Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? – Luật dân sự 2024

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Nguyên tắc bồi thường ngoài hợp đồng như thế nào? Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng ra sao? Mời bạn đọc bài viết sau đây của Tổng đài pháp luật để tìm hiểu những quy định pháp luật liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy kết nối trực tiếp đến với chúng tôi qua hotline tư vấn miễn phí 1900.6174 để được nhanh chóng tư vấn và giải đáp.

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-la-gi
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

 

  Bồi thường được hiểu là một dạng nghĩa vụ dân sự phát sinh do hành vi gây thiệt hại nhằm buộc bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

  Thiệt hại được hiểu phổ biến bao gồm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong đó thiệt hại về vật chất là những thiệt hại như tài sản bị mất, hủy hoại, hư hỏng, chi phí phải bỏ ra để khắc phục, ngăn chặn thiệt hại, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản cùng với hoa lợi, lợi tức. Còn thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại như tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm.

  Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một dạng cụ thể của trách nhiệm dân sự nói chung và là một loại trách nhiệm pháp lý, có tính cưỡng chế của Nhà nước nhằm buộc người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường, đồng thời giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại hoàn toàn không liên quan tới nội dung hợp đồng.

Nội hàm của khái niệm trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng được cụ thể tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo đó khi một người gây thiệt hại cho người khác thì phát sinh một quan hệ nghĩa vụ, trong đó người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường còn bên gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại gây ra.

Như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự hằm buộc bên gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Đặc điểm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự. Do đó nó mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm dân sự bao gồm: là sự cưỡng chế của Nhà nước và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng; chỉ áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm; luôn mang hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có một số những đặc điểm riêng biệt sau:

– Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không được xác định trước, chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì khi đó chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chủ thể được bồi thường mới được xác định. Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là sự giới hạn hai bên chủ thể trong quan hệ, giữa bên có hành vi vi phạm và bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm chỉ được xác định khi phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng có thể áp dụng đối với người thứ ba theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015, theo đó có nhiều trường hợp người gây ra thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại mà chủ thể bồi thường là người thứ ba. Đối với cá nhân, nếu cá nhân dưới 18 tuổi và không có tài sản để bồi thường thì cha, mẹ sẽ bồi thường. Tương tự, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà người có người giám hộ thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu những người này không có đủ tài sản để bồi thường.

– Trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng có thể thực hiện theo ý chí của cá nhân và luôn liên quan tới tài sản. Nội dung của đặc điểm này được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo đó khi phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng các chủ thể có quyền thỏa thuận về mọi vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đó, ví dụ mư mức bồi thường là bao nhiêu, phương thức bồi thường, hình thức bồi thường như thế nào.

Việc thỏa thuận này có thể được xảy ra trước, trong hoặc sau khi tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được Tòa án có thẩm quyền giải quyết.Nếu trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì các vấn đề pháp lý liên quan đến bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm khắc phục thiệt hại đã gây ra. Đặc điểm này này được thể hiện rõ nét hơn ở trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên không có nghĩa đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì không có đặc điểm này. Bởi lẽ, nội dung chung của đặc điểm này thể hiện việc khi một bên có hành vi vi phạm dẫn tới thiệt hại cho bên kia, thì dù hai bên có thỏa thuận trước thông qua hợp đồng hay không có thỏa thuận (ngoài hợp đồng) thì vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường.

– Hậu quả của người bị áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang tính vật chất thể hiện chức năng khôi phục những hậu quả về mặt vật chất cho người bị thiệt hại. Xuất phát từ đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khắc phục thiệt hại đã gây ra thì cụ thể hóa khả năng khắc phục thiệt hại chính là những giá trị vật chất mà người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Hay nói cách khác là những thiệt hại mà bên gây thiệt hại gây ra sẽ được quy đổi thành giá trị vật chất nhất định như tiền để thực hiện việc đền bù nhằm cho bên bị thiệt hại khắc phục thiệt hại đã xảy ra.

Nếu bạn còn bất cứ vấn đề nào liên quan đến đặc điểm của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hãy liên hệ ngay đến với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.6174 để được luật sư hỗ trợ nhanh chóng nhất.

