp) cho Cảng vụ.
4. Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp, người quản lý khai thác bến phải thực hiện thủ tục công bố cảng thủy nội địa theo quy định tại Điều 18 Nghị định này. Trường hợp bến thủy nội địa có quy mô, thông số kỹ thuật phù hợp với cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa theo quy định (không thực hiện cải tạo, nâng cấp công trình), hồ sơ đề nghị công bố bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa như sau:
a) Đơn đề nghị công bố chuyển bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật của cấp có thẩm quyền về nâng cấp bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa;
c) Bản vẽ hoàn công của bến thủy nội địa;
d) Bản vẽ mặt bằng công trình, vùng đất, vùng nước của bến thủy nội địa;
đ) Hồ sơ kiểm tra tính toán thực tế bến thủy nội địa do đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân kiểm định thực hiện.
Điều 24. Đóng, tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy nội địa
1. Cảng, bến thủy nội địa được công bố đóng trong các trường hợp sau:
a) Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
b) Theo đề nghị của chủ cảng, bến.
2. Thẩm quyền công bố đóng cảng, bến thủy nội địa
Cơ quan công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền công bố đóng cảng, bến thủy nội địa.
3. Hồ sơ công bố đóng cảng, bến thủy nội địa
a) Văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Đơn đề nghị đóng cảng, bến thủy nội địa của chủ cảng, bến đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Thủ tục công bố đóng cảng, bến thủy nội địa
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an yêu cầu đóng cảng, bến thủy nội địa phải thông báo đến người quản lý khai thác cảng, bến trước thời điểm dự kiến đóng cảng, bến thủy nội địa ít nhất 60 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Trong thông báo phải ghi rõ lý do đóng cảng, bến thủy nội địa. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người quản lý, khai thác cảng, bến có quyền kiến nghị, thỏa thuận về việc đóng cảng, bến thủy nội địa với cơ quan ra thông báo;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chủ cảng, bến thủy nội địa gửi văn bản, đơn đề nghị đóng cảng, bến thủy nội địa đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn đề nghị của cơ quan, chủ cảng, bến quy định tại điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa;
d) Quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Cơ quan ban hành quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa phải gửi quyết định đến chủ cảng, bến, Cảng vụ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cảng, bến thủy nội địa, tổ chức, cá nhân có liên quan và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này) trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký và xóa tên cảng, bến thủy nội địa trong danh bạ quản lý cảng, bến thủy nội địa.
5. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa có hiệu lực, chủ cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm thanh thải vật chướng ngại trong khu vực vùng nước của cảng, bến thủy nội địa (nếu có), tháo dỡ báo hiệu đường thủy nội địa của cảng, bến thủy nội địa. Chi phí để thanh thải vật chướng ngại trong khu vực vùng nước của cảng, bến thủy nội địa (nếu có), tháo dỡ báo hiệu đường thủy nội địa của cảng, bến thủy nội địa do chủ cảng, bến chi trả, trừ trường hợp đóng cảng, bến thủy nội địa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này do cơ quan đề nghị đóng cảng, bến chi trả.
6. Cảng, bến thủy nội địa phải tạm dừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Công trình hết thời hạn sử dụng;
b) Công trình gặp sự cố có nguy cơ mất an toàn công trình, an toàn của người, phương tiện; ảnh hưởng đến an toàn công trình liền kề, môi trường và của cộng đồng theo quy định.
7. Tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy nội địa
a) Người quản lý khai thác cảng, bến phải thông báo bằng văn bản gửi Cảng vụ về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này;
b) Khi nhận thông báo của người quản lý khai thác cảng trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 6 Điều này, Cảng vụ có trách nhiệm thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
c) Khi nhận thông báo của người quản lý khai thác cảng, bến trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 6 Điều này, Cảng vụ có trách nhiệm gửi văn bản đến người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa yêu cầu dừng khai thác cảng, bến thủy nội địa để khắc phục hư hỏng, sự cố, đồng thời thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tạm dừng hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
d) Cảng, bến thủy nội địa chỉ được tiếp tục hoạt động trở lại khi đã được khắc phục sự cố hoặc được loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn và được Cảng vụ xác nhận;
đ) Trường hợp công trình cảnghết thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa phải thực hiện kiểm định chất lượng công trình, thực hiện cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn, công năng sử dụng của công trình và đề nghị công bố hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
Điều 25. Thiết lập khu neo đậu
1. Nội dung thỏa thuận thiết lậpkhu neo đậu
a) Vị trí, phạm vi khu neo đậu;
b) Mục đích sử dụng;
c) Quy mô khu xây dựng (phạm vi, thiết bị neo đậu).
2. Thẩm quyền thỏa thuận thiết lập khu neo đậu
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận thiết lập khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, khu neo đậu có vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương và các trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định;
b) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thiết lập khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương và các trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.
3. Hồ sơ thỏa thuận thiết lập khu neo đậu
a) Đơn đề nghị thỏa thuận thiết lập khu neo đậu theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền;
c) Bình đồ khu vực dự kiến thiết lập khu neo đậu: phải thể hiện phạm vi khu neo đậu, cao trình đáy, vị trí luồng, công trình liền kề (nếu có) trên hệ tọa độ quốc gia VN2000 và hệ cao độ nhà nước, tỷ lệ bản vẽ từ 1/500 đến 1/2.000.
4. Trình tự thỏa thuận thiết lập khu neo đậu
a) Trước khi thiết lập khu neo đậu, chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này đề nghị thỏa thuận thiết lập khu neo đậu;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ra văn bản thỏa thuận thiết lập khu neo đậu gửi cho chủ đầu tư.
Điều 26. Công bố hoạt động khu neo đậu
1. Thẩm quyền công bố hoạt động khu neo đậu
Cơ quan thỏa thuận thiết lập khu neo đậu quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này đồng thời là cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động khu neo đậu.
2. Hồ sơ công bố khu neo đậu
a) Đơn đề nghị công bố hoạt động khu neo đậu theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng;
c) Bình đồ khu vực khu neo đậu;
d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phao neo (nếu dùng phao neo);
đ) Biên bản nghiệm thu rà quét vật chướng ngại.
3. Trình tự công bố hoạt động khu neo đậu
a) Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này đề nghị công bố hoạt động khu neo đậu;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định công bố hoạt động khu neo đậu;
c) Quyết định công bố hoạt động khu neo đậu theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Cơ quan công bố hoạt động khu neo đậu có trách nhiệm gửi quyết định công bố hoạt động cho chủ đầu tư, Cảng vụ, Chi cục đường thủy nội địa khu vực và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định.
4. Trường hợp cần thiết, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải quyết định thiết lập và công bố hoạt động khu neo đậu để phục vụ phương tiện neo đậu, tránh trú bão, lũ trên đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý. Trước khi công bố hoạt động khu neo đậu, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải phải khảo sát, lập hồ sơ theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều này.
Điều 27. Công bố đóng khu neo đậu
1. Khu neo đậu được công bố đóng trong các trường hợp sau:
a) Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
b) Vì lý do bảo đảm an toàn giao thông;
c) Theo đề nghị của chủ đầu tư.
2. Thẩm quyền công bố đóng khu neo đậu
Cơ quan công bố hoạt động khu neo đậu quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định này đồng thời có thẩm quyền công bố đóng khu neo đậu.
3. Hồ sơ công bố đóng khu neo đậu
a) Văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Đơn đề nghị đóng khu neo đậu của chủ đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Đơn đề nghị theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Biên bản hoàn thành thu hồi báo hiệu, thiết bị neo đậu; biên bản hoàn thành rà quét vật chướng ngại trong vùng nước khu neo đậu.
4. Thủ tục công bố đóng khu neo đậu
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông báo đến chủ đầu tư trước thời điểm dự kiến đóng khu neo đậu ít nhất 60 ngày. Trong thông báo phải ghi rõ lý do đóng khu neo đậu. Nếu không có kiến nghị về việc đóng khu neo đậu của chủ đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi văn bản đến cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thông báo khảo sát, lập biên bản về hiện trạng khu neo đậu không bảo đảm an toàn giao thông do thay đổi luồng đường thủy có sự tham gia của chủ đầu tư; yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng khai thác khu neo đậu;
c) Trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này: Chủ đầu tư nộp đơn đề nghị đóng khu neo đậu trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này đề nghị công bố đóng khu neo đậu;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc biên bản khảo sát hiện trường khu neo đậu hoặc đơn đề nghị của chủ đầu tư khu neo đậu, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành quyết định công bố đóng khu neo đậu.
5. Quyết định công bố đóng khu neo đậu theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Cơ quan công bố đóng khu neo đậu có trách nhiệm gửi quyết định công bố đóng khu neo đậu cho chủ đầu tư, Cảng vụ và tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ký quyết định.
