Theo lời nhân viên môi giới tư vấn, nếu người mua tự nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội, tỷ lệ thành công là “hên xui”. Tuy nhiên, chỉ cần thêm vài trăm triệu phí “lót tay”, kể cả người có thu nhập cao và hộ khẩu thành phố cũng có thể mua nhà ở xã hội.
Nhà giá rẻ nhưng không “rẻ”
Trong vai người đi mua nhà ở xã hội tại Hà Nội, Zing đã được một môi giới viên tên L.N tư vấn về chung cư IEC Residences Tứ Hiệp. Ngay từ giá bán ban đầu, dự án này đã không còn đúng với danh nghĩa nhà ở xã hội.
Cách đây 2 năm, Bộ Xây dựng vẫn còn công bố thông tin giá căn hộ của chung cư này chỉ là 15,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện mức giá đã bị đẩy lên thành 25 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, theo Luật Nhà ở 2014, người mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Tuy nhiên, căn hộ mà môi giới này rao bán mới chỉ được gia chủ sử dụng trong vòng 2 năm.
Chính vì căn hộ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, hình thức mua nhà sẽ là công chứng vi bằng và ủy quyền. Chị L.N còn cho biết khách hàng không cần thuộc đối tượng được quy định vẫn có thể mua lại căn hộ, kể cả khi thời hạn chưa đủ 5 năm. Đây là điều hoàn toàn đi ngược với quy định trong Luật Nhà ở 2014.
Tìm kiếm một dự án khác, Zing được một nhân viên môi giới tên N.A chia sẻ về dự án Rice City Thượng Thanh. Giá căn hộ tại đây khoảng 18-19 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phải tất cả.
Dù người mua cho biết có hộ khẩu ở Hà Nội và có đóng thuế thu nhập cá nhân, môi giới viên cho biết mọi thứ vẫn có thể giải quyết nếu khách hàng chịu bỏ thêm một khoản phí “lót tay” có giá 170 triệu đồng.
“Anh tự nộp hồ sơ để mua giá gốc của chủ đầu tư thì sẽ hên xui. Lợi nhuận của chủ đầu tư không nhiều trong khi quỹ đất ở Thượng Thanh quá đẹp. Nếu mua các suất ngoại giao thì sẽ có phí ngoài và chắc chắn là xử lý được. Chủ đầu tư cũng phải có những nguồn thu ngoài để bù đắp”, anh N.A cho biết.
Tuy nhiên, phí “lót tay” tay tại Rice City Thượng Thanh vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với dự án NHS Trung Văn. Zing đã trực tiếp tìm hiểu về chung cư này và số tiền làm hồ sơ tại đây cao đến mức “choáng váng”.
Theo lời anh H.M, một môi giới viên, giá gốc của căn hộ tại chung cư này khoảng 17-19 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, phí “lót tay” tại đây lên tới 300-350 triệu đồng. Thậm chí, nhân viên môi giới này còn khẳng định sàn giao dịch mà anh làm việc đã giúp nhiều người có chức vụ cao và thu nhập tốt mua nhà ở xã hội một cách “đầu xuôi, đuôi lọt”.
“Phí này sàn thu dưới dạng sân sau của chủ đầu tư. Nhiều dự án không cho phép các sàn được bán, đây là toàn dạng sân sau thu phí. Giá nguyên vật liệu và nhân công tăng, nhiều khi chủ đầu tư cũng chịu thiệt thòi. Vì thế, họ mới sinh ra các sàn đằng sau để thu phí ngoài”, anh H.M tiết lộ.
Cẩn thận “tiền mất, tật mang”
Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật Thiên Mã, dựa trên quy định tại Khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014, bên mua, thuê mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng cho rằng vi bằng không thể thay thế hợp đồng chuyển nhượng có công chứng.
“Nếu mua bán nhà đất mà lập vi bằng thì xem như hợp đồng không có giá trị hiệu lực”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với Zing.
Ngoài ra, việc người mua nhà sử dụng phí “lót tay” để chạy hồ sơ có thể rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng, người không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội có thể sẽ mất tiền, mất nhà và mất cả phí “lót tay” theo quy định tại Khoản 6 Điều 62 Luật Nhà ở 2014.
Không chỉ vậy, người mua còn gặp khó khăn trong việc thừa kế nhà ở theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
“Hành vi mua nhà không đủ điều kiện, hành vi đút lót nhằm mua được nhà, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật… Tất cả điều này có thể dẫn đến việc người mua bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tuỳ vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả gây ra”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Người dân tìm mua nhà ở xã hội vốn đã khó, nay còn phải chịu thêm cả phí “lót tay” cả trăm triệu đồng. Ngay cả PGS.TS Đinh Trọng Thịnh còn cho rằng với mức giá nhà ở nhà xã hội cao như hiện tại, một giảng viên đại học như ông cũng khó lòng mua nổi.
Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bản thân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận nhà ở xã hội “đang cao hơn so với thu nhập của người dân, người lao động”.
Dựa trên công bố của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, tính từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2022. Theo Bộ Xây dựng, cả nước ghi nhận 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới trong năm 2022, giữ nguyên số lượng so với năm 2021.
Nguồn: https://zingnews.vn/ton-350-trieu-dong-lot-tay-de-mua-nha-o-xa-hoi-post1400673.html