ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/KH-UBND |
Phú Yên, ngày 06 tháng 7 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH BÁC SĨ GIA ĐÌNH TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch
Bác sỹ gia đình (BSGĐ) là bác sỹ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sỹ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 935/2013/QĐ-BYT ngày 22/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án BSGĐ giai đoạn 2013-2010, hoạt động BSGĐ đã bước đầu được triển khai thí điểm tại một số tỉnh/thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẳng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa. Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình, cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng cao.
Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung, ở Phú Yên nói riêng là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.
Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kết quả thu được tại các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm mô hình BSGĐ, cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia khám chữa bệnh BHYT tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh gần nhất và hiệu quả cao…; Sở Y tế xây dựng Kế hoạch phát triển mô hình BSGĐ tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020.
2. Căn cứ xây dựng kế hoạch
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009;
– Quyết định số 1091/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Yên, ngày 27/6/2013 v/v phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Phú Yên;
– Quyết định số 1827/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 07/11/2014 về việc phê duyệt Dự án hiệu chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020;
– Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình;
– Quyết định 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020;
– Công văn số 509/KCB-CĐT ngày 18/5/2016 của Cục Quản lý, khám chữa bệnh về triển khai thực hiện Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.
II. MỤC TIÊU
1. Muc tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát
Nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1.2.1. Đào tạo nguồn nhân lực Y học gia đình: Phấn đấu cử 100 bác sĩ đa khoa tham gia các khóa học bồi dưỡng, định hướng chuyên khoa, sau đại học về Y học gia đình;
1.2.2. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020:
– Có ít nhất 80% Trung tâm y tế huyện (sau khi sáp nhập) triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện đa khoa huyện;
– Có ít nhất 80% Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;
– Có ít nhất 10 Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
1.1. Mô hình tổ chức
a) Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình;
b) Phòng khám bác sĩ gia đình:
– Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân (bao gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình);
– Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
1.2. Nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
a) Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình
* Về nhân lực:
– Bảo đảm đủ nhân lực theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn.
– Có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 3 tháng về Y học gia đình.
* Về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế:
Theo quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.
b) Phòng khám bác sĩ gia đình (bao gồm phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện)
* Về cơ sở vật chất và trang thiết bị
– Xây dựng và thiết kế: Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình. Phải có nơi đón tiếp người bệnh, có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10m2. Ngoài ra, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng khám còn phải đáp ứng thêm các điều kiện phù hợp với hình thức tổ chức và phạm vi hoạt động chuyên môn đã đăng ký.
– Có thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh.
* Về trang thiết bị y tế:
Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đăng ký.
* Về nhân lực:
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình (trong giai đoạn thí điểm, bác sĩ đa khoa được đào tạo về Y học gia đình 3 tháng).
– Người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe phải được đào tạo về Y học gia đình.
Riêng đối với Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước) thì các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có thể luân chuyển tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình.
1.3. Nhiệm vụ của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
a) Nhiệm vụ của trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình:
– Thực hiện nhiệm vụ của trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn nhưng phải theo nguyên lý toàn diện và liên tục;
– Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lý Y học gia đình;
– Thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến Y học gia đình. Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến;
– Thực hiện tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm;
– Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời;
– Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch;
– Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về Y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình.
b) Nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình
Phòng khám bác sĩ gia đình được thực hiện các nhiệm vụ sau nhưng phải bảo đảm nguyên lý toàn diện và liên tục:
– Tham gia phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu;
– Khám bệnh, chữa bệnh:
+ Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp.
+ Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
+ Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi.
+ Thực hiện chuyển tuyến Y học gia đình: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.
Tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Riêng đối với phòng khám bác sỹ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến Y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.
+ Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch.
+ Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.
– Phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.
– Tư vấn sức khỏe: Tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật.
– Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về Y học gia đình và các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình.
Trên cơ sở mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nêu trên, hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá thực tiễn hoạt động của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình để bổ sung, hoàn thiện quy mô, chức năng, nhiệm vụ.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin
a) Phối hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thanh toán bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để xây dựng phần mềm tin học quản lý hoạt động bác sĩ gia đình.
b) Xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử Y học gia đình.