6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định công bố đóng khu neo đậu, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi báo hiệu, thiết bị neo đậu, rà quét vật chướng ngại trong vùng nước khu neo đậu. Trường hợp đóng khu neo đậu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, chi phí để thu hồi báo hiệu, thiết bị neo đậu, rà quét vật chướng ngại trong vùng nước khu neo đậu do cơ quan đề nghị đóng khu neo đậu chi trả.
Mục 4. QUẢN LÝ BÁO HIỆU VÀ CÁC CÔNG TRÌNH KHÁC THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 28. Thiết lập và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa
1. Thiết lập báo hiệu đường thủy nội địa là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân lắp dựng báo hiệu trên đường thủy nội địa, tại vị trí công trình, vật chướng ngại và các khu vực có hoạt động ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa. Báo hiệu được thiết lập phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam.
2. Các công trình trên đường thủy nội địa phải thiết lập báo hiệu, gồm:
a) Luồng đường thủy nội địa;
b) Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu;
c) Âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập, thác;
d) Kè, đập, cầu, bến phà, cảng cá;
đ) Phong điện, nhiệt điện, thủy điện;
e) Công trình vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;
g) Vật chướng ngại;
h) Nhà hàng nổi, khách sạn nổi (khi neo đậu);
i) Công trình khác.
3. Các hoạt động trên đường thủy nội địa phải thiết lập báo hiệu, gồm:
a) Các hoạt động thi công công trình; thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản;
b) Khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); tổ chức vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội; họp chợ, làng nghề; hoạt động thực hành đào tạo nghề trên đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng có hoạt động vận tải hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa;
c) Khu vực tổ chức điều tiết, thường trực chống va trôi, hỗ trợ giao thông, hạn chế giao thông;
d) Các hoạt động khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa.
4. Trách nhiệm phê duyệt phương án báo hiệu và thiết lập, duy trì báo hiệu trên đường thủy nội địa
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt phương án báo hiệu và tổ chức thiết lập, duy trì hệ thống báo hiệu trên luồng quốc gia;
b) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phê duyệt phương án báo hiệu và tổ chức thiết lập, duy trì hệ thống báo hiệu trên luồng địa phương;
c) Tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng có trách nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống báo hiệu trên luồng chuyên dùng;
d) Chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại; tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm thiết lập, duy trì báo hiệu theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình, tổ chức hoạt động và thời gian tồn tại của công trình, vật chướng ngại;
đ) Đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa, tổ chức, cá nhân quản lý đường thủy nội địa chuyên dùng có trách nhiệm thiết lập báo hiệu trong trường hợp phương tiện bị tai nạn chìm đắm, các tình huống đột xuất khác gây mất an toàn giao thông trên luồng, hành lang bảo vệ luồng. Đồng thời báo cáo ngay cho Chi cục đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải.
5. Chi phí thiết lập báo hiệu đường thủy nội địa
a) Kinh phí thiết lập, duy trì hệ thống báo hiệu trên luồng quốc gia và luồng địa phương, trừ báo hiệu quy định tại điểm c khoản này do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách;
b) Kinh phí thiết lập, duy trì hệ thống báo hiệu trên luồng chuyên dùng do tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng chi trả;
c) Kinh phí thiết lập, duy trì báo hiệu tại công trình, vật chướng ngại, khu vực hoạt động quy định tại điểm d khoản 4 Điều này do chủ công trình, vật chướng ngại, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động chi trả;
d) Đối với báo hiệu tại công trình giao thông được đầu tư bằng nguồn ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải trên đường thủy nội địa quốc gia, sau khi hoàn thành thiết lập báo hiệu, chủ đầu tư thực hiện bàn giao tài sản là báo hiệu cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định;
đ) Đối với báo hiệu tại công trình được đầu tư bằng nguồn ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên đường thủy nội địa địa phương, sau khi hoàn thành thiết lập báo hiệu, chủ đầu tư thực hiện bàn giao tài sản là báo hiệu cho Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 29. Thẩm quyền, thủ tục thỏa thuận thiết lập báo hiệu đường thủy nội địa đối với công trình xây dựng, hoạt động trên đường thủy nội địa
1. Báo hiệu sau đây phải thỏa thuận trước khi thiết lập
a) Báo hiệu luồng chuyên dùng;
b) Báo hiệu công trình quy định tại các điểm d, đ, e khoản 2 và quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này.
2. Thẩm quyền thỏa thuận thiết lập báo hiệu
a) Chi cục đường thủy nội địa khu vực thỏa thuận thiết lập báo hiệu đối với luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia,công trình, khu vực hoạt động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia trừ báo hiệu được thiết lập tại cảng, bến thủy nội địa;
b) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận thiết lập báo hiệu đối với luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương, công trình, khu vực hoạt động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trên đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.
3. Nội dung thỏa thuận
a) Vị trí báo hiệu;
b) Số lượng, kích thước báo hiệu;
c) Loại báo hiệu.
4. Hồ sơ thỏa thuận thiết lập báo hiệu
a) Đơn đề nghị thỏa thuận thiết lập báo hiệu theo Mẫu số 22 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Sơ đồ dự kiến vị trí báo hiệu.
5. Trình tự thỏa thuận
a) Tổ chức, cá nhân thiết lập báo hiệu nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có văn bản thỏa thuận thiết lập báo hiệu gửi chủ đầu tư.
6. Tổ chức, cá nhân quản lý đường thủy nội địa chuyên dùng có trách nhiệm thông báo việc thiết lập và đưa báo hiệu vào sử dụng trên luồng chuyên dùng theo Mẫu số 23 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 30. Đầu tư xây dựng công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Đầu tư xây dựng âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập, thác; kè, đập giao thông; mốc cao độ, mốc tọa độ, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, nhà trạm và các công trình phụ trợ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng, chống cháy và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; có phương án công nghệ và thiết kế xây dựng phù hợp, bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình.
Mục 5. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 31. Quy định chung về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải được bảo vệ, nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định này. Các hành vi lấn chiếm, đập phá, nạo vét, tháo dỡ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trái quy định phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định.
2. Trước khi đưa công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp bảo vệ công trình. Nội dung thông báo phải ghi rõ tên công trình, quy mô, công dụng của công trình, thời gian đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Điều 32. Nội dung bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Nội dung bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định này.
2. Bảo vệ luồng đường thủy nội địa
a) Luồng được công bố, đưa vào sử dụng phải được duy trì chuẩn tắc theo thiết kế hoặc chuẩn tắc luồng theo cấp kỹ thuật và khả năng bố trí nguồn vốn của ngân sách nhà nước;
b) Các công trình qua luồng trên không, dưới mặt nước, mặt đất phải bảo đảm chiều cao, độ sâu an toàn đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường thủy nội địa đã được công bố;
c) Trong phạm vi luồng không được đặt ngư cụ cố định, khai thác khoáng sản trái quy định của pháp luật;
d) Không được đổ đất, bùn, cát, các chất thải khác gây bồi làm thay đổi cao độ đáy luồng.
3. Bảo vệ hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa
a) Phạm vi hành lang bảo vệ luồng phải được bảo đảm duy trì kích thước, không được thu hẹp, tự ý lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng;
b) Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không được xây dựng nhà, các công trình khác, khai thác tài nguyên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; không đặt ngư cụ cố định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng;
c) Khi luồng thay đổi vào hành lang bảo vệ luồng, công trình, hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản, làng nghề, chợ nổi phải được di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại trên phạm vi luồng mới.
4. Đối với công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Để vật liệu, phương tiện, thiết bị gây sạt lở, hư hỏng công trình;
b) Neo, buộc phương tiện, động vật vào phao báo hiệu, cột báo hiệu, mốc thủy chí, mốc đo đạc, mốc tọa độ, mốc giới hạn hành lang bảo vệ luồng;
c) Sử dụng chất nổ, khai thác khoáng sản không đúng quy định hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến công trình;
d) Thải các chất độc hại ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình.
Điều 33. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng
Phạm vi hành lang bảo vệ luồng được xác định từ mép luồng trở ra mỗi bên, đối với luồng đã có trong quy hoạch được phê duyệt thì xác định theo cấp kỹ thuật quy hoạch, cụ thể như sau:
1. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng trong trường hợp luồng không nằm sát bờ
a) Đối với luồng đường thủy nội địa trên hồ, vịnh, cửa sông ra biển, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt: từ 20 m đến 25 m;
b) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp I, cấp II: từ 15 m đến 20 m;
c) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp III, cấp IV: từ 10 đến 15 m;
d) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp V, cấp VI: là 10 m.
2. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng trong trường hợp luồng nằm sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ ít nhất là 5 m; trường hợp luồng đi qua khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Căn cứ đặc điểm của từng khu vực, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định cụ thể mép bờ tự nhiên để phục vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
4. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt.
5. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang bảo vệ luồng hàng hải thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang luồng hàng hải.
6. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và pháp luật về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi.
7. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang bảo vệ luồng.
8. Khi lập dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng luồng đường thủy nội địa, chủ đầu tư dự án phải căn cứ vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để xác định rõ cấp kỹ thuật của luồng đường thủy nội địa, đồng thời xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng, thực hiện cắm mốc chỉ giới sau khi hoàn thành dự án.
