Quyền sở hữu tài sản gồm những quyền nào? [Cập nhật 2024]

Quyền sở hữu tài sản là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội cũng như đối với pháp luật dân sự. Do đó bài viết sau đây của Tổng đài pháp luật sẽ đi tìm hiểu những quy định hiện hành về các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu. Nếu các bạn có bất cứ vướng mắc gì, hãy kết nối trực tiếp đến với chúng tôi qua số hotline 1900.6174 để nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình nhất.

quyen-so-huu-tai-san-la-gi
Quyền sở hữu tài sản là gì?

Thế nào là quyền sở hữu tài sản?

 

Sở hữu là phạm trù kinh tế thể hiện các quan hệ sản xuất xã hội, phương thức chiếm hữu và phân phối trong từng hình thái kinh tế – xã hội và quan hệ xã hội nhất định. Sở hữu là việc tài sản, tư liệu sản xuất và thành quả lao động thuộc về ai, do đó thể hiện quan hệ giữa người với người trong quá trình tạo ra và phân phối các thành quả vật chất.

Khái niệm quyền sở hữu có thể hiểu theo hai nghĩa:

Theo nghĩa rộng quyền sở hữu là luật pháp về sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định. Do đó quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và những của cải, vật chất trong đời sống xã hội.

Còn theo nghĩa hẹp thì quyền sở hữu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể trên thực tế được thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình trong những điều kiện nhất định. Với ý nghĩa này thì quyền sở hữu chính là những quyền năng dân sự của chủ sở hữu đối với tài sản của mình được quy định trong các quy phạm pháp luật về sở hữu.

Bên cạnh đó, Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.” Từ quy định trên có thể hiểu quyền sở hữu là việc pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện các quyền năng của mình trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản mà mình đang sở hữu trong khuôn khổ pháp luật.

>>> Xem thêm: Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định mới nhất 2022

Quyền sở hữu tài sản bao gồm những quyền nào?

 

Anh Kiên (Nghệ An) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc cần được Luật sư tư vấn như sau:

5 năm trước tôi có đi làm ăn trên Hà Nội và tích góp mua được một chiếc xe máy trị giá khoảng 70 triệu đồng được đăng ký xe mang tên tôi, sau đó tôi có mang về quê để sử dụng. Do gia đình có hai anh em nên tôi và em trai tôi cùng nhau sử dụng từ đó đến nay.

Gần đây tôi có nói với em tôi là muốn bán chiếc xe do tôi cần tiền để làm ăn thì lúc này em tôi không đồng ý. Em nói mặc dù tôi bỏ tiền ra mua xe nhưng mấy năm nay cả tôi và em tôi đều sử dụng nên em tôi cũng coi như là chủ sở hữu của chiếc xe vì vậy phải được sự đồng ý của em thì tôi mới được bán xe. Tôi thấy vô lý nhưng không biết giải thích như thế nào cho em hiểu.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi bỏ tiền ra mua xe, đứng tên chủ sở hữu thì tôi có những quyền gì đối với chiếc xe này? Liệu tôi có thể bán chiếc xe mà không cần hỏi ý em tôi hay không? Mong Luật sư tư vấn!

 

>>> Quyền sở hữu bao gồm những quyền nào? Luật sư tư vấn miễn phí 1900.6174

 

Trả lời:

Chào anh Kiên, cảm ơn câu hỏi của anh gửi đến Tổng đài pháp luật! Dựa theo những thông tin mà anh cung cấp bên trên, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời cụ thể cho vấn đề của anh như sau:

Theo quy định hiện hành, quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt, cụ thể như sau:

Quyền chiếm hữu

Pháp luật hiện hành quy định chiếm hữu là một trạng thái thực tế và là một quyền trong nội dung quyền sở hữu. Quyền chiếm hữu là quyền năng tiền đề của quyền sở hữu. Đó chính là khả năng của chủ sở hữu chiếm giữ vật trong phạm vi kiểm soát của mình, làm chủ và chi phối vật đó về phương diện vật chất.

