UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM ——– |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 25/CT-UBND | Quảng Nam, ngày 12 tháng 12 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGĂN NGỪA, KIỂM SOÁT VÀ TỔ CHỨC DIỆT TRỪ CÂY MAI DƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Cây Mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra (Mimosaceae), thường gọi là cây Mắt mèo hoặc Trinh nữ nâu, có nguồn gốc vùng nhiệt đới Châu Mỹ, thuộc loại cây bụi họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Hiện nay, loại cây này được xem là một trong số những loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi sẽ ra hoa, kết trái. Cây có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn theo hàm mũ cơ số 2: 01 ha nếu không được kiểm soát, sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024 ha. Cây Mai dương làm cho đất bị nghèo dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất Mirnosin – loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây Mai dương khi chết bị phân huỷ tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường,… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cây Mai dương đang xâm lấn và phát triển mạnh (diện tích khoảng 150 ha) đã gây tác động xấu đến các loài sinh vật bản địa cũng như các hệ sinh thái đặc thù của địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020; để ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây lan, giảm thiểu tác hại của cây Mai dương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành và các Hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
– Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phổ biến các tài liệu về nhận dạng, biện pháp kiểm soát và diệt trừ cây Mai dương đến các địa phương và các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể của tỉnh;
– Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ và nâng cao nhận thức cho cán bộ chuyên môn từ cấp tỉnh đến địa phương, Ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, doanh nghiệp, cộng đồng về ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ cây Mai dương, từ đó hình thành ý thức phải diệt trừ cây Mai dương ngay từ khi chúng mới bắt đầu mọc, không để cây phát triển và lây lan ra diện rộng;
– Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án về ngăn ngừa, kiểm soát sự xâm lấn và diệt trừ cây Mai dương trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 cây Mai dương trên địa bàn tỉnh cơ bản được diệt trừ;
– Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và các kiến nghị đề xuất của các địa phương về UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
– Tổ chức hướng dẫn cho các địa phương và các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể về các biện pháp kiểm soát và diệt trừ cây Mai dương một cách hiệu quả và an toàn;
– Thường xuyên theo dõi sự xâm lấn và tổ chức các biện pháp về ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ cây Mai dương, đặc biệt là tại khu vực rừng mới trồng, khu vực sản xuất, trồng cây phân tán và tại khu vực rừng được giao trách nhiệm quản lý.
3. Sở Khoa học và Công nghệ:
– Nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ để ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ cây Mai dương một cách hiệu quả;
– Nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài cây này.
4. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương trên địa bàn tỉnh theo Đề án, Kế hoạch được duyệt.
5. Các Hội, đoàn thể của tỉnh xây dựng chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và diệt trừ cây Mai dương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, huy động sự tham gia của các cấp hội, đoàn thể và cộng đồng trong công tác phòng ngừa, giám sát và kiểm soát cây Mai dương.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, học sinh về tác hại của cây Mai dương đối với đa dạng sinh học, sức khoẻ con người và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
7. UBND các huyện, thành phố:
– Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm lấn của cây Mai dương trên địa bàn;
– Xây dựng kế hoạch về ngăn ngừa, kiểm soát và tổ chức diệt trừ cây Mai dương cho từng vùng, từng giai đoạn để đến năm 2020 cây Mai dương trên địa bàn tỉnh cơ bản được diệt trừ;
– Chỉ đạo cho các Phòng, Ban, UBND các xã, phường, thị trấn và các đoàn thể ở địa phương phối hợp tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp xử lý triệt để cây Mai dương phát triển ở khu vực đất công có khả năng phát tán, lây lan mạnh như bờ ao, bờ sông, lề đường,… bằng các biện pháp như chặt sát gốc cây, đào rễ và phơi khô sau đó đem đốt nơi an toàn và theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa và kiểm soát loại cây Mai dương.
Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng, 01 năm gửi kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị, có gì vướng mắc, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xử lý, giải quyết./.
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCHHuỳnh Khánh Toàn |