Điều 34. Quản lý hành lang bảo vệ luồng
1. Lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng
a) Hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng phải cập nhật các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường thủy nội địa, phạm vi, thời điểm xuất hiện và quá trình xử lý; mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng;
b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng quốc gia, Sở Giao thông vận tải tổ chức lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng địa phương, tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng chuyên dùng.
2. Khi hành lang bảo vệ luồng thay đổi, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng phải thông báo đến chủ công trình, tổ chức, cá nhân có hoạt động trên đường thủy nội địa phải thực hiện di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý luồng phải thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mốc chỉ giới để phối hợp bảo vệ.
Điều 35. Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bị xâm hại phải kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý đường thủy nội địa hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan, đơn vị nhận được tin báo phải yêu cầu chủ công trình kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Chương III
QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KHÔNG THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 36. Quy định chung về đầu tư xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa
1. Các dự án xây dựng không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi lập dự án đầu tư, tổ chức hoạt động phải thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.
2. Các công trình xây dựng, gồm:
a) Công trình phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
b) Kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà;
c) Phong điện, nhiệt điện, thủy điện;
d) Công trình vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng;
đ) Công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường thủy nội địa.
3. Các hoạt động, gồm:
a) Hoạt động thi công công trình (bao gồm hoạt động nạo vét vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu); khai thác tài nguyên, khoáng sản;
b) Khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội; họp chợ, làng nghề, thực hành đào tạo nghề;
c) Các hoạt động khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên đường thủy nội địa.
Điều 37. Thẩm quyền thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa
1. Thẩm quyền thỏa thuận
a) Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận đối với các công trình, hoạt động quốc phòng, an ninh có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thỏa thuận đối với công trình, các hoạt động động quốc phòng, an ninh có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;
c) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với các công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, hành lang bảo vệ luồng, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
d) Sở Giao thông vận tải thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với các công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, hành lang bảo vệ luồng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
đ) Cảng vụ, Sở Giao thông vận tải (nơi chưa có Cảng vụ) thỏa thuận đối với hoạt động nạo vét cải tạo vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.
2. Nội dung thỏa thuận
a) Đối với cầu vĩnh cửu, cầu tạm: vị trí xây dựng, kích thước khoang thông thuyền (chiều rộng, chiều cao tĩnh không);
b) Đối với cầu quay, cầu cất, cầu phao, công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp giao thông: vị trí xây dựng, kích thước khoang thông thuyền (chiều rộng, chiều cao tĩnh không, chiều dài, độ sâu ngưỡng âu);
c) Đối với đường dây, đường ống, công trình vượt qua luồng trên không: vị trí xây dựng, tĩnh không đường dây, đường ống, công trình vượt qua luồng;
d) Đối với công trình ngầm, đường ống, đường dây dưới đáy luồng: vị trí xây dựng; chiều sâu đến đỉnh công trình ngầm, đường ống, đường dây;
đ) Đối với khu vực thi công công trình, khai thác tài nguyên, khoáng sản: vị trí, phạm vi khu vực khai thác, cao độ nạo vét, khai thác;
e) Khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản, đặt ngư cụ cố định đánh bắt thủy, hải sản; hoạt động thực hành đào tạo nghề; đặt nhà hàng nổi, khách sạn nổi; khu vực họp chợ, làng nghề, khu vui chơi, giải trí: vị trí, phạm vi hoạt động.
Điều 38. Thủ tục thỏa thuận về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa
Chủ đầu tư xây dựng công trình, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này để thỏa thuận các nội dung liên quan đến đường thủy nội địa. Hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị thỏa thuận xây dựng công trình theo Mẫu số 24 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bản vẽ mặt cắt công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông.
3. Bản vẽ khu vực xây dựng công trình trên hệ tọa độ quốc gia VN2000, hệ cao độ nhà nước. Trên bản vẽ thể hiện vị trí công trình và cao độ tự nhiên, địa hình, địa vật của sông, kênh đối với khu vực xây dựng công trình, các công trình liền kề (nếu có) và các tài liệu sau:
a) Đối với cầu vĩnh cửu, cầu tạm: số liệu về kích thước khoang thông thuyền (vị trí, chiều rộng, chiều cao tĩnh không); mặt cắt dọc công trình thể hiện trên mặt cắt ngang sông, kênh;
b) Đối với cầu quay, cầu cất, cầu phao, cầu nâng hạ, công trình thủy điện kết hợp giao thông: số liệu về khoang thông thuyền (vị trí, chiều rộng, chiều cao tĩnh không, chiều dài, độ sâu ngưỡng âu); phương án và công nghệ đóng, mở; bản vẽ thiết kế vị trí, vùng nước dự kiến bố trí cho phương tiện neo đậu khi chờ đợi qua công trình;
c) Đối với đường ống, đường dây, công trình vượt qua luồng trên không: bản vẽ, các số liệu về chiều cao tĩnh không, thể hiện điểm cao nhất của đường ống, đường dây (điểm thấp nhất của đường dây điện, tính cả hành lang an toàn lưới điện), công trình vượt qua luồng;
d) Đối với công trình ngầm, đường dây, đường ống dưới đáy luồng: bản vẽ thể hiện khoảng cách, cao trình đỉnh công trình đến cao trình đáy thiết kế luồng, phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa;
đ) Đối với công trình đập, thủy điện, thủy lợi: bình đồ và bản vẽ khu vực cảng, bến thủy nội địa hoặc khu vực chuyển tải tại thượng lưu và hạ lưu công trình; phương án bốc xếp, chuyển tải;
e) Đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh; công trình phong điện, nhiệt điện; bến phà, kè: bản vẽ thể hiện mặt bằng khu vực cảng; công trình kè, chỉnh trị khác; kích thước, kết cấu các cầu cảng, kè, công trình chỉnh trị khác và các công trình phụ trợ; vùng nước của cảng.
4. Đối với các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị thỏa thuận theo Mẫu số 24 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản vẽ thể hiện phạm vi khu vực hoạt động, phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng, khoảng cách đến các công trình liên quan ở khu vực và phương án bố trí báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa;
c) Bản vẽ các mặt cắt ngang và hồ sơ mốc để xác định phạm vi, cao trình nạo vét, khai thác tài nguyên, khoáng sản (đối với hoạt động nạo vét cải tạo vùng nước cảng, bến thủy nội địa, luồng chuyên dùng vào cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; khai thác tài nguyên, khoáng sản).
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này có văn bản thỏa thuận gửi chủ đầu tư.
Điều 39. Thông báo đưa công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào sử dụng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, chủ đầu tư gửi thông báo bằng văn bản đến Chi cục đường thủy nội địa khu vực (đối với công trình trên đường thủy nội địa quốc gia, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia), Sở Giao thông vận tải (đối với công trình trên đường thủy nội địa địa phương, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương).
2. Nội dung thông báo
a) Tên công trình;
b) Vị trí (lý trình, địa danh, tọa độ);
c) Các thông số chính của công trình;
d) Thời gian bắt đầu khai thác.
3. Thông báo đưa công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào sử dụng theo Mẫu số 25 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Chương IV
BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Mục 1. BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 40. Bảo đảm an toàn trong các trường hợp hạn chế giao thông
1. Các trường hợp hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa, gồm:
a) Có vật chướng ngại trên luồng gây cản trở giao thông;
b) Thi công công trình trên luồng, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải mà xuất hiện tình huống gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông;
c) Công trình trên đường thủy nội địa làm hạn chế chuẩn tắc luồng đã được công bố;
d) Hoạt động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;
đ) Hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh;
e) Hoạt động diễn tập, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí, thực tập đào tạo nghề, họp chợ, làng nghề.
2. Thẩm quyền công bố hạn chế giao thông
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố hạn chế giao thông đối với trường hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải tiếp giáp với hành lang bảo vệ luồng quốc gia;
b) Chi cục đường thủy nội địa khu vực công bố hạn chế giao thông đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải tiếp giáp với hành lang bảo vệ luồng quốc gia, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Sở Giao thông vận tải công bố hạn chế giao thông đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ vùng nước quy định tại các điểm a, b khoản này;
d) Cảng vụ công bố hạn chế giao thông trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.
3. Thủ tục công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa
a) Trước khi thi công công trình hoặc tổ chức các hoạt động trên đường thủy nội địa, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình, tổ chức hoạt động gửi văn bản đề nghị công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa (ghi rõ vị trí, thời gian hạn chế thi công) và phương án đảm bảo đảm an toàn giao thông được phê duyệt đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có văn bản công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa gửi cho chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân;
c) Trường hợp có vật chướng ngại đột xuất; hoạt động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên đường thủy nội địa làm hạn chế chuẩn tắc luồng đã được công bố, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này căn cứ yêu cầu thực tế xác định biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và công bố hạn chế giao thông đường thuỷ nội địa.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi và hạn chế giao thông đường thủy nội địa.
