Chỉ thị số 36/2005/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Chỉ thị tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 36/2005/CT-TTG

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CƠ SỞ VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, AN NINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 58/TTg ngày 15 tháng 02 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong tình hình mới ”, qua 12 năm triển khai thực hiện, các cấp, các ngành, các địa phương đã quán triệt, thực hiện và đạt kết quả quan trọng. Có nhiều mô hình mới, với cách làm phong phú, sáng tạo. Chất lượng xây dựng cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở, thiết thực góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế. Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò tầm quan trọng của cơ sở nên chưa đề cao trách nhiệm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở. Đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và trên một số địa bàn trọng điểm, xung yếu nhìn chung còn yếu, thiếu sâu sát cơ sở; nắm dân, bám địa bàn, kịp thời phát hiện tình huống phức tạp từ lúc còn manh nha là rất yếu. Vai trò tham mưu, đề xuất của cơ quan quân sự, công an ở một số nơi chưa tích cực, chủ động; sự phối hợp hiệp đồng trong hoạt động giữa các lực lượng chưa chặt chẽ; bên cạnh đó chế độ, chính sách còn bất cập, chưa đồng bộ nên hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng cơ sở còn thấp so với yêu cầu.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” nhằm phấn đấu đạt cho được mục tiêu cơ bản ở cơ sở là: “Giữ vững sự ổn định về chính trị, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, có nếp sống văn hoá lành mạnh, quốc phòng, an ninh vững mạnh, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống có thể xảy ra ở địa phương, cơ sở”. Để xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện những vấn đề sau đây:

1. Coi trọng xây dựng cơ sở vững mạnh về chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” thực sự vững chắc.

Trước hết cần quán triệt chủ trương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một trong những vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Chú trọng củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, coi đó là yếu tố quan trọng để giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc.

Tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục quốc phòng – an ninh phù hợp cho từng đối tượng, làm cho cán bộ và nhân dân nêu cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhận thức đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng đánh bại mọi hành động phá hoại của địch trong mọi tình huống.

Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Thường xuyên làm tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường công khai, dân chủ và đối thoại trực tiếp với dân; kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời chủ động kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật như: truyền đạo trái phép, lợi dụng tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, chia rẽ đoàn kết dân tộc… nhằm chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng – an ninh, kết hợp quốc phòng – an ninh với kinh tế – xã hội trên từng địa bàn; tích cực thực hiện đổi mới nội dung, quy mô, hình thức, biện pháp kết hợp và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chú trọng xây dựng thôn, xóm, bản, khóm, ấp, cụm dân cư (gọi chung là thôn) vững mạnh, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn và công an viên làm nòng cốt để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và công tác quốc phòng, an ninh ở từng thôn, từng cơ sở.

Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương và địa phương một cách có hiệu quả. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, lĩnh vực hoặc các dự án, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của các Bộ, ngành và các địa phương phải bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với tính chất đặc điểm của từng cơ sở trên các vùng, miền, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Củng cố phát triển các khu kinh tế – quốc phòng, nhất là trên các vùng trọng điểm biên giới, ven biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng phải gắn với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ để góp phần tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Có chính sách phù hợp trong đào tạo nghề giải quyết việc làm, bố trí dân cư, phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng di dân tự do nhằm ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tiếp tục xây dựng, bổ sung điều chỉnh các phương án, kế hoạch hoạt động bảo vệ địa phương, thực hiện tốt việc tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án, kể cả phương án phòng tránh, sơ tán, phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn … chuẩn bị các lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống.

Triển khai tích cực việc xây dựng phát triển văn hoá, xã hội đạt hiệu quả thiết thực, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Tiếp tục tổ chức thực hiện sâu rộng các phong trào và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá. Tập trung giải quyết tốt một số vấn đề xã hội bức xúc như: tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, xoá mù chữ… nhất là đối với các thôn, bản ở những vùng đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá; ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, tội phạm hình sự, tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.

3. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ở cơ sở vững mạnh về mọi mặt, góp phần giữ vững ổn định chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở cơ sở.

Tập trung củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an ở cơ sở vững mạnh; đội ngũ cán bộ quân sự, công an ở cơ sở phải được đào tạo, bồi dưỡng kiện toàn theo quy định của Chính phủ để có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn cần thiết, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người tại chỗ, là con em đồng bào dân tộc ít người ở các thôn, bản, buôn, làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… để tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng – an ninh ở cơ sở. Tăng cường chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với công an và các lực lượng vũ trang trên địa bàn trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cơ động, thường trực sẵn sàng chiến đấu, lực lượng dự bị động viên, công an, biên phòng ở cơ sở vùng đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người và trọng điểm nội địa.

Khi có vụ việc phức tạp xảy ra ở cơ sở phải kịp thời phát hiện, đánh giá đúng tình hình; kết hợp các biện pháp giáo dục, thuyết phục, hoà giải để giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhân dân; không chủ quan nóng vội, không để trở thành ”điểm nóng” lan rộng, kéo dài. Cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng để phối hợp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết không để địch lợi dụng, tạo cớ can thiệp, chia rẽ giữa các lực lượng và khối đại đoàn kết toàn dân.

Quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an cơ sở và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn để bảo đảm cho các lực lượng này thực sự là lực lượng nòng cốt xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

4. Phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành, đoàn thể, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân đối với công tác quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

Cơ quan quân sự, công an ở cơ sở phải giữ vai trò chủ trì tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Tập trung củng cố, kiện toàn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết là cán bộ chủ chốt. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiên cứu lựa chọn số quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đưa đi đào tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

5. Bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các chính sách kinh tế – xã hội khác ở cơ sở.

Các cấp, các ngành, các địa phương phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ kinh phí, vật chất cho lực lượng vũ trang ở cơ sở trong xây dựng, huấn luyện, hoạt động thường xuyên và đột xuất, nhất là ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn trọng điểm, xung yếu để chủ động, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các tình huống phức tạp xảy ra.

Chỉ đạo thực hiện tốt các cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”…; tiếp tục giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, chính sách hậu phương quân đội và các chính sách kinh tế, xã hội khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở vùng sâu, vùng xa và có chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ, đặc biệt đối với cán bộ là người dân tộc ít người, thiết thực góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ cụ thể cho cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

6. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Quốc phòng và Bộ Công an:

Cùng với các Bộ, ngành có liên quan, hàng năm đánh giá thực trạng tình hình, kết quả xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện trên phạm vi toàn quốc, nhất là về lĩnh vực quốc phòng, an ninh; trên cơ sở đó xác định chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có chủ trương, giải pháp thiết thực xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, đề xuất, chấn chỉnh kịp thời những mặt hạn chế, tồn tại để thiết thực góp phần nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở.

b) ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phân công một thành viên ủy ban nhân dân trực tiếp giúp Chủ tịch theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện của địa phương mình. Đặc biệt là các địa bàn vùng trọng điểm, xung yếu và những cơ sở còn khó khăn, yếu kém kéo dài cần phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất cao và bảo đảm ngân sách thoả đáng cho công tác này.

Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ triển khai đến tận cơ sở thực hiện các nội dung Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Đặc biệt là sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội ở các địa phương, cơ sở.

c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo hướng dẫn các địa phương có kế hoạch kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện hàng năm và từng thời kỳ; đồng thời, có kế hoạch trình Chính phủ tổ chức sơ kết trong toàn quốc về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vào năm 2009.

d) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, hàng năm định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Học viện Hành chính quốc gia;
– VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, NC (5b). A.

THỦ TƯỚNG

Phan Văn Khải