BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2690/CT-CHK |
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẢM BẢO AN TOÀN BAY
Qua một số vụ tai nạn xảy ra trên thế giới có liên quan đến nguyên nhân do thời tiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ thị:
1/ Các Hãng hàng không:
– Rà soát, chuẩn hóa các nội dung của Tài liệu khai thác bay (FOM) và thực hiện nghiêm túc quy trình ứng phó trong trường hợp có bão theo Quy trình mẫu kèm theo;
– Thực hiện ngay quy định bắt buộc khi lập Kế hoạch bay phải xác định ít nhất 1 sân bay dự bị hạ cánh. Trong điều kiện thời tiết phức tạp (bão, sương mù dầy đặc trên diện rộng…) phải chọn thêm sân bay dự bị thứ 2 nằm ngoài vùng ảnh hưởng của khu vực thời tiết phức tạp;
– Nghiêm cấm thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh, cất cánh trong điều kiện thời tiết (tầm nhìn, trần mây, tốc độ gió xuôi, gió ngang) dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái đã được phê chuẩn;
– Chấp hành nghiêm quy định về việc không thực hiện quá 2 lần tiếp cận hạ cánh. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tổ lái phải thực hiện tham khảo ý kiến của cơ quan không lưu để đánh giá chính xác diễn biến thời tiết trước khi thực hiện tiếp cận lần 2. Trong trường hợp không đủ điều kiện đánh giá diễn biến thời tiết, tổ lái thực hiện phương thức chờ hoặc chuyển hướng về sân bay dự bị;
– Các tổ lái khi bay trên đường bay, gặp điều kiện thời tiết phức tạp cần thông báo ngay cho cơ quan kiểm soát không lưu để kịp thời cảnh báo cho các máy bay đang hoạt động trong khu vực hoặc dự kiến sẽ hoạt động trong khu vực;
– Quán triệt nguyên tắc an toàn là ưu tiên cao nhất. Việc triển khai các giải pháp hạn chế chậm, hủy chuyến không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn bay. Trong trường hợp các chuyến bay phải chậm hoặc hủy chuyến vì lý do an toàn cần phải kịp thời xin lỗi cũng như thông báo rõ nguyên nhân tới hành khách.
2/ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam:
– Chỉ đạo các sân bay đã được trang bị hệ thống đèn đường CHC (cụ thể các sân bay Cát Bi, Vinh, Phù Cát, Pleiku, Liên Khương và Buôn Mê Thuột) phải tổ chức quan trắc và báo cáo thời tiết “METAR” định kỳ 30 phút/lần, liên tục 24/24 giờ ; Các CSCCDV khí tượng Cảng HKQT Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất có trách nhiệm phát bản tin dự báo thời tiết sân bay “TAF”, “TAF AMD” cho các sân bay tương ứng, hiệu lực 24 giờ, phát 04 lần/ngày bắt đầu hiệu lực từ 0000, 0600, 1200 và 1800 UTC, phát trong khoảng thời gian 01 giờ trước thời điểm bản tin TAF có hiệu lực; thời gian áp dụng quan trắc và dự báo từ 00 UTC từ ngày 01/8/2014;
– Củng cố và nâng cao chất lượng công tác thủ tục bay. Yêu cầu các cơ quan thủ tục bay kiểm tra, rà soát cụ thể kế hoạch bay của từng chuyến bay. Cương quyết không chấp nhận các kế hoạch bay không tuân thủ đúng các yêu cầu nêu trên;
– Xây dựng quy trình, tài liệu khai thác hệ thống dẫn đỗ thị giác (VDGS), trình Cục HKVN phê chuẩn trước ngày 1/8/2014;
– Triển khai quyết liệt Quyết định của Cục HKVN về việc ban hành danh mục sân bay dự bị.