>>>Xem thêm: Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật

dac-diem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Anh Nam (Hà Nội) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần giải thích như sau: Tôi anh Tân và anh Toàn là bạn cùng học cấp 3 với nhau. Tuy nhiên trước giờ tôi và anh Tân có một số mâu thuẫn với nhau. Gần đây trong một buổi họp lớp, do biết anh Tân là người thích uống rượu nên anh Toàn đã chuốc anh Tân uống say, sau đó anh Toàn đã đặt điều nói xấu tôi, gây hiềm khích giữa tôi và anh Tân. Anh Tân do tin lời anh Toàn, tưởng tôi trước giờ chơi xấu anh nên trong cơn say anh Tân đã đến nhà tôi gây sự và dùng một con dao nhỏ đâm tôi khiến tôi phải nhập viện.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này anh Tân hay anh Toàn phải bồi thường cho tôi? Các điều kiện nào làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là gì? Mong Luật sư có thể sớm giải đáp giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>>Tư vấn về các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Luật sư tư vấn miễn phí 1900.6174

Trả lời:

Chào bạn Nam, cảm ơn bạn đã gửi những băn khoăn, thắc mắc của mình đến cho chúng tôi. Dựa theo những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của bạn như sau:

Nói đến bồi thường thiệt hại ngòa hợp đồng nghĩa là phải xác định đúng các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm. Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là vấn đề then chốt đồng thời là yếu tố tiền đề quan trọng nhất trong toàn bộ chế đinh. Tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 có quy định các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:

Có thiệt hại xảy ra:

– Thiệt hại xảy ra trên thực tế không chỉ là một trong bốn căn cứ bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà còn được coi là điều kiện tiền đề có tầm quan trọng nhất, quyết định trách nhiệm bồi thường.

Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm khôi phục lại tình trạng như ban đầu hoặc bù đắp những tổn thất về con người, các yếu tố liên quan đến nhân thân và tài sản cho người bị thiệt hại hoặc những người thân thích của người bị thiệt hại nếu thiệt hại đó không thể khôi phục được.

Khi có đầy đủ các điều kiện khác mà pháp luật quy định nhưng lại thiếu đi một điều kiện là “có thiệt hại xảy ra” thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ không thể nào được đặt ra.

– Thiệt hại có thể hiểu là những tổn thất, mất mát về mặt vật chất hoặc tinh thần mà người có hành vi gây thiệt hại đã gây ra cho người bị thiệt hại hay thậm chí cho cả những người thân thích của người bị hại. Hoặc hiểu một cách khái quát thì thiệt hại là những hậu quả bất lợi về tài sản hoặc phi tài sản do một sự kiện hoặc một hành v nào đó gây ra cho chủ thể dân sự.

– Thiệt hại về tài sản có biểu hiện cụ thể là mất tài sản; giảm sút tài sản; những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế; những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản
Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất; thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.

– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.
Yếu tố thiệt hại là căn cứ quan trọng hàng đầu làm phát sinh trách nhiệm dân sự do hành vi trái pháp luật.

Có hành vi trái pháp luật:

– Hành vi trái pháp luật là xử sự của chủ thể đã có hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật, vi phạm một quy phạm pháp luật nhất định. Cụ thể hơn thì hành vi trái pháp luật chính là hành vi vi phạm điều mà pháp luật cấm thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện nhưng chủ thể đã không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ nên gây ra thiệt hại.

– Hành vi trái pháp luật thường thể hiện dưới dạng hành động, là hành vi à pháp luật cấm không cho phép thực hiện, bản thân chủ thể tuyệt đối không được thực hiện hành vi đó. Hành vi gây thiệt hại có thể tác động trực tiếp vào người bị thiệt hại hoặc tác động gián tiếp thông qua công cụ, phương tiện gây hại.

– Hành vi trái pháp luật cũng có thể được biểu hiện dưới dạng không hành động. Không hành động gây thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể bằng việc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm mặc dù có đầy đủ điều kiện để làm việc đó (chẳng hạn như hành vi không tố giác tội phạm hoặc hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng…)

Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp thì hành vi gây thiệt hại đều là hành vi trái pháp luật. Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi hợp pháp nếu người thực hiện hành vi đó theo nghĩa vụ mà pháp luật cho phép hoặc do đặc thù nghề nghiệp buộc họ phải thực hiện hành vi đó chẳng hạn như trong một đám cháy thì nhân viên chữa cháy buộc phải phá hủy ngôi nhà liền kề ngôi nhà bị cháy để tránh việc đám cháy lây lan sang các ngôi nhà khác.

