ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Phú Yên, ngày 20 tháng 7 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG “HÁT NHẠC SỐNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hoạt động “hát nhạc sống” có chiều hướng gia tăng. Đây là nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động “hát nhạc sống” cũng đã có những hành vi vi phạm quy định về hoạt động văn hóa, an ninh trật tự, môi trường như: Âm thanh vượt quá mức cho phép, hát quá giờ quy định, hát những bài hát không được phép phổ biến, có những hành vi phản văn hóa trong khi hát…gây bức xúc trong nhân dân.
Để thống nhất quản lý hoạt động “hát nhạc sống”, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đưa hoạt động này vào nề nếp, lành mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong cán bộ, nhân dân ở đơn vị, địa phương các Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; Quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội liên quan đến hoạt động “hát nhạc sống”.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
– Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động “hát nhạc sống” hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố công tác quản lý hoạt động “hát nhạc sống” và các hình thức sinh hoạt văn hóa tương tự.
– Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động “hát nhạc sống” trên địa bàn tỉnh nhất là hoạt động “hát nhạc sống” tự phát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Công an tỉnh:
Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động “hát nhạc sống”. Tham mưu cho các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để tăng cường quản lý hoạt động này.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
– Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Đội kiểm tra liên ngành 814 tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm hoạt động “hát nhạc sống” trên địa bàn.
– Xây dựng quy định cụ thể về tổ chức “hát nhạc sống” ở địa phương phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, cụ thể:
+ Khi tổ chức hát không được để âm thanh phát ra vượt quá mức ồn tối đa cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn như sau:
Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương), dBA
. Khu vực đặc biệt: Từ 06 giờ đến 21 giờ: 55 dBA; từ 21 giờ đến 06 giờ: 45 dBA.
. Khu vực thông thường: Từ 06 giờ đến 21 giờ: 70 dBA; từ 21 giờ đến 06 giờ: 55 dBA.
+ Không làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh, sức khỏe, việc học tập, sinh hoạt của người dân và làm việc của các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện; Không quá giờ giấc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”.
+ Không hát những bài hát không được phép phổ biến; không có những hành vi phản văn hóa trong khi hát.
– Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các công việc:
+ Tổ chức tuyên truyền, giáo dục và thông qua sinh hoạt của thôn, buôn, khu phố, sinh hoạt gia đình văn hóa vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về “hát nhạc sống”; đưa ra kiểm điểm, nhắc nhở trước nhân dân hoặc xử lý theo pháp luật đối với các gia đình, cá nhân tổ chức “hát nhạc sống” không đúng quy định. Không xét công nhận các danh hiệu thôn, buôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đối với các địa phương, gia đình để xảy ra vi phạm trong “hát nhạc sống”, gây bức xúc trong nhân dân.
+ Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ở địa phương cho thuê các thiết bị chuyên dùng phục vụ “hát nhạc sống” thực hiện đúng các quy định về hoạt động văn hóa, an ninh trật tự công cộng, bảo vệ môi trường trong việc tổ chức “hát nhạc sống”.
+ Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về “hát nhạc sống”; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương những tổ chức, gia đình, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.
5. Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp:
Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các quy định của địa phương trong hoạt động “hát nhạc sống”.
6. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên; Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên; Báo Phú Yên:
Tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động “hát nhạc sống”; phê phán các hành vi sai trái trong hoạt động này trên phương tiện báo chí của mình.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH Phạm Đình Cự |