3/ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam:
– Chấp hành nghiêm các quy định về tiêu chuẩn thời tiết tối thiểu đối với tàu bay và tổ lái. Trường hợp thời tiết dưới tiêu chuẩn khai thác tối thiểu phải cấp huấn lệnh chuyển hướng tàu bay đi sân bay dự bị;
– Khẩn trương xây dựng hướng dẫn hành động ứng phó của Kiểm soát viên trong trường hợp thời tiết xuống dưới tiêu chuẩn tại sân bay để bổ sung vào Tài liệu hướng dẫn khai thác của Đài kiểm soát không lưu;
– Nâng cao chất lượng bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm SIGMET trên đường bay.
4/ Các Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thông tin khí tượng, các quy trình cung cấp, lưu giữ thông tin khí tượng, điều phái bay;
5/ Các cơ quan tham mưu của Cục HKVN (các Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Quản lý hoạt động bay, Quản lý CHK, SB):
– Hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát, bổ sung các quy định nêu trên vào tài liệu khai thác có liên quan để trình Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn trước 10/8/2014;
– Phối hợp chặt chẽ trong quá trình phê chuẩn, hướng dẫn, giám sát triển khai thực hiện các quy định trong tài liệu khai thác của các doanh nghiệp hàng không.
Các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc hoặc các đề xuất cần kịp thời báo các về Cục HKVN để giải quyết.
Nơi nhận: |
KT.CỤC TRƯỞNG Đinh Việt Thắng |
PHỤ LỤC
(Kèm theo chỉ thị số: 2690 /CT-CHK ngày 25/7/2014)
(Mẫu) QUY TRÌNH PHỐI HỢP ĐIỀU HÀNH, ĐIỀU PHÁI CHUYẾN BAY ẢNH HƯỞNG BÃO NHIỆT ĐỚI
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục đích:
Nhằm đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả hoạt động bay của người khai thác khi có ảnh hưởng của bão nhiệt đới
Thống nhất cách thức xử lý, phối hợp thông tin giữa Trực ban điều hành khai thác, điều phái viên và tổ lái đối với các chuyến bay bị ảnh hưởng của bão nhiệt đới
2. Phân loại bão nhiệt đới:
2.1. Phân loại theo Jeppesen-Hoa Kỳ:
STT |
Phân loại |
Tốc độ |
Mầu hiển thị |
Ký hiệu |
1 | Tropical Depression | Ø 34 kts | Trắng | |
2 | Tropical Storm | 35 kts – 64 kts | Vàng | |
3 | Hurricane/Typhoon/Tropical Cyclone | Ø 64 kts | Đỏ |
2.2. Phân loại theo cấp độ gió Việt Nam:
Cấp Beaufort |
Vận tốc gió ở 10 m trên mực nước biển (kts / km/h) |
Mô tả |
Tình trạng mặt biển |
Tình trạng đất liền |
0-3 | 0-10kts/0-19km/h | Gió nhẹ | Không ảnh hưởng | Không gây nguy hại |
4 | 11-15/20-28 | Gió TB | Biển hơi động, thuyền đánh cá bị ảnh hưởng | Cây cối nhỏ lây động |
5 | 16-20/29-38 | Gió TB | Biển hơi động, thuyền đánh cá bị ảnh hưởng | Cây cối nhỏ lây động |
6 | 21-26/39-49 | Gió mạnh | Biển động, nguy hiểm đến tầu thuyền | Cây cối rung chuyển |
7 | 27-33/50-62 | Gió mạnh | Biển cuộn sóng và bọt bắt đầu có vệt. | Cây to chuyển động. Phải có sự gắng sức khi đi ngược gió. |
8 | 34-39/63-74 | Gió mạnh hơn | Sóng cao vừa phải với ngọn sóng gãy tạo ra nhiều bụi. Các vệt bọt nước. | Cành nhỏ gãy khỏi cây. |
9 | 40-47/75-88 | Gió rất mạnh | Sóng cao (2,75 m) với nhiều bọt hơn. Ngọn sóng bắt đầu cuộn lại. Nhiều bụi nước. | Một số công trình xây dựng bị hư hại nhỏ. |
10 | 48-55/89-102 | Gió bão | Sóng rất cao. Mặt biển trắng xóa và xô mạnh vào bờ. Tầm nhìn bị giảm. | Cây bật gốc. Một số công trình xây dựng hư hại vừa phải. |
11 | 56-63/103-117 | Gió bão dữ dội | Sóng cực cao. | Nhiều công trình xây dựng hư hỏng. |
12 | 64-71/118-133 | Gió bão cực mạnh | Các con sóng khổng lồ. Không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước. Biển hoàn toàn trắng với các bụi nước. Nhìn gần cũng không rõ. | Nhiều công trình hư hỏng nặng. |
13 | 72-80 /134-149 | Gió bão cực mạnh | Sóng biển cực kỳ mạnh, đánh đắm tầu có trọng tải lớn | Sức phá hoại cực kỳ lớn |
14 | 81-89/150-166 | |||
15 | 90-98/167-183 | |||
16 | 99-108/184-201 | |||
17 | 109-119/202-220 |
II. KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ BÃO
1. Nội dung:
– Dự báo phạm vi, tốc độ, cường độ, hướng di chuyển của bão.