Điều 41. Phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
1. Các dự án xây dựng công trình, khu vực hoạt động có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa (trên luồng, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải) quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định này phải có phương án, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công công trình, tổ chức hoạt động.
2. Trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án
Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
3. Thẩm quyền chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với công trình, hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia;
b) Chi cục đường thủy nội địa khu vực chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa quốc gia; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải tiếp giáp với hành lang bảo vệ luồng quốc gia, trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản này;
c) Sở Giao thông vận tải chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với công trình, hoạt động trên đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân cấp tỉnh ủy quyền, phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông;
d) Cảng vụ chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động sửa chữa, cải tạo nâng cấp và hoạt động khác trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.
4. Nội dung của phương án bảo đảm an toàn giao thông.
a) Thông tin chung về công trình, dự án đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động;
b) Thời gian thi công, xây dựng, tổ chức hoạt động;
c) Phương án thi công, tổ chức hoạt động;
d) Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông;
đ) Phương án tổ chức và phối hợp thực hiện bảo đảm an toàn giao thông.
5. Hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông
a) Đơn đề nghị chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông theo Mẫu số 26 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phương án thi công, thời gian, tiến độ thi công công trình, tổ chức hoạt động;
c) Phương án bảo đảm an toàn giao thông;
d) Bản sao bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể của công trình, phạm vi khu vực tổ chức thi công công trình, tổ chức hoạt động.
6. Trình tự chấp thuận
a) Trước khi thi công công trình, tổ chức hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này đề nghị chấp thuận;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông gửi cho chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân.
7. Đối với trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa do nguyên nhân bất khả kháng làm gián đoạn giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải hoặc tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng phải kịp thời tổ chức lập và thực hiện phương án bảo đảm giao thông tại khu vực tai nạn, sự cố.
8. Việc bảo đảm an toàn giao thông phục vụ hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thực hiện theo quy định của Chính phủ về nạo vét vùng nước đường thủy nội địa.
Mục 2. BẢO ĐẢM AN NINH TẠI CẢNG THỦY NỘI ĐỊA TIẾP NHẬN PHƯƠNG TIỆN THỦY NƯỚC NGOÀI VÀ HOA TIÊU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 42. Bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
1. Bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài là việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho người, phương tiện, công trình tại cảng thông qua việc tổ chức đánh giá an ninh, xây dựng kế hoạch an ninh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
2. Bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa áp dụng đối với phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế.
3. An ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phân thành 03 cấp độ.
a) Cấp độ an ninh 1 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh thích hợp phải được duy trì liên tục;
b) Cấp độ an ninh 2 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao của một sự cố an ninh;
c) Cấp độ an ninh 3 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh cụ thể phải được duy trì trong khoảng thời gian hạn chế khi một sự cố an ninh có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể.
4. Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải phù hợp với từng cấp độ an ninh
a) Cấp độ an ninh 1 đảm bảo duy trì thực hiện mọi nhiệm vụ an ninh trong kế hoạch an ninh; theo dõi tất các hoạt động diễn ra trong khu vực cảng; kiểm soát khu vực hạn chế trong cảng; kiểm tra, giám sát khu vực làm hàng; kiểm tra, giám sát hoạt động nhận đồ dự trữ cho phương tiện; đảm bảo việc trao đổi thông tin an ninh kịp thời;
b) Cấp độ an ninh 2 thực hiện các biện pháp bảo vệ bổ sung nêu trong Kế hoạch an ninh phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại điểm a khoản này;
c) Cấp độ an ninh 3 thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ đặc biệt trong Kế hoạch an ninh phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại điểm a khoản này.
5. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài do người quản lý khai thác cảng tổ chức thực hiện lần đầu và định kỳ hàng năm theo Mẫu số 27 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
6. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
a) Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài (sau đây gọi là kế hoạch an ninh) do người khai thác cảng lập theo Mẫu số 28 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cảng, người, phương tiện, hàng hóa, các đơn vị vận chuyển hàng hóa, đồ dự trữ của phương tiện trong phạm vi cảng, tránh các rủi ro của một sự cố an ninh;
b) Kế hoạch an ninh phải được lập và duy trì trên cơ sở đánh giá an ninh cảng thủy nội địa. Kế hoạch an ninh phải đưa ra các biện pháp phù hợp đối với mỗi cấp độ an ninh quy định tại khoản 3 Điều này.
7. Cam kết an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài được thực hiện, dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ rủi ro có thể xảy ra từ các hoạt động giao tiếp giữa phương tiện thủy với cảng hoặc giữa phương tiện thủy với nhau đối với người, tài sản và môi trường theo Mẫu số 29 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
8. Bản cam kết an ninh phải do thuyền trưởng hoặc sĩ quan an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển và nhân viên an ninh cảng thủy nội địa hoặc tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên bờ thay mặt cho chủ cảng lập và phải được chủ cảng hoặc chủ phương tiện cam kết có biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp với cấp độ an ninh của cảng hoặc phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển. Chủ phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoặc chủ cảng có thể yêu cầu một bản cam kết an ninh khi có một trong các trường hợp sau:
a) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển có cấp độ an ninh cao hơn so với cảng, khu neo đậu hoặc phương tiện thủy nước ngoài khác mà nó đang giao tiếp;
b) Có ký kết thỏa thuận về cam kết an ninh giữa các nước ký kết đối với một số tuyến quốc tế hoặc đối với một số phương tiện cụ thể trên các tuyến đó;
c) Đã có mối đe dọa an ninh hoặc sự cố an ninh liên quan đến phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoặc cảng;
d) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển đang ở trong cảng nhưng không yêu cầu cảng phải có và thực thi Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa đã được phê duyệt;
đ) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển đang tiến hành các hoạt động giao tiếp với phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển khác, nhưng không yêu cầu phải có và thực thi một kế hoạch an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển được phê duyệt;
e) Nội dung trong bản cam kết an ninh phải đượcnhân viên an ninh cảng hoặc thuyền trưởng hoặc sĩ quan an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển cam kết có biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp với cấp độ an ninh của cảng và phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển.
9. Cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhân viên của doanh nghiệp cảng làm công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa phải hoàn thành khóa đào tạo, huấn luyện về an ninh cảng thủy nội địa tại cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo về an ninh theo chương trình đào tạo an ninh cảng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.
Điều 43. Thủ tục phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
1. Người quản lý khai thác cảng lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này và nộp 03 bộ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ.
2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt đánh giá an ninh, gồm:
a) Đơn nghị phê duyệt đánh giá an ninh theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản đánh giá an ninh theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định này;
c) Thành phần tham gia họp đánh giá an ninh gồm: cơ quan công an cấp huyện, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng, Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh, Chi cục Hải Quan, Cảng vụ, Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện, cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp huyện, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu.
3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, gồm:
a) Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 31 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản đánh giá an ninh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Kế hoạch an ninh.
4. Hồ sơ xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa, gồm:
a) Đơn đề nghị xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 32 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản đánh giá an ninh phải có ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
c) Biên bản các buổi tập huấn hoặc diễn tập hoặc huấn luyện theo chương trình Kế hoạch an ninh được phê duyệt;
d) Bản chính giấy chứng nhận phù hợp an ninh (để xác nhận vào trang sau của giấy chứng nhận).
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cảng vụ thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả thẩm định gửi kèm 02 bộ hồ sơ đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo của Cảng vụ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.
Giấy chứng nhận phê duyệt đánh giá an ninh, giấy chứng nhận phê duyệt kế hoạch an ninh, giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 33, Mẫu số 34, Mẫu số 35 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có thời hạn 05 năm và hàng năm phải được xác nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 44. Kiểm tra, giám sát an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc thực hiện công tác an ninh tại cảng thủy nội địa. Danh mục kiểm tra công tác an ninh tại các cảng thủy nội địa theo Mẫu số 36 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Người quản lý khai thác cảng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác an ninh, để phục vụ cho việc đánh giá an ninh và xây dựng kế hoạch an ninh.
3. Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển vào, rời cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật hàng hải về an ninh, an toàn hàng hải như đối với phương tiện vào, rời cảng biển Việt Nam và quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người quản lý khai thác cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh theo quy định.
Điều 45. Hoa tiêu đường thủy nội địa
1. Chế độ sử dụng hoa tiêu bắt buộc
Phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động trên đường thủy nội địa hoặc vào, rời cảng thủy nội địa bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn đường, trừ phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia hoạt động theo quy định tại Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy. Trường hợp cần thiết, thuyền trưởng phương tiện, tàu biển có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn đường.
2. Hoạt động hoa tiêu trên đường thủy nội địa hoặc trong vùng nước cảng thủy nội địa thực hiện theo quy định về hoa tiêu của pháp luật hàng hải và do Hoa tiêu hàng hải thực hiện.
Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 46. Bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm:
a) Tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án;
c) Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường.
2. Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.
3. Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.
Điều 47. Bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa
Người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm:
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu.
2. Bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến.
3. Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
4. Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.
5. Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.
6. Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động.
7. Bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.
Điều 48. Bảo vệ môi trường trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện
Chủ cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện có trách nhiệm:
1. Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định.
2. Bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ sở.
3. Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở để xử lý theo quy định.
Điều 49. Bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa
1. Tàu biển phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu.
2. Phương tiện phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa.
3. Quản lý chất thải thông thường
a) Phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa và các tuyến vận tải ven biển phải che chắn, không để rơi hàng hóa, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường;
b) Chất thải, chất gây ô nhiễm của phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải được thu gom, lưu giữ tại phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài để chuyển lên hệ thống thiết bị tiếp nhận tại cảng, bến thủy nội địa hoặc chuyển cho tổ chức có chức năng xử lý theo quy định;
c) Phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa trước khi chuyển lên bờ để xử lý;
d) Thông tin về việc đổ rác thải phải được lưu vào sổ ghi chép rác trên tàu, phương tiện;
đ) Trường hợp phương tiện chở hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm thì phải có biện pháp phòng ngừa ô nhiễm tương ứng với hàng hóa gây ô nhiễm đó.
4. Quản lý chất thải nguy hại
Phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ phát sinh chất thải nguy hại, phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
5. Không xả dầu, nước dằn, nước làm mát hoặc nước lẫn dầu chứa các chất gây ô nhiễm ra môi trường vượt quá quy chuẩn môi trường cho phép, không sử dụng chất phân tán tràn dầu ra môi trường nước.
6. Khi phát hiện có nguy cơ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu, người điều khiển phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải áp dụng ngay biện pháp ứng phó hiệu quả, đồng thời phải báo cáo ngay lập tức sự cố ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu hoặc dự kiến khả năng xảy ra sự cố ô nhiễm, tràn dầu cho cơ quan quản lý chuyên ngành nơi gần nhất.
7. Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về quy định bảo vệ môi trường.
8. Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài đang neo đậu trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Nạo ống khói hoặc xả khói đen;
b) Cọ rửa hầm hàng hoặc mặt boong gây ô nhiễm môi trường;
c) Bơm xả các loại nước bẩn, dầu, nước lẫn cặn dầu và các loại chất lỏng độc hại khác;
d) Vứt rác, đổ rác hoặc các đồ vật, chất thải rắn khác từ phương tiện, tàu xuống nước hoặc cầu cảng, bến thủy nội địa;
đ) Gõ rỉ, sơn tàu làm ô nhiễm môi trường.
9. Thuyền trưởng phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động trên đường thủy nội địa và trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Khi phát hiện có nguy cơ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường phải thông báo ngay cho Cảng vụ; đồng thời, ghi rõ vào nhật ký của tàu, phương tiện mình về thời gian, địa điểm và tính chất của sự cố ô nhiễm đó;
b) Nếu sự cố gây ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động của tàu, phương tiện mình, phải áp dụng ngay biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời thông báo cho Cảng vụ biết.
10. Người điều khiển phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài gây thiệt hại, ô nhiễm môi trường phải bồi thường và bị xử lý theo quy định.
Chương V
THỦ TỤC PHƯƠNG TIỆN VÀO, RỜI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA, KHU NEO ĐẬU
Điều 50. Thủ tục phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa
1. Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa phải làm thủ tục để được cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa.
2. Trước khi phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa, người làm thủ tục thông báo về phương tiện (số đăng ký), thời gian sẽ vào, rời cảng, bến thủy nội địa và loạihàng hóa hoặc số lượng hành khách cho Cảng vụ biết. Thông báo bằng tin nhắn, điện thoại hoặc hình thức khác. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa khi có đồng ý của Cảng vụ. Thời gian thông báo như sau:
a) Trước 02 giờ đối với phương tiện vận tải hàng hóa;
b) Trước 01 giờ đối với phương tiện vận tải hành khách, thủy phi cơ.
3. Thủ tục phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa được thực hiện trực tiếp, thực hiện bằng thủ tục điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định.
4. Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa phải nộp phí, lệ phí theo quy định.
5. Quy định về thủ tục phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu tại Nghị định này không áp dụng đối với phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Điều 51. Hình thức, thời gian, địa điểm làm thủ tục phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa
1. Hình thức làm thủ tục phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoàivào, rời cảng, bến thủy nội địa
a) Nộp, trình giấy tờ trực tiếp tại Cảng vụ;
b) Thủ tục điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải (phương tiện, tàu biển vận tải nội địa, thủy phi cơ);
c) Thủ tục điện tử áp dụng cơ chế một cửa quốc gia (phương tiện, tàu biển xuất, nhập cảnh, phương tiện thủy nước ngoài);
d) Thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa Asean;
đ) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Thời gian làm thủ tục: trong thời gian 30 phút, kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, trừ tàu biển và phương tiện thủy nước ngoài.
3. Địa điểm làm thủ tục bằng thình thức nộp, trình giấy tờ trực tiếp đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài làm thủ tục tại văn phòng của Cảng vụ hoặc tại cảng, bến hoặc có thể trên phương tiện (trong trường hợp đối với phương tiện đến từ khu vực dịch bệnh liên quan đến người, động vật, thực vật).
4. Quy trình thủ tục điện tử áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa Asean thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Điều 52. Hồ sơ cấp giấy phép vào cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện, thủy phi cơ
1. Người làm thủ tục nộp giấy tờ sau:
a) Giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa, trừ trường hợp làm thủ tục điện tử;
b) Danh sách hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách).
2. Người làm thủ tục xuất trình bản chính giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, thủy phi cơ (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp);
b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;
c) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện;
d) Sổ danh bạ thuyền viên (nếu có);
đ) Hợp đồng vận chuyển hoặc hóa đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển hàng hóa;
e) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (đối với phương tiện thuộc diện bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự);
g) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với thủy phi cơ;
h) Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, phương án vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng (trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa siêu trường, siêu trọng).
3. Người kiểm tra phải trả giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này cho người làm thủ tục sau khi kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này đã lưu trên cơ sở dữ liệu điện tử thì người làm thủ tục không phải xuất trình.
Điều 53. Hồ sơ cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện, thủy phi cơ
1. Người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ phải nộp: danh sách hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách);
b) Giấy tờ phải xuất trình: hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận chuyển hoặc phiếu xuất hàng hóa; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện nếu có thay đổi so với khi phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa.
2. Đối với phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa khi hạ thủy để hoạt động, chủ phương tiện hoặc chủ cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải xuất trình cho Cảng vụ các giấy tờ sau:
a) Biên bản kiểm tra xác nhận phương tiện đủ điều kiện để hoạt động của Cơ quan Đăng kiểm;
b) Phương án bảo đảm an toàn giao thông khi hạ thủy phương tiện do chủ cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện lập.
Điều 54. Kiểm tra, cấp giấy phép phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa
1. Người làm thủ tục có thể lựa chọn một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định này để làm thủ tục cho phương tiện, thủy phi cơ vào, rời cảng, bến thủy nội địa và theo quy định sau:
a) Trường hợp thực hiện trực tiếp tại địa điểm làm thủ tục, người làm thủ tục nộp, xuất trình giấy tờ quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định này cho Cảng vụ;
b) Trường hợp làm thủ tục điện tử, người làm thủ tục cung cấp giấy tờ quy định tại Điều 52, Điều 53 Nghị định này trên phần mềm điện đử (do người làm thủ tục lựa chọn).
2. Kiểm tra giấy tờ thuyền viên, phương tiện
a) Trường hợp tiếp nhận giấy tờ trực tiếp từ người làm thủ tục, Cảng vụ kiểm tra sự phù hợp của giấy tờ theo quy định;
b) Trường hợp tiếp nhận giấy tờ qua thủ tục điện tử, Cảng vụ chỉ kiểm tra trên cơ sở dữ liệu mà không kiểm tra trực tiếp giấy tờ của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, nếu phát hiện có sai sót thì kiểm tra trực tiếp.
3. Kiểm tra phương tiện
a) Cảng vụ kiểm tra phương tiện trên cơ sở giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;
b) Nếu phát hiện có vi phạm thì Cảng vụ thông báo, xử lý và hướng dẫn người làm thủ tục có biện pháp khắc phục, thay đổi bảo đảm đúng quy định.
4. Phương tiện, thủy phi cơ được cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa khi bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
5. Phương tiện được cấp phép rời cảng, bến thủy nội địa vẫn neo tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa quá 24 giờ thì phải đổi lại giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa để điều chỉnh thời gian rời cảng, bến thủy nội địa.
6. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa có thể là bản giấy hoặc giấy phép điện tử. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa của phương tiện, thủy phi cơ theo Mẫu số 37, Mẫu số 38 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ đường thủy nội địa cấp và giấy phép rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa do Cảng vụ Hàng hải cấp được lưu trữ bằng giấy hoặc điện tử. Thời gian lưu trữ giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa bằng giấy là 02 năm, kể từ ngày phát hành. Hết thời hạn lưu trữ, Cảng vụ, Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm hủy giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa.
