ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 10 tháng 01 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG NĂM 2017
Năm 2016, các cấp, ngành trên địa bàn thành phố đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và thu được nhiều kết quả tích cực; tình hình cháy, nổ cơ bản được kiềm chế, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng được bảo vệ an toàn PCCC. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố còn xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại cả về người và tài sản; nguy cơ xảy ra cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến khó lường.
Để chủ động phòng ngừa tai nạn cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần tăng cường thực hiện công tác PCCC và CNCH với những nội dung trọng tâm sau:
1. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác PCCC và CNCH: Chương trình hành động số 4038/CTr-UBND ngày 22/9/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Kế hoạch số 2589/KH-UBND ngày 09/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Công điện số 1926/CĐ-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC.
2. Xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Luật PCCC năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 và tại Điều 56, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
3. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cảnh sát PCCC thành phố cùng các ngành chức năng, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức PCCC, CNCH; đổi mới về phương thức, nội dung tuyên truyền, các giải pháp, biện pháp thoát nạn, cứu người, chữa cháy ban đầu khi có sự cố cháy, nổ để người dân biết, chủ động phòng ngừa cháy, nổ và xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra. Công khai phê bình các cơ quan, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có các vi phạm trong công tác PCCC, CNCH trên truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và cơ quan, tổ chức đó rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao ý thức chấp hành thực hiện các quy định về PCCC; kịp thời biểu dương những mô hình trong phong trào toàn dân PCCC, các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt về PCCC, CNCH. Tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC, CNCH trực tiếp bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả tại cơ sở.
4. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố:
– Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành nghị quyết quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực theo quy định tại Điều 63a Luật PCCC sửa đổi năm 2013; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện;
– Tổ chức thực hiện tốt các đợt cao điểm nhằm tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp PCCC, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và các hoạt động lễ hội năm 2017. Xây dựng và triển khai các kế hoạch công tác, các đợt ra quân tăng cường công tác PCCC và CNCH bảo vệ các sự kiện chính trị lớn của thành phố.
– Phát động sâu rộng, mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC. Tham mưu, hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động PCCC sôi nổi, tích cực hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC”. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn thành phố.
– Chủ trì kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các Sở, ngành tổ chức thực hiện các kế hoạch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác PCCC, nhất là việc xây dựng các mô hình về PCCC trong phong trào toàn dân PCCC. Chủ trì việc tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, CNCH quy mô lớn, có sự phối hợp, hiệp đồng của nhiều lực lượng để chủ động trong mọi tình huống. Tổ chức tốt công tác huấn luyện, thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH, dập tắt kịp thời, có hiệu quả các vụ cháy nổ xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn.
5. Các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng, củng cố phong trào PCCC ở địa bàn, cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy tác dụng các mô hình an toàn PCCC. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai sâu rộng xây dựng mô hình Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC, Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC; mô hình Cảng đường thủy an toàn PCCC, Ngõ phố, tổ liên gia, làng nghề an toàn PCCC, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC ở quận, huyện, phường, xã, thị trấn; thành lập mới các đội PCCC chuyên ngành, đội PCCC cơ sở, dân phòng ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật. Tổ chức bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH; đầu tư trang bị đủ phương tiện chữa cháy, CNCH tại chỗ và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, CNCH theo quy định của pháp luật; chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống cháy, nổ, các vụ việc phải CNCH. Thực hiện đúng chế độ, chính sách cho đội viên đội dân phòng và đội PCCC cơ sở.
6. Công an thành phố đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm, không để xảy ra hoạt động khủng bố, gây cháy, nổ phá hoại; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, “đèn trời”, sản xuất, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Phối hợp hiệu quả với Cảnh sát PCCC thành phố và các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý các vụ cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
7. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, xây dựng các chợ trên địa bàn thành phố theo tiêu chí chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn đối với hàng hóa có nguy hiểm về cháy, nổ, các biện pháp phòng, chống sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, tồn chứa, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; trong quản lý, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực khắc phục kịp thời tình trạng sự cố kỹ thuật, ngăn ngừa sự cố cháy, nổ xảy ra.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ, quản lý và phát triển rừng; ngăn chặn tình trạng chặt phá và đốt rừng. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC rừng, nhất là trong mùa hanh khô; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực PCCC rừng giai đoạn 2014 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1938/QĐ-TTg, ngày 28/10/2014; xây dựng, chỉnh lý phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng và huy động các lực lượng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, có hiệu quả khi xảy ra cháy. Phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo yêu cầu về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trong các khu dân cư, các công trình xây dựng theo đúng quy định pháp luật về PCCC.
9. Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các Công ty cấp nước phối hợp với Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục xem xét việc bổ sung xây dựng thêm các trụ nước chữa cháy tại các khu dân cư, khu công nghiệp có nguy hiểm cháy, nổ cao; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các trụ nước chữa cháy đảm bảo điều kiện kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác chữa cháy.
10. Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho xe chữa cháy, xe CNCH đi làm nhiệm vụ; giải tỏa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở công tác PCCC, nhất là các địa bàn, khu vực trọng điểm như: bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng, khu vực trung tâm thành phố, chợ – trung tâm thương mại, các nhà máy lớn, khu dân cư và nơi tập trung đông người.
11. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cảnh sát PCCC thành phố hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đưa việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác PCCC, CNCH tại địa bàn, cơ sở.
12. Cảng vụ Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn PCCC đối với các tàu biển hoạt động ở khu vực cảng sông, cảng biển của thành phố. Chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn cho ngư dân ở các bến cá, cảng cá và trên các tàu thuyền thực hiện tốt các biện pháp PCCC đối với phương tiện khi neo đậu và hoạt động trên vùng nước; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, CNCH dưới nước; phối hợp nhiều lực lượng, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra.
13. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với Cảnh sát PCCC triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn ngân sách hợp lý hỗ trợ kinh phí đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH và xây dựng trụ sở, doanh trại cho Cảnh sát PCCC thành phố và các đơn vị trực thuộc để phục vụ tốt việc chỉ huy điều hành, tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả.
14. Các Sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất kế hoạch hợp tác, đầu tư, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước và tổ chức quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị phương tiện cho công tác PCCC để nâng cao năng lực PCCC, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC.
15. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ngành liên quan chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng đối với các công trình khi thiết kế kỹ thuật đủ điều kiện về PCCC theo quy định của pháp luật. Các công trình khi đưa vào hoạt động phải tổ chức nghiệm thu đảm bảo an toàn PCCC.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Cảnh sát PCCC thành phố kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị báo cáo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Nguyễn Văn Tùng |