– Xác định phạm vi không gian và thời gian ảnh hưởng của bão đến mạng bay.
– Các phương án điều chỉnh lịch bay.
– Các phương án đổi đường bay.
– Các phương án xử lý trên đường bay (khi bão vào căn cứ chính).
– Các mốc thời gian cập nhật kế hoạch ứng phó tùy theo diễn biến thực tế của cơn bão
2. Trách nhiệm xây dựng Kế hoạch ứng phó bão:
– Trung tâm Điều hành khai thác chịu trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về diễn biến cơn bão, phạm vi ảnh hưởng (Bản đồ dự báo bão của JEPPESEN, tham khảo thêm Khí tượng thủy văn VN, Trung tâm khí tượng Hồng Kông, Nhật Bản, vị trí bão, hướng và tốc độ di chuyển, bản tin khí tượng TAF, METAR các sân bay ảnh hưởng), tham khảo ý kiến của Phó Tổng giám đốc khai thác xây dựng sơ bộ kế hoạch ứng phó bão.
– Xin ý kiến của Phó giám đốc trực điều hành tổ chức họp các đơn vị liên quan thống nhất kế hoạch ứng phó bão và triển khai chính thức trong Công ty/người khai thác..
III. TRIỂN KHAI ỨNG PHÓ BÃO
1. Chuẩn bị bay:
1.1. Tài liệu cung cấp cho tổ bay:
– Bản đồ có hiển thị đường bay CFP và vị trí, hướng di chuyển của bão.
– Bản đồ nhiễu động các mực bay dự kiến (Turbulence Maps).
– Bản đồ High Lever Significant Weather Maps.
– Bản đồ gió trên cao (Wind and Temp Aloft Maps).
– Bản đồ quan trắc các khu vực ảnh hưởng của sét (Lightning Map)
1.2. Tiêu chí xác định đường bay tránh bão:
a) Áp thấp (Tropical Depression): (ký hiệu trắng trên bản đồ High Significant Weather của JEPP)
– Không sử dụng đường bay tránh bão
– Khuyến cáo tổ bay cân nhắc nhiên liệu dự phòng trong trường hợp thay đổi mực bay tránh nhiễu động hoặc mây CB
b) Bão nhiệt đới (Tropical Storm): (ký hiệu vàng trên bản đồ High Significant Weather của JEPP)
– Trong trường hợp không có nhiễu động mạnh (Severe Turbulence), Không có Frequent CB tại mực bay dự kiến, không sử dụng đường bay tránh bão.
– Thực hiện đổi mực bay để tránh các vùng nhiễu động ở cấp độ MẠNH (SVR); Trong trường hợp tình trạng nhiễu động MẠNH (SVR) được dự báo tồn tại ở tất cả các mực bay, tiến hành đổi đường bay để tránh vùng nhiễu động.