Người gây thiệt hại trong những người hợp này sẽ không phải bồi thường vì pháp luật cho phép họ thực hiện hành vi gây thiệt hại và mục đích của việc gây thiệt hại là mang đến những lợi ích lớn hơn cho người bị thiệt hại, cho cộng đồng và xã hội.

Tóm lại hành vi trái pháp luật có biểu hiện bên ngoài bằng hình thức hành động hay không hành động thì hành vi đó đều có điểm chung là do con người thực hiện và gây tổn thất cho người bị hại.

Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật:

Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại xảy ra.

Trên thực tế một hành vi trái pháp luật có thể tạo ra một hoặc nhiều thiệt hại và một thiệt hại xảy ra có thể là do nhiều hành vi gây nên. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại thực tế xảy ra là mối quan hệ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.

Hành vi trái pháp luật chính là nguyên nhân và thiệt hại là kết quả. Nguyên nhân bao giờ cũng phát sinh trước thiệt hại về mặt thời gian. Trong mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả thiệt hại xảy ra, hành vi trái pháp luật bao giờ cũng xảy ra trước một không gian và thời gian xác định, thiệt hại luôn xảy ra sau đó. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì chúng ta phải loại trừ khả năng tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.

Việc xác định đúng mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa pháp lý trong việc áp dụng pháp luật, xác định đúng trách nhiệm của chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường, mức độ bồi thường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại và bảo đảm công bằng xã hội.

Có lỗi của người gây thiệt hại:

+ Lỗi là một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. Lỗi được thể hiện dưới hai dạng là lỗi cố ý và lỗi vô ý.

+ Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiêt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

+ Lỗi vô ý là trường hợp một người không thể thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết trước hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

+ Lỗi là căn cứ bắt buộc. Mức độ lỗi và hình thức lỗi không có ý nghĩa trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi. Người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi khi thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì sẽ bị áp dụng các biện pháp bồi thường do hành vi của mình gây nên.

Quay trở lại trường hợp của bạn Nam ở trên, xét các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc trên có thể thấy:

– Anh Tân trong trường hợp này là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhận thức rõ và làm chủ được hành vi của mình nhưng anh Tân đã tự đặt mình vào tình trạng say dẫn đến việc hạn chế năng lực hành vi của chính mình gây ra thiệt hại cho bạn.

– Hành vi trái pháp luật là uống say, sau đó đến nhà và dùng dao đâm bạn của anh Tân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là bạn bị thương phải nhập viện.

– Hậu quả thiệt hại về sức khỏe của bạn là do hành vi trái pháp luật của anh Tân gây ra, hành vi lập mưu và xúi giục của anh Toàn không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại cho bạn, do vậy anh Toàn trong trường hợp này sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường mà anh Tân sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại cho hành vi của anh gây nên.

Tóm lại trong trường hợp này anh Tân sẽ là người phải bồi thường thiệt hại cho bạn theo quy định tại Điều 596 Bộ luật dân sự 2015: “1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Nếu bạn có bất cứ vấn đề nào chưa hiểu liên quan đến nội dung câu trả lời bên trên của chúng tôi, hãy nhấc máy và gọi ngay đến số điện thoại 1900.6174 để được chúng tôi tư vấn và giải đáp.

nguyen-tac-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Anh Phạm (Đồng Nai) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc cần được giải quyết như sau: Gia đình tôi hiện tại có chăn nuôi khoảng 100 con bò. Tuần trước tôi có dắt một con bò cái có giá trị khoảng 15 triệu đồng đi phối giống ở một trại nhân giống với lệ phí phối giống là 1 triệu đồng. Khi phối giống xong tôi có dẫn bò về nhà, tuy nhiên trong đường về nhà con bò của tôi đã bị xe ô tô tải của ông Lộc điều khiển theo hướng ngược chiều cán chết. Tôi có đề nghị ông Lộc phải bồi thường tuy nhiên ông ta từ chối và bảo dắt bò ra đường là lỗi của tôi nên tôi phải chịu trách nhiệm.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này ông Lộc có phải bồi thường cho tôi không? Nếu có thì số tiền tôi phối giống con bò có được bồi thường hay không? Và trên thực tế thì tôi sẽ được bồi thường theo nguyên tắc nào? Mong Luật sư tư vấn!

