Nghị định số 18/2024/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

Số: 18/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

VỀ NGHI LỄ ĐỐI NGOẠI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cảnh vệ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Chính phủ ban hành Nghị định về Nghi lễ đối ngoại.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:

a) Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;

b) Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;

c) Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

2. Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đón, tiếp các đối tượng khách khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan Đảng và Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nghi lễ đối ngoại quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

2. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước” gồm Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội.

3. “Khách cấp cao nước ngoài” gồm Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền; Người đứng đầu Chính phủ và cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ; Người đứng đầu Nghị viện, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện và các cấp tương đương; một số khách nước ngoài khác được quy định tại Nghị định này.

4. “Người đứng đầu Nghị viện” là Người đứng đầu cơ quan lập pháp của các quốc gia bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và cấp tương đương.

5. “Trưởng các cơ quan của Nghị viện” gồm Người đứng đầu các Hội đồng, Ủy ban chuyên môn thuộc Nghị viện và cấp tương đương.

6. “Thăm cấp nhà nước”, “thăm chính thức”, “thăm làm việc”, “thăm nội bộ”,“thăm cá nhân” là danh nghĩa chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài, chỉ tính chất, mức độ của chuyến thăm:

a) “Thăm cấp nhà nước” là chuyến thăm được áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho: Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền là khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyên thủ quốc gia nước khách là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) “Thăm chính thức” là chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với các nghi lễ và các biện pháp lễ tân thấp hơn so với chuyến thăm cấp nhà nước và được quy định cụ thể tại Nghị định này;

c) “Thăm làm việc” là chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời làm việc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với chương trình làm việc được hai bên trao đổi, thống nhất áp dụng các biện pháp lễ tân rút gọn, đơn giản;

d) “Thăm nội bộ” là chuyến thăm làm việc không đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của khách cấp cao nước ngoài đến Việt Nam theo thỏa thuận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam để trao đổi về các vấn đề riêng trong quan hệ giữa hai Bên;

đ) “Thăm cá nhân” là chuyến thăm thực hiện các mục đích cá nhân, đồng thời có thể kết hợp thực hiện mục đích tăng cường quan hệ song phương thông qua quan hệ cá nhân với cá nhân giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với khách cấp cao nước ngoài.

7. “Lễ đón cấp nhà nước”, “Lễ đón chính thức”, “Hội đàm cấp nhà nước”, “Hội đàm chính thức”,“Chiêu đãi cấp nhà nước”, “Chiêu đãi chính thức” là những hoạt động chính trong chương trình chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đồng cấp chủ trì.

8. “Tiếp xúc cấp cao” hoặc “hội kiến” là cuộc tiếp xúc của khách cấp cao nước ngoài với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

9. “Cơ quan chủ trì” là cơ quan chủ trì tổ chức các hoạt động đón, tiếp, đoàn khách nước ngoài và chủ trì tổ chức sự kiện quốc tế.

10. “Trường hợp đặc biệt” là trường hợp được cơ quan chủ trì đề xuất áp dụng một số biện pháp lễ tân quy định tại Nghị định này hoặc của khách cấp cao hơn được quy định trong Nghị định này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

11. “Cơ quan đại diện nước ngoài” gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

12. “Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài” là Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao bao gồm Đại sứ thường trú tại Việt Nam và Đại sứ không thường trú (sau đây gọi chung là Đại sứ).

13. “Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự” là Người đứng đầu cơ quan đại diện lãnh sự tại các địa phương (sau đây gọi chung là Tổng lãnh sự).

14. “Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam” là Người đứng đầu tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là Trưởng Đại diện).

15. “Năm tròn”, “năm khác” là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện:

a) “Năm tròn” là năm có chữ số cuối cùng là “0”;

b) “Năm khác” là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

16. “Gác tiêu binh danh dự” là việc bố trí hai hay một số tiêu binh danh dự; “Đội hình tiêu binh danh dự” là việc sắp xếp tiêu binh danh dự thành hai hàng tiêu binh danh dự.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại

1. Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.

3. Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách.

4. Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Chương II

ĐÓN, TIẾP CÁC ĐOÀN KHÁCH CẤP CAO NƯỚC NGOÀI THĂM CẤP NHÀ NƯỚC, THĂM CHÍNH THỨC

Điều 5. Danh nghĩa các chuyến thăm cấp cao

1. Bộ Ngoại giao thỏa thuận với nước khách về danh nghĩa từng chuyến thăm của Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ, Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ:

a) Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm nội bộ và thăm cá nhân; Phó Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân;

Danh nghĩa thăm cấp nhà nước chỉ áp dụng cho Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền nước khách thăm Việt Nam;

Một năm tổ chức đón không quá 03 đoàn thăm cấp nhà nước. Bộ Ngoại giao thống nhất với Bộ Ngoại giao nước khách về chương trình chuyến thăm từ 03 đến 06 tháng trước khi diễn ra chuyến thăm;

b) Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ nước khách thực hiện chuyến thăm theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân.

2. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thỏa thuận với nước khách về danh nghĩa từng chuyến thăm của Người đứng đầu Nghị viện nước khách, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách theo một trong các danh nghĩa: thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân.

Điều 6. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cho phép đại diện cộng đồng nước khách ra sân bay đón đoàn nếu Cơ quan đại diện nước ngoài có yêu cầu.

2. Lễ đón cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân đón Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam; bắn 21 loạt đại bác khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Chủ tịch nước giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Nguyên thủ quốc gia nước khách giới thiệu các thành viên đoàn chính thức với Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với hai Nguyên thủ quốc gia và Phu nhân hoặc Phu quân;

Chủ tịch nước cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách trở lại bục danh dự. Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách được mời vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách vào phòng Gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm cấp nhà nước. Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính;

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi cấp nhà nước:

a) Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – nước khách, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – nước khách, các thành viên tham dự lễ đón, hội đàm cấp nhà nước, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách, một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Việc mời thành phần phía Việt Nam dự chiêu đãi cấp nhà nước trên cơ sở tương ứng thành phần đoàn khách và yêu cầu chính trị của chuyến thăm;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam mở đầu tiệc chiêu đãi;

Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng;

Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

7. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn như: huy động quần chúng tham gia lễ đón tại sân bay hoặc Phủ Chủ tịch; mời Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân tham dự một số hoạt động chính thức cùng với Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân; mời một số Đại sứ tham dự lễ đón cấp nhà nước và chiêu đãi cấp nhà nước; tổ chức biểu diễn văn nghệ chào mừng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Điều 7. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước theo hai chức danh

1. Việc đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được tổ chức như sau:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón, hội đàm và chiêu đãi cấp nhà nước Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách);

b) Chủ tịch nước đồng chủ trì chiêu đãi cấp nhà nước cùng với Tổng Bí thư, có hội kiến riêng và mời cơm thân Trưởng đoàn khách.

2. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao.

b) Nghi thức: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại mục b khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

3. Lễ đón cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón.

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng), Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân đón Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam; bắn 21 loạt đại bác khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Trưởng đoàn nước khách duyệt Đội danh dự;

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Trưởng đoàn nước khách;

Tổng Bí thư giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Trưởng đoàn nước khách giới thiệu các thành viên đoàn chính thức với Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân, Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Tổng Bí thư cùng Trưởng đoàn nước khách trở lại bục danh dự. Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách được mời vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Trưởng đoàn nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách vào phòng gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm cấp nhà nước. Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính.

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

4. Gặp hẹp và Hội đàm cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

5. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Trưởng đoàn nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

6. Chiêu đãi cấp nhà nước:

a) Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự trước cửa phòng tiệc;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – nước khách, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – nước khách, các thành viên tham dự lễ đón, hội đàm cấp nhà nước, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách, một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Việc mời thành phần phía Việt Nam dự chiêu đãi cấp nhà nước trên cơ sở tương ứng thành phần đoàn khách và yêu cầu chính trị của chuyến thăm;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam mở đầu tiệc chiêu đãi;

Tổng Bí thư đọc diễn văn chào mừng;

Trưởng đoàn nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

7. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

8. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định này hoặc theo đề án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì lễ đón chính thức;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón và duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại mục c, d, đ khoản 2 Điều 6 Nghị định này nhưng không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước;

d) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Chủ tịch nước và Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng); các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng;

Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 9. Đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm chính thức theo hai chức danh

1. Việc đón, tiếp Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được tổ chức như sau:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón, hội đàm và chiêu đãi chính thức Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách);

b) Chủ tịch nước đồng chủ trì chiêu đãi chính thức cùng với Tổng Bí thư, có hội kiến riêng và mời cơm thân Trưởng đoàn khách.

2. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia thăm chính thức quy định tại mục b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

3. Lễ đón chính thức:

a) Tổng Bí thư chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân (Phu quân) Tổng Bí thư nếu Phu nhân (Phu quân) Trưởng đoàn khách đi cùng, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón và duyệt Đội danh dự quân đội nhân dân Việt Nam: thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước quy định tại mục c, d, đ khoản 3 Điều 7 Nghị định này nhưng không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước;

d) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

4. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Tổng Bí thư và Trưởng đoàn nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

5. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Trưởng đoàn nước khách tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

6. Chiêu đãi chính thức:

a) Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự trước cửa phòng tiệc;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Tổng Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn nước khách đi cùng); các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: Các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Tổng Bí thư đọc diễn văn chào mừng;

Trưởng đoàn nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

7. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

8. Một số biện pháp đặc biệt khác có thể được thực hiện theo đề án lễ tân đón đoàn theo đề án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Đón tiếp Người đứng đầu Đảng cầm quyền không giữ chức vụ Nhà nước là khách mời của Tổng Bí thư

Việc đón tiếp Người đứng đầu Đảng cầm quyền không giữ chức vụ Nhà nước là khách mời của Tổng Bí thư theo danh nghĩa chuyến thăm được thực hiện theo đề án riêng. Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao căn cứ theo yêu cầu chính trị của chuyến thăm đề xuất các biện pháp nghi lễ (tương đương thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11. Đón, tiếp Người đứng đầu Chính phủ thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ đón chính thức;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách đi cùng), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách; lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón:

Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân đón Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thiếu nhi vẫy cờ hai nước;

d) Nghi thức duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam:

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách bước lên bục danh dự; Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách được mời đến vị trí đầu hàng các quan chức Việt Nam;

Quân nhạc cử Quốc thiều nước khách và Quốc thiều Việt Nam;

Đội trưởng Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam chào, báo cáo và mời Người đứng đầu Chính phủ nước khách duyệt Đội danh dự;

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách duyệt Đội danh dự;

Đội danh dự chúc sức khỏe Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Thủ tướng Chính phủ giới thiệu các quan chức Việt Nam tham gia lễ đón với Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Người đứng đầu Chính phủ nước khách giới thiệu các thành viên đoàn với Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân;

Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước giới thiệu một số Đại sứ (nếu được mời) với Thủ tướng Chính phủ, Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Thủ tướng Chính phủ cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách trở lại bục danh dự. Hai Phu nhân hoặc Phu quân được mời đứng vào vị trí phía sau bục danh dự;

Đội danh dự diễu binh;

đ) Sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Chính phủ;

Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách vào phòng Gặp hẹp hoặc phòng Hội đàm chính thức. Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ tiếp riêng Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh chính;

e) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Thủ tướng Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Người đứng đầu Chính phủ nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Thủ tướng Chính phủ chủ trì tiệc chiêu đãi.

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự.

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Thủ tướng Chính phủ (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Chính phủ nước khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách.

d) Nghi thức:

Thủ tướng Chính phủ đọc diễn văn chào mừng;

Người đứng đầu Chính phủ nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 12. Đón, tiếp Người đứng đầu Nghị viện thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hoặc lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Văn phòng Quốc hội;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách đi cùng), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một số lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, một số đại biểu Quốc hội tương ứng với thành phần chính thức đoàn khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

c) Nghi thức đón:

Trải thảm đỏ từ cửa Nhà Quốc hội đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ;

Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân đón Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách;

Tặng hoa Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

d) Sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Người đứng đầu Nghị viện nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm. Chủ tịch Quốc hội và Người đứng đầu Nghị viện nước khách vào phòng gặp hẹp hoặc phòng hội đàm; Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách chia tay tại nơi đỗ xe của Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách.

