Chỉ thị số 8077/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo : Về tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 8077/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TẬP TRUNG KIỂM TRA, CHẤN CHỈNH VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO

Năm học 2007 – 2008, toàn ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp.

Trong cuộc giao ban các vùng, tháng 10/2007,lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai 4 nội dung của cuộc vận động “Hai không” trong học kỳ I, đặc biệt là không để tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo tiếp tục xảy ra.

Ngày 01/11/2007, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có Nghị quyết về việc triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” trong ngành từ nay đến năm 2012.

Tuy nhiên, từ đầu năm học 2007 – 2008 đến nay, báo chí đã phản ánh hơn 10 vụ việc giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học vi phạm đạo đức nhà giáo, chủ yếu là xâm phạm thân thể, sức khỏe và tinh thần học sinh, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cuộc vận động “Hai không” và để chấm dứt những vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, đảm bảo thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo trong toàn ngành, tăng cường công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có lối sống và phong cách ứng xử chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị:

1. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra từ đầu năm học 2007 – 2008 đến nay, các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Thanh tra sở, phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng nhà trường, giám đốc các cơ sở giáo dục và các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những biện pháp xử lý đối với nhà giáo có vi phạm; với những vụ việc phản ánh không đầy đủ, thiếu chính xác cần có đính chính cụ thể, bảo vệ danh dự và lợi ích chính đáng của nhà giáo;

b) Rà soát các cơ sở giáo dục mầm non tư thục để có biện pháp xử lý thích hợp những cơ sở không có giấy phép hoạt động. Việc xử lý các cơ sở này phải đảm bảo quyền lợi được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em tại cơ sở đó;

c) Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên về Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và Ban Chỉ đạo “Hai không” của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 04/01/2008;

d) Tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2006. Kiên quyết không để giáo viên, nhân biên không qua đào tạo sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ.

Trong báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2007 – 2008, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải nêu rõ kết quả thực hiện các nhiệm vụ này;

đ) Các giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non, phổ thông tăng cường sinh hoạt tư tưởng chính trị, kết hợp việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động”Hai không” một cách có hiệu quả tại cơ sở giáo dục.

2. Đối với các trường học và cơ sở giáo dục khác

a) Tổ chức sinh hoạt tư tưởng chính trị, bồi dưỡng phẩm chất nhà giáo làm cho “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”;

b) Kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng những nhà giáo hết lòng thương yêu học sinh, tận tụy giảng dạy, giáo dục học sinh, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn; có biện pháp phòng ngừa các hành vi tiêu cực có thể xảy ra trong cơ sở giáo dục của mình; phối hợp chặt chẽ với Công đoàn và các đoàn thể để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng ứng xử sư phạm cho nhà giáo; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm của nhà giáo trong việc giáo dục, cảm hóa học sinh chưa ngoan, học sinh có vấn đề về tâm lý, những kinh nghiệm xử lý tình huống điển hình trong học đường.

c) Từ học kỳ II năm học 2007 – 2008, các trường học và cơ sở giáo dục còn để xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm thân thể, sức khỏe và tinh thần của người học, bớt xén tiền ăn của người học và chi phí của nhà nước để trục lợi cá nhân thì hiệu trưởng phải tự đề xuất hình thức kỷ luật đối với bản thân, báo cáo cấp quản lý trực tiếp và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; tùy theo mức độ sai phạm có thể bị cách chức, chuyển công tác khác, buộc thôi việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện

a) Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phổ biến Chỉ thị này tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non, phổ thông công lập, ngoài công lập và các cơ sở giáo dục khác; giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

b) Văn phòng Bộ thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo, thông báo kịp thời đến các đơn vị có liên quan;

c) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục giúp Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện vào thời điểm kết thúc học kỳ I và kết thúc năm học.

d) Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Bộ trưởng thanh tra xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm Chỉ thị này.

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

– Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH;
– Ban Tuyên giáo TW;
– Tỉnh ủy/thành ủy TP trực thuộc TW;
– UBND các tỉnh/TP trực thuộc TW;
– Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
– Hội khuyến học Việt Nam;
– Các Sở Giáo dục và Đào tạo
– Các đơn vị trong cơ quan Bộ;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Kiểm toán Nhà nước, Công báo;
– Website Chính phủ; Website Bộ;
– Lưu: VT, TH, PC.

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Thiện Nhân