 

>>> Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Luật sư tư vấn miễn phí 1900.6174

 

Trả lời:

Chào anh Phạm, cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Tổng đài pháp luật. Đối với câu hỏi này của anh, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời cụ thể như sau:

Tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 có quy định cụ thể các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể như sau:

– Nguyên tắc quy tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

– Nguyên tắc bồi thường toàn bộ: Về nguyên tắc chung, khi một bên thiệt hại xác định được thì người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, mà không được giảm mức bồi thường. Đây là nguyên tắc bảo đảm cho các quyền dân sự được thực hiện triệt để nhất.

Thiệt hại thực tế là những thiệt hại xảy ra và tồn tại khách quan, không thể lấy ý chí chủ quan để suy luận.

+ Thiệt hại phải xác định được trên thự tế. Tuy nhiên, khi xác định một thiệt hại thì cần thiết phải kết hợp nhiều yếu tố để tránh sai sót, thiếu khách quan.

+ Thiệt hại về tài sản liên quan đến thời giá, liên quan đến không gian, thời gian của thiệt hại.

– Nguyên tắc bồi thường kịp thời: Khi những lợi ích vật chất và tinh thần của người bị gây thiệt hại xác định được thì thiệt hại phải được bồi thường kịp thời. Bồi thường kịp thời là nguyên tắc bảo đảm triệt để nhất việc bồi thường, khôi phục kịp thời những thiệt hại của chủ thể di bị gây thiệt hại.

Về nguyên tắc thì người có hành vi vi phạm pháp luật phải bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời. Nhưng căn cứ vào thực tế, pháp luật còn quy định tôn trọng sự thỏa thuận hợp pháp của các bên. Pháp luật không những quy định bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại, mà còn căn cứ vào sự thỏa thuận, khả năng bồi thường của bên gây thiệt hại để thiệt hại được bồi thường mang tính “mềm dẻo” và “linh hoạt” hơn.

Pháp luật không những quan tâm đến lợi ích của bên bị gây thiệt hại, mà còn chú ý đến hoàn cảnh hay điều kiện của bên có trách nhiệm bồi thường, để pháp luật được thực hiện có hiệu quả nhất.

– Nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”

Mức bồi thường của người gây thiệt hại được giảm một phần do tòa án xác định. Mức bồi thường thiệt hại được giảm không dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên, mà theo quyết định của tòa án giải quyết vụ việc cụ thể.

– Nguyên tắc này phù hợp với thực tế, với mục đích là để bản án, quyết định của tòa án phải được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, nguyên tắc này không thể áp dụng được với hành vi cố ý gây thiệt hại. Người có hành vi cố ý gây thiệt hại cho người khác không thể được áp dụng theo nguyên tắc này. Người cố ý gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, cho dù điều kiện kinh tế của người đó như thế nào.

– Nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”

Mức bồi thường không còn phù hợp với thiệt hại thực tế xảy ra và những thiệt hại gián tiếp chắc chắn xảy ra xác định được bằng một khoản tiền nhất định. Mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì một trong hai bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Trường hợp có yêu cầu của một hoặc các bên về việc thay đổi mức bồi thường thì Tòa án xác định lại mức thiệt hại để có quyết định đúng đắn hợp lý nhất.

– Nguyên tắc theo quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”
Với thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra thì người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường, tức là người gây ra thiệt hại không có lỗi thì họ không phải bồi thường thiệt hại. Chẳng hạn như một người cố ý lao vào ô tô đang đi trên được

Với thiệt hại một phần do người bị thiệt hại gây ra, còn một phần do lỗi của người gây ra thiệt hại thì trường hợp này người bị thiệt hại vẫn sẽ được bồi thường phần thiệt hại không phải do lỗi của mình. Nghĩa là người gây ra thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm tương đương với mức độ lỗi của mình.

– Nguyên tắc theo quy định tại khoản 5 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Theo nguyên tắc này nếu như bên bị thiệt hại thấy được thiệt hại mình sẽ phải gánh chịu nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý trong tình huống đó để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình thì sẽ không được bồi thường.

Như vậy quay trở lại với câu hỏi của anh Phạm ở trên, dựa vào những thông tin mà anh cung cấp bên trên thì có thể thấy ông Lộc đã gây thiệt hại cho anh cụ thể là cán chết con bò mà anh vừa phối giống xong, do đó ông Lộc phải bồi thường cho anh khoản tiền tương đương với giá trị của con bò.

