Ngày 09/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP có nội dung quy định về chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người. Nghị định có hiệu lực từ 01/7/2017.
1. Đối tượng và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ theo nghị định 57/2017/NĐ-CP
Đối tượng áp dụng chính sách theo quy định tại Điều 2 Nghị định 57/2017/NĐ-CP gồm trẻ em, học sinh, sinh viên thuộc các trường hợp sau:
– Trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc thiểu số rất ít người – Dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người cũng là đối tượng áp dụng của nghị định này trong quy trình tổ chức, thực hiện chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.
*** Do trẻ em mẫu giáo thuộc dân tộc thiểu số rất ít người đã được hưởng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ riêng trong lĩnh vực giáo dục tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP nên đấy là lý do vì sao các em không thuộc đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP – Nghị định quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Quý khách hàng có thể tham khảo chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mầm non khác tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP qua bài viết sau:
Một số chính sách đối với trẻ em mầm non và giáo viên mầm non theo quy định pháp luật hiện hành
Các chính sách đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc dân tộc thiểu số rất ít người:
Các chính sách được quy định tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP gồm có:
– Chính sách ưu tiên tuyển sinh;
– Chính sách hỗ trợ học tập.
2. Nội dung chính sách ưu tiên tuyển sinh
Chính sách ưu tiên tuyển sinh được quy định tại Điều 3 Nghị định 57/2017/NĐ-CP như sau:
– Trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp với nguyện vọng.
– Trẻ mẫu giáo được học tại các trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập.
– Học sinh bậc tiểu học được học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường tiểu học.
– Học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học cơ sở.
– Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
– Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học hoặc các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chế độ cử tuyển.
3. Nội dung chính sách hỗ trợ học tập
Mức hỗ trợ: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 57/2017/NĐ-CP, mức hỗ trợ được quy định như sau:
Đối tượng | Mức hỗ trợ (người/tháng) |
Trẻ em mẫu giáo | Bằng 30% mức lương cơ sở |
Học sinh tại tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông | Bằng 40% mức lương cơ sở |
Học sinh tại trường phổ thông dân tộc nội trú | Bằng 100% mức lương cơ sở |
Học sinh, sinh viên tại trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp | Bằng 100% mức lương cơ sở |
Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ: Đối tượng được hưởng 12 tháng/năm nếu có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp đối tượng học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.
Nguyên tắc hưởng chính sách đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc dân tộc thiểu số rất ít người:
– Học sinh, sinh viên tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu học đồng thời học nhiều khoa trong cùng một cơ sở giáo dục hoặc học ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ một lần. Nếu học sinh, sinh viên bị ngừng học thì thời gian ngừng học không được hưởng hỗ trợ. Nếu học sinh, sinh viên bị buộc thôi học thì thôi hưởng chính sách hỗ trợ ngay sau khi thôi học.
– Đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng tính chất thì theo nguyên tắc chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất, cụ thể:
+) Học sinh tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (nay là nghị định 81/2021/NĐ-CP)
+) Học sinh tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc là học sinh bán trú học tại trường phổ thông công lập có học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định này không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.
+) Học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP không được hưởng học bổng chính sách quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
+) Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định 57 thì không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg.
+) Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Nghị định 57 thì không được hưởng học bổng chính sách quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg (Quyết định này bị sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 15/2019/NĐ-Cp hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp) và không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập quy định tại Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg
4. Quy trình xét duyệt và chi trả hỗ trợ học tập
Đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục công lập:
Bước 1: Cơ sở giáo dục thông báo rộng rãi, cho trẻ em, học, sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng chính sách và hướng dẫn cho cha mẹ trẻ mẫu giáo làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ học tập theo quy định.
Thời gian thông báo: Đầu năm học, đầu khoá học.
Bước 2: Cha mẹ/người chăm sóc trẻ, học sinh, sinh viên nộp đơn, hồ sơ theo quy định trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở giáo dục niêm yết thông báo.
Bước 3: Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức xem xét đơn đề nghị hỗ trợ học tập, lập và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng, niêm yết công khai danh sách đối tượng được hưởng, gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và thực hiện việc chi trả.
Thời hạn thực hiện: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nhận đơn.
Đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập:
Bước 1,Bước 2: Thực hiện tương tự như đối với trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục công lập.
Bước 3: Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị hỗ trợ học tập của cha mẹ (hoặc người chăm sóc) trẻ mẫu giáo khi nhận được hồ sơ.
Bước 4: Nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền
– Cha mẹ (hoặc người chăm sóc) trẻ mẫu giáo; học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở nộp đơn đề nghị hỗ trợ học tập cho Phòng Giáo dục và Đào tạo,
– Học sinh trung học phổ thông nộp đơn đề nghị hỗ trợ học tập cho Sở Giáo dục và Đào tạo,
– Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học nộp đơn đề nghị hỗ trợ học tập cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại nơi trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú.
Nếu học sinh, sinh viên không trực tiếp đến nộp thì cha mẹ học sinh, sinh viên nộp thay
Bước 4: Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng LĐTBXH có trách nhiệm tổ chức xem xét đơn, lập và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng, niêm yết công khai danh sách đối tượng được hưởng chính sách và thực hiện chi trả trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn đề nghị hỗ trợ.
Phương thức chi trả hỗ trợ học tập:
– Đối với các cơ sở giáo dục công lập, các cơ sở giáo dục thực hiện chi trả tiền hỗ trợ trực tiếp tới cha mẹ, người chăm sóc trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên theo từng tháng.
– Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập: tiền hỗ trợ dẽ do Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng LĐTBXH tự tiếp chi trả. Việc chi trả thực hiện theo tháng hoặc theo quý.
5. Kinh phí thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí
Nguồn kinh phí thực hiệc:
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 57/2017/NĐ-CP, nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học tập dựa trên:
– Nguồn kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
– Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí:
Cơ sở lập dự toán và phân bổ sự toán kinh phí:
– Dựa trên các quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
– Kinh phí hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo và học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm phân bổ cho các cơ sở giáo dục công lập.
– Kinh phí hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm phân bổ qua Phòng GD&ĐT (đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở), Sở GD&ĐT (đối với học sinh trung học phổ thông) hoặc Phòng LĐTBXH(đối với học sinh, sinh viên học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp) nơi trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú.
Nội dung dự toán phải chi rõ nguồn kinh phí, mức kinh phí dự kiến và số lượng các đối tượng được hưởng chính sách.
Trách nhiệm lập dự toán, thực hiện việc quản lý, chi trả kinh phí hỗ trợ học tập và thanh quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước:
– Cơ quan nào được phân bổ ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ học tập có trách nhiệm lập dự toán, thực hiện việc quản lý, chi trả kinh phí hỗ trợ học tập cho đúng đối tượng và thực hiện thanh quyết toán với ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Tổng đài pháp luật về chính sách ưu tiên đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP. Nếu còn gì thắc mắc xin hãy liên hệ qua hotline: 19006174 để được tư vấn cụ thể hơn nhé!
Rất vui được hợp tác!
Trân trọng!