Điều 55. Thủ tục vào, rời cảng thủy nội địa đối với phương tiện vận tải thủy qua biên giới Việt Nam – Campuchia
1. Đối với phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia vào, rời cảng thủy nội địa Việt Nam và phương tiện Việt Nam rời cảng thủy nội địa Việt Nam đi Campuchia, ngoài các thủ tục quy định tại Điều 51, Điều 52, Điều 53 và Điều 54 Nghị định này, còn phải xuất trình giấy phép vận tải thủy qua biên giới do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Trường hợp phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia và phương tiện thủy Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh vào, rời cảng thủy nội địa Việt Nam áp dụng hình thức điện tử thì thực hiện theo quy định tại Điều 56, Điều 57 Nghị định này.
3. Phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia và phương tiện thủy Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh vào, rời cảng thủy nội địa Việt Nam không áp dụng hình thức điện tử thì thực hiện theo hình thức nộp, trình giấy tờ trực tiếp tại Cảng vụ.
4. Khi phương tiện đến cửa khẩu phải xuất trình các loại giấy tờ đã làm thủ tục xuất cảnh tại cảng xuất cảnh cho các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu kiểm tra trước khi phương tiện rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
5. Trường hợp phương tiện không thể xuất cảnh đi Campuchia theo kế hoạch, người làm thủ tục phải thông báo và nộp lại các loại giấy tờ đã làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng xuất cảnh để hủy hồ sơ xuất cảnh.
6. Giấy phép rời cảng thủy nội địa cấp cho phương tiện Việt Nam và phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia rời cảng thủy nội địa Việt Nam đi Campuchia theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 56. Thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia nhập cảnh vào cảng thủy nội địa Việt Nam
1. Chậm nhất 02 giờ, trước khi phương tiện dự kiến đến cửa khẩu, người làm thủ tục phải khai báo giấy tờ theo phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, gồm:
a) Thông báo phương tiện đến cảng thủy nội địa theo Mẫu số 48 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy phép rời cảng thủy nội địa theo Mẫu số 39 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản khai chung theo Mẫu số 40 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Danh sách thuyền viên theo Mẫu số 41 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Danh sách hành khách theo Mẫu số 42 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
e) Bản khai hàng hóa theo Mẫu số 43 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc hợp đồng vận chuyển hoặc hóa đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển hàng hóa;
g) Bản khai kiểm dịch thực vật đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật theo Mẫu số 44 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
h) Bản khai kiểm dịch động vật đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật theo Mẫu số 45 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
i) Bản khai vũ khí và vật liệu nổ (nếu có) theo Mẫu số 46 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
k) Bản khai người trốn trên tàu (nếu có) theo Mẫu số 47 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Các giấy tờ phải xuất trình
a) Giấy tờ xuất trình cho Cảng vụ gồm: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận tải trên phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp), giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện, bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (đối với phương tiện thuộc diện bắt buộc phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự), giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam – Campuchia;
b) Giấy tờ xuất trình cho Cơ quan Hải quan: Giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận tải trên phương tiện;
c) Giấy tờ xuất trình cho Bộ đội Biên phòng cửa khẩu: Hộ chiếu và giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của thuyền viên, hành khách (nếu có);
d) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch thực vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật);
đ) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch động vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của nước xuất hàng (đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật);
e) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch y tế: Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách (trong trường hợp xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm).
3. Kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện và thuyền viên
a) Cảng vụ kiểm tra các thông tin khai báo, tra cứu dữ liệu phương tiện, thuyền viên Việt Nam trên cơ sở dữ liệu điện tử của các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho phương tiện vào cảng thủy nội địa;
b) Cảng vụ chỉ yêu cầu người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ trong trường hợp cơ sở dữ liệu không có thông tin của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện hoặc không đủ dữ liệu điện tử để kiểm tra, đối chiếu hoặc không bảo đảm điều kiện của chứng từ điện tử và người làm thủ tục chỉ khai báo dữ liệu lần đầu về phương tiện, thuyền viên trên phần mềm điện đử (do người làm thủ tục lựa chọn). Cảng vụ làm thủ tục đầu tiên kiểm tra, đối chiếu dữ liệu khai báo với bản chính xuất trình để giải quyết thủ tục cho phương tiện vào cảng thủy nội địa hoặc khi có sự thay đổi. Cơ sở dữ liệu về thuyền viên, người lái phương tiện, phương tiện, cảng thủy nội địa được lưu giữ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để làm cơ sở dữ liệu cho những lần làm thủ tục tiếp theo;
c) Thời hạn xuất trình các giấy tờ không có trong cơ sở dữ liệu: Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi phương tiện đã neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ phương tiện đã neo đậu tại vị trí khác trong vùng nước cảng thủy nội địa.
4. Trách nhiệm làm thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa
a) Cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
b) Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại các điểm a, c, d, đ, e khoản 1 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
c) Bộ đội Biên phòng cửa khẩu chịu trách nhiệm chính kiểm tra các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, i, k khoản 1, điểm c khoản 2 của Điều này và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với các giấy tờ quy định tại các điểm i, k khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
d) Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại các điểm c, g khoản 1, điểm d khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại điểm g khoản 1 Điều này, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
đ) Cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại các điểm c, h khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ tại điểm h khoản 1 Điều này, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
e) Cơ quan kiểm dịch y tế có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ quy định tại điểm e khoản 2 Điều này và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ đã kiểm tra trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau.
5. Cấp phép điện tử
Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, trên cơ sở ý kiến phản hồi của các cơ quan liên quan, Cảng vụ cấp giấy phép điện tử cho phương tiện vào cảng thủy nội địa thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Điều 57. Thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa Việt Nam, Campuchia xuất cảnh rời cảng thủy nội địa Việt Nam
1. Chậm nhất 02 giờ, trước khi phương tiện rời cảng thủy nội địa, người làm thủ tục khai báo giấy tờ sau đây theo hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
a) Thông báo phương tiện rời cảng thủy nội địa theo Mẫu số 48 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách thuyền viên, người lái phương tiện với đầy đủ chức danh;
c) Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách);
d) Bản khai hàng hóa, hợp đồng vận chuyển hoặc hóa đơn xuất kho hoặc giấy vận chuyển (đối với phương tiện chờ hàng hóa).
2. Các chứng từ phải xuất trình
a) Giấy tờ xuất trình cho Cảng vụ: Giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận tải trên phương tiện; giấy tờ xác nhận việc nộp phí, lệ phí quy định của pháp luật, trừ trường hợp thanh toán điện tử; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện; giấy tờ liên quan tới những thay đổi so với giấy tờ khi làm thủ tục cho phương tiện vào cảng thủy nội địa;
b) Giấy tờ xuất trình cho Cơ quan Hải quan: Giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận tải trên phương tiện;
c) Giấy tờ xuất trình cho Bộ đội Biên phòng cửa khẩu: Hộ chiếu và giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của thuyền viên, hành khách (nếu có);
d) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch thực vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật);
đ) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch động vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của nước xuất hàng (đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch động vật);
e) Giấy tờ xuất trình cho cơ quan kiểm dịch y tế: Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách (trong trường hợp xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm).
3. Kiểm tra các loại giấy chứng nhận của phương tiện và thuyền viên.
a) Cảng vụ kiểm tra các thông tin khai báo, tra cứu dữ liệu của phương tiện, thuyền viên trên cơ sở dữ liệu điện tử của các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thủ tục cấp giấy phép rời cảng thủy nội địa cho phương tiện;
b) Cảng vụ chỉ yêu cầu người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ trong trường hợp cơ sở dữ liệu không có dữ liệu của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện hoặc không đủ dữ liệu điện tử để kiểm tra, đối chiếu hoặc không bảo đảm điều kiện của chứng từ điện tử và người làm thủ tục chỉ việc khai báo dữ liệu lần đầu về phương tiện, thuyền viên trên phần mềm điện tử (do người làm thủ tục lựa chọn). Cảng vụ làm thủ tục cuối cùng kiểm tra, đối chiếu dữ liệu khai báo với bản chính xuất trình để giải quyết thủ tục cho phương tiện rời cảng thủy nội địa Việt Nam hoặc khi có sự thay đổi. Cơ sở dữ liệu về thuyền viên, người lái phương tiện, phương tiện rời cảng thủy nội địa Việt Nam được lưu giữ trên phần mềm điện tử để làm cơ sở dữ liệu cho những lần làm thủ tục tiếp theo.
4. Thời hạn nộp hoặc xuất trình các giấy tờ không có trong cơ sở dữ liệu: Chậm nhất 02 giờ, trước khi phương tiện rời cảng và cửa khẩu. Đối với phương tiện chở khách có thể thực hiện ngay tại thời điểm phương tiện chuẩn bị rời cảng và cửa khẩu.