3. Hội đàm chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội và Người đứng đầu Nghị viện nước khách đồng chủ trì hội đàm;

b) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

c) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp Người đứng đầu Nghị viện nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Chủ tịch Quốc hội chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Chủ tịch Quốc hội (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Người đứng đầu Nghị viện nước khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức. Trong trường hợp cần thiết, mời một số đại biểu Quốc hội, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Chủ tịch Quốc hội đọc diễn văn chào mừng;

Người đứng đầu Nghị viện nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 13. Đón, tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Cục Lễ tân Nhà nước, lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao.

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Phó Chủ tịch nước chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc Phu quân Phó Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, các thành viên tham gia hội đàm chính thức, lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

c) Nghi thức đón:

Trải thảm đỏ trải dọc trên bậc thềm từ cửa chính Phủ Chủ tịch đến nơi đỗ xe của Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ;

Phó Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân đón Phó Nguyên thủ quốc gia và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi đỗ xe của Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách;

Thiếu nhi tặng hoa Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Phó Chủ tịch nước giới thiệu các thành viên dự lễ đón phía Việt Nam;

Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách giới thiệu các thành viên đoàn khách;

d) Sau lễ đón, Phó Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Phó Chủ tịch nước và Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách vào phòng hội đàm;

Phu nhân hoặc Phu quân Phó Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách chia tay tại nơi đỗ xe của Phu nhân hoặc Phu quân Phó Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách.

3. Hội đàm chính thức:

a) Phó Chủ tịch nước và Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

b) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm.

4. Tiếp xúc cấp cao: thu xếp theo thỏa thuận của hai bên.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Phó Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Thành phần:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Phó Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Phó Nguyên thủ nước khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức. Trong trường hợp cần thiết, mời một số quan chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số quan chức tùy tùng và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

c) Nghi thức:

Phó Chủ tịch nước phát biểu chào mừng;

Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

d) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 14. Đón, tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền thăm chính thức theo hai chức danh

1. Việc đón, tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền thăm chính thức theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Phó Chủ tịch nước được tổ chức như sau:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì lễ đón, hội đàm và chiêu đãi chính thức Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền (sau đây gọi là Trưởng đoàn khách);

b) Phó Chủ tịch nước đồng chủ trì chiêu đãi chính thức cùng với Thường trực Ban Bí thư; có hội kiến riêng và mời cơm thân Trưởng đoàn khách.

2. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Ban Đối ngoại Trung ương hoặc cấp tương đương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Cục Lễ tân Nhà nước, lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Vụ Lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức:

Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn khách;

Tặng hoa Trưởng đoàn khách và Phu nhân hoặc Phu quân.

3. Lễ đón chính thức:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì lễ đón;

b) Thành phần: Phu nhân (Phu quân) Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nếu Phu nhân (Phu quân) Trưởng đoàn khách đi cùng, Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, các thành viên tham gia hội đàm chính thức, lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Ban Đối ngoại Trung ương, lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

c) Nghi thức đón:

Trải thảm đỏ trải dọc trên bậc thềm từ cửa chính Phủ Chủ tịch đến nơi đỗ xe của Trưởng đoàn khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm đỏ;

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân đón Trưởng đoàn khách và Phu nhân hoặc Phu quân tại nơi xe đỗ;

Thiếu nhi tặng hoa Trưởng đoàn khách và Phu nhân hoặc Phu quân;

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giới thiệu các thành viên dự lễ đón phía Việt Nam;

Trưởng đoàn khách giới thiệu các thành viên đoàn khách;

d) Sau lễ đón, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân cùng Trưởng đoàn khách và Phu nhân hoặc Phu quân chụp ảnh lưu niệm;

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Trưởng đoàn khách vào phòng hội đàm;

Phu nhân hoặc Phu quân Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn khách chia tay tại nơi đỗ xe của Phu nhân hoặc Phu quân Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn khách.

4. Hội đàm chính thức:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng Trưởng đoàn khách chủ trì hội đàm;

b) Thành phần tham dự hội đàm phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm.

5. Tiếp xúc cấp cao: thu xếp theo thỏa thuận của hai bên.

6. Chiêu đãi chính thức:

a) Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phó Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Thành phần:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc Phu quân Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và Phu nhân hoặc Phu quân Phó Chủ tịch nước (nếu Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn khách đi cùng), các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức. Trong trường hợp cần thiết, mời một số quan chức, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số quan chức tùy tùng và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

c) Nghi thức:

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chào mừng;

Trưởng đoàn khách đáp từ;

d) Tại tiệc chiêu đãi có biểu diễn nghệ thuật chào mừng đoàn.

7. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón.

Điều 15. Đón, tiếp cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách thăm chính thức

1. Đón, tiễn tại sân bay:

a) Lãnh đạo cấp Vụ Bộ Ngoại giao đón, tiễn cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách;

b) Lãnh đạo cấp Vụ Văn phòng Quốc hội đón, tiễn cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách.

2. Lễ đón, hội đàm, chiêu đãi:

a) Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì các hoạt động chính thức đối với khách đồng cấp;

b) Lễ đón: đón, chụp ảnh chung với cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách;

c) Thành phần phía Việt Nam tham dự lễ đón và hội đàm: tương ứng với thành phần của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Chiêu đãi:

Phía Việt Nam: các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức. Trong trường hợp cần thiết, mời một số nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

Chủ tiệc phát biểu chúc rượu;

Trưởng đoàn khách đáp từ;

Trường hợp đặc biệt, có thể tổ chức biểu diễn văn nghệ trong khi chiêu đãi.

3. Tiếp xúc cấp cao: theo thỏa thuận của hai bên.

Chương III

ĐÓN, TIẾP CÁC ĐOÀN KHÁCH CẤP CAO NƯỚC NGOÀI THĂM LÀM VIỆC, THĂM NỘI BỘ, THĂM CÁ NHÂN, QUÁ CẢNH

Điều 16. Đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm làm việc

1. Đón, tiếp Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức, không trang trí đường phố, không bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sân bay, không có mô-tô hộ tống.

2. Đón, tiếp Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức, không có mô-tô hộ tống.

