ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 11/2010/CT-UBND | Vũng Tàu, ngày 04 tháng 08 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2010-2011 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Thực hiện chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; Chỉ thị số 2516/CT-BGDĐT ngày 18/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành Giáo dục và Đào tạo; Chỉ thị 4899/2009/CT-BGD&ĐT ngày 04/08/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009 – 2010; Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013; sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đạt được những kết quả rất phấn khởi; chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục ổn định và phát triển bền vững; năm học 2009 – 2010 ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông tăng đáng kể, số học sinh giỏi quốc gia nhiều hơn so với các năm học trước. Chất lượng giáo dục phổ thông có tiến bộ rõ rệt tạo được niềm tin trong nhân dân đối với giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có hiệu quả tích cực, tạo ra khí thế mới trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả thực hiện các cuộc vận động và phong trào do ngành giáo dục và đào tạo phát động đã có tác dụng tích cực để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện tạo điều kiện để giáo dục phát triển bền vững.
Có được những kết quả nêu trên là do sự chủ động của lãnh đạo ngành và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sự đầu tư của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự quan tâm phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự đồng thuận của toàn xã hội.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học 2010-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
– Tổ chức tổng kết đánh giá sâu sát tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2009-2010 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại chỉ thị 4899/2008/CT-BGD&ĐT ngày 04/08/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2009-2010; để làm cơ sở xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm học 2010-2011 với mục tiêu tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
– Tiếp tục thực hiện chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục gắn với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013; Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2013; Toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tăng cường công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; tích cực đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học; dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới giáo dục; đẩy mạnh giáo dục toàn diện chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật cho học sinh.
– Tích cực chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức và các đoàn thể xã hội để khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học, hiện tượng bạo lực trong trường học.
– Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ để duy trì thành quả của công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và triển khai một cách vững chắc, có trọng điểm và có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục bậc trung học;
– Tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trong việc tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông; xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa, nâng dần số lượng các trường học đạt chuẩn quốc gia;
– Xây dựng và tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai chương trình thực hiện đề án “Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” trên địa bàn tỉnh từ năm học 2010-2011, phấn đấu đến năm học 2011-2012 có 95% trẻ 5 tuổi được đến trường và được chăm sóc nuôi dưỡng theo chương trình giáo dục mầm non;
– Chủ trì phối hợp với sở kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã rà soát quy hoạch tổng thể hệ thống trường lớp của các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng và đề xuất kế hoạch phát triển hệ thống trường lớp ở các địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa và tạo điều kiện thực hiện xã hội hóa giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với hội Khuyến học, các sở, ban ngành liên quan triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP về tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010 theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo tinh thần của chỉ thị này, cụ thể:
– Bảo đảm huy động tất cả trẻ em 5 tuổi đến học các trường mầm non, trẻ em 6 tuổi được vào học lớp một, thực hiện tốt ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường trong năm học mới; tổ chức khai giảng năm học 2010 – 2011 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới.
– Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể xã hội cùng với các trường học trên địa bàn tích cực vận động và thực hiện các giải pháp tích cực để tất cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt có nguy cơ bỏ học đến trường ngay từ đầu năm học mới và thường xuyên quan tâm để ngăn ngừa hiện tượng học sinh bỏ học.
– Đảm bảo đủ cơ sở trường lớp cho việc tiếp nhận học sinh trong năm học mới, mở rộng đối tượng học hai buổi ngày và bán trú; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thiết bị công nghệ thông tin trong trường học; tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học trong các nhà trường từ mần non đến phổ thông.
– Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ thực hiện tốt việc tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên ngay từ đầu năm học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT/BGD&ĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ.
– Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới phát triển cơ sở vật chất trường học và triển khai thực hiện đề án “Xã hội hóa giáo dục” trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã bảo đảm có đủ trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã và trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện. Trong năm 2010-2011 yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non để thực hiện mục tiêu phổ cập mầm non 5 tuổi.
3. Các sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2010-2011 đạt kết quả tốt nhất.
4. Sở Thông tin Truyền thông, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt việc tuyên truyền phổ biến những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2010-2011 để nhân dân trong tỉnh biết và hưởng ứng.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Đoàn thể phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh về hoạt động giáo dục và đào tạo để các hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân biết, tích cực tham gia thực hiện.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổng hợp tình hình sau khai giảng năm học 2010-2011 báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục bám sát vào nhiệm vụ được giao và có kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo thực hiện và tổng hợp báo cáo theo quy định.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Võ Thành Kỳ |