5. Trách nhiệm làm thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa
a) Cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
b) Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra các giấy tờ quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
c) Bộ đội Biên phòng cửa khẩu chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra các chứng từ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
d) Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều này, chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại các điểm d khoản 2 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
đ) Cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm kiểm tra các chứng từ quy định tại điểm a khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này, chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại các điểm đ khoản 2 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau;
e) Cơ quan kiểm dịch y tế có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ quy định tại điểm e khoản 2 Điều này, chịu trách nhiệm chính và có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với giấy tờ quy định tại các điểm e khoản 2 Điều này trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia xử lý và có ý kiến khác nhau.
6. Cấp phép điện tử
a) Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành các thủ tục khai báo điện tử và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, trên cơ sở ý kiến phản hồi của các cơ quan liên quan, Cảng vụ cấp giấy phép cho phương tiện rời cảng thủy nội địa thông qua phần mềm điện tử;
b) Trường hợp phương tiện đã được cấp giấy phép rời cảng thủy nội địa nhưng ra đến cửa khẩu, cơ quan chức năng tại cửa khẩu không cho phương tiện xuất cảnh thì phải trả lời cho chủ phương tiện biết và nêu rõ lý do, đồng thời thông báo cho Cảng vụ cấp giấy phép rời cảng biết.
Điều 58. Thủ tục đối với tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời và nhập cảnh, xuất cảnh tại cảng thủy nội địa
1. Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển vào, rời và nhập cảnh, xuất cảnh tại cảng thủy nội địa thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật hàng hải đối với tàu thuyền vào, rời và nhập cảnh, xuất cảnh tại cảng biển và Nghị định này.
2. Mẫu giấy phép vào, rời cảng thủy nội địa và nhập cảnh, xuất cảnh đối với tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải.
Điều 59. Phương tiện, thủy phi cơ, tàu biển vào, rời khu neo đậu
1. Phương tiện, thủy phi cơ, tàu biển vào, rời khu neo đậu để chuyển tải hàng hóa, đón trả hành khách phải thực hiện thủ tục theo quy định như vào, rời cảng, bến thủy nội địa quy định tại Nghị định này.
2. Giấy phép vào, rời khu neo đậu theo Mẫu số 37, Mẫu số 38 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Bộ Tài chính quy định mức thu phí, lệ phí vào, rời khu neo đậu đối với phương tiện, thủy phi cơ, tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 60. Miễn, giảm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
1. Các phương tiện sau đây được miễn làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
a) Phương tiện chữa cháy; phương tiện tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; phương tiện hộ đê; phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài tránh trú bão, lũ;
b) Phương tiện của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ; phương tiện, đoàn phương tiện có Công an hộ tống hoặc dẫn đường;
c) Phương tiện chuyên dùng của đơn vị quản lý chuyên ngành đường thủy nội địa;
d) Phương tiện đón, trả hoa tiêu, tàu cá;
đ) Phương tiện vận tải hành khách ngang sông tại bến khách ngang sông;
e) Phương tiện (tàu con) chuyển tải hành khách, hàng hóa từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài (tàu mẹ) vào cảng, bến và ngược lại; trong trường hợp này, tàu mẹ phải được làm thủ tục như thủ tục vào, rời cảng, bến, khu neo đậu. Trước khi vào cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, người lái phương tiện (tàu con) quy định tại điểm này phải thông báo cho Cảng vụ biết bằng văn bản hoặc bằng hình thức thông tin phù hợp khác;
g) Phương tiện chở người, vật tư, thiết bị đến và rời khu vực nuôi, trồng thủy, hải sản, xây dựng thi công công trình trên sông, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh và trên biển;
h) Phương tiện thô sơ không kinh doanh vận tải;
i) Phương tiện vận tải hàng hóa (trừ hàng hóa nguy hiểm) có trọng tải toàn phần dưới 10 tấn;
k) Phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ vào, rời cảng thủy nội địa để tiếp nhận nhiên liệu, lương thực, thực phẩm.
2. Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ được giảm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa
a) Phương tiện vận tải hành khách đã đăng ký hoạt động trên tuyến cố định có nhiều cảng, bến thủy nội địa đón, trả hành khách, nếu không thay đổi thuyền viên, người lái phương tiện thì chỉ làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa đầu và cảng, bến thủy nội địa cuối;
b) Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ trong một chuyến vận tải hàng hóa, hành khách vào, rời nhiều cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý của một Đại diện cảng vụ mà không thay đổi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện thì chỉ làm thủ tục vào cảng, bến thủy nội địa đầu tiên và làm thủ tục rời tại cảng, bến thủy nội địa cuối cùng. Trong trường hợp này, việc di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa được Cảng vụ cấp lệnh điều động cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ. Lệnh điều động theo Mẫu số 49 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Phương tiện vận tải hành khách, thủy phi cơ thường xuyên vào, rời một cảng, bến thủy nội địa mà không thay đổi thuyền viên, người lái phương tiện và phương tiện có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực thì làm thủ tục phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa chuyến thứ nhất. Từ chuyến thứ hai trở lên chỉ thực hiện kiểm tra an toàn và cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa;
d) Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, nông sản, thủy sản từ nơi sản xuất, nuôi trồng đến cảng, bến của nhà máy chế biến mà khi rời cảng, bến này không vận chuyển hàng hóa, không thay đổi thuyền viên, người lái phương tiện thì không phải làm thủ tục rời cảng, bến;
đ) Phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý của một Đại diện Cảng vụ từ hai lần trở lên trong một ngày mà không thay đổi thuyền viên, người lái phương tiện thì Cảng vụ kiểm tra giấy tờ của phương tiện, thuyền viên lần đầu. Việc kiểm tra điều kiện an toàn các lần vào, rời thực hiện theo quy định tại Nghị định này;
e) Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào cầu, bến cảng biển hoặc khu vực hàng hải sau đó đến cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải để rời vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải, thì Cảng vụ chỉ làm thủ tục rời cảng, bến thủy nội địa;
g) Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải sau đó đến cầu, bến cảng biển trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải đó, thì Cảng vụ chỉ làm thủ tục vào cảng, bến thủy nội địa;
h) Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào cầu, bến cảng biển, cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải sau đó di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa hoặc cảng biển trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải, thì Cảng vụ cấp lệnh điều động cho phương tiện. Lệnh điều động theo Mẫu số 49 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa vào cảng, bến thủy nội địa có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa, mà trong giấy phép ghi nơi đến là cảng, bến thủy nội địa khác, thì Cảng vụ làm thủ tục cho phương tiện vào cảng, bến thủy nội địa và yêu cầu người làm thủ tục trình bày lý do thay đổi kế hoạch vận tải của phương tiện.
4. Khi phương tiện rời cảng, bến thủy nội địa chưa xác định được cảng, bến thủy nội địa đến, thì Cảng vụ ghi nơi đến (dự kiến) do người làm thủ tục đề xuất trong giấy phép rời cảng, bến.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 61. Trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động đường thủy nội địa
1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên đường thủy nội địa và tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ, tuân theo các quy định của pháp luật bảo đảm an toàn, an ninh và hiệu quả.
2. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời. Trường hợp không thống nhất, phải kịp thời thông báo cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải biết để giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm phối hợp hoạt động quản lý tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài
a) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân theo các quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, chủ tàu, chủ hàng, phương tiện và các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực cảng thủy nội địa;
b) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến phương tiện, hàng hóa, hành khách, thuyền viên khi hoạt động tại cảng thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan; thông báo cho Cảng vụ biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến phương tiện, hàng hóa, thuyền viên, hành khách khi hoạt động tại cảng thủy nội địa;
c) Cảng vụ có trách nhiệm chủ trì tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài; trao đổi với các cơ quan, doanh nghiệp thống nhất việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong hoạt động đường thủy nội địa tại vùng nước cảng thủy nội địa do mình phụ trách; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng thủy nội địa thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục; yêu cầu người khai thác cảng thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động đường thủy nội địa tại cảng thủy nội địa.
4. Cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận xây dựng, thiết lập công trình, công bố hoạt động công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; chấp thuận phương án bảo đảm giao thông; thỏa thuận xây dựng, thiết lập công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; cấp giấy phép, cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến đường thủy nội địa, quốc phòng, an ninh phải thực hiện đúng trình tự theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Điều 62. Trách nhiệm quản lý hoạt động đường thủy nội địa của Bộ Giao thông vận tải
1. Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Công bố danh mục cảng thủy nội địa 03 năm/lần, trên cơ sở rà soát, tổng hợp, báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
3. Chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thực hiện:
a) Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia;
b) Lập mẫu báo cáo, hướng dẫn thực hiện báo cáo về quản lý hoạt động khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý luồng, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; phương tiện ra, vào cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong phạm vi cả nước;
d) Công bố danh mục bến thủy nội địa, khu neo đậu hằng năm, trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Sở Giao thông vận tải;
đ) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thủy nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Công bố tuyến hoạt động của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB; quy định về quản lý phương tiện, thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này.