Tuy nhiên 15 triệu đồng là giá trị của con bò bị xe tải của ông Lộc cán chết. Tuy nhiên trường hợp này cũng cần xác định con bò bị cán chết có được mổ thịt và số thịt đó bán được bao nhiêu. Nếu con bò được mổ thịt bán thì phần bán được đó sẽ được trừ vào 15 triệu đồng, phần còn lại ông Lộc sẽ phải bồi thường.

Đồng thời nhận thấy khoản tiền 1 triệu đồng là lệ phí mà anh Phạm chi ra để phối giống con bò, vì vậy không thể yêu cầu ông Lộc bồi thường vì sau khi vừa phối giống xong thì giá trị của con bò cũng không tăng lên về tài sản.

Tuy nhiên trong trường hợp con bò đã phối giống trong một thời hạn nào đó và đang mang thai thì cách xác định thiệt hại có tính thuyết phục nhất là giá con bò mang thai tại địa phương vào thời điểm nó bị làm chết, xác định được là bao nhiêu thì ông Lộc phải bồi thường bấy nhiêu theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Anh và ông Lộc cũng có thể cùng thỏa thuận với nhau để giảm mức bồi thường này.

Tuy nhiên nếu trường hợp việc cán chết con bò không phải do lỗi của ông Lộc mà do lỗi của anh, chẳng hạn như anh dắt bò nhưng đi ra giữa đường làm ảnh hưởng đến giao thông, hoặc anh cầm dây không chắc làm con bò chạy đâm vào xe ông Lộc… thì trong trường hợp này ông Lộc sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho anh.

Căn cứ theo nguyên tắc được quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 là khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Trên đây là nội dung câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi của anh. Nếu anh có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên hãy kết nối trực tiếp đến với chúng tôi qua đường dây nóng 1900.6174 để được chúng tôi nhanh chóng tư vấn và hỗ trợ.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

 

Chị Dương (Thanh Hóa) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc cần được giải đáp như sau: Con trai tôi là cháu Lâm năm nay 17 tuổi, do tôi và chồng ly hôn từ khi Lâm còn nhỏ được một thời gian thì bố cháu cũng mất nên cháu Lâm phải sống trong môi trường thiếu thốn tình thương. Cũng vì lý do này mà cháu Lâm ngay từ nhỏ đã tỏ ra ngang bướng, khó bảo.

Sau khi học xong lớp 9 cháu Lâm đã bỏ học theo bạn bè lên thành phố để làm nhân viên phục vụ trong quán ăn. Hiện tại thì cháu Lâm đang làm trong cửa hàng cắt tóc ở đường Láng trên Hà Nội. Trong quá trình làm việc thì con trai tôi có mâu thuẫn với với anh Bảo cũng là người làm ở cửa hàng cắt tóc này. Trong quá trình xảy ra xung đột thì con trai tôi đã lấy phích nước hất thẳng vào người anh Bảo làm anh này bị bỏng khá nặng.

Hiện tại thì anh Bảo đang muốn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi của con trai tôi gây ra. Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này con tôi chưa đủ 18 tuổi thì có phải bồi thường hay không? Nếu có thì tôi là mẹ cháu thì có phải bồi thường thay cho con hay không? Mong Luật sư tư vấn!

>>> Tư vấn về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành, Gọi ngay 1900.6174

 

Trả lời:

Chào chị Dương, cảm ơn chị đã gửi thắc mắc của mình đến với Tổng đài pháp luật. Đối với câu hỏi này của chị, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân sẽ cần phải căn cứ theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường

– Người chưa đủ 15 tuổi nếu gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó. Trường hợp tài sản của cha, mẹ không đủ để có thể bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì sẽ lấy tài sản đó để bồi thường cho phần còn thiếu trừ trường hợp thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý

Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi nếu gây thiệt hại thì bồi thường bằng tài sản của mình. Trường hợp không có đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ sẽ phải bồi thường phần còn thiết bằng tài sản của mình.

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nếu gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được phép dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.

Trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ sẽ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Còn trường hợp nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Trách nhiệm của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác là trách nhiệm pháp lý, người gây ra thiệt hại phải bồi thường mà không phụ thuộc vào khả năng tạo lập tài sản của cá nhân. Khả năng tạo lập tài sản của cá nhân không thể được xem là tiêu chí xác định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.

Quay trở lại với trường hợp của chị Dương ở trên, có thể thấy người gây thiệt hại trong trường hợp này là cháu Lâm con trai chị mới chỉ 17 tuổi, là người chưa thành niên niên. Vì vậy theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 thì “người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.”

