BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 1965/CT-BNN-TT
Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2013
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ NÔNG SẢN THEO MÔ HÌNH “CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN”
Thực hiện Nghị quyết 21/2011/QH13 ngày 29/11/2011 của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng. Đặc biệt, ngày 26/3/2011 tại Cần Thơ, Bộ đã phát động phong trào xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong sản xuất trồng trọt, trước hết là sản xuất lúa gạo. Phong trào được các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Tại Nam Bộ, có 13 tỉnh triển khai, đến vụ Đông Xuân 2012-2013 tổng diện tích đạt trên 132 nghìn ha; tại phía Bắc, có 18 tỉnh triển khai, đến vụ Đông Xuân 2012-2013 tổng diện tích đạt trên 40 nghìn ha. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, dự án; thành lập Ban chỉ đạo, điều hành; có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kinh phí tập huấn, hỗ trợ mua máy gặt đập, máy làm đất, dụng cụ sạ hàng…
Tuy nhiên, khó khăn thách thức là thiếu doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nên nông dân chưa yên tâm tham gia sản xuất, nông dân sản xuất nhỏ, chưa quen liên kết; một số nơi chưa có hợp tác xã hoặc hợp tác xã hoạt động yếu chưa đủ sức tổ chức và hỗ trợ cho nông dân; nhiều cán bộ cơ sở chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nên còn ngại khó hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp; một số văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng.
Để áp dụng rộng rãi mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất, khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Đối với sản xuất lúa gạo: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao với lộ trình 3 bước: xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP. Các vùng khác mở rộng áp dụng đối với lúa gạo chất lượng cao để phục vụ thị trường trong nước là chủ yếu và một số thị trường nước ngoài yêu cầu gạo đặc sản, gạo Japonica; ưu tiên tập trung đối với vùng quy hoạch 300 nghìn ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Hồng.
2. Đối với sản xuất các cây trồng khác: Tổng kết các mô hình liên kết 4 nhà trên mía, bông, thuốc lá theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg và các mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên lúa để có cơ sở bổ sung, hoàn thiện các mô hình đang triển khai; xây dựng đề án cho năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, ưu tiên đối với cây trồng sản xuất hàng hóa tập trung như mía đường, cà phê, điều, chè, rau, quả an toàn.
3. Các giải pháp chủ yếu:
a) Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải liên kết xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”
b) Xác định rõ vai trò chủ yếu của mỗi đối tác trong liên kết để có biện pháp quản lý, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát huy vai trò của nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, nhà khoa học, ngân hàng, thương lái, hiệp hội… trong việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”.
c) Thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng thực hành nông nghiệp tốt nhằm tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và giảm phát thải trên “cánh đồng mẫu lớn”.
d) Áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện có, đồng thời chủ động ban hành một số chính sách mới hỗ trợ các đối tượng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó ưu tiên thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn”.
đ) Đề xuất bổ sung, sửa đổi một số văn bản pháp luật quy định về điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có hợp đồng tiêu thụ lúa gắn với vùng nguyên liệu; ưu tiên chỉ tiêu tạm trữ cho doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ; quản lý thương lái thu mua nông sản…
4. Tổ chức thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình trên địa bàn; thăm quan học tập các mô hình, cách làm hay của địa phương bạn; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung trên địa bàn;
– Chỉ đạo liên kết nông dân gắn với phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo sự đồng thuận xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; tổ chức nông dân “dồn điền, đổi thừa”; khuyến khích cho thuê, góp phần bằng quyền sử dụng đất; cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp VietGAP và cơ giới hóa đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tiết kiệm nước, giảm phát thải trên “cánh đồng mẫu lớn”;
– Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; phát triển các loại hình dịch vụ của hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong làm đất, cung ứng vật tư, gieo trồng, bảo vệ thực vật, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng và hài hòa lợi ích giữa các bên;
– Ưu tiên ngân sách để hỗ trợ theo các quy định hiện hành, đồng thời xem xét ban hành các chính sách mới hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các thành phần hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện địa phương; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Các đơn vị trực thuộc Bộ:
– Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổng kết các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản lĩnh vực trồng trọt, các mô hình tốt để nhân rộng; hoàn thiện tiêu chí “cánh đồng mẫu lớn” phù hợp cho cây trồng, vùng sản xuất; công nhận, phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với VietGAP; tổng kết, báo cáo, đề xuất Bộ kịp thời;
– Các đơn vị khác thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung đã nêu tại Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ (để b/c)
– Lãnh đạo Bộ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Sở Nông nghiệp và PTNT;
– Các Cục: TT, BVTV, KTHT&PTNT; CBTM&NM; QLCL NLS&TS;
– Vụ KHCN&MT, Trung tâm KNQG;
– Lưu: VT, TT.
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát