Giao dịch dân sự là gì? Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực? là một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất trên thực tế. Vì vậy bài viết sau đây của Tổng đài pháp luật sẽ đi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự. Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề trên, hãy liên hệ trực tiếp đến với chúng tôi qua hotline 1900.6174 để được tư vấn nhanh chóng nhất.
Giao dịch dân sự là gì?
Theo từ điển Luật học thì giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự.
Còn theo quy định tại Điều 116 Bộ Luật dân sự 2015 thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Qua khái niệm trên, có thể thấy dấu hiệu của giao dịch dân sự bao gồm:
– Giao dịch dân sự được hình thành từ hành vi của con người. Nếu giao dịch hình thành từ hành vi bất hợp pháp thì vô hiệu và ngược lại
– Giao dịch dân sự nhằm phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định. Tùy từng giao dịch dân sự cụ thể mà giao dịch đó có thể làm phát sinh hậu quả pháp lý như phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự với nhau; hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự đối với nhau; hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên.
– Giao dịch dân sự là sự thể hiện ý chí của người xác lập thông qua hành vi. Do giao dịch hình thành từ hành vi nên giao dịch dân sự thể hiện ý chí của người xác lập giao dịch
– Giao dịch dân sự luôn hướng tới một quan hệ dân sự với chủ thể khác: Người xác lập giao dịch hướng tới việc hình thành một quan hệ dân sự giữa mình với một hoặc nhiều chủ thể khác nhau và thông qua quan hệ dân sự đó để xác lập quyền, nghĩa vụ của các chủ thể
Giao dịch dân sự cũng có thể xác lập với điều kiện riêng và được xác định là giao dịch có điều kiện, hiệu lực của nó phát sinh hoặc hủy bỏ phụ thuộc vào sự kiện nhất định. Khi sự kiện đó xảy ra thì giao dịch phát sinh hoặc hủy bỏ. Giao dịch đã được xác lập chỉ phát sinh hiệu lực khi có sự kiện được coi là điều kiện xảy ra được gọi là giao dịch có điều kiện phát sinh. Còn giao dịch được xác lập và phát sinh hiệu lực nhưng khi có sự kiện là điều kiện hủy bỏ xảy ra thì giao dịch bị hủy bỏ được gọi là giao dịch có điều kiện hủy bỏ.
Nếu bạn đang gặp khó khăn về pháp lý trong khi giao dịch dân sự, hãy liên hệ qua đường dây nóng 1900.6174 của Tổng đài pháp luật để được các Luật sư tư vấn Luật dân sự trực tiếp 24/7 chính xác và nhanh chóng nhất.
Đặc điểm của giao dịch dân sự
Nhìn chung dù giao dịch dân sự là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương thì giao dịch dân sự đều có những đặc điểm chung sau đây:
– Thứ nhất, giao dịch dân sự phải thể hiện ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch. Trong giao dịch dân sự phải có sự thống nhất ý chí và bày tỏ ý chí.
+ Ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của con người mà nội dung của nó được xác định bởi các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của bản thân họ.
+ Ý chí phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để các chủ thể khác có thể biết được ý chí của chủ thể muốn tham giao vào một giao dịch dân sự cụ thể. Vì vậy nếu thiếu sự thống nhất này, giao dịch dân sự có thể bị tuyên bố là vô hiệu.
– Thứ hai, chủ thể tham gia giao dịch phải tự nguyện. Một chủ thể khi mong muốn đạt được mục đích nhất định, họ sẽ tự nguyện tham gia một giao dịch dân sự nhất định để đạt được điều đó. Nhà nước và pháp luật không thể bắt buộc bất kỳ bên nào tham gia vào một giao dịch mà chủ thể không muốn và chỉ điều chỉnh quan hệ giao dịch dân sự khi các bên tham gia giao dịch.
Chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được tham gia vào tất cả các giao dịch dân sự. Đối với những người hạn chế năng lực hành vi dân sự và người mất năng lực hành vi dân sự pháp luật đã quy định họ chỉ được tham gia một số giao dịch nhất định phù hợp với ý chí của họ hoặc thông qua người đại diện.