Do đó trong trường hợp này như chị nói thì con trai chị đã có công việc là làm trong quán tóc nên có thể cháu đã có tài sản riêng. Vì vậy Tòa án sẽ xác minh tài sản và thu nhập của cháu Lâm xem có đủ để bồi thường thiệt hại cho anh Bảo không. Nếu tài sản của cháu Lâm đủ để bồi thường thì cháu lâm sẽ phải tự chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi của mình gây nên.

Trường hợ tài sản của cháu lâm không đủ để bồi thường thì chị là mẹ cháu sẽ phải bồi thường cho anh Bảo là người bị thiệt hại phần còn thiếu bằng chính tài sản của chị. Nếu chị còn bất cứ câu hỏi nào liên quan đến nội dung câu trả lời của chúng tôi, hãy nhấc máy và gọi ngay đến hotline 1900.6174 để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

 

Chị Hải (Cà Mau) có câu hỏi như sau:

“Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần giải đáp như sau: Ông An và ông Quân là chủ sở hữu của hai cơ sở chế biến xà phòng bột thủ công độc lập. Trong quá trình sản xuất thì hệ thống nước thải của hai cơ sở chế biến xà phòng thuộc quyền sở hữu của ông An và ông Quân có chứa chất tẩy trắng đã bị rò rỉ chảy ra hồ nuôi cá của gia đình tôi, gây ô nhiễm nặng nguồn nước của hồ cá làm toàn bộ số cá gia đình tôi nuôi đã bị chết. Số cá chết trong hồ được xác định là 1,2 tấn.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi trường hợp này tôi phải yêu cầu ai bồi thường số cá gia đình tôi bị thiệt hại, cả ông An và ông Quân hay chỉ được một trong hai? Tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Tư vấn về trường hợp bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Gọi ngay 1900.6174

 

Trả lời:

Chào chị Hải, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của mình đến với đội ngũ chúng tôi. Dựa vào những thông tin mà chị cung cấp ở trên, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời cho vấn đề của chị như sau:

Nhiều người cùng gây thiệt hại là trường hợp một thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Trên thực tế thì một thiệt hại nhất định có thể do một người thực hiện cũng có thể do nhiều người cùng thực hiện hành vi gây thiệt hại.

Do đó trong Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 587 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra, cụ thể: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”

Nhiều người cùng gây thiệt hại được hiểu là một thiệt hại tối thiểu phải do hai người cùng gây ra. Khi nhiều người cùng gây thiệt hại giữa họ có thể có quan hệ phụ thuộc như người này sai khiến người kia, người này chỉ định người kia thực hiện các hành vi nhất định hoặc cùng thỏa thuận, có tổ chức trong việc gây thiệt hại.

Trong trường hợp có thể nhiều người cùng gây thiệt hại nhưng giữa họ không có bất kỳ một mối quan hệ phụ thuộc, quan hệ phục tùng, thống nhất ý chí mà một thiệt hại nhất định nào đó do mỗi người có hành vi trái pháp luật gây ra một cách độc lập

Nhiều người cùng gây thiệt hại không chỉ đơn thuần là họ cùng đồng loạt thực hiện hành vi như nhau trong việc gây thiệt hại mà họ còn có cùng chí hướng và mục mục đích gây thiệt hại cho người khác cho dù mỗi người trong số họ thực hiện các hành vi khác nhau nhưng cùng một mục đích gây thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 587 Bộ luật dân sự 2015 nói trên thì trách nhiệm của nhiều người cùng gây thiệt hại là trách nhiệm liên đới, cho dù xác định được trách nhiệm của từng người cùng gây thiệt hại là dựa trên mức độ lỗi của người đó thì bản chất của trách nhiệm liên đới của nhiều người cùng gây thiệt hại không thay đổi.

Vì vậy trong trường hợp của chị Hải ở trên, ông An và ông Quân cùng có lỗi trong việc thải nước có chất tẩy trắng xuống hồ nuôi cá của gia đình chị. Thiệt hại trong tình huống này thuộc trường hợp do nhiều người cùng gây ra, do vậy ông An và ông Quân có trách nhiệm liên đới bồi thường cho gia đình bạn số cá bị chết trong môi trường nước trong hồ bị ô nhiễm bởi chất tẩy trắng.

Như chị cung cấp thông tin ở trên có thể thấy mức độ lỗi của ông An và ông Quân trong trường hợp này không thể xác định rõ ràng được sự khác biệt nhau, do đó mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình chị ½ giá trị tài sản bị thiệt hại.