Việc nắm giữ quản lý tài sản có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể chiếm hữu nếu việc chiếm hữu đó dựa trên cơ sở pháp lý do luật định. Đó là cách chủ thể sau:

“Chủ sở hữu chiếm giữ tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản, người được chuyển giao quyền sở hữu thông qua giao dịch dân sự.”

Đối với chủ thể là chủ sở hữu thì chủ sở hữu là người có quyền sở hữu đối với một loại tài sản nhất định. Việc có được tài sản đó dựa trên các căn cứ xác lập quyền sở hữu do pháp luật quy định. Quyền của chủ sở hữu trong việc chiếm giữ tài sản được quy định tại Điều 186 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

“Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Đối với chủ thể là người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thì chủ sở hữu có thể thực tiếp chiếm hữu tài sản nhưng cũng có thể ủy quyền cho người khác. Người được ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định. Cụ thể được quy định tại Điều 187 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

“1. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.”

Đối với người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự được xác lập phù hợp với quy định của pháp luật làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào giao dịch đó. Điều 188 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

3. Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.”

Quyền sử dụng

Tại Điều 189 Bộ luật dân sự 2015 có quy định rõ: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

– Quyền sử dụng của chủ sở hữu:

Sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế của chủ sở hữu. Chủ sở hữu hoàn toàn có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo cách thức và mục đích sử dụng tài sản theo ý chí của mình. Chủ sở hữu có thể sử dụng hoặc không sử dụng tài sản, trực tiếp khai thác công dụng tự nhiên của tài sản hoặc để cho người khác sử dụng thông qua các giao dịch dân sự.

Tuy nhiên trong mọi trường hợp, việc sử dụng tài sản phải thực hiện trên nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu:

Người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng tài sản thông qua thỏa thuận. Trong trường hợp này, người sử dụng được quyền khai thác tài sản theo cách thức và thời hạn đã được thỏa thuận với chủ sở hữu. Ví dụ như hợp đồng thuê, thuê khoán và mượn tài sản là các dạng thỏa thuận nhằm chuyển giao quyền sử dụng tài sản.

Quyền định đoạt

Quyền định đoạt là quyền năng quan trọng trong nội dung của quyền sở hữu. Theo quan niệm truyền thống, quyền định đoạt là quyền quyết định số phận thực tế và số phận pháp lý của tài sản. Điều 192 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.”

Việc định đoạt tài sản có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua chủ thể khác. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt tài sản của người khác trong trường hợp được chủ sở hữu ủy quyền hoặc do luật định. Việc thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản sẽ làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật liên quan đến tài sản đó.

Vì vậy, áp dụng vào trong trường hợp cụ thể của anh Kiên ở trên, như anh nói 5 năm trước anh có tích góp và mua được một chiếc xe máy trị giá khoảng 70 triệu đồng, đăng ký xe được mang tên anh. Do đó có thể thấy việc đăng ký xe mang tên anh thể hiện sự chứng nhận của Nhà nước rằng anh là chủ sở hữu của chiếc xe đó. Do đó, theo quy định hiện hành, với tư cách là chủ sở hữu chiếc xe anh sẽ có các quyền sau:

Quyền chiếm hữu: Chiếc xe thuộc quyền sở hữu của anh do đó không ai có quyền chiếm hữu làm của riêng khi chưa có sự cho phép của anh

Quyền sử dụng: Anh có toàn quyền sử dụng chiếc xe máy theo ý mình mà không cần hỏi ý kiến bất kỳ ai

Quyền định đoạt: Anh có quyền bán, cho mượn, cho thuê hoặc tặng cho, đổi… chiếc xe cho một chủ thể khác mà không phải chịu bất cứ sự chi phối nào của người khác.

