Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 08/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ LẬP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT KỲ CUỐI (2016 – 2020) CẤP QUỐC GIA

Thực hiện Luật Đất đai năm 2003, Chính phủ đã chỉ đạo lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) cấp quốc gia trình Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2011 và đã xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt đã góp phần phân bổ hợp lý quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; khắc phục các mâu thuẫn, chồng chéo trong sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; định hướng cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư có hiệu quả vào đất đai; là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất.

Giai đoạn 2016 – 2020, đất nước ta bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013; trong đó có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, về tình hình quốc tế giai đoạn 2016 – 2020, xu hướng nổi trội là tiếp tục có sự phát triển nhảy vọt của khoa học và công nghệ; toàn cầu hóa và liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng; vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi cùng với quá trình phục hồi kinh tế thế giới diễn ra chậm chạp và đầy mâu thuẫn.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn vừa qua, khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001 – 2010 kết thúc nhưng quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 chưa được phê duyệt đã tạo khoảng trống pháp lý về quản lý sử dụng đất, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án thiếu cơ sở pháp lý, gặp nhiều khó khăn, làm mất nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đồng thời cũng làm phát sinh khiếu nại liên quan đến vấn đề sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch. Do vậy, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với từng công trình, dự án cấp bách, cần thiết; tuy nhiên, việc sử dụng đất vẫn thiếu tính liên kết, đồng bộ, không kịp thời tận dụng các cơ hội đầu tư.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trong năm 2015 phải hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia, làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất, làm căn cứ cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

Việc điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia lần này cần phải phù hợp với các nội dung đổi mới của Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo đúng quan điểm, mục tiêu sử dụng đất đã được nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia. Để bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia với các nhiệm vụ sau đây:

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

Các Bộ, ngành có trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 của ngành, lĩnh vực theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 5 năm 2015 để cân đối lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia. Các Bộ có tên dưới đây cần có thêm báo cáo chi tiết về các nội dung đặc thù của Bộ như sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

– Chủ trì cung cấp dự báo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước giai đoạn 2016 – 2020 làm cơ sở để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia;

– Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, sân golf; quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2020; đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Rà soát quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên phạm vi cả nước đến năm 2020; đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

c) Bộ Xây dựng:

Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu chế xuất trên phạm vi cả nước đến năm 2020; các chương trình, dự án khác có liên quan đến sử dụng đất; đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

d) Bộ Giao thông vận tải:

Rà soát quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020; các chương trình, dự án khác có liên quan đến sử dụng đất; đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

đ) Bộ Quốc phòng:

Rà soát quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng kỳ cuối (2016 – 2020); đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

e) Bộ Công an:

Rà soát quy hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh kỳ cuối (2016 – 2020); đề xuất danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ quản lý theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh.

g) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

– Chủ trì lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia.

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia do Bộ trưởng làm Trưởng ban, một số Bộ, ngành tham gia.

Xây dựng và trình Chính phủ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia.

Thời hạn trình Chính phủ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia trong tháng 7 năm 2015 để Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm 2015.

– Phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia vào kỳ họp tháng 10 năm 2015.

h) Bộ Tài chính:

Cân đối, bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 – 2015); rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn;

b) Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 – 2015); rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất và các công trình, dự án trọng điểm cấp tỉnh có sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 5 năm 2015;

c) Tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) của địa phương đồng thời với quá trình điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, trong đó cập nhật các nội dung, chỉ tiêu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, kịp thời trình Chính phủ phê duyệt ngay sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia được Quốc hội phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTN (3b)

THỦ TƯỚNG

 

 

Nguyễn Tấn Dũng