Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉnh lý biến động và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai do tỉnh Quảng Trị ban hành

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 20/CT-UBND

ngày 08 tháng 11 năm 2011

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT, CHỈNH LÝ BIẾN ĐỘNG VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ ĐẤT ĐAI

Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nay là giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là Giấy chứng nhận). Các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện. Do đó, kết quả cấp giấy chứng nhận các loại đất cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức đã đạt được tỷ lệ khá cao; Công tác cập nhật hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động về đất đai đã được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhiều nơi chưa quan tâm đầu tư đúng mức, kịp thời. Vì vậy, hồ sơ địa chính chưa phản ánh đúng hiện trạng đất đang sử dụng, chưa xác định chính xác có bao nhiêu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao nhiêu thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ. Vẫn còn một số lượng giấy chứng nhận đã ký cấp nhưng chưa trao cho người sử dụng đất do nhiều nguyên khác nhau.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém và sớm hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đưa công tác quản lý đất đai ngày càng hoàn thiện phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số công việc cụ thể sau đây:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:

– Tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết và số lượng Giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao, tập trung lực lượng phấn đấu giải quyết xong công việc này trước tháng 12 năm 2011.

– Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận; phân loại, xác định những thửa đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì tập trung giải quyết dứt điểm, những thửa đất không đủ điều kiện thì xây dựng phương án xử lý, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Việc rà soát, phân loại và xây dựng phương án xử lý phải hoàn thành trước 31/12/2011.

– Khẩn trương rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai ở địa phương không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết thực hiện, giám sát; hoàn thành trước 31/12/2011.

– Kiện toàn bộ máy Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm có đủ nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật; xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ Địa chính xã, phường, thị trấn có đủ năng lực, phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý biến động và chỉnh lý biến động đất đai trên hồ sơ địa chính và cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu đất đai ở các cấp (đối với những địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu).

– Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác Quản lý đất đai nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động nói riêng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

– Tập trung rà soát, kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận của các tổ chức, xử lý nghiêm khắc các tổ chức không kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo quy định, hoàn thành trước quý II năm 2012.

– Rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai trên địa bàn tỉnh không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết thực hiện, giám sát; hoàn thành trước 31/12/2011.

– Kiện toàn bộ máy Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Hướng dẫn và chỉ đạo công tác quản lý biến động và chỉnh lý biến động đất đai trên hồ sơ địa chính và cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu đất đai ở các cấp (đối với những địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu).

– Đẩy mạnh công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính cấp đổi giấy CNQSD đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ để quản lý, khai thác.

– Phối hợp với Sở Tài chính để bố trí đủ kinh phí cho công tác Quản lý đất đai nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động và xây dựng cơ sở dữ liệu nói riêng.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

– Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất sửa đổi các quy định về chế độ thu, nộp, sử dụng phí và lệ phí liên quan thuộc thẩm quyền quy định của HDND tỉnh đến các hoạt động về quản lý đất đai; đảm bảo kinh phí cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện nhiệm vụ được giao.

– Cân đối, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, cập nhật, theo dõi, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.

– Hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí hàng năm cho việc cấp giấy chứng nhận, cập nhật, theo dõi, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.

4. Sở Nội vụ có trách nhiệm:

Rà soát bố trí biên chế sự nghiệp cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.

5. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm về UBND tỉnh qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này./.

Nơi nhận:
– Bộ TN&MT;
– Thường vụ tỉnh uỷ;
– Thường trực HĐND tỉnh;
– Chủ tịch, các PCT; (Đã ký)
– Các Sở, ban ngành cấp tỉnh;
– UBND các huyện, thành phố, thị xã;
– Chánh, PVP UBND tỉnh;
– Lưu VT, KSTTHC, NN.

CHỦ TỊCH

 

Nguyễn Đức Cường