Vì vậy trong trường hợp này, em trai anh chỉ là chủ thể được anh cho mượn chiếc xe để sử dụng do đó em trai anh không có quyền định đoạt chiếc xe theo ý mình. Ngược lại, do anh là chủ sở hữu chiếc xe nên anh có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chiếc xe mà không cần phải hỏi ý kiến của bất kỳ ai trong đó có quyền được bán chiếc xe cho một chủ thể khác như anh trình bày bên trên.

Nếu anh còn bất cứ thắc mắc nào cần Luật sư hỗ trợ về quyền sở hữu đối với tài sản, hãy nhấc máy và liên hệ ngay đến với chúng tôi qua số hotline 1900.6174 để được tư vấn luật dân sự nhanh chóng và chính xác nhất.

quyen-so-huu-tai-san-gom-nhung-quyen-nao

>>> Xem thêm: Tội sử dụng trái phép tài sản có bị ngồi tù không?

Quyền khác đối với tài sản

 

Bạn Hạnh (Lai Châu) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, em có vấn đề thắc mắc cần được Luật sư tư vấn như sau:

Em năm nay 18 tuổi mới học xong cấp 3, sắp tới em có chuẩn bị đi học đại học xa nhà. Vì vậy gia đình em có mua một căn nhà ở Hà Nội với mong muốn cho em được sử dụng. Bố mẹ nói em còn nhỏ nên hiện tại không muốn sang tên luôn cho em mà bố mẹ chỉ giao cho em quyền hưởng dụng căn nhà này.

Vậy Luật sư cho em trong trường hợp này em muốn cho bạn thuê lại một phần căn nhà có được hay không? Và nếu trong trường hợp em cần tiền muốn thế chấp căn nhà này có được không?

Mong Luật sư có thể tư vấn cho em vấn đề trên, em xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Tư vấn về các quyền khác đối với tài sản theo pháp luật hiện hành, gọi ngay 1900.6174

 

Trả lời:

Chào bạn Hạnh, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến với đội ngũ Tổng đài pháp luật! Dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời cụ thể cho những vướng mắc của bạn như sau:

Bên cạnh quyền sở hữu đối với tài sản thì tại Điều 159 Bộ Luật dân sự 2015 còn đưa ra định nghĩa về quyền khác đối với tài sản, cụ thể:

1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.”

Theo đó quyền khác đối với tài sản là quyền năng của một chủ thể trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác, phát sinh từ quyền của chủ sở hữu và theo ý chí của chủ sở hữu (hoặc có thể do pháp luật quy định), có nội dung hạn chế so với quyền sở hữu nhưng được pháp luật bảo vệ như bảo vệ quyền sở hữu.

Quyền khác đối với tài sản theo quy định có nội hàm bao gồm ba quyền đó là quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.

Nếu các quyền thuộc quyền sở hữu chỉ đồng thời thuộc về một chủ thể là chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật, thì các quyền khác đối với tài sản lại không thể đồng thời thuộc về một người được. Bởi vì các quyền này được xác lập do pháp luật quy định cho từng chủ thể nếu có đủ điều kiện luật định hoặc do chủ sở hữu chuyển giao với những điều kiện nhất định. Những quyền này sẽ được thực hiện trên những tài sản ở những trạng thái vật chất khác nhau.

Trong trường hợp của bạn Hạnh, bố mẹ bạn là chủ sở hữu đích thực đối với căn nhà này, bạn chỉ là người hưởng dụng. Quyền hưởng dụng là một trong những quyền khác đối với tài sản được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Bộ luật dân sự 2015.

Tại Điều 257 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.

Theo quy định tại Điều 257 như trên thì quyền hưởng dụng là một loại quyền sở hữu có đối tượng là tài sản. Quyền hưởng dụng bị khuyết đi một nội dung nghĩa là chủ sở hữu chỉ giữ lại quyền định đoạt còn lại quyền chiếm hữu và quyền sử dụng sẽ thuộc về người hưởng dụng.

Vì vậy trong trường hợp này bạn là người có quyền hưởng dụng căn nhà trên, do đó căn cứ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật dân sự 2015 thì bạn sẽ có các quyền cụ thể của người hưởng dụng như sau:

– Có quyền tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ căn nhà

– Có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản là bố mẹ bạn thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản

– Nếu bạn thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu là bố mẹ bạn thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.

