Không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội tra cứu nhanh nhất ở đâu? Nếu bạn không nhớ số sổ BHXH sẽ gây ra nhiều bất cập và làm mất thời gian khi làm các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến BHXH.
Không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội tra cứu như thế nào?
Anh Hướng (41 tuổi – Khánh Hòa) gửi đến câu hỏi:
“Chào luật sư, tôi mới bắt đầu làm việc tại công ty TNHH Tân Cương (Khánh Hòa) từ tháng 07/2022. Khi làm thủ tục chuyển sổ bảo hiểm xã hội sang công ty mới thì tôi lại không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội để tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Vì vậy tôi muốn hỏi Luật sư làm cách nào để tra cứu số sổ BHXH? Cảm ơn luật sư!”
Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Tổng đài pháp luật! Luật sư tư vấn bảo hiểm xã hội của chúng tôi đã có những phản hồi về vấn đề của bạn như sau:
Trong trường hợp bạn không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội nhưng đang cần biết gấp thì có thể tham khảo những phương án dưới đây:
Cách 1: Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội tại cổng thông tin điện tử Việt Nam
Để tra cứu mã số bảo hiểm xã hội trên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan BHXH Việt Nam, bạn cần thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Cơ quan BHXH Việt Nam, sau đó chọn mục “Tra cứu trực tuyến”.
Bước 2: Chọn mục “Tra cứu mã số BHXH”, sau đó điền các thông tin cá nhân bao gồm: Tỉnh thành phố; Mã số BHXH; Ngày sinh; Số CMND…
Lưu ý: Các mục có dấu (*) bắt buộc phải nhập. Nhập thêm số CMND và ngày sinh để việc tra cứu được thực hiện nhanh và chính xác.
Bước 3: Sau khi nhập đầy đủ thông tin, chọn ô “Tôi không phải là người máy” rồi bấm chọn “Tra cứu”, khi đó hệ thống sẽ tự động trả kết quả mã số bảo hiểm xã hội của bạn.
Cách 2: Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội không cần dùng CMND
Bước 1. Truy cập vào trang chủ tra cứu sổ BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bước 2. Nhập các thông tin cần thiết:
Lưu ý: Các mục có dấu (*) bắt buộc phải nhập.
Bước 3. Ấn vào “Tra cứu”.
Cách 3: Tra cứu nhanh số sổ bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VSSID
Người tham gia BHXH đã có tài khoản BHXH dùng để đăng nhập vào ứng dụng VSSID thì tài khoản đăng nhập VssID chính là “mã số BHXH” và cũng chính là số sổ bảo hiểm xã hội.
Đối với thiết bị di động, sau khi đăng nhập thành công thì ứng dụng sẽ tự động lưu tài khoản đăng nhập để sử dụng cho những lần dùng sau. Lần đăng nhập tiếp theo bạn chỉ cần điền mật khẩu hoặc sử dụng dấu vân tay.
Mã số BHXH cũng chính là số sổ BHXH. Vì vậy trong trường hợp người lao động làm thủ tục giấy tờ cần điền số sổ BHXH mà không nhớ thì có thể thực hiện tra cứu mã số BHXH.
Cách 4: Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội trên thẻ bảo hiểm y tế
Mã số BHXH cũng được ghi trên thẻ BHYT, mã số thẻ BHYT gồm 04 ô, trong đó ô thứ 4 gồm 10 số tự nhiên, đây chính là mã số BHXH của người tham gia.
Vì vậy, 10 số cuối của dãy số trên BHYT là mã số BHXH mà bạn đang cần tìm.
Cách 5: Tra cứu mã số BHXH trên sổ bảo hiểm xã hội.
Khi tham gia BHXH bạn sẽ được cấp 01 sổ bảo hiểm theo quy định.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ các quy định về sổ BHXH:
“Điều 96. Sổ bảo hiểm xã hội
1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Đến năm 2020, sổ bảo hiểm xã hội sẽ được thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bằng phương thức giao dịch điện tử.”
Như vậy, số sổ BHXH chính là mã số BHXH và là số định danh cho từng cá nhân khi tham gia BHXH, ghi lại chi tiết quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH.
>> Xem thêm: Không đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì mất?
Lỡ mất sổ bảo hiểm xã hội thì phải làm sao?
