UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 18/2008/CT-UBND
Thái Nguyên, ngày 23 tháng 6 năm 2008
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC NGHỊ QUYẾT SỐ 32/2007/NQ-CP NGÀY 29/6/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG
Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo An toàn giao thông tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 77 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 78 người, bị thương 56 người, trong đó đường sắt, đường thuỷ không xảy ra TNGT. So sánh với cùng kỳ năm 2007 thì số vụ giảm 08 vụ (-9,41%) nhưng số người chết tăng 04 người (+5,4%), số người bị thương tăng 04 người (+7,6%), như vậy mục tiêu giảm cả 3 chỉ tiêu là chưa đạt được.
Nguyên nhân: Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông từ tỉnh đến địa phương chưa thật tập trung và chưa có trọng điểm, có lúc điều hành thiếu quyết liệt hoặc chưa liên tục; chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông kém, nhiều người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông rất ngang nhiên mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm.
Để khắc phục, đẩy mạnh và kiên quyết hơn nữa các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông thể hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật nhằm kiềm chế TNGT theo tinh thần Chỉ thị 22/CT-TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Công văn số 857/TTg-KTN ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên tập trung thực hiện quyết liệt và liên tục các nhiệm vụ giải pháp cấp bách sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và pháp luật về trật tự an toàn giao thông:
– Công an tỉnh, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tin báo chí, các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy.
– Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, trung học và dậy nghề, các tổ chức đoàn thể chính trị xã xội, các doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên; cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và các thành viên trong tổ chức của mình gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thực hiện tốt việc xét thi đua, xét nâng bậc lương, đề bạt, tăng quân hàm, xét tiêu chuẩn gia đình văn hoá ở địa phương… của những người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
2. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông:
– Ngành công an tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Đặc biệt là hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường, làn đường, chở quá tải, quá số người quy định, uống rượu bia quá nồng độ cho phép điều khiển phương tiện, đỗ dừng xe không đúng quy định; xử lý kiên quyết các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
– Phối hợp tốt với lực lượng Thanh tra giao thông xử lý nghiêm các vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông, hành lang đường bộ, vi phạm thể lệ vận tải.
3. Tiếp tục thực hiện lộ trình đình chỉ lưu hành xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ; tuyên truyền cụ thể, rõ hơn các quy định đối với xe cơ giới tự sản xuất, lắp ráp không có thiết kế được phê duyệt, không bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (xe tự chế) theo quy định tại khoản 4, Điều 8 và Điều 48 của Luật Giao thông đường bộ.
4. Về cơ sở hạ tầng giao thông:
– Xử lý điểm đen: Ngành Giao thông vận tải, phối hợp cùng các ngành liên quan tiếp tục rà soát, phân loại và có kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm đen thường gây tai nạn giao thông.
– Hành lang an toàn giao thông đường bộ: Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ kế hoạch tiếp tục ra quân kiểm tra, giải phóng hành lang an toàn giao thông đường. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng kiên quyết giải toả dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất hành lang (các công trình, lều quán xây dựng trái phép) trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường do địa phương quản lý. Cụ thể như sau:
+ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền phải xác định nhiệm vụ làm giảm TNGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài; phải tổ chức kiểm điểm từng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm về tình hình TNGT xảy ra trên địa bàn để có biện pháp khắc phục kịp thời; đề xuất, kiến nghị với cơ quan cấp trên những biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông vượt quá thẩm quyền giải quyết.
+ Củng cố các Tổ, Chi hội tự quản trật tự an toàn giao thông của địa phương nhằm phát huy tối đa hoạt động của tổ chức này trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là quản lý trật tự hành lang an toàn công trình giao thông, lòng lề đường, vỉa hè. Phối hợp với các ngành liên quan xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; giải tỏa ngay những nơi bị tái lấn chiếm hoặc đang bị lấn chiếm mà vẫn còn tồn tại lâu nay.
+ Riêng Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để giải toả ngay các vị trí gây mất an toàn giao thông; các hành vi lấn chiếm hành lang đất lưu không, đất trồng cây xanh trên dọc tuyến Quốc lộ 3 tránh thành phố Thái Nguyên để trả lại mặt bằng theo thiết kế. Thời gian thực hiện: Xong trước 30 tháng 6 năm 2008.
5. Về tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trên địa bàn:
– Giao Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, Thanh tra Khoa học Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh tăng cường theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các địa điểm sản xuất, các trung tâm thương mại, các nơi phát luồng hàng, cung cấp và tiêu thụ MBH; phối hợp kiểm tra, kiểm soát chất lượng MBH được sản xuất trong nước và nhập khẩu; đặc biệt là việc sản xuất, kinh doanh các loại mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc tàng trữ, chứa chấp và tiêu thụ MBH nhập lậu, sản xuất kinh doanh MBH giả, không đúng tiêu chuẩn chất lượng.
6. Công tác thi đua khen thưởng:
– Về khen thưởng: Giao cho Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này; Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
– Về kỷ luật: Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông gia tăng tại địa phương, đơn vị mình quản lý.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Xuân Đương