– Thứ ba, giao dịch dân sự luôn làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý dưới dạng hành vi pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý. Tùy từng giao dịch vụ thể mà làm phát sinh, thay đôi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự.
– Thứ tư, nội dung của giao dịch dân sự không được vi phạm điều cấm của Luật và không trái đạo đức xã hội. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận và sự tự nguyện của các chủ thể tham gia giao dịch nhưng bên cạnh đó khi tham gia giao dịch họ cũng phải tuân theo quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Các chủ thể tự do bày tỏ ý chí và giao kết với nhau nhưng nếu vượt ngoài khuôn khổ của pháp luật sẽ là vi phạm pháp luật. Ví dụ như giao dịch mua bán ma túy là giao dịch có đối tượng trái pháp luật…
Hình thức của giao dịch dân sự
Anh Lộc (Lạng Sơn) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc cần được giải đáp như sau:
Tôi có sở hữu một mảnh đất rộng 2000 m2 trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Gần đây anh Toàn là một người bạn của tôi có rủ tôi cùng góp vốn vào công ty anh để làm ăn, tuy nhiên hiện tôi chỉ có tài sản là mảnh đất kia nên tôi có đề nghị muốn góp vốn bằng chính quyền sử dụng đất của mình. Anh Toàn có đồng ý và cùng tôi ký hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên trong hợp đồng góp vốn kinh doanh của tôi với anh Toàn chỉ có chữ ký của hai bên mà không có công chứng chứng thực.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi hợp đồng góp vốn của tô ký với anh Toàn trong trường hợp này có cần công chứng hay không? Nếu có thì giao dịch giữa tôi và anh Toàn lúc này có hiệu lực không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!”
>>> Luật sư tư vấn Luật dân sự miễn phí – 1900.6174
Trả lời:
Chào anh Lộc, cảm ơn anh đã gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến Tổng đài pháp luật của chúng tôi! Dựa theo những thông tin mà anh cung cấp bên trên, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi của anh như sau:
Hình thức của giao dịch dân sự được quy định cụ thể tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể bao gồm:
– Hình thức bằng lời nói:
Hình thức bằng lời nói là hình thức giao kết giao dịch bằng ngôn ngữ nói, bằng lời hay còn gọi là giao dịch dân sự bằng miệng. Khi xác lập giao dịch dân sự, các chủ thể sẽ dùng lời nói trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện công nghệ thông tin như để diễn đạt ý kiến của mình.
Ưu điểm của giao dịch dân sự bằng lời nói là việc giao kết sẽ diễn ra nhanh gọn, đơn giản và ít tốn kém. Tuy nhiên hình thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về mặt pháp lý, dễ xảy ra tranh chấp. Vấn đề chứng minh sự tồn tại của giao dịch bằng lời nói rất khó khăn bởi khi giao dịch bằng lời nói không có chứng cứ chứng minh và việc thu thập chứng cứ khó khăn dẫn đến vụ án kéo dài và hai bên đương sự đều tốn thời gian, tiền bạc, công sức.
Vì vậy, các bên chỉ nên lựa chọn hình thức miệng đối với các giao dịch có giá trị nhỏ để phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày hoặc các giao dịch có thời hạn thực hiện ngắn.
– Hình thức bằng văn bản:
Văn bản nói chung được gọi là một loại phương tiện ghi tin và truyền đạt thông tin bằng ngôn ngữ (hay một ký hiệu nhất định) được trình bày trên một chất liệu hữu hình nhằm thể hiện một nội dung xác định mà người ta có thể đọc, lưu giữ và bảo đảm sự toàn vẹn nội dung đó. Nói cách khác, văn bản là một sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở dạng viết.
Ưu điểm lớn nhất của hình thức văn bản là khả năng lưu giữ nội dung giao dịch, thể hiện được đầy đủ, rõ ràng ý chí của các bên tham gia do nội dung giao dịch được thể hiện trên văn bản có chữ ký xác nhận của các chủ thể. Vì vậy hình thức này là chứng cứ xác định chủ thể đã tham gia vào một giao dịch dân sự, là căn cứ chứng minh khi xảy ra tranh chấp.