– Có quyền cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản là căn nhà

Tóm lại trong thời gian hưởng dụng bạn có quyền quản lý, sử dụng, khai thác công dụng của căn nhà, bạn có thể dùng để ở hoặc kinh doanh (chẳng hạn như cho thuê lại) để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên bạn sẽ không có quyền bán, tặng cho, thế chấp… căn nhà này bởi căn nhà thực chất vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của bố mẹ bạn do đó chỉ có chủ sở hữu là bố mẹ bạn mới có quyền định đoạt căn nhà này.

Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến quyền sở hữu tài sản, quyền khác đối với tài sản, hãy liên hệ ngay đến với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.6174 để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng nhất.

>>> Xem thêm: Hợp đồng thuê nhà kèm mẫu chuẩn xác nhất, mới nhất hiện nay

Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

 

Anh Bình (Thanh Hóa) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư tôi có vấn đề thắc mắc cần được tư vấn như sau:

Gia đình tôi và gia đình ông Đức là hàng xóm với nhau. Khoảng 10 năm trước ông Đức có mua đất cạnh nhà tôi, tuy nhiên mảnh đất này bị bao bọc bởi các mảnh đất khác và không có đường đi ra đường công cộng. Do đất nhà tôi gần nhất và cũng thuận tiện nhất nên tôi có mở một lối đi qua đất nhà tôi rộng khoảng 2m để gia đình ông Đức có đường đi, đồng thời tôi và ông Đức cũng có thỏa thuận với nhau là ông Đức sẽ đền bù cho gia đình tôi 10 triệu đồng khi tôi mở con đường này.

Gần đây ông Đức có xây lại nhà mới, tuy nhiên khi xây nhà ông Đức lại xây lấn vào phần đất của con đường trên khoảng 80 phân. Tôi có sang nói chuyện thì ông Đức trả lời do lúc đó đã trả tôi 10 triệu đồng rồi nên con đường này là của gia đình ông nên ông có quyền xây nhà trên phần đất này.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi việc ông Đức xây nhà lấn trên phần đất con đường tôi mở là đúng hay sai? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi về vấn đề trên, tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Tư vấn về nguyên tắc xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Liên hệ Luật sư 1900.6174

 

Trả lời:

Chào anh Bình, cảm ơn anh đã gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến Tổng đài pháp luật! Đối với câu hỏi trên của anh, chúng tôi xin được đưa ra lời giải thích cụ thể như sau:

Tại Điều 160 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, cụ thể như sau:

– Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao chỉ trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan có quy định khác.

– Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý muốn của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 và luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.

Quay trở lại với trường hợp của anh Bình ở trên, như anh trình bày thì do mảnh đất nhà ông Đức bị bao bọc bởi các mảnh đất khác nên anh có mở một con đường đi bằng phần đất của mình để làm lối đi cho gia đình ông Đức. Vì vậy trong trường hợp này ông Đức đang được hưởng quyền đối với bất động sản liền kề.

Tuy nhiên ông Đức sau này khi xây dựng ngôi nhà mới lại xây lấn vào phần diện tích đất đường đi thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Bình. Do đó ông Đức trường hợp này đã vi phạm nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền khác đối với tài sản được quy định tại khoản 3 Điều 160 Bộ luật dân sự 2015, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu là anh.

Đồng thời căn cứ theo Điều 174 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định:

“Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”

Như vậy ông Đức chỉ được phép xây dựng nhà trong phạm vi không gian đất của ông mà không có quyền lấn sang phần đất mà anh mở để làm lối đi.

Do Bộ luật dân sự quy định việc thực hiện, xác lập quyền đối với bất động sản liền kề trước hết sẽ theo thỏa thuận của các bên, nên việc hai bên có thỏa thuận với nhau rằng ông Đức sẽ đền bù cho anh 10 triệu đồng chỉ để bù đắp cho phần đất mà anh phải bỏ ra làm đường, không đồng nghĩa với việc ông Đức được toàn quyền sử dụng phần đất này và không trái với quy định của pháp luật.

