VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2004/CT-VKSTC-V4 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 478/QĐ/CTN NGÀY 28/7/2004 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2004 – 2005
Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định số 478/2004/QĐ/CTN đặc xá cho người bị kết án tù nhân dịp các ngày lễ lớn củ đất nước từ 2/9/2004 đến 2/9/2005. Quyết định nêu rõ:
1. Thực hiện Đặc xá đối với người bị kết án phạt tù nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước từ 2/9/2004 đến 2/9/2005. Đặc xá được thực hiện 4 đợt: 2/9/2004, tháng 2/2005, tháng 5/2005 và 2/9/2005.
2. Đối tượng Đặc xá bao gồm:
– Người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý;
– Người bị kết án phạt tù đang được hoãn chấp hành hình phạt tù;
– Người bị kết án phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
3. Điều kiện tiêu chuẩn xét Đặc xá:
3.1. Người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam được xét Đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:
a/ Chấp hành tốt quy chế, nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động cải tạo trong quá trình chấp hành hình phạt được xếp loại cải tạo khá trở lên; khi được Đặc xá không làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
b/ Đã chấp hành hình phạt tù ít nhất 1/3 (một phần ba) thời hạn đối với hình phạt tù có thời hạn; 10 (mười) năm đối với tù chung thân; trường hợp án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân thì thời gian đã chấp hành hình phạt tù phải trên 12 (mười hai) năm.
3.2. Đối với người có đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 điểm này đã chấp hành hình phạt tù tại trại giam ít nhất là 1/4 (một phần tư) thời hạn đối với tù có thời hạn; 8 năm đối với hình phạt tù chúng thân; trường hợp án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân thì thời gian đã chấp hành hình phạt tù phải trên 10 (mười) năm và có một trong các tiêu chuẩn sau đây thì được Đặc xá:
– Bản thân là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hoặc được Nhà nước thưởng Huân chương, Huy chương vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, được tặng các danh hiệu “Dũng sỹ” trong kháng chiến chống mỹ cứu nước; có thân nhân là liệt sỹ hoặc “Gia đình có công với nước”.
– Trong quá trình chấp hành hình phạt tại trại giam đã lập công lớn; đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; khi phạm tội là người chưa thành niên; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
– Người bị kết án phạt tù do phạm các tội về kinh tế hoặc các tội về chức vụ đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền và đã thực hiện đầy đủ phần bồi thường thiệt hại về dân sự.
3.3. Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước cũng quy định “không xét đặc xá cho những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia; có 3 tiền án trở lên; cầm đầu, chủ mưu, hoạt động tích cực trong các tổ chức tội phạm băng, ổ, nhóm… mà dư luận xã hội quan tâm; đã từng được hưởng Đặc xá nhưng lại tái phạm; những đối tượng có kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác”.
3.4. Người được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu trong thời gian được hoãn đã lập công, đã quá già yếu, đang ốm đau kéo dài, hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
3.5. Người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ đã lập công hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Ngày 3/8/2004 Hội đồng tư vấn Đặc xá Trung ương đã có văn bản số 01/HĐĐX hướng dẫn chi tiết việc thi hành quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước. Cụ thể hoá điều kiện tiêu chuẩn về xếp loại cải tạo, quy định cụ thể các tình tiết đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 3 quyết định số 478/2004/QĐ/CTN ngày 28/7/2004 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2004 – 2005 và hướng dẫn cụ thể các trường hợp không lập hồ sơ đề nghị Đặc xá…
Để thi hành quyết định Đặc xá số 478/2004/QĐ/CTN ngày 28/7/2004 về Đặc xá năm 2004 – 2005 của Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện một số việc sau đây:
1. Phổ biến, quán triệt sâu sắc Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn số 02 ngày 3/8/2004 của Hội đồng tư vấn Đặc xá TW về thực hiện quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước, coi đây là công tác trọng tâm của năm 2004 và năm 2005 trong toàn ngành.
2. Cử cán bộ tham gia tích cực việc thẩm định hồ sơ đề nghị Đặc xá và tham gia Hội đồng xét duyệt đặc xá các cấp, bảo đảm các trường hợp được đặc xá theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp các ngành xét duyệt chặt chẽ, không đưa vào danh sách đề nghị Đặc xá các trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn Đặc xá. Đối với các trường hợp có đủ điều kiện tiêu chuẩn Đặc xá nhưng chưa được đưa vào danh sách đề nghị Đặc xá, thì phải xem xét kỹ và đề nghị Hội đồng xét duyệt Đặc xá trại giam, trại tạm giam bổ sung vào danh sách đề nghị Đặc xá; kịp thời phát hiện và chống mọi biểu hiện tiêu cực trong Đặc xá.
Để thực hiện được các yêu cầu này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử một đồng chí Phó Viện trưởng và một tổ kiểm sát viên giúp việc thẩm định việc lập hồ sơ đề nghị Đặc xá của Giám thị trại tạm giam; tham gia Hội đồng tư vấn Đặc xá địa phương xét đề nghị Đặc xá của trại tạm giam.
– Các đơn vị Vụ 3, Vụ 4, Vụ 10 thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao cử cán bộ, kiểm sát viên tham gia tổ thẩm định liên ngành thẩm định hồ sơ Đặc xá của Hội đồng tư vấn Đặc xá địa phương và hồ sơ đề nghị Đặc xá của các trại giam. Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù cử một tổ cán bộ, kiểm sát viên do đồng chí Vụ trưởng làm tổ trưởng giúp đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là thành viên Hội đồng tư vấn Đặc xá Trung ương thẩm định hồ sơ do thường trực Hội đồng tư vấn Đặc xá Trung ương chuyển đến; phát biểu ý kiến với thường trực Hội đồng tư vấn Đặc xá Trung ương tổng hợp, trình Hội đồng tư vấn Đặc xá Trung ương xét duyệt.
– Các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3) khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Toà án lập danh sách và báo cáo cụ thể các trường hợp án có hiệu lực pháp luật đang chấp hành án trong các trại giam, trại tạm giam bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Báo cáo kèm theo danh sách trích ngang gửi về Vụ 4 Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kiểm tra, đối chiếu, loại ra khỏi danh sách đề nghị Đặc xá (thời điểm báo cáo là từ đầu năm 2003 đến nay). Các Viện phúc thẩm 1, 2, 3 và các Viện kiểm sát địa phương phải quản lý chặt chẽ và kiểm tra kỹ lưỡng các trường hợp bản án và quyết định của Toà án chưa có hiệu lực cũng đưa vào diện xem xét Đặc xá. Các Viện kiểm sát phúc thẩm 1, 2, 3 lập danh sách và báo cáo cụ thể các bị án của án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị mà chưa xét xử gửi về Vụ 4 Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kiểm tra đối chiếu loại ra khỏi danh sách đề nghị đặc xá (báo cáo kèm theo danh sách trích ngang).
– Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương cần phối hợp với cơ quan điều tra phát hiện các trường hợp phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác, gửi danh sách trích ngang về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4) để đối chiếu loại ra khỏi danh sách đề nghị Đặc xá.
3. Sau mỗi đợt Đặc xá, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức rút kinh nghiệm về việc Viện kiểm sát tham gia công tác Đặc xá; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, kiểm sát viên có hiện tượng tiêu cực trong công tác Đặc xá.
4. Giao cho Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (Vụ 4) kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thi hành quyết định của Chủ tịch nước về Đặc xá năm 2004 – 2005 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm đảm bảo phương tiện, điều kiện thực hiện tốt quyết định Đặc xá.
|
VIỆN TRƯỞNG Hà Mạnh Trí |