Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 1995

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 39-L/CTN

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1995

LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 12 năm 1991.
Điều 1
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam như sau:
1- Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6
1- Quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng bao gồm:
a) Lập quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển ngành hàng không dân dụng;
b) Ban hành các văn bản pháp quy; ký kết, tham gia và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế về hàng không dân dụng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
c) Thiết lập, quản lý và tổ chức khai thác các đường hàng không; quản lý vùng thông báo bay và quản lý bay; quy hoạch và quản lý hệ thống kỹ thuật thông tin phục vụ hoạt động hàng không dân dụng;
d) Quy hoạch, thành lập, đăng ký, quản lý và tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay dân dụng;
đ) Quản lý vận chuyển hàng không; quản lý các đề án thành lập, sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp vận chuyển hàng không và các dự án hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
e) Đăng ký tầu bay; quản lý việc nhập khẩu, xuất khẩu tầu bay, trang bị, thiết bị, vật tư phục vụ hàng không dân dụng; quản lý, giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng tầu bay, động cơ tầu bay, việc sản xuất trang bị, thiết bị của tầu bay và các trang bị, thiết bị, vật tư khác phục vụ hoạt động hàng không dân dụng;
g) Cấp, đình chỉ, gia hạn, sửa đổi, thu hồi hoặc huỷ bỏ các chứng chỉ, bằng, giấy phép và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan tới hoạt động hàng không dân dụng;
h) Tổ chức và bảo đảm thực hiện an ninh, an toàn hàng không, an ninh quốc gia; tổ chức và bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến bay chuyên cơ và các chuyến bay đặc biệt;
i) Tổ chức việc tìm kiếm – cứu nguy và điều tra tai nạn hàng không;
k) Quản lý việc đào tạo, tuyển chọn và phát triển nhân lực của ngành hàng không dân dụng;
l) Quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng không dân dụng; bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng;
m) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động hàng không dân dụng.
2- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng trong cả nước.
Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng là cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định”.
2- Khoản 1 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Tầu bay thuộc sở hữu của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tầu bay của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật này và của các pháp nhân Việt Nam khác có trụ sở hoạt động chính tại Việt Nam thì được phép đăng ký tại Việt Nam.
Tầu bay của tổ chức, cá nhân nước ngoài và tầu bay của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ doanh nghiệp vận chuyển hàng không nói tại khoản 1 Điều 55 của Luật này, có thể được đăng ký tại Việt Nam theo điều kiện do Chính phủ quy định”.
3- Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27
1- Cảng vụ hàng không trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng, đứng đầu là Giám đốc, thực hiện chức năng quản lý cảng hàng không, sân bay; bảo đảm an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; thu lệ phí, phí sử dụng cảng hàng không, sân bay.
Giám đốc Cảng vụ hàng không có trách nhiệm chủ trì phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khác tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm duy trì trật tự công cộng, an ninh, an toàn hàng không, vệ sinh môi trường; cung ứng các dịch vụ hàng không, dịch vụ công cộng tiện lợi, văn minh, lịch sự tại cảng hàng không, sân bay.
2- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng không và quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay do Chính phủ quy định.
Các cơ quan quản lý Nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay được Giám đốc Cảng vụ hàng không bố trí nơi làm việc thích hợp tại cảng hàng không, sân bay.
Trong trường hợp có sự cố xảy ra ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới an ninh và an toàn tại cảng hàng không, sân bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định tạm thời đóng cửa cảng hàng không, sân bay dân dụng không quá 24 giờ, đồng thời phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng.
3- Giám đốc Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay có liên quan đến quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác cảng hàng không, sân bay”.
4- Điều 43 được bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Cơ quan quản lý bay có trách nhiệm duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm quản lý bay của các quốc gia lân cận trong việc điều hành bay để bảo đảm an toàn cho các tầu bay bay theo các đường hàng không và các vùng thông báo bay của Việt Nam”.
5- Điều 53 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 53
1- Trong trường hợp xảy ra tai nạn tầu bay gây hậu quả ít nghiêm trọng, Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng có trách nhiệm sau đây:
a) Điều tra nhằm làm rõ sự kiện, điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân và mức độ thiệt hại của vụ tai nạn;
b) áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xẩy ra;
c) Công bố kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn;
d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương trong việc điều tra tai nạn tầu bay và hướng dẫn hoạt động phòng, chống tai nạn.