Vì vậy trong trường hợp này anh có quyền yêu cầu ông Đức thực hiện biện pháp khắc phục đối với phần nhà đã xây lấn. Nếu ông Đức cố tình không thực hiện thì anh có thể nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nếu anh còn bất cứ thắc mắc, khó khăn nào liên quan đến tranh chấp trên, hãy liên hệ ngay đến số điện thoại 1900.6174 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

nguyen-tac-xac-lap-quyen-so-huu-tai-san

>>> Xem thêm: Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai? Hồ sơ khởi kiện cần những gì?

Quyền sở hữu tài sản được xác lập từ thời điểm nào?

 

Chị Ngát (Đồng Nai) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, khoảng 2 tuần trước tôi có thỏa thuận mua của gia đình ông Lộc một con bò cái trị giá 35 triệu đồng. Tôi có đặt cọc trước cho ông Lộc 10 triệu đồng và hẹn 2 tuần sau có tiền sẽ đưa thêm cho ông Lộc 25 triệu còn lại và nhận bò về.

Tuy nhiên gần đây tôi có đến nhà ông Lộc để trả nốt tiền thì phát hiện con bò mà tôi dự định mua đã đẻ được một con bê con cách đó khoảng 3 ngày. Do đó tôi có yêu cầu ông Lộc phải giao cả bò và bê cho tôi do tôi đã đặt cọc tiền trước đó rồi nhưng ông Lộc không đồng ý mà chỉ giao cho tôi con bò cái.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này con bê con sẽ thuộc sở hữu của ai? Mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi vấn đề này, tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Tư vấn về thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành, gọi ngay 1900.6174

 

Trả lời:

Chào chị Ngát, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi của mình đến cho chúng tôi! Chúng tôi xin được đưa ra lời lý giải cụ thể cho những vấn đề mà chị vướng mắc như sau:

Tại Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, cụ thể:

“1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Căn cứ vào điều luật trên, có thể hiểu thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ được thực hiện theo thứ tự như sau:

– Theo quy định của pháp luật đối với các trường cụ thể

– Trong trường hợp không có quy định cụ thể của pháp luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm sẽ do các chủ thể thỏa thuận

– Trong trường hợp các chủ thể không thỏa thuận thì là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm chuyển giao là thời điểm chủ thể có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì có hai thời điểm thường được lựa chọn để xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu đó là thời điểm chuyển giao về mặt pháp lý nghĩa là thời điểm sang tên chủ sở hữu hoặc là thời điểm chuyển giao về mặt thực tế nghĩa là thời điểm được trực tiếp nắm giữ tài sản.

Tại khoản 2 Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hoa lợi, lợi tức xác lập cho bên có tài sản chuyển giao trong trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi lợi tức.

Như vậy, quay trở lại với trường hợp của chị Ngát bên trên, tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”

Vì vậy theo quy định này thì việc chị Ngát đặt cọc chỉ mang tính chất là một biện pháp bảo đảm để thực hiện hợp đồng mua bán giữa chị và anh Lộc. Nên trong thời gian chị đặt cọc tiền thì con bò thực chất vẫn đang thuộc quyền sở hữu của anh Lộc. Do đó lúc con bò cái sinh ra con bê con thì nó vẫn chưa được anh Lộc chuyển giao cho chị Ngát (có nghĩa là trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi lợi tức).

Căn cứ theo khoản 2 Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 như chúng tôi phân tích ở trên, nếu giữa chị và anh Lộc không có thỏa thuận nào khác thì lúc này con bê con sẽ thuộc về bên có tài sản chuyển giao tức là anh Lộc. Nếu trường hợp giữa chị và anh Lộc có thỏa thuận nào khác thì sẽ thực hiện theo sự thỏa thuận đó.