– Hình thức bằng hành vi
Giao dịch dân sự bằng hành vi là giao dịch được thiết lập bằng một hành động thuần túy. Giao dịch bằng hành vi cụ thể thường được xác lập khi một bên biết rõ nội dung lời đề nghị và thể hiện sự đồng ý tất cả các điều kiện mà bên kia đưa ra bằng một hành vi cụ thể chẳng hạn như mua hàng tại máy tự động, chụp ảnh tự động….
– Hình thức thông điệp dữ liệu
Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung thêm hình thức về giao dịch điện tử nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường khi ngày càng nhiều giao dịch dân sự được xác lập thông qua phương tiện điện tử. Cụ thể tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
“Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có thể được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tủ, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.
Hình thức này có nhiều ưu điểm như nhanh chóng, chính xác, bảo mật… quan trọng thông điệp dữ liệu gốc có thể được xem như một văn bản gốc nên có thể làm chứng cứ khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên hình thức này không có tính phổ biến như hình thức bằng văn bản và không thích hợp đối với mọi giao dịch trên thực tế.
Quay trở lại với trường hợp của anh Lộc, như anh đề cập bên trên thì anh có ký với anh Toàn hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tuy nhiên tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 có quy định cụ thể:
“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”
Căn cứ theo quy định này thì một người muốn góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thực hiện việc công chứng chứng thực bản hợp đồng này.
Do đó nếu anh ký với anh Toàn hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện việc công chứng chứng thực thì lúc này giao dịch giữa anh và anh Toàn sẽ bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sự 2015.
Vì vậy để đảm bảo được quyền lợi của mình cũng như tránh các rủi ro có thể gặp sau này thì anh và anh Toàn cần phải công chứng, chứng thực hợp đồng này.
Nếu anh còn bất cứ vấn đề nào chưa hiểu liên quan đến vấn đề trên, hãy kết nối trực tiếp với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.6174 để được các Luật sư tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng nhất.
Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực
Chị Toàn (Nghệ An) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, anh Nam là đồng nghiệp cùng cơ quan với tôi, gần đây do làm ăn thua lỗ nên anh Nam có bày tỏ muốn mượn tôi 200 triệu để trả nợ và hứa sẽ trả lãi hàng tháng cho tôi. Tôi cũng muốn giúp anh Nam tuy nhiên trước giờ tôi chưa cho ai vay tiền bao giờ nên không biết cách viết giấy vay nợ như thế nào mới đúng quy định. Anh Nam có nói với tôi là tôi chỉ cần đánh máy một hợp đồng vay tài sản trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên sau đó cả tôi và anh Nam cùng ký vào là được.
Tuy nhiên tôi không yên tâm nên hiện tại vẫn chưa đồng ý với anh Nam. Vậy Luật sư cho tôi hỏi điều kiện để giao dịch giữa tôi và anh Nam có hiệu lực là gì? Hợp đồng vay tài sản được đánh bằng máy tính và có chữ ký của tôi và anh Nam thôi thì có được hay không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!”
>>> Tư vấn về các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực, gọi ngay 1900.6174
Trả lời:
Chào chị Toàn, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi thắc mắc của mình đến với chúng tôi. Với câu hỏi này của chị, chúng tôi xin được đưa ra lời giải thích cụ thể như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là một trong những nội dung cơ bản quyết định sự ổn định, tính hợp lý, tính hiệu quả của các giao dịch trong giao lưu dân sự và trong hoạt động thương mại. Chỉ những giao dịch hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch.
Mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và được pháp luật bảo hộ. Nếu thiếu một trong các điều kiện có hiệu lực thì giao dịch dân sự đương nhiên hoặc có thể bị xác định vô hiệu.
Tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, cụ thể như sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập (Điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình trong việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Tùy thuộc vào các mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân mà cá nhân được tham gia vào các giao dịch phù hợp với độ tuổi.
Còn đối với pháp nhân thì pháp nhân sẽ tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện của pháp nhân ngoài việc đáp ứng tư cách đại diện theo pháp luật (hoặc theo ủy quyền) của pháp nhân thì cũng cần đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể tham gia giao dịch dân sự.
