Chỉ thị 46-CT/TW năm 2010 về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội do Ban Bí thư ban hành

BAN BÍ THƯ
—–
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
——-
Số: 46-CT/TW Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ CHỐNG SỰ XÂM NHẬP CỦA CÁC SẢN PHẨM VĂN HOÁ ĐỘC HẠI GÂY HUỶ HOẠI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

Những năm gần đây, ở nước ta, văn hoá có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển. Hợp tác văn hoá với nước ngoài ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm văn hoá có giá trị của thế giới được tiếp thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá của nhân dân ta.

Tuy vậy, thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm huỷ hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hoá lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, song trước hết là do một số tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp… chưa nhận thấy rõ tác hại nghiêm trọng, nguy hiểm gây huỷ hoại đạo đức xã hội của các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập từ bên ngoài vào nước ta; đồng thời do sự yếu kém, lúng túng, bị động, buông lỏng trong quản lý xã hội, quản lý văn hoá; sự bất cập của cơ chế quản lý trước những đặc điểm mới của quá trình hội nhập quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội, nhằm:

– Tạo phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Xây dựng, nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hoá độc hại.

– Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý văn hoá của các cơ quan đảng, nhà nước, sự tham gia chủ động, tích cực, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp để ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hoá độc hại.

– Tạo môi trường sống tốt đẹp, trong sạch, đa dạng; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hoá của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá phong phú của nhân dân.
Để thực hiện các mục tiêu trên, cần làm tốt các việc sau:

  1. Cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở các cấp phải thực sự quan tâm, có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, đánh giá để bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại. Tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, cần xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, nền nếp các quy định cụ thể về ngăn chặn, phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào cơ quan, đơn vị từng cá nhân.
  2. Vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật, các quy định về bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể đấu tranh chống sản phảm văn hoá độc hại đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở khu vực đô thị, cửa khẩu, vùng biên giới.

Tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá, nâng cao ý thức tự giác của các thành viên trong gia đình tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hoá độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Ngành Giáo dục và Đoàn thanh niên cần đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hoá và kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; bằng nhiều biện pháp kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ.

  1. Khẩn trương rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đồng thời xây dựng mới các chính sách, cơ chế, chế tài xử lý đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý xã hội, quản lý văn hoá trong tình hình mới nhằm ngăn chặn, bài trừ có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại; đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm văn hoá từ nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các cơ sở dịch vụ văn hoá.

Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá, đặc biệt ở khâu thẩm định, thanh tra, kiểm tra văn hoá.

  1. Xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên giữa các ngành văn hoá, thông tin, giáo dục, hải quan, công an, quản lý thị trường… trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào nước ta. Đồng thời, cần có các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại qua mạng internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động…
  2. Các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền về nhiệm vụ chống sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm văn hoá độc hại; phát hiện, biểu dương những điển hình tốt, gương tiêu biểu trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình văn hoá và trong công tác phòng, chống, bài trừ, phê phán các sản phẩm văn hoá độc hại.
  3. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ đảng các cấp quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
  4. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này với Ban Bí thư./.
T/M BAN BÍ THƯ
THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ

Trương Tấn Sang