3. Đào tạo nguồn nhân lực Y học gia đình
3.1. Các loại hình đào tạo về Y học gia đình:
– Đào tạo định hướng Y học gia đình 03 tháng, 09 tháng;
– Đào tạo sau đại học về Y học gia đình (nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sỹ, tiến sỹ);
3.2. Đào tạo, phát triển đội ngũ người hành nghề Y học gia đình:
Căn cứ thực trạng và yêu cầu đào tạo về Y học gia đình, Sở Y tế sẽ xây dựng Kế hoạch cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực Y học gia đình phù hợp.
4. Lộ trình triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
– Năm 2016:
+ Phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa, lợi ích khi khám chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.
+ Mở lớp bồi dưỡng kiến thức về Y học gia đình đợt 01 tại tỉnh Phú Yên do Trường Đại học Y Dược Huế đào tạo, với số học viên tham gia: 50 bác sỹ đa khoa;
+ Khảo sát các cơ sở đăng ký tham gia mô hình bác sỹ gia đình. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, bố trí nhân lực để tạo điều kiện các cơ sở tham gia mô hình thí điểm bác sĩ gia đình vào năm 2017.
– Năm 2017:
+ Mở lớp bồi dưỡng kiến thức về Y học gia đình đợt 02 tại tỉnh Phú Yên do Trường Đại học Y Dược Huế đào tạo, với số học viên tham gia: 50 bác sỹ đa khoa.
+ Xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện đa khoa huyện Đông Hòa.
+ Mỗi huyện/thị xã/thành phố chọn 01 trạm y tế triển khai thí điểm mô hình trạm y tế có hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.
– Năm 2018:
Nhân rộng, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, bảo đảm có ít nhất 20% trung tâm y tế huyện triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 30% trạm y tế có hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình; phát triển 01 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
– Năm 2019:
Duy trì, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, bảo đảm có ít nhất 50% trung tâm y tế huyện triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các bệnh viện đa khoa huyện; 70% trạm y tế có hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình; phát triển 04 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
– Năm 2020:
Duy trì, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, bảo đảm có ít nhất 80% trung tâm y tế huyện triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các bệnh viện đa khoa huyện; 100% trạm y tế có hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình; phát triển 10 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
5. Kinh phí thực hiện
– Ngân sách nhà nước: Chi phí đào tạo, bổ sung một số cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết.
+ Nội dung đào tạo: Căn cứ theo thông báo hàng năm của Trường Đại học Y Dược Huế về nội dung và mức chi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bác sỹ gia đình.
Năm 2016, đào tạo bác sĩ định hướng Y học gia đình, thời gian đào tạo 03 tháng, số lượng học viên: 50 người, dự kiến: 400.000.000 (Bốn trăm triệu) đồng;
Năm 2017, đào tạo bác sĩ định hướng Y học giá đình, thời gian đào tạo 09 tháng, số lượng học viên: 50 người, dự kiến: 1.200.000.000 (Một tỷ hai trăm triệu) đồng;
Tổng cộng kinh phí dự kiến: 1.600.000.000 (Một tỷ sáu trăm triệu) đồng.
+ Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế, thực hiện theo kế hoạch phát triển chung của ngành y tế theo chương trình: Xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh phí đầu tư phát triển cơ sở y tế hàng năm.
– Nguồn vốn huy động: Vốn tư nhân tham gia mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
a) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai Kế hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
c) Chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình đã phê duyệt của đơn vị mình.
d) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán ngân sách hàng năm phù hợp cho hoạt động của Kế hoạch này trong dự toán ngân sách toàn ngành, trình UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế cân đối đảm bảo nguồn vốn đầu tư hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế đảm bảo ngân sách thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
4. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế, Bộ Nội; Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ các trạm y tế xã về các điều kiện cần thiết, như: Đất đai, đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao …để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương phối hợp thực hiện./.
KT.CHỦ TỊCH
Phan Đình Phùng |