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện (điểm b khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)
Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí nên chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện trong việc thể hiện và bày tỏ ý chí của mình. Khi tham gia vào giao dịch dân sự, các chủ thể có quyền tự do quyết định tham gia hay không tham gia giao dịch dân sự, không bị lừa dối, không bị cưỡng ép, không bị đe dọa.
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia vào giao dịch dân sự. Nội dung của giao dịch dân sự là tổng hợp các điều khoản, các cam kết xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể, có tính chất ràng buộc các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ giao dịch, các chủ thể có quyền tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận nhằm đáp ứng lợi ích mà các bên mong muốn đạt được nhưng mọi hành vi, thỏa thuận không được vi phạm những điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. (Khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)
Hình thức của giao dịch dân sự là phương thức thể hiện nội dung của giao dịch. Các bên chủ thể có quyền lựa chọn hình thức phù hợp để xác lập giao dịch. Tuy nhiên trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc thì các bên phải tuân theo. Đối với một số hình thức bắt buộc chẳng hạn như phải bằng văn bản, văn bản công chứng chứng thực, phải đăng ký giao dịch… nếu vi phạm thì giao dịch dân sự sẽ vô hiệu.
Vì vậy, áp dụng vào trường hợp cụ thể của chị Toàn bên trên, có thể thấy điều kiện để giao dịch giữa chị và anh Nam có hiệu lực sẽ bao gồm:
– Cả chị và anh Nam trong trường hợp này phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cả hai phải nhận thức và làm chủ được hành vi của mình cũng như tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong giao dịch.
– Chị và anh Nam khi ký vào hợp đồng vay tài sản phải hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của cả hai. Nếu hợp đồng vay tài sản này được xác lập không dự trên ý chí tự nguyện của một trong hai bên thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
– Hợp đồng giữa chị và anh Nam xác lập phải có mục đích và nội dung không trái quy định của pháp luật.
– Cuối cùng hiện nay theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì không có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Vì vậy theo quy định thì hợp đồng vay tài sản nói riêng và giao dịch dân sự nói chung có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015.
Vì vậy hình thức của hợp đồng vay tài sản của chị và anh Nam được đánh máy và có đầy đủ chữ ký của hai bên sẽ không trái với quy định của pháp luật.
Nếu chị còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, hãy nhấc máy và gọi ngay đến số điện thoại 1900.6174 để được các Luật sư giải đáp nhanh chóng nhất.
Giao dịch dân sự vô hiệu trong những trường hợp nào?
Anh Duy (Hải Phòng) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc cần được giải đáp như sau:
Bà tôi năm nay 63 tuổi gần đây bà tôi có bị bác Toàn là bác trai tôi lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bác Toàn do bà tôi không biết chữ. Cụ thể là bà tôi có sở hữu một mảnh đất rộng khoảng hơn 1000m2 trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Tuần trước bác Toàn có từ thành phố về và xin bà cho thế chấp mảnh đất kia để bác vay tiền làm ăn và hứa hàng tháng sẽ gửi tiền lãi về cho bà.
Khi bà tôi ký giấy xong thì bác Toàn lật lọng bất hiếu, thậm chí còn chửi mắng bà. Mãi đến khi bác Toàn đuổi bà ra khỏi nhà và tuyên bố mảnh đất này là của bác thì bà tôi mới biết là bị lừa. Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này giao dịch giữa bà tôi và bác Toàn theo quy định của pháp luật có bị vô hiệu hay không?
Mong Luật sư có thể sớm giải đáp giúp tôi vấn đề này, tôi xin chân thành cảm ơn!”