3. Đón, tiếp Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm làm việc thực hiện như đối với chuyến thăm chính thức nhưng không tổ chức lễ đón chính thức.

4. Ăn trưa hoặc ăn tối của các chuyến thăm làm việc:

a) Thành phần dự tiệc:

Phía Việt Nam: các thành viên tham gia đón, tiễn, làm việc;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng và cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

b) Chủ tiệc phát biểu chúc rượu, Trưởng đoàn khách đáp từ.

Điều 17. Đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm nội bộ

Việc đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm nội bộ thực hiện như đối với chuyến thăm làm việc với thành phần tham dự hẹp hơn. Các biện pháp lễ tân được triển khai theo đề án đón tiếp được phê duyệt.

Điều 18. Đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm cá nhân

Việc đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài thăm cá nhân thực hiện theo quy định sau:

1. Đối với Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ thăm cá nhân: Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao đón, tiễn tại sân bay.

2. Đối với Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cá nhân: Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đón, tiễn tại sân bay.

3. Đối với Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm cá nhân: lãnh đạo Cục Lễ tân Nhà nước và lãnh đạo Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao đón, tiễn tại sân bay.

4. Đối với Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền: đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương đón, tiễn tại sân bay.

5. Đối với Người đứng đầu Nghị viện, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện thăm cá nhân: lãnh đạo cấp Vụ, Văn phòng Quốc hội đón, tiễn tại sân bay.

6. Trường hợp đặc biệt, lãnh đạo cấp tương đương của Việt Nam tiếp và mời cơm Trưởng đoàn khách.

Điều 19. Đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài quá cảnh

Việc đón, tiếp khách cấp cao nước ngoài quá cảnh thực hiện theo quy định sau:

1. Đối với Nguyên thủ quốc gia nước khách quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc cấp tương đương đón, tiếp.

2. Đối với Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đón, tiếp.

3. Đối với Người đứng đầu Chính phủ nước khách quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Bộ trưởng hoặc cấp tương đương đón, tiếp.

4. Đối với cấp Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc cấp tương đương đón, tiếp.

5. Đối với Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền nước khách quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hoặc cấp tương đương đón, tiếp.

6. Đối với cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ nước khách quá cảnh tại sân bay Nội Bài: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hoặc cấp tương đương đón, tiếp.

7. Đối với các đoàn khách của Nghị viện các nước, các tổ chức Nghị viện quốc tế quá cảnh tại sân bay Nội Bài: lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại hoặc lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đón, tiếp.

8. Đối với khách cấp cao nước ngoài quá cảnh tại sân bay địa phương: lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đón, tiếp.

9. Nếu đoàn khách cấp cao nước ngoài có nhu cầu nghỉ lại, cơ quan đầu mối phối hợp với cơ quan đại diện nước ngoài thu xếp ăn ở, đi lại cho đoàn.

10. Theo thỏa thuận của hai bên, có thể thu xếp cấp tương đương hoặc thấp hơn một cấp chủ trì làm việc và chiêu đãi đoàn khách.

Chương IV

ĐÓN, TIẾP BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN CỦA NGHỊ VIỆN VÀ MỘT SỐ KHÁCH KHÁC

Điều 20. Đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương

1. Đón, tiếp Bộ trưởng hoặc cấp tương đương:

a) Lãnh đạo cấp Cục hoặc Vụ phụ trách đối ngoại hoặc đơn vị phụ trách đón tiếp của Bộ, cơ quan mời khách đón, tiễn đoàn tại sân bay;

b) Bộ trưởng hoặc cấp tương đương mời khách chủ trì đón, tiếp, hội đàm, chiêu đãi.

c) Tiếp xúc cấp cao: thu xếp theo thỏa thuận của hai bên;

d) Thành phần tham dự các hoạt động chính thức do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương mời khách quyết định.

2. Đón, tiếp Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương:

a) Lãnh đạo cấp Vụ Văn phòng Quốc hội đón, tiễn đoàn tại sân bay;

b) Chủ nhiệm Ủy ban tương ứng hoặc cấp tương đương mời khách chủ trì đón, tiếp, hội đàm, chiêu đãi;

c) Tiếp xúc cấp cao: thu xếp theo thỏa thuận của hai bên;

d) Thành phần tham dự các hoạt động chính thức do Chủ nhiệm Ủy ban hoặc cấp tương đương mời khách quyết định.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về nghi lễ đón, tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo của lực lượng vũ trang nước khách thăm Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và mức độ đón, tiếp khách của Việt Nam được quy định tại Nghị định này.

Điều 21. Đón, tiếp một số khách khác

1. Đối với Chủ tịch Hội đồng châu Âu thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Chủ tịch nước, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm.

2. Đối với Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Thủ tướng Chính phủ, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm. Đối với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Phó Thủ tướng Chính phủ, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với cấp phó Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm.

3. Đối với Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Chủ tịch nước, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với Nguyên thủ quốc gia nước khách theo danh nghĩa chuyến thăm nhưng không tổ chức cử Quốc thiều và duyệt đội danh dự. Đối với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Phó Chủ tịch nước, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với cấp phó Nguyên thủ quốc gia nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm.

4. Đối với Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và một số diễn đàn liên nghị viện khác thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Chủ tịch Quốc hội, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm. Đối với Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) thăm chính thức hoặc thăm làm việc là khách mời của Phó Chủ tịch Quốc hội, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm Việt Nam theo danh nghĩa chuyến thăm.

5. Đối với Người kế vị Vua hoặc Nữ hoàng nước khách là khách mời của Phó Chủ tịch nước, mức độ và nghi lễ đón, tiếp thực hiện như đối với Phó Nguyên thủ quốc gia nước khách thăm Việt Nam.

6. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì đón, tiếp các thành viên khác của Hoàng gia nước ngoài là khách của Bộ Ngoại giao.

7. Thành viên Hoàng gia nước ngoài dẫn đầu đoàn kinh tế, văn hóa, xã hội, lãnh đạo các tổ chức quốc tế chuyên ngành ngoài hệ thống Liên hợp quốc là khách của bộ, ngành nào do lãnh đạo bộ, ngành đó chủ trì đón, tiếp.