Điều 63. Trách nhiệm trong quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa của các bộ liên quan
1. Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
b) Tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy nội địa đối với người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; điều tra, thống kê, cung cấp dữ liệu về tai nạn giao thông đường thủy nội địa;
c) Chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương tăng cường phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi, khoáng sản khác trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá có liên quan đến luồng và hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa;
b) Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa theo quy định.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông;
b) Chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện để chủ cảng, bến thủy nội địa lập kho lưu hàng hóa, tập kết hàng hóa trên diện tích đất của cảng, bến thủy nội địa; kết hợp việc thoát lũ phù hợp với điều kiện thực tế không để cảng, bến thủy nội địa phải ngừng hoạt động khai thác trong thời gian không có lũ;
c) Phối hợp với Ủy ban nhân cấp tỉnh rà soát, giải tỏa các bến bãi tập kết hàng hóa vi phạm hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi khác.
4. Các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện phối hợp hoạt động quản lý nhà nước trên đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
Điều 64. Trách nhiệm quản lý hoạt động đường thủy nội địa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức quản lý, khai thác bến khách ngang sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng; bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.
2. Tổ chức quản lý đối với sông, kênh, hồ, đầm, phá trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, công bố mở luồng mà có hoạt động vận tải nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
3. Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng, bến thủy nội địa bảo đảm ổn định. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, kinh doanh cảng, bến thủy nội địa được giao đất, cho thuê đất, lập hồ sơ đề nghị công bố hoạt động theo quy định.
4. Tổ chức giải tỏa các bến tập kết, xếp dỡ hàng hóa không đủ điều kiện để công bố hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định.
5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa tại địa phương.
6. Chỉ đạo, tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương.
7. Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện:
a) Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thuộc phạm vi trách nhiệm được giao;
b) Lập danh bạ luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý, bến khách ngang sông trên địa bàn địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi trách nhiệm;
c) Tổ chức lực lượng Thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thủy nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này.
Điều 65. Quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
1. Hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định tại Điều 71, Điều 72 Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định này.
2. Cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia và trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.
3. Cảng vụ thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thực hiện tại địa phương chưa có tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động trên đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương và trường hợp khác do Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Điều 66. Trách nhiệm của chủ cảng, bến, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu
Chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, người quản lý khai thác cảng, bến, khu neo đậu có trách nhiệm thực hiện những quy định sau đây:
1. Duy trì hoạt động an toàn, an ninh của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, các thiết bị neo đậu phương tiện và báo hiệu đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.
2. Xây dựng nội quy hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; niêm yết giá bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá bốc xếp hàng hóa phải bố trí ở nơi thuận lợi dễ thấy, nội dung rõ ràng, dễ đọc.
3. Lắp đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm; xây dựng nơi chờ cho hành khách đối với cảng, bến đón trả hành khách; đối với cảng, bến hành khách bố trí giao thông kết nối hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi.
4. Thiết bị xếp dỡ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của công trình. Bố trí người điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có giấy chứng nhận, chứng chỉ điều khiển theo quy định của pháp luật.
5. Không tiếp nhận phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng.
6. Không xếp hàng hóa vượt quá kích thước hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện hoặc xếp ô tô quá số lượng, vượt quá trọng tải xuống phương tiện; không xếp hành khách quá số lượng theo quy định xuống phương tiện; không xếp hàng hóa lên ô tô quá tải trọng cho phép.
7. Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hóa độc hại, nguy hiểm.
8. Không cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi chưa có giấy phép vào, rời cảng, bến, khu neo đậu do Cảng vụ cấp.
9. Duy trì chuẩn tắc luồng chuyên dùng vào cảng, bến thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
10. Chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh công trình cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và hành khách, phương tiện neo đậu tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
11. Bố trí nhân lực quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh và môi trường.
12. Trường hợp cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được cho thuê, ủy quyền khai thác thì người thuê, người được ủy quyền quản lý khai thác phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quy định tại Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
13. Chủ động cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường; tuân thủ sự điều động của Cảng vụ hoặc cơ quan liên quan trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và phòng chống thiên tai.
14. Tiếp nhận, bảo quản danh sách hành khách do người làm thủ tục giao.
15. Cập nhật thường xuyên dữ liệu cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đang khai thác, số liệu phương tiện, hàng hóa, hành khách qua cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên cơ sở dữ liệu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 67. Trách nhiệm của thuyền trưởng, người lái phương tiện của phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và khu neo đậu
Thuyền trưởng, người lái phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và khu neo đậu có trách nhiệm thực hiện những quy định sau:
1. Neo đậu phương tiện tại nơi do Cảng vụ bố trí.
2. Tuân thủ nội quy cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và các quy định về phòng chống thiên tai, phòng chống cháy, nổ, sự cố môi trường; chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp.
3. Phân công người trực ca để duy trì hoạt động của động cơ, thiết bị an toàn; thiết bị thông tin liên lạc; động cơ chính của phương tiện luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động để xử lý kịp thời sự cố mất an toàn.
4. Trường hợp phát hiện trên phương tiện có người, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thực vật có khả năng gây bệnh phải báo ngay cho Cảng vụ hoặc chính quyền địa phương nơi có cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, cơ quan chức năng có liên quan và đưa phương tiện neo đậu tại khu vực riêng để có biện pháp xử lý.
5. Trong quá trình xếp, dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách phải kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn lao động, nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, phải dừng ngay việc xếp, dỡ hàng hóa để có biện pháp khắc phục. Không xếp hàng hóa vượt quá kích thước của phương tiện, quá vạch dấu mớn nước an toàn, không nhận hành khách quá số lượng theo quy định.
6. Chỉ được cho phương tiện rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi phương tiện bảo đảm ổn định, điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi. Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chịu trách nhiệm về sự an toàn, an ninh của hành khách, phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài khi rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; sau khi rời cảng, bến thủy nội địa nếu có thay đổi về thuyền viên, thuyền trưởng phải thông báo cho Cảng vụ nơi cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa.
7. Không cản trở hoặc gây khó khăn cho người thi hành công vụ, thuyền viên của phương tiện khác đi qua phương tiện mình.
8. Khi phương tiện bị trôi dạt hoặc bị thay đổi nơi neo đậu do các nguyên nhân khách quan, phải tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an toàn và báo cho Cảng vụ biết.
9. Thuyền trưởng, thuyền viên, người lái phương tiện đang hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có nghĩa vụ bắt buộc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
10. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, thuyền trưởng, thuyền viên hoặc người lái phương tiện bị nạn phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời thông báo cho Cảng vụ hoặc Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cảng, bến thủy nội địa để có biện pháp xử lý kịp thời.
11. Chấp hành sự huy động của Cảng vụ, Công an, chính quyền địa phương đưa phương tiện, thiết bị, dụng cụ tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
12. Trường hợp phương tiện bị chìm đắm, sau khi cứu người, tài sản, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định, tổ chức cảnh báo và báo cáo ngay cho chủ phương tiện để tiến hành trục vớt. Việc xử lý phương tiện, tài sản chìm đắm tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa áp dụng theo quy định của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên đường thủy nội địa.
13. Thuyền trưởng phương tiện thủy nước ngoài phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột cao nhất; trường hợp cần treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình, phải thông báo trước cho Cảng vụ.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 68. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 3 năm 2021.
2. Bãi bỏ Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 10 Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
3. Bãi bỏ quy định liên quan đến thủ tục điện tử đối với phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia nhập cảnh, xuất cảnh tại cảng thủy nội địa Việt Nam và phương tiện thủy nội địa Việt Nam xuất cảnh tại cảng thủy nội địa đi Campuchia tại Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Điều 69. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với luồng quốc gia đã được công bố đưa vào hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục tổ chức quản lý, bảo trì; đồng thời rà soát, phân loại, điều chuyển tài sản để đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
2. Trường hợp các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được chấp thuận chủ trương xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và còn thời hạn thì tiếp tục được thực hiện theo nội dung của văn bản đã chấp thuận; trường hợp, thời hạn của văn bản chấp thuận đã hết mà chưa triển khai thực hiện dự án, nếu tiếp tục đầu tư xây dựng thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Cảng, bến thủy nội địa đã công bố, cấp phép hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, được khai thác theo thời hạn ghi trong quyết định, giấy phép. Khi hết thời hạn, nếu tiếp tục khai thác thì thực hiện công bố lại hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
4. Đối với cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển do các Cảng vụ thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện chức năng quản lý đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, hoạt động quản lý cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
5. Đối với cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển đã được chấp thuận chủ trương xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo văn bản chấp thuận; cơ quan chấp thuận chủ trương xây dựng cảng, bến thủy nội địa công bố hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.
6. Thời hạn lưu trữ của giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa, giấy phép rời cảng biển đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tính theo quy định tại khoản 7 Điều 54 Nghị định này.
Điều 70. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|