Chỉ thị 11/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu

BỘ CÔNG THƯƠNG
——-
———
Số: 11/CT-BCT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
—————
Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG KHAI, MINH BẠCH
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐIỆN, XĂNG DẦU
 
 
Điện, xăng dầu là các hàng hóa thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong thời gian qua, giá điện và giá xăng, dầu chịu sự điều tiết của Nhà nước và việc điều chỉnh giá điện và giá xăng, dầu đã từng bước được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện và xăng, dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị:
1. Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, cụ thể là:
a. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách về giá điện, cơ chế điều hành giá điện và sản xuất kinh doanh điện, bao gồm:
– Luật Điện lực năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012;
– Luật Giá 2012;
– Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
– Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Biểu giá bán lẻ điện;
– Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân;
– Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015;
– Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
– Thông tư số 31/2011/TT-BCT ngày 19 tháng 8 năm 2011 của Bộ Công Thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản;
– Thông tư số 03/2013/TT-BCT ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, thay thế Thông tư số 18/2010/TT-BCT và Thông tư số 45/2011/TT-BCT;
– Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện;
– Thông tư 12/2014/TT-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Công Thương về quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân;
– Các cơ chế chính sách khác liên quan đến điều hành giá bán điện.
b. Thực hiện công bố giá điện theo cơ chế thị trường:
– Gíá bán điện trên thị trường điện;
– Giá truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ;
– Sản lượng điện bình quân, nhu cầu phụ tải, tổng nhu cầu sản lượng hệ thống điện; nguồn cung và dự phòng nguồn cung.
c. Thực hiện công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện:
– Kế hoạch và cơ cấu sản xuất, cung ứng điện;
– Các định mức chi phí làm căn cứ tính toán giá thành điện;
– Biến động của các thông số đầu vào và các yếu tố cấu thành giá điện bình quân cơ sở (bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, giá bán điện trên thị trường điện…);
– Các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh điện chưa tính vào giá bán điện hiện hành được phép thu hồi (nếu có), bao gồm cả các chi phí phúc lợi xã hội như cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn và bù giá cho vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo…;
– Tổng hợp kết quả tính toán tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh điện trong kỳ tính toán của các thông số đầu vào và các yếu tố cấu thành giá điện;
– Tỷ lệ tổn thất điện (tổn thất truyền tải, phân phối);
– Mức giá bán điện bình quân cơ sở;
– Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;
– Mức kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (nếu có);
– Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành;
– Biểu giá bán lẻ điện và nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện;
– Tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán điện đến các thành phần sử dụng điện.
d) Thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh điện:
– Báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán);
– Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Giá thành sản xuất, kinh doanh điện, trong đó tách bạch giá thành các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ;
– Báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp;
– Báo cáo đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.
đ. Xây dựng cơ chế và phương án tách bạch chức năng kinh doanh với hoạt động công ích trong kinh doanh điện.
e. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở người sử dụng về an toàn điện; tuyên truyền và hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
2. Vụ Thị trường trong nước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá, cụ thể là:
a. Tăng cường tuyên truyền về cơ chế chính sách về giá xăng, dầu; cơ chế điều hành giá xăng, dầu và sản xuất kinh doanh xăng dầu, bao gồm:
– Luật Giá 2012;
– Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về Kinh doanh xăng dầu và Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP;
– Thông tư 36/2009/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công Thương ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu;
– Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng;
– Các cơ chế chính sách khác liên quan đến điều hành giá xăng dầu.
b. Thực hiện công bố các thông tin về thị trường xăng, dầu:
– Giá xăng, dầu thế giới;
– Danh sách các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối;
– Thị phần kinh doanh xăng dầu;
– Giá bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp xăng, dầu đầu mối.
c. Thực hiện công khai minh bạch giá xăng, dầu cơ sở và các thông tin liên quan:
– Mức giá cơ sở tính toán theo quy định;
– Kết cấu để hình thành giá cơ sở: Chi phí và lợi nhuận định mức, các khoản thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, các khoản phí và lệ phí khác);
– Mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
d. Thực hiện công khai minh bạch kết quả kinh doanh xăng dầu:
– Báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán);
– Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (tách bạch kinh doanh xăng dầu và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác);
– Báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp;
– Báo cáo đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị có liên quan thực hiện công khai thông tin tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với danh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm:
– Tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Việc trích, lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp;
– Các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp;
– Các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động;
– Tình hình quản trị công ty;
– Tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý doanh nghiệp.
4. Tổ chức thực hiện:
4.1. Cục Điều tiết Điện lực chủ trì:
a. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành công bố công khai trên website của Bộ Công Thương:
– Thường xuyên công bố các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách giá điện, cơ chế điều hành giá điện và sản xuất kinh doanh điện;
– Công bố công khai biểu giá bán lẻ điện;
– Định kỳ hàng tháng, thực hiện công bố các thông tin về giá điện theo cơ chế thị trường;
– Định kỳ hàng quý hoặc trước khi thực hiện phương án điều chỉnh giá bán điện, thực hiện công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện (nếu có);