8. Lãnh đạo các tổ chức quốc tế chuyên ngành ngoài hệ thống Liên hợp quốc là khách của bộ, ngành nào do lãnh đạo bộ, ngành đó chủ trì đón, tiếp.

9. Đối với Tổng Thư ký ASEAN là khách mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mức độ và nghi lễ đón thực hiện như đối với đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thăm chính thức.

10. Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức đón, tiếp các cựu Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ, Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ nước khách đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ.

11. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chủ trì tổ chức đón, tiếp các cựu Người đứng đầu Nghị viện nước khách, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách, Tổng Thư ký AIPA, IPU và các tổ chức liên Nghị viện đến thăm theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội.

12. Các cựu Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ, Người đứng đầu Nghị viện, Phó Nguyên thủ quốc gia, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách là khách mời của cơ quan nào do cơ quan đó chủ trì đón, tiếp.

13. Thu xếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Trưởng đoàn khách theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

Chương V

MỘT SỐ QUY ĐỊNH LỄ TÂN CỤ THỂ VỀ ĐÓN, TIẾP CÁC ĐOÀN KHÁCH NƯỚC NGOÀI

Điều 22. Lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Lễ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm và Lễ đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thu xếp theo thỏa thuận của hai bên.

2. Đối với Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ, Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc:

a) Tại Đài Tưởng niệm, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón và hướng dẫn đoàn; bố trí đội hình tiêu binh danh dự. Khi mặc niệm, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ’;

b) Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón và hướng dẫn đoàn đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên khán đài và trước cửa Lăng. Khi mặc niệm, quân nhạc cử “Lãnh tụ ca”.

3. Đối với khách nước ngoài khác từ cấp Bộ trưởng hoặc cấp tương đương trở lên, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn đoàn đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm, đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều 23. Người tháp tùng và thứ tự lễ tân

1. Người tháp tùng:

a) Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tháp tùng Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền nước khách thăm cấp nhà nước, thăm chính thức; trường hợp đặc biệt mời Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Bí thư Trung ương Đảng tháp tùng đoàn;

b) Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng hoặc cấp tương đương tháp tùng Nguyên thủ quốc gia nước khách thăm cấp nhà nước, thăm chính thức;

c) Bộ trưởng hoặc cấp tương đương tháp tùng Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm chính thức tại Hà Nội; Đại sứ Việt Nam tại nước khách tháp tùng đi địa phương;

d) Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội hoặc Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị tháp tùng Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm chính thức;

đ) Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng hoặc cấp tương đương tháp tùng Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền nước khách thăm chính thức;

e) Người tháp tùng Trưởng đoàn khách tham dự đón, tiễn đoàn tại sân bay, lễ đón, chiêu đãi chính thức và tháp tùng Trưởng đoàn khách trong các hoạt động chính thức. Người tháp tùng Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn khách tham dự đón, tiễn đoàn tại sân bay, lễ đón, chiêu đãi chính thức và tháp tùng Phu nhân hoặc Phu quân Trưởng đoàn khách trong các hoạt động theo chương trình riêng tại Hà Nội;

g) Đại sứ Việt Nam tại nước khách về nước tham gia đón, tiếp, tháp tùng Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc. Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại giao.

2. Thứ tự lễ tân của Đại sứ Việt Nam tại nước khách:

Trong các hoạt động đối ngoại, thứ tự lễ tân của Đại sứ Việt Nam tại nước khách được xếp ngay sau các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ.

Điều 24. Treo Quốc kỳ

1. Đối với chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức của Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, chuyến thăm chính thức của Người đứng đầu Chính phủ nước khách:

a) Treo Quốc kỳ hai nước trước cửa nhà khách danh dự sân bay quốc tế Nội Bài và các sân bay địa phương nơi đoàn đến thăm, tại nơi tổ chức lễ đón, trong phòng hội đàm, phòng tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, trên các tuyến đường Hùng Vương – Hoàng Văn Thụ – Độc Lập (Hà Nội), tại nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm;

b) Treo cụm Quốc kỳ hai nước trước cổng Phủ Chủ tịch, ngã năm đường Độc Lập – Điện Biên Phủ – Chu Văn An – Chùa Một Cột – Tôn Thất Đàm, ngã tư đường Hùng Vương – Phan Đình Phùng (Hà Nội);

c) Đối với chuyến thăm cấp nhà nước của Nguyên thủ quốc gia nước khách: treo Quốc kỳ hai nước dọc 2 km đầu tiên trên đường từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội;

d) Ngoài các quy định trên, đối với chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức của Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền nước khách, treo cụm Quốc kỳ hai nước trước cổng trụ sở Trung ương Đảng.

2. Đối với chuyến thăm chính thức của Người đứng đầu Nghị viện nước khách: treo Quốc kỳ hai nước trước cửa nhà khách danh dự sân bay quốc tế Nội Bài và các sân bay địa phương nơi đoàn đến thăm, trước Nhà Quốc hội (đường Độc Lập), trong phòng hội đàm, phòng tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, tại nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm.

3. Đối với chuyến thăm làm việc của Người đứng đầu Chính phủ nước khách, Người đứng đầu Nghị viện nước khách: treo Quốc kỳ hai nước trước cửa nhà khách danh dự sân bay quốc tế Nội Bài và các sân bay địa phương nơi đoàn đến thăm, trong phòng hội đàm, phòng tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, tại nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm.

4. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền nước khách: treo Quốc kỳ hai nước trước cửa nhà khách danh dự sân bay quốc tế nơi đoàn đến, tại nơi tổ chức lễ đón hoặc nơi đón tiếp, trong phòng hội đàm, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, tại nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm. Treo cụm Quốc kỳ hai nước trước Phủ Chủ tịch.

5. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ nước khách, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện nước khách, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng các cơ quan Nghị viện và cấp tương đương nước khách: treo Quốc kỳ hai nước tại nơi đón tiếp, trong phòng hội đàm, phòng ký kết văn kiện, phòng họp báo, phòng chiêu đãi, tại nơi ở của Trưởng đoàn khách, nơi Trưởng đoàn khách đến thăm.

