Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 5105/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG DẠY THÊM, HỌC THÊM ĐỐI VỚI GIÁO DỤC TIỂU HỌC

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND các địa phương đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành.

Để thực hiện nghiêm túc Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm và Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 quy định về đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị:

1. Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo:

a) Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học ở địa phương:

– Tổ chức quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định.

– Tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới ở bậc học tiểu học.

– Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; Khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp.

Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; Không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.

– Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.

– Thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên THCS.

Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

b) Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các văn bản quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

2. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình và xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị ở các địa phương.

Chánh Thanh tra Bộ chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra giáo dục ở các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các trường tiểu học trong cả nước và các đơn vị liên quan để quán triệt và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Tuyên giáo TW; (để báo cáo)

– Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
– Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
– Văn phòng Quốc hội; (để báo cáo)
– Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; (để báo cáo)
– Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
– Các UBND tỉnh, TP trực thuộc TW (để p/h);
– Các sở GD&ĐT; (để thực hiện)
– Chánh Thanh tra; (để thực hiện)
– Website Chính phủ; (để thực hiện)
– Website Bộ GD&ĐT;
– Lưu : VT, Vụ GDTH.

BỘ TRƯỞNG

Phạm Vũ Luận