2- Nếu tai nạn liên quan đến tầu bay công vụ Nhà nước, thì Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng phải phối hợp với cơ quan chủ quản tầu bay đó để tiến hành điều tra theo các quy định của pháp luật.
3- Trong trường hợp xảy ra tai nạn tầu bay gây hậu quả nghiêm trọng, thì Chính phủ thành lập Uỷ ban điều tra tai nạn tầu bay.
4- Trong việc tiến hành điều tra tai nạn tầu bay, Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng, Uỷ ban điều tra tai nạn tầu bay có quyền kiểm tra, khám nghiệm tầu bay, trang bị, thiết bị, vật tư của tầu bay, tài sản được vận chuyển trên tầu bay bị tai nạn và tầu bay có liên quan đến vụ tai nạn. Trong trường hợp tai nạn gây tử vong, thì tổ chức chuyên môn do Chính phủ quy định có quyền giữ tử thi để khám nghiệm, bảo đảm cho việc điều tra tai nạn.
5- Chủ sở hữu, người khai thác tầu bay, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến tai nạn tầu bay cho Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng, Uỷ ban điều tra tai nạn tầu bay.
6- Trong trường hợp tầu bay dân dụng nước ngoài bị tai nạn trên lãnh thổ Việt Nam, thì Chính phủ Việt Nam có thể chấp nhận người được quốc gia nơi đăng ký tầu bay chỉ định làm quan sát viên trong quá trình điều tra tai nạn.”
6- Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 55
1- Doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam nói tại Luật này là doanh nghiệp vận chuyển hàng không được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở hoạt động chính tại Việt Nam; trong trường hợp doanh nghiệp vận chuyển hàng không là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì Bên Việt Nam phải có đủ điều kiện về vốn và quyền kiểm soát thực tế theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
2- Chỉ có doanh nghiệp vận chuyển hàng không quy định tại khoản 1 Điều này mới được vận chuyển công cộng bằng tầu bay.
3- Giấy phép thành lập doanh nghiệp vận chuyển hàng không do Thủ trưởng Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng cấp, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.
4- Thủ trưởng Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng quy định điều kiện đối với chuyến bay thường lệ, điều kiện và giới hạn thực hiện chuyến bay không thường lệ; cấp, gia hạn giấy phép khai thác đối với vận chuyển thường lệ và không thường lệ cho doanh nghiệp vận chuyển hàng không.
5- Giấy phép thành lập, giấy phép khai thác có thể bị huỷ bỏ, thu hồi hoặc đình chỉ sử dụng khi doanh nghiệp vận chuyển hàng không có vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp; vi phạm điều kiện kinh doanh, điều kiện khai thác hoặc các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không;
b) Không bắt đầu kinh doanh trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh hoặc kể từ ngày được cấp giấy phép khai thác;
c) Ngừng hoạt động kinh doanh quá sáu tháng.
Thủ trưởng Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng có quyền huỷ bỏ, thu hồi hoặc đình chỉ sử dụng giấy phép thành lập, giấy phép khai thác của doanh nghiệp vận chuyển hàng không.
6- Chính phủ quy định thủ tục, điều kiện cấp, gia hạn, huỷ bỏ, thu hồi hoặc đình chỉ sử dụng giấy phép thành lập, đăng ký kinh doanh, giấy phép khai thác của doanh nghiệp vận chuyển hàng không.
7- Ngoài các quy định của Luật này, việc thành lập, hoạt động, giải thể của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không còn phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.
7- Khoản 1 và khoản 2 Điều 58 được đánh số thành khoản 2 và khoản 3 và Điều này được bổ sung khoản 1 như sau:
” 1- Việc trao đổi quyền thông thương hàng không giữa Việt Nam và quốc gia khác được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật của nhau; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về cơ hội khai thác, về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các hãng hàng không của Việt Nam và của quốc gia khác được chỉ định để thực hiện các quyền thông thương hàng không”.
8- Quy định tại Điều 70 được đánh số thành khoản 1 và Điều này được bổ sung khoản 2 và khoản 3 như sau:
“2- Mọi tranh chấp giữa hành khách và người vận chuyển xảy ra trong chuyến bay được giải quyết tại cảng hàng không, sân bay.
3- Khi tới cảng hàng không, sân bay, hành khách phải rời khỏi tầu bay theo sự chỉ dẫn của nhân viên hoặc đại lý của người vận chuyển. Hành khách không được ở lại trong tầu bay vì lý do tranh chấp với người vận chuyển xảy ra trong chuyến bay.”