>>> Luật sư tư vấn các trường hợp giao dịch dân sự bị tuyên bố là vô hiệu, gọi ngay 1900.6174
Trả lời:
Chào anh Duy, cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến với Tổng đài pháp luật của chúng tôi! Đối với câu hỏi trên của anh, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:
Bộ Luật dân sự 2015 từ Điều 123 đến Điều 129 có quy định các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, cụ thể như sau:
– Giao dịch dân sự do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123 Bộ luật dân sự 2015)
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Giao dịch vi phạm quy định này đương nhiên sẽ bị coi là vô hiệu và không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao dịch. Tài sản giao dịch và lợi tức thu được có thể bị tịch thu và sung quỹ nhà nước.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 Bộ luật dân sự 2015)
Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo sẽ vô hiệu còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125 Bộ luật dân sự 2015)
Trong trường hợp này thì giao dịch dân sự chỉ bị vô hiệu khi có yêu cầu của người đại diện của những người đó yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Tức là giao dịch đó chỉ bị vô hiệu khi có quyết định có hiệu lực của Tòa. Giao dịch do những chủ thể trên xác lập thực hiện nhưng thuộc khoản 2 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 thì không bị vô hiệu.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật dân sự 2015)
Trong trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn sẽ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Trừ trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
Nhầm lẫn là việc mà các bên hình dung sai về nội dung của giao dịch dân sự mà mình tham gia vào. Sự nhầm lẫn sẽ xuất phát từ nhận thức của các bên hoặc phán đoán sai lầm về đối tượng sự việc. Sự nhầm lẫn phải được thể hiện rõ ràng mà căn cứ vào nội dung của giao dịch phải xác định được. Nếu bên bị nhầm lẫn chứng minh được sự nhầm lẫn của mình thì giao dịch có thể bị tuyên bố là vô hiệu.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127 Bộ luật dân sự 2015)
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai, hiểu nhầm về chủ thể cũng như tính chất của đối tượng hay nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia bắt buộc phải thực hiện giao dịch dân sự để nhằm tránh bị thiệt hại về sức khỏe, uy tín, nhân phẩm, tài sản thậm chí là tính mạng của mình hoặc người thân của mình.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 128 Bộ luật dân sự 2015)
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì sẽ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 Bộ luật dân sự 2015)
Theo nguyên tắc chung thì các chủ thể sẽ được tự do lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự mà mình tham gia. Chỉ những giao dịch pháp luật quy định bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép mà các bên không tuân thủ quy định này mới bị vô hiệu.
Quay trở lại với trường hợp của anh Duy ở trên, như anh đã trình bày thì bác Toàn đã có hành vi cố ý làm cho bà của anh hiểu sai về nội dung của giao dịch, cụ thể bác Toàn đã nói dối để bà anh ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thay vì hợp đồng thế chấp như bác Toàn nói.
Vì vậy lúc này việc bà anh thực hiện giao dịch không phải xuất phát từ ý chí và tính tự nguyện của bà nên đây có dấu hiệu của một giao dịch dân sự bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015.
Do đó đối với những giao dịch được xác lập do bị lừa dối thì sẽ bị vô hiệu khi có yêu cầu của bên bị lừa dối và cơ quan tòa án sẽ xem xét nếu có đầy đủ các căn cứ do pháp luật quy định thì sẽ chấp nhận yêu cầu đó. Vì vậy trong trường hợp này khi biết mình bị lừa dối thì bà anh hoàn toàn có quyền đệ đơn lên Tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch này vô hiệu.
Trên đây là nội dung câu trả lời của chúng tôi, nếu anh còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề trên, hãy nhấc máy và gọi ngay đến số hotline 1900.6174 để được giải đáp nhanh chóng nhất.
>> Xem thêm: Đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định mới nhất
Hậu quả khi giao dịch dân sự vô hiệu
Bạn Huệ (Đồng Nai) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, anh trai tôi là anh Giang có bị tâm thần do tai nạn từ năm 2015. Bạn của anh trai tôi là anh Lộc do biết anh trai tôi đang có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng nên đã lợi dụng và dụ dỗ để anh trai tôi ký vào hợp đồng mua mảnh đất của anh ta với giá là 3 tỷ đồng.
Trong khi thực tế mảnh đất này chỉ trị giá khoảng dưới 500 triệu đồng. Biết được sự việc thì gia đình tôi có đến gặp anh Lộc để nói chuyện và xin lại 500 triệu tiền cọc mà anh trai tôi đã đưa cho anh Lộc, nhưng anh này không đồng ý mà còn đòi dọa kiện anh trai tôi ra tòa.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này nếu giao dịch giữa anh tôi và anh Lộc không có hiệu lực do anh tôi bị bệnh tâm thần thì liệu anh Lộc có phải trả lại số tiền cọc đã nhận từ anh tôi hay không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!”