Chị Hồng Hạnh (Bình Phước) có câu hỏi:
“Chào Luật sư, tôi đã sử dụng bảo hiểm xã hội hơn 8 năm nay. Trong một lần chuyển nhà tôi vô tình làm mất sổ BHXH và không thể tìm lại. Hiện tại đã sắp đến ngày tôi phải tiếp tục gia hạn bảo hiểm xã hội nên giờ tôi đang rất đau đầu về vấn đề này.
Vậy xin hỏi Luật sư, lỡ làm mất sổ BHXH thì phải làm sao? Có xin cấp lại sổ mới được không? Xin cảm ơn Luật sư!”
Trả lời:
Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài pháp luật! Luật sư của chúng tôi đã trả lời vấn đề của bạn như sau:
Đối với trường hợp làm mất sổ bảo hiểm xã hội, rất nhiều người lao động lo lắng và có mong muốn được cấp lại sổ BHXH. Vậy đối tượng được cấp lại sổ BHXH là những ai và cần có những điều kiện gì?
Theo quy định, các trường hợp sẽ được cấp lại sổ BHXH (cả bìa và tờ rời) theo quy định của pháp luật, bao gồm:
1. Người lao động bị mất, hỏng sổ BHXH.
2. Thay đổi các thông tin về số sổ, họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch.
3. Người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng.
Theo thông tin chị cung cấp, chị đã lỡ làm mất sổ bảo hiểm xã hội nên chị chỉ cần xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới theo thủ tục dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ gồm có
– Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT
– Hồ sơ liên quan kèm theo tương ứng: Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và thẻ CCCD/CMND/hộ chiếu.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH, trung tâm Phục vụ HCC các cấp. Ngoài ra có thể sử dụng dịch vụ bưu chính công ích hoặc giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.
Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thì sẽ được giải quyết. Khi cần xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc đơn vị người lao động làm việc thì thời gian để giải quyết sẽ không quá 45 ngày và có văn bản thông báo cho người lao động biết.
Bước 4: Người lao động đến nhận sổ BHXH mới.
Như vậy, khi bạn lỡ làm mất BHXH thì cần nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ và trình đơn xin cấp lại lên cơ quan bạn đang làm việc hoặc nộp trực tiếp lên cơ quan BHXH để sớm được cấp lại. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì bạn sẽ được nhận lại sổ BHXH mới theo quy định.
Trong trường hợp nếu đang đợi cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới nhưng lại cần gấp số sổ bảo hiểm xã hội để làm một số thủ tục liên quan đến BHXH, bạn hoàn toàn có thể thực hiện tra cứu nhanh số sổ bảo hiểm xã hội của mình thông qua ứng dụng VSSID
>> Xem thêm: Rút bảo hiểm xã hội 1 lần ở đâu? Điều kiện và thủ tục như thế nào?
Không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội có được cấp lại không?
Chị Hoa (Phú Thọ) có câu hỏi:
“Chào Luật sư, chồng tôi vừa bị tai nạn giao thông và phải nhập viện. Sau một thời gian chữa trị anh ấy hiện đang làm các thủ tục để ra viện và cần điền số sổ BHXH, nhưng vì anh ấy gặp phải chấn thương phần đầu nên hiện tại không nhớ số sổ bảo hiểm xã hội.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi trường hợp này chồng tôi có được xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hiểm không? Cảm ơn Luật sư nhiều!
Trả lời:
Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Tổng Đài Pháp Luật, Luật sư của chúng tôi đã phản hồi về vấn đề của bạn như sau:
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 46 Quyết định 595/QĐ- BHXH về việc cấp lại sổ BHXH như sau:
“Điều 46. Cấp và quản lý sổ BHXH
2. Cấp lại sổ BHXH
2.1. Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BH thất nghiệp chưa hưởng.
2.2. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch.
2.3. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng”.
Theo như quy định của điều luật trên, trường hợp không nhớ số sổ BHXH và muốn cấp lại của chồng chị không được đề cập trong quy định cấp lại sổ BHXH của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Vì vậy, chồng chị có thể tiến hành tra cứu lại số sổ BHXH của mình thay vì xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới. Một số cách tra cứu số sổ BHXH nhanh nhất mà Luật sư muốn chia sẻ đến chị như sau:
– Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội tại cổng thông tin điện tử Việt Nam
– Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội không cần dùng CMND
– Tra cứu nhanh số sổ bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VSSID
– Tra cứu số sổ bảo hiểm xã hội trên thẻ bảo hiểm y tế
– Tra cứu mã số BHXH trên sổ bảo hiểm xã hội.
>> Xem thêm: Trùng bảo hiểm xã hội – Cách xử lý theo quy định pháp luật