BAN BÍ THƯ |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số 10-CT/TW |
Ngày 28 tháng 3 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII), Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 29, 71, 07 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua hơn 3 năm tiến hành, trên 90% xã, phường, thị trấn, trên 80% số cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tuy mức độ có khác nhau, nhưng đã đạt được kết quả bước đầu, quan trọng :
– Tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào chế độ, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các ngành; rõ nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã, phường, thị trấn, xây dựng nếp sống văn hoá ở nông thôn và đô thị.
– Làm chuyển biến một bước về ý thức và phong cách làm việc của cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn.
– Có tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.
Tuy vậy, kết quả việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn chưa vững chắc, chưa rộng khắp, chưa đều giữa các địa phương, khu vực, chưa thường xuyên, liên tục. Dân chủ hình thức còn nhiều. Dân chủ, công khai về kinh tế, tài chính chưa được triển khai sâu rộng. Dân chủ trong cơ quan và doanh nghiệp nhà nước chưa được phát huy mạnh mẽ. Còn nhiều loại hình cơ sở chưa được hướng dẫn xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ. Tình trạng vi phạm quyền làm chủ của dân cũng như tình trạng lợi dụng dân chủ, vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở một số nơi chưa gắn kết thật tốt với các công việc thường xuyên, nhất là cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cải cách hành chính; chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Mặt trận và đoàn thể. Việc giám sát, kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế trên chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền ở địa phương và các ngành, nhất là của người đứng đầu chưa quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo trong Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, chưa gắn Quy chế dân chủ với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, đơn vị. Việc thể chế hoá Chỉ thị 30-CT/TW trên một số mặt còn chậm và thiếu đồng bộ. Nhiều bộ, ngành chậm hoặc thiếu hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận và nhiều tổ chức đoàn thể ở một số nơi chưa thật chủ động trong công tác này. Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ sở đảng và trong nhân dân chưa thường xuyên, liên tục. Mặt khác, hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều yếu kém. Những nơi không thực hiện tốt Quy chế dân chủ thường là những nơi cán bộ mắc nhiều khuyết điểm, hệ thống chính trị cơ sở chưa được quan tâm củng cố.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục có hiệu quả những mặt còn yếu kém trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt mấy việc quan trọng dưới đây :
1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
– Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và những nội dung cơ bản của Quy chế dân chủ ở ba loại hình cơ sở; coi việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những ngành, địa phương, đơn vị chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa tốt cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc.
– Đưa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vào nền nếp. Gắn chặt việc thực hiện Quy chế dân chủ với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng mặt công tác và trách nhiệm của từng cá nhân, trước hết là người đứng đầu. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần phát huy tốt vai trò chủ động vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
– Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện dân chủ : giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đưa việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành một tiêu chuẩn để xem xét chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đảng viên đủ tư cách, đơn vị tiên tiến, xuất sắc. Thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, có liên quan rộng đến đời sống nhân dân ở cơ sở và trước khi phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng như trong công tác cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Trung ương cùng các ban, ngành có liên quan xây dựng những nội dung cụ thể hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong công tác cán bộ và trong các cơ quan của Đảng.
– Xác định ngay một số nhiệm vụ quan trọng, phù hợp với từng nơi để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.
2- Hoàn chỉnh các quy chế đã ban hành; nghiên cứu ban hành và hướng dẫn thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khác.
Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy chế đã ban hành cho phù hợp; tích cực chuẩn bị nâng Quy chế dân chủ thành pháp lệnh hoặc luật; đưa một số nội dung Quy chế dân chủ được thực tế khẳng định là có hiệu quả vào các văn bản pháp luật sắp ban hành; nghiên cứu ban hành, hướng dẫn xây dựng thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khác, trước hết là khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài, các cơ quan quản lý các chương trình kinh tế – xã hội, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, nghiên cứu khoa học. Hết năm 2003 phải hoàn thành việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở đại bộ phận các loại hình cơ sở, tiến tới tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII).
3- Về tổ chức chỉ đạo thực hiện.
– Cùng với việc tăng cường chỉ đạo đúc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở những nơi làm tốt, cần tập trung hướng dẫn, giúp đỡ những địa phương và cơ sở làm kém, làm chậm hoặc chưa triển khai, nhất là khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, những nơi có nhiều khó khăn, phức tạp.
– Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa những vấn đề về dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền, các hình thức dân chủ; làm rõ những điều kiện để thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở từng loại hình cơ sở, đưa một số nội dung về Quy chế dân chủ ở cơ sở vào chương trình huấn luyện của các trường chính trị, quản lý.
– Củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Ban chỉ đạo phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp uỷ làm trưởng ban và 2 phó ban là trưởng ban dân vận của cấp uỷ và trưởng ban tổ chức chính quyền, trong đó phân công một đồng chí làm thường trực.
Định kỳ 3 tháng các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc báo cáo kết quả về Ban Bí thư qua Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương.
Hàng năm các cấp kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và báo cáo lên cấp trên trực tiếp.
Chỉ thị này được triển khai quán triệt đến chi bộ cơ sở.
T/M BAN BÍ THƯ
Phan Diễn |