9- Điều 71 được sửa đổi, bổ sung như sau:
” Điều 71
Nguyên tắc xây dựng, điều kiện áp dụng giá cước, khung giá cước vận chuyển hàng không do Chính phủ quy định.
Giá cước vận chuyển thường lệ do các doanh nghiệp vận chuyển hàng không trình Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng phê duyệt.”
10- Khoản 1 Điều 78 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1- Người vận chuyển không được hưởng mức giới hạn trách nhiệm dân sự trong trường hợp người vận chuyển, nhân viên hoặc đại lý của người vận chuyển có lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng gây ra thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ.
Người vận chuyển chỉ được hưởng mức giới hạn trách nhiệm dân sự như mức giới hạn trách nhiệm dân sự trong việc vận chuyển quốc tế bằng tầu bay theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.
11- Điều 90 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 90
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tầu bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất trong lãnh thổ Việt Nam phải bồi thường thiệt hại, nhưng không vượt quá mức giới hạn 1.000 đô-la Mỹ đối với mỗi kilôgram trọng lượng tầu bay cho mỗi tầu bay và mỗi sự kiện gây thiệt hại.
2- Trọng lượng tầu bay nói tại khoản 1 Điều này là trọng lượng cất cánh tối đa được phép của tầu bay theo chứng chỉ đủ điều kiện bay, trừ sự ảnh hưởng của việc bơm hơi hoặc khí khi sử dụng.
3- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc gây tử vong hoặc tổn hại sức khoẻ không vượt quá 150.000 đô-la Mỹ đối với mỗi người chết hoặc bị thương.”
12- Tên của Chương VIII được sửa đổi, bổ sung thành “Thanh tra an toàn hàng không và bảo đảm an ninh hàng không”.
Điều 2
1- Bổ sung Điều 93a như sau:
“Điều 93a
Các quy định tại Mục này cũng được áp dụng đối với tầu bay đang bay gây thiệt hại cho tầu, thuyền và các công trình của Việt Nam ở các vùng nước trong lãnh thổ Việt Nam, các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, các vùng biển và các vùng đất, vùng nước không thuộc chủ quyền và quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào”.
2- Bổ sung Điều 97a như sau:
“Điều 97a
1. Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh hàng không, Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, các cơ quan Nhà nước hữu quan khác và chính quyền địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay hoặc nơi lắp đặt các trang bị, thiết bị phục vụ hàng không soạn thảo Chương trình an ninh hàng không quốc gia và các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không trình Chính phủ ban hành;
b) Phê duyệt Chương trình an ninh hàng không của các cảng hàng không, sân bay và của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không;
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các Chương trình an ninh hàng không và các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không;
d) Xây dựng Chương trình huấn luyện về an ninh hàng không;
đ) Cung cấp kịp thời các thông tin về an ninh hàng không;
e) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng không.
2- Cảng vụ hàng không phải tổ chức thực hiện các Chương trình an ninh hàng không; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan, các cơ quan khác có liên quan và chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trong hoạt động hàng không dân dụng; bảo đảm an ninh cho tầu bay dân dụng, tầu bay công vụ Nhà nước, tầu bay nước ngoài đi và đến các cảng hàng không, sân bay dân dụng Việt Nam.
3- Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành hàng không dân dụng phải đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các Chương trình an ninh hàng không; áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho tầu bay, hành khách và tổ bay khi có hành vi cướp, phá hoặc các hành vi trái pháp luật khác trong khi bay.
4- Hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện và các đồ vật phục vụ chuyến bay phải được kiểm tra an ninh trước khi được đưa lên tầu bay. Trong trường hợp phát hiện hành khách hoặc hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật khác có dấu hiệu vi phạm quy định về an ninh hàng không, an ninh quốc gia, thì hành khách hoặc hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, đồ vật đó có thể bị đình chỉ vận chuyển trong chuyến bay đó.”
Điều 3
1- Các cụm từ “Hội đồng Bộ trưởng” và “Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng” nói tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam được thay thế bằng các cụm từ tương ứng là “Chính phủ” và “Thủ tướng Chính phủ”.
2- Các cụm từ “Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện” và “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện” nói tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam được thay thế bằng các cụm từ tương ứng là “Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng” và “Thủ trưởng Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng”.
3- Các cụm từ “Cơ quan không lưu” nói tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam được thay thế bằng các cụm từ “Cơ quan quản lý bay”.
Điều 4
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 20 tháng 4 năm 1995.
Nông Đức Mạnh
(Đã ký)