Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sáng tạo nội dung và công nghiệp giải trí hiện nay đã kéo theo xu hướng phổ biến của tác phẩm phái sinh – từ phim remake, nhạc chế, truyện chuyển thể cho đến các phiên bản tái dựng của trò chơi, ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2024 có đến 27% tranh chấp bản quyền liên quan đến tác phẩm phái sinh, chủ yếu do không tuân thủ quy định pháp luật về quyền làm tác phẩm phái sinh.
Trong bài viết này, Tổng đài Pháp Luật, dưới sự hướng dẫn chuyên sâu của Luật sư tư vấn luật sở hữu trí tuệ, sẽ giúp bạn hiểu rõ thế nào là tác phẩm phái sinh, các giới hạn pháp lý và lưu ý quan trọng khi sáng tạo loại hình tác phẩm này.
>>> Đặt lịch tư vấn với luật sư của chúng tôi và trải nghiệm dịch vụ pháp lý uy tín, nơi mọi vấn đề của bạn sẽ được giải quyết hiệu quả và nhanh chóng!
TÁC PHẨM PHÁI SINH LÀ GÌ THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT?
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022), tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
Căn cứ theo quy định nêu trên, các tác phẩm phái sinh từ một tác phẩm gốc bao gồm:
– Tác phẩm dịch ra ngôn ngữ khác của tác phẩm gốc: là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác một cách sát nghĩa, không diễn đạt sai nội dung dựa trên nội dung của tác phẩm gốc.
– Tác phẩm phóng tác: là tác phẩm phỏng theo tác phẩm gốc, nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng… Tác phẩm phóng tác thường mang sắc thái mới, khác biệt so với tác phẩm gốc.
– Tác phẩm biên soạn: là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo.
– Bản chú giải: là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình của người soạn bản chú giải đó, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc.
– Tác phẩm tuyển chọn: được hiểu là một tập hợp các tác phẩm được lựa chọn bởi người biên soạn.
– Tác phẩm cải biên: là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.
– Tác phẩm chuyển thể: có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Hiện nay, hình thức chuyển thể phổ biến là việc chuyển thể một tác phẩm văn học, câu chuyện… thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình…
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH
Tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả khi đáp ứng 04 điều kiện sau:
-
Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc
Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009), tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Các tác phẩm dùng để làm tác phẩm phái sinh bao gồm:
– Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
– Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
– Tác phẩm báo chí;
– Tác phẩm âm nhạc;
– Tác phẩm sân khấu;
– Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
– Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
– Tác phẩm nhiếp ảnh;
– Tác phẩm kiến trúc;
– Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
– Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
– Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
-
Phải do tác giả làm tác phẩm phái sinh trực tiếp sáng tạo
Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) quy định tác phẩm phái sinh được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
-
Được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Trừ khi tác phẩm phái sinh thuộc các trường hợp không sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ , trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ .
-
Phải có dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh
Tác phẩm phái sinh là những tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm gốc. Nên để tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì phải có tính sách tạo, mới mẻ và mang dấu ấn của tác giả sáng tạo ra tác phẩm phái sinh đó.
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TÁC PHẨM PHÁI SINH
-
Tôi có thể làm lại một bộ phim nổi tiếng dưới dạng parody (hài hước) mà không xin phép không?
Không. Dù là parody, bạn vẫn cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc, trừ khi thuộc trường hợp sử dụng hợp pháp có mục đích giảng dạy, bình luận (phải có giới hạn rõ ràng).
-
Tác phẩm phái sinh có được cấp giấy chứng nhận bản quyền riêng không?
Có, nhưng phải chứng minh được nội dung sáng tạo độc lập và không vi phạm quyền tác phẩm gốc.
-
Phát hành truyện tranh dựa trên tiểu thuyết có phải tác phẩm phái sinh không?
Có. Đây là tác phẩm chuyển thể và phải được chủ sở hữu tiểu thuyết gốc đồng ý bằng văn bản.
-
Có thể đăng ký bản quyền tác phẩm phái sinh trên nền tảng nước ngoài (như YouTube, Amazon)?
Được, nhưng các nền tảng thường yêu cầu chứng minh quyền sử dụng tác phẩm gốc thông qua hợp đồng hoặc giấy phép.
-
Nếu tôi phái sinh từ tác phẩm đã hết hạn bản quyền thì có được không?
Được. Khi tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ (thường sau 50–75 năm kể từ khi tác giả mất), bạn có quyền sử dụng mà không cần xin phép.
KẾT LUẬN TỪ LUẬT SƯ
Tác phẩm phái sinh là một trong những mảng sáng tạo có tiềm năng thương mại và nghệ thuật lớn, nhưng cũng là một trong những lĩnh vực dễ vướng tranh chấp pháp lý nhất. Việc hiểu đúng khái niệm, xác định rõ quyền hạn, tuân thủ quy định pháp luật về tác phẩm phái sinh là điều kiện tiên quyết để nhà sáng tạo có thể hoạt động bền vững và hợp pháp. Hãy để Tổng đài Pháp Luật đồng hành cùng bạn trong quá trình bảo vệ và khai thác hợp pháp các sản phẩm trí tuệ.
>>> Thanh toán ngay hôm nay để nhận được sự hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp từ đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, giúp bạn vượt qua mọi thách thức pháp luật!