Nếu chị còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu, hãy nhấc máy và kết nối ngay đến số hotline 1900.6174 của chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.

Nếu có rủi ro về tài sản thì ai là người chịu?

 

Anh Dương (Nam Định) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, vào khoảng năm 2014 tôi có mua một chiếc xe máy với giá khoảng 50 triệu đồng và đăng ký giấy tờ xe đứng tên mình. Đến năm nay do điều kiện gia đình khó khăn, cần tiền nên tôi có bán chiếc xe này cho chị Hương với giá 30 triệu đồng. Tôi và chị Hương có ký với nhau hợp đồng mua bán tài sản trên cơ sở quy định pháp luật và không có thỏa thuận gì khác. Gần đây đến hẹn giao xe chị Hương có mang 30 triệu đến nhà tôi sau đó tôi tiến hành giao xe cho chị Hương ngay thời điểm nhận được tiền.

Tuy nhiên, khi chị Hương điều khiển chiếc xe này trên đường từ nhà tôi về nhà thì gây tai nạn làm toàn bộ phần đầu xe bị hư hỏng nặng. Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi hay chị Hương phải chịu rủi ro đối với chiếc xe?

Mong Luật sư có thể sớm giải đáp cho tôi thắc mắc trên, tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Người chịu trách nhiệm đối với rủi ro về tài sản quy định như thế nào? Luật sư tư vấn 1900.6174

 

Trả lời:

Chào anh Dương, cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi của mình đến cho chúng tôi. Dựa theo những thông tin mà anh cung cấp cũng như những quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời cụ thể cho thắc mắc của anh như sau:

Tại Điều 162 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể về việc chịu rủi ro về tài sản, cụ thể như sau:

“1. Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Tại điều luật trên nêu rõ là chủ thể có quyền (có thể là quyền sở hữu hoặc quyền khác đối với tài sản) sẽ phải chịu rủi ro đối với tài sản, chỉ trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, cụ thể:

– Việc chịu rủi ro trong quan hệ mua sau khi dùng thử được quy định tại khoản 2 Điều 452 Bộ luật dân sự 2015: Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán, bên bán sẽ phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật chỉ trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán sẽ không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp hoặc cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời

– Việc chịu rủi ro trong quan hệ mua trả chậm, trả dần được quy định tại khoản 2 Điều 453 Bộ luật dân sự 2015: Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần sẽ phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và sẽ phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Việc chịu rủi ro trong quan hệ chuộc lại tài sản đã bán được quy định tại khoản 2 Điều 454 Bộ luật dân sự 2015: Trong thời hạn chuộc lại, bên mua sẽ không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và sẽ phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quay trở lại với trường hợp của anh Dương ở trên, như anh trình bày thì anh có thực hiện việc bán tài sản với đối tượng là chiếc xe máy cho chị Hương. Tuy nhiên chiếc xe máy trong trường hợp này là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, vì vậy nếu trường hợp vào thời điểm giao xe anh và chị Hương chưa hoàn thành các thủ tục về đăng ký xe máy đứng tên chị Hương theo đúng quy định thì anh trên thực tế vẫn là chủ sở hữu của chiếc xe máy này.

Cùng với đó căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 441 Bộ luật dân sự 2015: “Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Đồng thời như anh cung cấp thông tin bên trên, giữa anh và chị Hương ngoài hợp đồng mua bán tài sản thì không có thỏa thuận nào khác, do đó căn cứ theo khoản 1 Điều 162, khoản 2 Điều 441 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu đồng thời là bên bán là anh sẽ phải chịu mọi rủi ro về tài sản là chiếc xe máy thuộc sở hữu của mình.

Trên đây là bài viết của Tổng đài pháp luật về các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Hy vọng thông qua bài viết của chúng tôi sẽ giúp các bạn phần nào nắm rõ những quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu tài sản để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của mình trên thực tế. Mọi vướng mắc của các bạn vui lòng liên hệ trực tiếp đến hotline 1900.6174 để có thể nhận được sự tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng nhất.