– Đối với các vùng/mực bay bị ảnh hưởng nhiễu động ở cấp độ VỪA (MOD), điều phái viên sẽ điều chỉnh mực bay/đường bay để tránh nếu không ảnh hưởng đến các yếu tố khác của chuyến bay.
c) Bão biển (Typhoon): (ký hiệu đỏ trên bản đồ High Significant Weather của JEPPESEN)
– Điều chỉnh đường bay để tránh vùng ảnh hưởng của bão dựa trên bản đồ ảnh vệ tinh với khoảng cách hợp lý giữa đường bay và tâm bão, đảm bảo bay an toàn.
1.3. Tiêu chí xác định sân bay ảnh hưởng:
– Đối với tiêu chuẩn tầm nhìn, trần mây: theo tiêu chuẩn công bố của sân bay.
– Đối với tiêu chuẩn giới hạn gió ngang: áp dụng giới hạn gió ngang theo mục Limitation/Crosswind limitation trong tài liệu Phương thức bay tiêu chuẩn của các loại tàu bay (SOP) trong điều kiện đường băng có Braking Action GOOD/MEDIUM.
– Các khuyến cáo từ nhà chức trách sân bay.
– Thay đổi lịch bay của các Hãng Hàng không khác.
* Lưu ý: khi quyết định chậm, hủy chuyến bay cần phải phân tích đầy đủ các bản tin TAF, METAR có hiệu lực đối với khung giờ bão ảnh hưởng (riêng đối với trường hợp bão trực tiếp đổ bộ vào căn cứ chính, mức độ và phạm vi ảnh hưởng lịch bay lớn, cần cập nhật các bản tin TAF/METAR chậm nhất 5h trước chuyến bay đầu tiên bị ảnh hưởng đảm bảo công tác thông báo cho hành khách cũng như lựa chọn phương án tốt nhất tại thời điểm quyết định).
2. Phối hợp thông tin trên đường bay:
2.1. Trung tâm ĐHKT – Tổ bay:
– Cập nhật thông tin thay đổi về dự báo hướng, vận tốc di chuyển của bão
– Cập nhật thông tin về TAF, METAR, thực tế điều kiện khai thác tại sân bay đến.
– Trong trường hợp sân bay đến là sân bay căn cứ chính không thể tiếp thu do ảnh hưởng của bão, khuyến cáo tổ bay sử dụng phương án ứng phó trên đường bay, máy bay đến từ hành lang bay nào sẽ hạ cánh tại sân bay dự bị thuộc hành lang đó nhằm mục tiêu an toàn, hiệu quả, tiết giảm chi phí.
2.2. Tổ bay-Trung tâm ĐHHKT:
– Cung cấp thông tin về điều kiện khí tượng thực tế trên đường bay.
– Cung cấp thông tin về đường bay thực tế.
– Cung cấp thông tin về các khuyến cáo, chỉ dẫn của ATC liên quan đến đường bay tránh bão.
3. Chuyển hướng trên đường bay hoặc tại sân bay đến:
3.1. Chuyển hướng trên đường bay:
Khi bão trực tiếp ảnh hưởng đến căn cứ chính, cần xác định, thống nhất trước phương án chuyển hướng trên đường bay tùy thuộc vào loại máy bay và sân bay khởi hành:
3.2. Chuyển hướng tại sân bay đến:
– Tổ bay tham khảo dự bị 1 trong CFP
– Tổ bay cân nhắc khuyến cáo của Trung tâm ĐHKT tư vấn lựa chọn sân bay dự bị trong thời điểm thực tế liên quan đến điều kiện thời tiết, khả năng phục vụ và năng lực tiếp thu máy bay Divert.
4. Khôi phục chuyến bay:
Các tiêu chí cân nhắc khi khôi phục khai thác chuyến bay:
– Tính toán thời gian ảnh hưởng thông thường kéo dài 06h đối với Typhoon và 03h đối với tropical storm tính từ thời điểm bão trực tiếp ảnh hưởng đến sân bay.
– Bản tin TAF hiệu lực mới nhất, xu thế các bản tin METAR.
– Tình trạng hoạt động và tiếp thu thực tế của sân bay.
– Tư vấn khí tượng trực tiếp của cơ quan khí tượng sân bay.