Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý bảo vệ và khai thác hợp lý cây ươi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 11/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 29 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC HỢP LÝ CÂY ƯƠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Cây ươi (Scaphium lychnophorum Kost) là cây rừng có giá trị kinh tế, quả cây ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát và rất được thị trường ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, cây ươi phân bố hầu hết ở các huyện miền núi (Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My,…), việc thu hái quả của loài cây này đã giúp cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, trong những năm qua việc khai thác quả ươi của người dân chưa được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ; phương thức khai thác phổ biến của người dân là chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả. Phương thức này mang tính hủy diệt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh.

Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này nhằm bảo vệ có hiệu quả, khai thác và sử dụng một cách bền vững, hợp lý nguồn lợi do cây ươi mang lại; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi hoặc tác động bất lợi để cây ươi chết nhằm thu hái quả.

2. Việc khai thác quả ươi phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ (gọi tắt là Thông tư số 35). Các tổ chức, cá nhân không thực hiện theo đúng quy định này đều phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

3. Khuyến khích việc trồng mới và quản lý bảo vệ tốt các cây ươi hiện có để khai thác lâu dài, hiệu quả.

4. Ủy ban nhân dân các huyện có cây ươi phân bố có trách nhiệm:

– Tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ loài cây ươi, cũng như thực hiện việc khai thác quả ươi theo đúng quy định nhằm bảo tồn, khai thác bền vững sản phẩm của loài cây này trong thời gian đến.

– Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản nói chung và chặt hạ cây ươi trái phép nói riêng để thu hái quả, cũng như việc khai thác quả ươi không theo đúng quy định.

– Giải quyết thủ tục cho phép khai thác quả ươi đối với các chủ rừng là tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Thông tư số 35 và chỉ đạo UBND cấp xã kiểm tra, giải quyết thủ tục cho phép khai thác quả ươi đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định tại khoản 2, Điều 25, Thông tư số 35.

Riêng đối với diện tích rừng tự nhiên giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ, khi lập thủ tục xin khai thác quả ươi phải có ý kiến thống nhất của chủ rừng (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) hoặc chủ đầu tư (Ban quản lý dự án trồng rừng huyện).

5. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo:

– Chi cục Kiểm lâm:

+ Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng và các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý các trường hợp thu hái, mua, bán, cất giữ, vận chuyển trái phép quả ươi và chặt hạ cây ươi trái phép để thu hái quả.

+ Giám sát và xác nhận nguồn gốc hạt ươi (lâm sản ngoài gỗ) để làm cơ sở trong việc quản lý và lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Thực hiện việc tịch thu, xử lý đối với sản phẩm hạt ươi được thu hái trái phép, không có nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

– Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho các hộ nhận khoán khai thác quả ươi trong lâm phận được giao theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi trong lâm phận quản lý.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, chủ rừng và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi để khai thác hạt trong lâm phận, địa bàn quản lý.

Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện miền núi, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Ngọc Quang