6. Trên bàn hội đàm từ cấp Bộ trưởng và cấp tương đương trở lên đặt Quốc kỳ hai nước có kích thước nhỏ.

7. Trên bàn họp Ủy ban hợp tác liên chính phủ do cấp Thứ trưởng làm Trưởng ban, bàn hội đàm cấp Thứ trưởng ngoại giao, đặt Quốc kỳ hai nước có kích thước nhỏ.

8. Trên xe của Trưởng đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, xe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an thăm chính thức cắm cờ hai nước.

9. Trong phòng tiếp khách, treo Quốc kỳ hai nước khi tiếp khách từ cấp Bộ trưởng và cấp tương đương trở lên (tiếp đồng cấp); trong trường hợp khách có chức vụ thấp hơn chủ nhà, chỉ treo Quốc kỳ Việt Nam.

10. Đối với chuyến thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh của khách cấp cao nước ngoài: không treo Quốc kỳ hai nước trong các hoạt động, trừ trường hợp đặc biệt theo đề án được phê duyệt.

11. Khi treo Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ nước khách hoặc Quốc kỳ Việt Nam và cờ của Tổ chức quốc tế trong các hoạt động đối ngoại, Quốc kỳ Việt Nam ở bên phải, Quốc kỳ nước khách, cờ của Tổ chức quốc tế ở bên trái theo hướng nhìn từ ngoài vào hoặc từ dưới lên. Quốc kỳ các nước, cờ hiệu của Nguyên thủ quốc gia, cờ của Tổ chức quốc tế phải may đúng quy định, đúng mẫu và treo theo chiều ngang.

12. Trong trường hợp đón hai đoàn khách cùng một thời điểm, Quốc kỳ Việt Nam được treo ở giữa, Quốc kỳ nước khách được bố trí lần lượt bên trái và bên phải Quốc kỳ Việt Nam theo thứ tự tên tiếng Anh của nước khách theo hướng nhìn từ ngoài vào hoặc từ dưới lên, trừ trường hợp đặc biệt theo đề án được phê duyệt.

13. Đối với chuyến thăm của Vua, Nữ hoàng hoặc thành viên Hoàng gia nước khách, nếu phía khách đề nghị sử dụng cờ hiệu Hoàng gia, cơ quan tổ chức đón, tiếp đáp ứng theo yêu cầu của phía khách.

Điều 25. Phòng khách danh dự đón, tiễn khách nước ngoài tại sân bay

1. Tại các sân bay quốc tế ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác, cơ quan quản lý sân bay thu xếp phòng khách danh dự để đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài và các đoàn chuyên cơ hoặc máy bay riêng từ cấp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan Nghị viện và cấp tương đương nước ngoài trở lên.

2. Thu xếp phòng khách danh dự đón các đoàn cấp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan Nghị viện và cấp tương đương nước ngoài đi máy bay thương mại theo điều kiện thực tế của sân bay.

Điều 26. Xe mô-tô hộ tống, xe cảnh sát dẫn đường

1. Xe của Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền nước khách thăm cấp nhà nước, thăm chính thức có 09 mô-tô hộ tống; có xe cảnh sát dẫn đường.

2. Xe của Người đứng đầu Chính phủ nước khách thăm chính thức có 07 mô-tô hộ tống; có xe cảnh sát dẫn đường.

3. Xe của Người đứng đầu Nghị viện nước khách thăm chính thức có 05 mô-tô hộ tống, có xe cảnh sát dẫn đường.

4. Mô-tô hộ tống chỉ áp dụng khi đón, tiễn sân bay và trong các hoạt động chính thức tại các quận nội thành thuộc thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

5. Đối với chuyến thăm cá nhân của Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền; thăm làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân Người đứng đầu Chính phủ, Người đứng đầu Nghị viện nước khách có xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính, không có mô-tô hộ tống.

6. Đối với chuyến thăm chính thức, làm việc, thăm nội bộ và thăm cá nhân của Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước khách có xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính.

7. Đối với chuyến thăm chính thức, thăm làm việc của Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan Nghị viện và cấp tương đương nước khách, có xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động chính.

Điều 27. Đài thọ

1. Việc đài thọ cho các đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam được thực hiện theo quy định của Việt Nam và trên cơ sở có đi có lại.

2. Đài thọ phòng ở:

a) Đài thọ cho Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Phu nhân hoặc Phu quân thăm cấp nhà nước, thăm chính thức cùng 09 đoàn viên chính thức tại một khách sạn 5 sao trong thời gian tối đa 05 ngày 04 đêm (trong đó có tối đa 03 đêm ở Hà Nội);

b) Đài thọ cho Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân, Người đứng đầu Nghị viện và Phu nhân hoặc Phu quân thăm chính thức cùng 5 đoàn viên chính thức tại một khách sạn 5 sao trong thời gian tối đa 05 ngày 04 đêm (trong đó có tối đa 03 đêm tại Hà Nội);

c) Đài thọ cho Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền và Phu nhân hoặc Phu quân; cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện và Phu nhân hoặc Phu quân, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phu nhân hoặc Phu quân thăm chính thức và 02 đoàn viên trong thời gian tối đa 03 ngày 02 đêm;

d) Đài thọ cho Bộ trưởng và cấp tương đương và Trưởng các cơ quan của Nghị viện thăm chính thức thực hiện theo đề án đón tiếp được duyệt.

3. Đài thọ xe:

Đài thọ xe cho các đoàn theo nguyên tắc sau:

a) Xe nghi lễ nhà nước cho Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Phu nhân hoặc Phu quân; Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân trong các hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; xe 04 chỗ tại các địa phương khác;

b) Xe 04 chỗ cho Người đứng đầu Nghị viện;

c) Xe 04 chỗ cho Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền, cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

d) Xe 04 chỗ cho các Bộ trưởng và cấp tương đương và Trưởng các cơ quan của Nghị viện và cấp tương đương thăm chính thức. Đối với Bộ trưởng nước khách và cấp tương đương tháp tùng khách cấp cao nước ngoài, bố trí 02 người một xe;

đ) Xe 04 chỗ cho Phu nhân hoặc Phu quân khách cấp nước ngoài theo chương trình riêng;

e) Xe nhiều chỗ cho các đoàn viên khác;

g) Xe hành lý cho Trưởng đoàn và Phu nhân hoặc Phu quân (đối với đoàn Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền, Người đứng đầu Chính phủ và Người đứng đầu Nghị viện);

h) Xe hành lý cho đoàn theo nguyên tắc có đi có lại.

4. Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì kiến nghị cấp có thẩm quyền về chế độ đài thọ khác quy định này và các chi phí lễ tân theo chương trình hoạt động.

5. Đối với các chuyến thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân: chế độ đài thọ được áp dụng theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

6. Việc đài thọ cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được thực hiện trên cơ sở đề án đón tiếp hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và mức chi áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 28. Tặng phẩm

1. Đối với các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chủ trì có tặng phẩm tặng Trưởng đoàn khách và Phu nhân hoặc Phu quân. Trong trường hợp đặc biệt, bố trí tặng phẩm tặng thành viên chính thức và tùy tùng theo đề án được phê duyệt.

2. Tặng phẩm quy định tại khoản 1 Điều này là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, trang trọng, tiết kiệm.

Điều 29. Đón, tiễn khách cấp cao nước ngoài đến và về bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy

Việc đón, tiễn các đoàn khách cấp cao nước ngoài đến và về bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy được thực hiện tương tự như đón, tiễn đoàn đến và về bằng đường hàng không nhưng vận dụng theo điều kiện thực tế của địa điểm nơi tổ chức.

Điều 30. Đón, tiếp khách nước ngoài thăm địa phương

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đón, tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm địa phương trọng thị, chu đáo, an toàn, tiết kiệm.

2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn nghi lễ đón, tiếp khách nước ngoài thăm địa phương theo quy định hiện hành.

Điều 31. Đón, tiếp khách nước ngoài vào tham dự sự kiện, hội nghị quốc tế tại Việt Nam

Việc đón, tiếp khách nước ngoài đến tham dự sự kiện, hội nghị quốc tế tổ chức do Việt Nam chủ trì thực hiện theo đề án và kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và thông lệ của từng sự kiện, hội nghị.

Chương VI

MỘT SỐ NGHI LỄ LIÊN QUAN ĐẾN LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

Điều 32. Thu xếp khách nước ngoài chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam

1. Cơ quan chủ quản thu xếp cho khách nước ngoài chào lãnh đạo Đảng thông qua Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; chào Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thông qua Văn phòng Chủ tịch nước; chào Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thông qua Văn phòng Chính phủ; chào Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội thông qua Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

2. Cơ quan chủ quản thu xếp cho khách nước ngoài chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước có trách nhiệm thông báo Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan kết quả các cuộc tiếp để phối hợp triển khai thực hiện.

3. Bộ Ngoại giao làm đầu mối, thông qua Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tham mưu, kiến nghị và thu xếp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp các Đại sứ và Trưởng Đại diện.

Điều 33. Tiêu binh danh dự

1. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an thu xếp bố trí gác tiêu binh danh dự khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tiếp khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên, Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Đối với các sự kiện quốc tế có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực hiện theo đề án tổ chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với thành phần khách nước ngoài khác, gác tiêu binh danh dự khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

2. Vị trí, số lượng tiêu binh danh dự trong đội hình tiêu binh danh dự phù hợp với đặc điểm địa hình của từng địa điểm triển khai.

3. Bố trí gác tiêu binh danh dự khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp khách nước ngoài chỉ thực hiện tại các trụ sở của cơ quan cấp trung ương, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Nhà khách Chính phủ tại Hà Nội và Dinh Thống Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Vị trí gác tiêu binh danh dự phù hợp với đặc điểm địa hình của từng địa điểm triển khai; các vị trí cơ bản bao gồm sảnh chính và cổng chính của trụ sở, mỗi vị trí có hai tiêu binh danh dự.

Điều 34. Tiễn và đón lãnh đạo cấp cao đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài

Thành phần tiễn và đón Đoàn tại sân bay được quy định như sau:

1. Thường trực Ban Bí thư hoặc Ủy viên Bộ Chính trị tiễn và đón Tổng Bí thư.

2. Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước tiễn và đón Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiễn và đón Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

4. Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiễn và đón Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội.

5. Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương hoặc lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng tiễn và đón Thường trực Ban Bí thư.

Điều 35. Thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao

1. Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị và dự thảo thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

2. Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi của Tổng Bí thư gửi Nguyên thủ một số nước, Người đứng đầu một số Đảng có quan hệ đặc biệt.

3. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Chủ tịch Quốc hội duyệt, ký thư mừng, thăm hỏi, chia buồn gửi Người đứng đầu Nghị viện các nước có quan hệ đặc biệt.

Chương VII

NGHI LỄ DÀNH CHO CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 36. Đón, tiễn Đại sứ bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ công tác

Bộ Ngoại giao cử cán bộ đón, tiễn và bố trí phòng khách danh dự tại sân bay cho Đại sứ khi bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Không bố trí xe đón, tiễn tại sân bay.

Điều 37. Trình Quốc thư và Thư ủy nhiệm

1. Đại sứ trình Quốc thư:

a) Đại sứ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch;

b) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan tổ chức 04 đợt trình Quốc thư một năm, vào khoảng giữa mỗi quý. Trường hợp đặc biệt, Bộ Ngoại giao kiến nghị tổ chức đợt trình Quốc thư riêng;

c) Thành phần tham dự Lễ trình Quốc thư: Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, lãnh đạo Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và lãnh đạo cấp Vụ, Bộ Ngoại giao;

d) Bộ Ngoại giao cử cán bộ và bố trí xe đưa đón Đại sứ đi trình Quốc thư. Xe Đại sứ đi trình Quốc thư có 4 mô-tô hộ tống. Sau khi trình Quốc thư, xe đưa Đại sứ trở về cắm cờ nước cử;

đ) Trước cửa Phủ Chủ tịch bố trí đội hình tiêu binh danh dự chào khi Đại sứ đến và về. Trước cửa phòng trình Quốc thư bố trí gác tiêu binh danh dự mở cửa phòng. Bố trí một tiêu binh danh dự mở cửa xe đưa đón Đại sứ tại vị trí dừng xe;

e) Trước khi trình Quốc thư, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước Bộ Ngoại giao tiếp Đại sứ để nhận bản sao Quốc thư và giới thiệu nghi lễ trình Quốc thư.

2. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc trình Thư ủy nhiệm:

a) Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc trình Thư ủy nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ tại Văn phòng Chính phủ;

b) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức buổi trình Thư ủy nhiệm.

3. Bộ Ngoại giao tiếp nhận Thư ủy nhiệm của Tổng Lãnh sự.

Điều 38. Đại sứ chào xã giao, chào từ biệt lãnh đạo Đảng, Nhà nước

1. Sau khi Đại sứ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao thu xếp cho Đại sứ chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao theo đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao và điều kiện cho phép.

2. Khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ, Bộ Ngoại giao thu xếp cho Đại sứ chào từ biệt Chủ tịch nước và lãnh đạo Bộ Ngoại giao theo đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao. Trường hợp đặc biệt, thu xếp chào Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

3. Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao mời cơm thân chia tay và có quà tặng Đại sứ khi kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Điều 39. Trao tặng Huân chương hữu nghị và các danh hiệu khác

Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị xét trao tặng Huân chương hữu nghị hoặc các hình thức khen thưởng phù hợp cho Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Trưởng Đại diện có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam; kiến nghị cấp trao tặng và tổ chức lễ trao tặng.

Điều 40. Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng đại diện tham dự các hoạt động

1. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 02/9 tại Hà Nội.

a) Đối với Quốc khánh vào năm tròn:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân hoặc Phu quân chủ trì tiệc chiêu đãi các Đại sứ, Trưởng Đại diện và Phu nhân hoặc Phu quân tại Hà Nội;

b) Đối với Quốc khánh vào năm khác:

Chủ tịch nước và Phu nhân hoặc Phu quân chủ trì tiệc chiêu đãi các Đại sứ, Trưởng Đại diện và Phu nhân hoặc Phu quân tại Hà Nội;

c) Bộ Ngoại giao tổ chức lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và lễ đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các Đại sứ, Trưởng Đại diện tại Hà Nội;

d) Lãnh đạo tỉnh, thành phố nơi có cơ quan lãnh sự nước ngoài tổ chức gặp mặt các Tổng Lãnh sự.

2. Tết Nguyên đán.

a) Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân hoặc Phu quân chủ trì tiệc chiêu đãi các Đại sứ, Trưởng Đại diện và Phu nhân hoặc Phu quân tại Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán;

b) Tùy điều kiện của địa phương, lãnh đạo tỉnh, thành phố và Phu nhân hoặc Phu quân có thể tổ chức gặp mặt các Tổng lãnh sự và Phu nhân hoặc Phu quân tại địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán;

c) Các bộ, ngành không tổ chức gặp mặt riêng các Đại sứ, Trưởng Đại diện nhân dịp Tết Nguyên đán.

3. Thủ tướng Chính phủ tiếp chung các Trưởng Đại diện thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Liên hợp quốc (24-10) hàng năm.

4. Mời các Đại sứ, Trưởng Đại diện tại Hà Nội dự phiên khai mạc các kỳ họp Quốc hội.

5. Đối với các sự kiện lớn khác của đất nước, mời Trưởng các cơ quan đại diện nước ngoài tham dự theo đề án, chương trình hoặc yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.

6. Các bộ, ngành địa phương tổ chức các sự kiện, hoạt động mời các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Trưởng Đại diện tham dự phải trao đổi, thống nhất với Bộ Ngoại giao trước khi mời.

Điều 41. Cấp tham dự các cuộc chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh nước ngoài, kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao

1. Dự chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh nước ngoài:

a) Đối với ngày kỷ niệm vào năm tròn: lãnh đạo cấp Bộ trưởng là khách chính, thay mặt Chính phủ đọc bài phát biểu chúc mừng;

b) Đối với ngày kỷ niệm vào năm khác, lãnh đạo cấp Thứ trưởng là khách chính, thay mặt Chính phủ đọc bài phát biểu chúc mừng.

2. Dự chiêu đãi kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: lãnh đạo cấp Thứ trưởng là khách chính, thay mặt Chính phủ đọc bài phát biểu chúc mừng. Trường hợp đặc biệt, thực hiện theo đề án được phê duyệt.

3. Đối với các sự kiện khác do cơ quan đại diện nước ngoài tổ chức: các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất, xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định lãnh đạo cấp cao hoặc lãnh đạo bộ, ngành, địa phương dự các sự kiện trên tinh thần phù hợp với các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và thông lệ của từng sự kiện.

Điều 42. Ký Sổ tang tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội

1. Đại diện Bộ ngoại giao đến ký Sổ tang khi các cơ quan đại diện nước ngoài mở sổ tang.

2. Trường hợp đặc biệt, Bộ Ngoại giao đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến ký Sổ tang tại cơ quan đại diện nước ngoài.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2022.

2. Nghị định này thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Điều 44. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Ngoại giao:

a) Chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài;

b) Đề xuất mức độ đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khu vực khác chưa được quy định tại Nghị định này.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về chế độ đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp.

3. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm bố trí:

a) Quân nhạc, tiêu binh danh dự theo quy định trong các sự kiện lễ đón tại sân bay; lễ đón cấp nhà nước, lễ đón chính thức; chiêu đãi cấp nhà nước; lễ viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ đặt hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ;

b) Tiêu binh danh dự theo quy định trong các sự kiện Gặp hẹp, Hội đàm cấp nhà nước, Hội đàm chính thức đối với Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền thăm cấp nhà nước và thăm chính thức và các trường hợp khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

4. Bộ Công an:

a) Chịu trách nhiệm bố trí tiêu binh danh dự theo quy định trong các sự kiện: Gặp hẹp; Hội đàm chính thức đối với các chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này; tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ các chuyến thăm; chiêu đãi chính thức; Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tiếp xã giao, hội kiến, làm việc với khách nước ngoài; lễ trình Quốc thư và Thư ủy nhiệm và các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

b) Chịu trách nhiệm triển khai xe mô-tô hộ tống, xe cảnh sát dẫn đường theo quy định.

5. Người đứng đầu các cơ quan Đảng và Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

– Ngân hàng Chính sách xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: VT, QHQT (3b). NT

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Phạm Bình Minh