– Định kỳ hàng năm, trên cơ sở kết quả kiểm tra hàng năm của liên Bộ Công Thương – Tài chính, thực hiện công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm tài chính, trong đó, tách bạch giá thành sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý và dịch vụ phụ trợ; các chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện;
b. Công bố các thông tin về giá điện, cơ chế điều hành giá điện và sản xuất kinh doanh điện tại các buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hoặc tại các buổi họp báo đột xuất về phương án điều chính giá bán điện.
c. Rà soát, tổng hợp, xây dựng các quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật đối với sản xuất kinh doanh điện, trình Bộ Công Thương ban hành trong Quý 4/2014;
d. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế và phương án tách bạch chức năng kinh doanh với hoạt động công ích trong sản xuất, kinh doanh điện.
4.2. Vụ Thị trường trong nước chủ trì:
a. Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiến hành công bố công khai trên website của Bộ Công Thương:
– Thường xuyên công bố các văn bản liên quan đến cơ chế chính sách giá xăng dầu, cơ chế điều hành giá xăng, dầu và sản xuất kinh doanh xăng dầu;
– Công bố công khai về giá bán lẻ xăng, dầu của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối;
– Thực hiện công bố hàng ngày về giá xăng, dầu thế giới và Mức giá cơ sở tính toán theo quy định;
– Ngay khi thực hiện phương án điều chỉnh giá xăng dầu, thực hiện công bố công khai giá xăng dầu cơ sở và các thông tin liên quan;
– Định kỳ hàng quý, thực hiện công bố các thông tin về thị trường xăng, dầu gồm danh sách các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và thị phần kinh doanh xăng dầu; mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
b. Công bố các thông tin về giá, cơ chế điều hành giá và sản xuất kinh doanh xăng dầu tại các buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hoặc các buổi họp báo đột xuất về phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.
4.3. Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiến hành công bố công khai trên website của Bộ Công Thương:
a. Định kỳ 6 tháng, thực hiện công bố:
– Kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
– Báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
b. Hàng năm, thực hiện công bố Báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
4.4. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, định kỳ hàng năm thực hiện công bố Báo cáo đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, Báo cáo các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động và Báo cáo tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của từng viên chức quản lý doanh nghiệp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trên website của Bộ Công Thương.
4.5. Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền về an toàn điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
4.6. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ chuẩn bị triển khai các giải pháp kỹ thuật, hạ tầng mạng để đảm bảo thuận lợi cho các đơn vị liên quan thực hiện công khai các thông tin liên quan trên website của Bộ Công Thương.
4.7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
a. Phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực trong việc công khai đối với hoạt động kinh doanh điện, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá trên website của Bộ Công Thương.
b. Chủ động thực hiện việc công khai đối với hoạt động kinh doanh điện, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá trên website của Tập đoàn.
c. Định kỳ hàng năm, chậm nhất trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thực hiện công khai Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trên website của Tập đoàn.
d. Thực hiện công khai thông tin tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ.
e. Nghiên cứu, triển khai các chương trình truyền thông và định kỳ hàng tháng thực hiện tuyên truyền trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung:
– Các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách giá điện, cơ chế điều hành giá điện và sản xuất kinh doanh điện;
– Cảnh báo, nhắc nhở người sử dụng về an toàn điện;
– Tuyên truyền và hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả;
– Công khai minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường.
e. Nghiên cứu, triển khai các hình thức tuyên truyền khác để tuyên truyền về an toàn điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; công khai giá điện theo cơ chế thị trường.
4.8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam:
a. Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước trong việc công khai đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá trên website của Bộ Công Thương.
b. Chủ động thực hiện việc công khai đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá trên website của Tập đoàn.
c. Định kỳ hàng năm, chậm nhất trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thực hiện công khai Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trên website của Tập đoàn.
d. Thực hiện công khai thông tin tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ;
đ. Nghiên cứu, triển khai các chương trình truyền thông và định kỳ hàng tháng thực hiện tuyên truyền trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung:
– Các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách giá xăng dầu, cơ chế điều hành giá và sản xuất kinh doanh xăng dầu;
– Tuyên truyền và hướng dẫn về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;
– Công khai minh bạch giá xăng, dầu cơ sở;
– Công khai mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
e. Nghiên cứu, triển khai các hình thức tuyên truyền khác (như nghiên cứu đặt các Bảng thông tin điện tử tại các địa điểm công cộng) để tuyên truyền về sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả; giá xăng dầu thế giới hàng ngày và giá xăng dầu cơ sở…
4.7. Các đơn vị khác có liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện và xăng, dầu.
5. Hình thức công khai, minh bạch:
– Công bố công khai trên website của Bộ Công Thương tại địa chỉ:
http://www.moit.gov.vn
– Công bố công khai trên website của doanh nghiệp;
– Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các buổi họp báo thường kỳ hoặc đột xuất của Bộ Công Thương hoặc của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp chủ động triển khai các hình thức công bố thông tin khác phù hợp với nội dung công bố thông tin và theo khả năng của doanh nghiệp.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ Tài chính, KHĐT, Đài THVN (để phối hợp);
– Đảng ủy khối cơ quan Trung ương;
– Lãnh đạo Bộ;
– Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
– Các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối;
– Các Sở Công Thương;
– Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
– Công đoàn Công Thương Việt Nam;
– Các Đảng ủy khối doanh nghiệp CN, TM tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh;
– Báo Công Thương, TTTTCNTM;
– Công báo, website CP, kiểm toán NN;
– Đảng ủy, Công đoàn cơ quan Bộ;
– Lưu: VT, TC (2b).

BỘ TRƯỞNG

 

Vũ Huy Hoàng