ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******** |
Số: 05/2006/CT-UBND-GL | Pleiku, ngày 19 tháng 06 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN,GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 2006 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI.
Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số: 13/2006/CT-TTg ngày 31/3/2006 cửa Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số: 686/2006/CT-BNN-TL ngày 24/3/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chỉ thị số:l19/CT-UB ngày 27/4/2006 của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về công tác phòng, chống bão, lụt và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2006 với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lụt gây ra và các sự cố, tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa bão, nhất là thiệt hại về người, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1/ Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Nghi định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi; Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20/5/2002 của Thủ tướng chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai; Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
2/ Khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão; tìm kiếm cứu nạn; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống cháy nổ và phòng, chống cháy rừng. Tổ chức sơ kết đánh giá công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2005. Xây dựng phương án và kế hoạch cụ thể triển khai phòng chống lụt, bảo và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai các cấp trong mùa mưa bão năm 2006, bảo đảm sát với thực tế và diễn biến của từng loại hình thiên tai, để ứng cứu kịp thời khi bão, lũ xảy ra.
3/ Bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống để nhà nước và nhân dân đề phòng. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa bão, không được chủ quan, lơ là mất cảnh gác, nhất là đối với các công trình trọng điểm, những nơi thường có lũ quét, sạt lở. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu, phương tiện, nhân lực cần thiết (kể cả lương thực, thực phẩm, y tế), tổ chức lực lượng ứng cứu kịp thời tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi có thiên tai xảy ra.
4/ Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ngoài các nhiệm vụ nêu trên, cần phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát lại các vùng dân cư sống ven sống, suối, sườn đồi dễ bị lũ quét, sạt lở để có kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo thẩm quyền; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão năm 2006.
5/ Nhiệm vụ của các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị liên quan:
a/ Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực về công tác phòng, chống lụt bão của tỉnh) tổ chức triển khai công tác phòng chống lụt bão để đối phó kịp thời với mọi tình huống bão, lũ xảy ra; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các hạng mục công trình thuỷ lợi, các công trình trọng điểm để vượt lũ; dự phòng đầy đủ vật tư, nhiên liệu, nhân lực, phương tiện để đối phó kịp thời bão, lũ; đồng thời có phương án cụ thể để triển khai thực hiện khi thiên tai xảy ra.
b/ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Thường trực về công tác tìm kiếm, cứu nạn) có trách nhiệm tổ chức triển khai Quyết định số: 46/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tìm kiếm cứu nạn; rà soát lại các chủng loại, phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ tìm kiếm cứu nạn hiện có để trên cơ sở đó tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh đề nghị trung ương bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; xây dựng các phương án bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn để tham gia ứng cứu và xử lí kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão và công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bào vai trò chủ lực của quân đội trong công tác này.
c/ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi tình hình diễn biến bão, lũ, thiên tai để nắm chắt tình hình thiếu đói của nhân dân vùng bị thiên tai; tổng hợp tình hình, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp cứu trợ kịp thời nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, nhất là không để nhân dân vùng bị thiên tai thiếu đói. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện cứu trợ ở các địa phương, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
d/ Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai phối hợp với Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây nguyên thông tin, tuyên truyền dự báo, cảnh bảo kịp thời tình hình bão, lũ, thiên tai để nhân dân và nhà nước chủ động phòng tránh.
đ/ Các ngành giao thông, điện lực, bưu điện có phương án cụ thể, sẵn sàng ứng cứu kịp thời các sự cố hư hỏng về cầu đường, điện sáng, điện thoại để đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão.
e/ Công an tỉnh tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong mùa mưa bão; chủ động xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu trợ khi có thiên tai xảy ra.
f/ Các đơn vị chủ đầu tư, quản lí các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để vượt lũ; có phương án quản lí, bảo vệ tốt các công trình, tránh để xảy ra sự cố lớn gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là việc đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời tình hình bão, lũ về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thường trực về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh để kịp thời chỉ đạo ./.
CHỦ TỊCH
Phạm Thế Dũng |