Chỉ thị 1737/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

Số: 1737/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2010

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO HỘ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM DI CƯ RA NƯỚC NGOÀI TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

 

Cùng với sự nghiệp đổi mới và quá trình hội nhập tích cực của nước ta vào nền kinh tế thế giới, hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã có sự biến đổi về chất và ngày càng tăng về số lượng. Hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Công tác quản lý hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua cũng từng bước được củng cố, góp phần không nhỏ vào việc tạo môi trường di cư ổn định, nâng cao vị thế và hình ảnh của người Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân và mục tiêu chính sách của Nhà nước ta. Nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích, tinh thần và thể chất của người di cư gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến những cố gắng hội nhập của Việt Nam trên thế giới và chưa phát huy được tiềm năng của di cư cho mục đích phát triển đất nước. Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế này trước hết là do nhận thức về mối liên hệ giữa di cư và phát triển và tầm quan trọng của công tác bảo hộ quyền và lợi ích của người di cư của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực di cư còn chưa triệt để; chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, định hướng cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ cho người di cư trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài còn chưa thực sự chủ động, tích cực. Cơ chế phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước phục vụ công tác bảo hộ chưa chặt chẽ và kịp thời đã làm giảm hiệu quả của công tác này.

Để tăng cường hơn nữa tính chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay nhằm phát huy những mặt tích cực của di cư cho sự nghiệp phát triển đất nước và giảm thiểu những tác động tiêu cực của di cư, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện triệt để các nhiệm vụ sau:

1. Bộ Ngoại giao

a) Tham mưu giúp Chính phủ trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam tại địa bàn và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của cơ quan;

b) Tăng cường vận động và có chính sách cụ thể khuyến khích người Việt Nam di cư ra nước ngoài thực hiện đăng ký công dân tại các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự để công tác bảo hộ quyền và lợi ích của họ được chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất và thực hiện đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực di cư nhằm tạo lập môi trường di cư an toàn, trật tự và tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực tham gia các tổ chức, các diễn đàn quốc tế về di cư nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư;

đ) Nghiên cứu và phối hợp triển khai các hình thức thông tin phục vụ cho hoạt động di cư của công dân ra nước ngoài, bao gồm cung cấp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, cảnh báo… về di cư quốc tế.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

a) Tiếp tục thể chế hóa công tác đào tạo định hướng, trang bị kiến thức, trình độ cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc; nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế;

b) Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu đa dạng hóa các ngành, nghề làm việc phù hợp với tay nghề người lao động Việt Nam;

c) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra; giám sát việc thực hiện công khai và minh bạch thông tin về thị trường và tuyển dụng;

d) Tiêu chuẩn hóa và tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định các hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật nước đến;

đ) Tăng cường công tác quản lý lao động ở nước ngoài: đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp;

e) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành triển khai các hình thức thông tin, giáo dục định hướng và khuyến cáo cho người lao động trước khi ra nước ngoài để người lao động có đầy đủ thông tin về quy định pháp luật, phong tục tập quán nước đến;

g) Thường xuyên cung cấp và cập nhật thông tin về người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và bỏ hợp đồng cho Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại các nước để công tác bảo hộ quyền và lợi ích của người lao động được tích cực, chủ động, kịp thời và hiệu quả.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng cường công tác bảo hộ lưu học sinh ở nước ngoài;

b) Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo định hướng cho người di cư;

c) Tăng cường công tác thông tin, khuyến cáo trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu ở nước ngoài;

d) Thường xuyên cung cấp và cập nhật cho Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại các nước thông tin về học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh theo các chương trình học bổng của Nhà nước và các chương trình hợp tác với nước ngoài để phối hợp trong công tác bảo hộ.

4. Bộ Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực di cư; tư vấn về hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân và luật pháp và thực tiễn trong lĩnh vực di cư nhằm hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động di cư của công dân ra nước ngoài, nhất là hiện tượng lợi dụng kết hôn, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, trẻ em;

b) Phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện trợ giúp pháp lý cần thiết cho công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; thực hiện tương trợ tư pháp đối với các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người bị kết án đối với người di cư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư;

c) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và công dân Việt Nam cho người nước ngoài nhận nuôi con nuôi để có biện pháp bảo hộ ở nước ngoài.

5. Bộ Công an

a) Tăng cường công tác nắm tình hình liên quan đến quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu đề xuất Chính phủ về những giải pháp chiến lược về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;

b) Tiếp tục cải tiến thủ tục cấp phát giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh để tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh hợp pháp; đấu tranh ngăn chặn di cư bất hợp pháp; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao giải quyết việc tiếp nhận công dân không được nước ngoài cho cư trú trên cơ sở các thỏa thuận song phương và thông lệ quốc tế;

c) Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hình thức thông tin và khuyến cáo đi lại cho công dân Việt Nam trước khi ra nước ngoài.

6. Bộ Quốc phòng

a) Tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hình thức di cư bất hợp pháp ra nước ngoài qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển; thực hiện bảo hộ và trợ giúp ban đầu cho công dân Việt Nam bị phía nước ngoài buộc hồi hương qua các cửa khẩu đường bộ, đặc biệt là nạn nhân bị buôn bán;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan triển khai, tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về di cư cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa;

c) Kịp thời phát hiện, trao đổi, phản ánh với Bộ Ngoại giao và Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam có ảnh hưởng, tác động đến quốc phòng – an ninh, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách, các quy định và thực tiễn giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với từng giai đoạn với các hình thức thích hợp đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác đến mọi người dân.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương có tính đến yếu tố di cư của công dân ra nước ngoài nhằm tạo sự phát triển hài hòa phù hợp với đặc thù của địa phương;

b) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng địa phương nhằm thống nhất quản lý hoạt động di cư của công dân địa phương ra nước ngoài;

c) Chủ động phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành thực hiện công tác tái hòa nhập người di cư hồi hương;

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di cư, đặc biệt là thông tin cảnh báo và phòng, chống di cư bất hợp pháp và buôn bán người tại các địa bàn có nhiều người di cư, vùng sâu vùng xa, tại cơ sở xã, phường.

9. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

a) Tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực di cư; nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động di cư ra nước ngoài;

b) Phối hợp tham gia xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

10. Các Bộ, ngành trên cơ sở kế hoạch triển khai Chỉ thị này lập dự trù kinh phí bổ sung để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét duyệt chi cho các hoạt động này.

11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị về Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– UB Giám sát tài chính QG;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mật trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, QHQT(5b).