Tuy nhiên nếu trường hợp xác định được ông An hoặc ông Quân thải chất thải xuống hồ của gia đình chị vào những thời điểm trước và sau khác nhau, và người thải chất tẩy trắng xuống trước đã làm chết cá của gia đình chị thì sẽ không có trách nhiệm liên đới trong trường hợp này mà người gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nếu chị còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ trực tiếp đến Tổng đài pháp luật chúng tôi qua hotline 1900.6174 để được giải đáp nhanh chóng nhất.

thoi-hieu-khoi-kien-yeu-cau-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Anh Trường (Lạng Sơn) có câu hỏi như sau:

“Thưa luật sư, hàng xóm nhà tôi là ông Giang có nuôi một con chó pitbull nặng 35kg. Ông này thường xích con chó ngay trước cửa nhà mình để trông nhà. Tôi thì thường xuyên qua nhà ông Giang để uống trà và chơi cờ, do con chó ngày nào cũng được xích ở đó nên tôi cũng quen không còn quá sợ mặc dù biết giống chó này rất dữ và máu lạnh.

Tuy nhiên trong một lần sang nhà ông Giang chơi thì tôi đã bị con pitbull này cắn phải đi bệnh viện điều trị lý do là vì ông Giang quên không xích nó như mọi hôm. Sự việc đã xảy ra cách đây hơn 1 năm, tôi cũng đã yêu cầu ông Giang bồi thường cho tôi khoản tiền viện phí trong khoảng thời gian tôi nằm viện điều trị nhưng ông Giang không đồng ý. Gần đây thì tôi mới biết là nếu ông Giang không đồng ý thì tôi có quyền khởi kiện lên Tòa án.

Tuy nhiên tôi không biết sự việc đã diễn ra được hơn 1 năm rồi thì tôi có còn khởi kiện được không và thời hiệu để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu. Vậy Mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi về những thắc mắc này. Tôi xin chân thành cảm ơn!”

 

>>> Tư vấn về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành. Gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Chào anh Trường, cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Dựa theo những quy định của pháp luật thì đối với câu hỏi của anh chúng tôi xin được đưa ra lời lý giải cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Nếu hết thời hạn của thời hiệu 3 năm thì người bị hại sẽ mất quyền khởi kiện.

Tuy nhiên những thiệt hại liên quan đến quyền nhân thân chẳng hạn như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì sẽ không áp dụng thời hiệu quy định là 3 năm như trên bởi căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật dân sự 2015 thì không áp dụng thời hiệu trong trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

Quay trở lại với câu hỏi của anh Trường ở trên thì theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”

Súc vật hay còn gọi là vật nuôi theo cách hiểu chung nhất sẽ là những loài động vật được nuôi trong nhà, chúng có thể được thuần hóa hoàn toàn hoặc có thể được bán thuần hóa tức là thuần hóa một phần hoặc được thuần dưỡng, huấn luyện. Súc vật bao gồm gia súc, gia cầm, thú cưng hoặc vật nuôi khác. Chó trong trường hợp này cũng là một loại súc vật. Do đó chủ sở hữu con chó sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 như trên.

Căn cứ theo quy định này, xét trong trường hợp của anh có thể thấy anh đến nhà ông Giang chơi như mọi ngày tuy nhiên trong một lần sang nhà ông Giang thì anh bị con chó của ông Giang cắn gây thương tích nguyên nhân là do ông Giang quên xích con chó.

Trong trường hợp này anh hoàn toàn không có lỗi do đó ông Giang là chủ của con chó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh vì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Căn cứ vào những nội dung mà chúng tôi phân tích ở trên có thể thấy những thiệt hại về quyền nhân thân của cá nhân như danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, … thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện không phụ thuộc vào giới hạn của thời hiệu là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Vì vậy trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện là 3 năm sẽ không được áp dụng, do đó anh hoàn toàn có quyền khởi kiện ông Giang đòi bồi thường thiệt hại để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.

Trên đây là bài viết của Tổng đài pháp luật về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Hy vọng thông qua bài viết này các bạn sẽ có thêm những thông tin bổ ích, phần nào có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong những trường hợp cụ thể. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy kết nối đến ngay với chúng tôi qua hotline tư vấn miễn phí 1900.6174 để được luật sư hỗ trợ nhanh chóng nhất.