>>> Tư vấn về xử lý hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu, gọi ngay 1900.6174
Trả lời:
Chào bạn Huệ, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến với chúng tôi. Đối với thắc mắc trên của bạn, chúng tôi xin được đưa ra lời giải thích cụ thể như sau:
Tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, cụ thể như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Vì vậy quay lại vấn đề cụ thể của bạn Huệ bên trên có thể thấy mặc dù hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất có đầy đủ chữ ký của chủ sở hữu là anh Lộc và người mua là anh Giang anh trai bạn, tuy nhiên anh Giang trong trường hợp này là người mất năng lực hành vi dân sự nên theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự trong trường hợp này sẽ bị vô hiệu.
Cụ thể: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì trong trường hợp này anh Lộc phải hoàn trả lại tất cả những gì đã nhận từ anh trai bạn. Nếu anh Lộc từ chối thực hiện thì gia đình bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Nếu bạn còn bất cứ những băn khoăn, thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên, hãy nhấc máy và liên hệ ngay đến với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.6174 để được tư vấn nhanh chóng nhất.
>>> Xem thêm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quy định bạn nên biết
Thời hiệu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
Chị Kim (Cần Thơ) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, 1 năm trước tôi có đi họp lớp cấp 3 và có ngồi uống rượu với anh Tuấn bạn học cũ của tôi. Tôi có khoe với anh Tuấn là đang sở hữu một căn hộ chung cư đắt tiền ở thành phố Hồ Chí Minh. Nghe nói thế anh Tuấn có ngỏ ý muốn mua lại căn hộ của tôi.
Trong lúc say rượu không nhận thức và làm chủ được bản thân nên tôi đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ chung cư mà tôi đang sở hữu cho anh Tuấn với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Ngày hôm sau khi về nhà nhận thức được mình đã làm là sai trái tôi có gọi cho anh Tuấn xin hủy bỏ hợp đồng nhưng anh Tuấn không nghe và nói nếu hủy bỏ hợp đồng thì tôi phải bồi thường cho anh 500 triệu.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi giao dịch giữa tôi và anh Tuấn được xác lập trong khi cả hai không tỉnh táo thì có hiệu lực pháp luật hay không? Nếu không thì liệu trong trường hợp này tôi còn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố là vô hiệu nữa không vì sự việc đã xảy ra 1 năm trước rồi?
Mong Luật sư có thể giải đáp giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!”
>>> Tư vấn về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định hiện hành, gọi ngay 1900.6174
Trả lời:
Chào chị Kim, cảm ơn chị đã gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến với chúng tôi. Dựa theo những thông tin mà chị cung cấp, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm kể từ ngày:
– Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch
– Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
– Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép để xác lập giao dịch
– Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch
– Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp không tuân thủ quy định bắt buộc về mặt hình thức.
Tuy nhiên đối với trường hợp vô hiệu do không tuân thủ các quy định bắt buộc về mặt hình thức thì tòa án sẽ xem xét và “buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn nhất định”.
Những giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội và những giao dịch do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu là không hạn chế.
Trong trường hợp của chị Kim có thể thời điểm chị ký với anh Tuấn hợp đồng chuyển nhượng căn hộ chung cư mà chị đang sở hữu là khi chị say rượu, không thể tự nhận thức và điều chỉnh được hành vi của mình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2015:
“Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”
Trong trường hợp này chị có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự giữa chị và anh Tuấn là vô hiệu. Quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự, tránh bị các chủ thể khác lợi dụng để xác lập giao dịch.
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 132 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp này là 2 năm kể từ ngày người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch. Vì sự việc của chị mới diễn ra cách đây 1 năm nên lúc này chị hoàn toàn co quyền nộp đơn lên Tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch giữa chị và anh Tuấn là vô hiệu.
>>> Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo bộ luật hình sự mới nhất
Trên đây là bài viết của Tổng đài pháp luật liên quan đến vấn đề giao dịch dân sự là gì. Hy vọng thông qua bài viết của chúng tôi bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong những giao dịch trên thực tế. Nếu các bạn còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề trên, hãy kết nối trực tiếp đến với chúng tôi qua số hotline 1900.6174 để chúng tôi nhanh chóng tư vấn và hỗ trợ.