Thẩm quyền giải quyết ly hôn là gì? Có lẽ còn rất nhiều người về vấn đề trên và các vấn đề liên quan đến ly hôn? Qua bài viết này, Tổng đài Pháp luật sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về việc ly hôn như Ly hôn là gì, thẩm quyền giải quyết ly hôn và thủ tục giải quyết ly hôn theo pháp luật Việt Nam.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy nhấc máy gọi ngay đến hotline 1900.6174
Ly hôn là gì?
Khi hạnh phúc gia đình không thể duy trì thêm, cuộc sống vợ chồng không thể hàn gắn sau nhiều nỗ lực, mọi người thường dùng đến giải pháp cuối cùng là ly hôn.
Theo khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Cũng cần lưu ý, ly hôn là quyền của vợ, chồng, tuy nhiên, việc ly hôn giả tạo nhằm nghĩa vụ tài sản, vi phạm pháp luật nhằm thực hiện mục đích khác mà không phải để chấm dứt kết hôn bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm.
>>>Xem thêm: Đơn khởi kiện ly hôn là gì ? Mẫu đơn khởi kiện ly hôn mới nhất?
Thẩm quyền giải quyết ly hôn.
Vấn đề thẩm quyền giải quyết ly hôn luôn quan trọng và được nhiều người quan tâm vì đây sẽ là cơ sở để công dân xác định nơi nộp đơn xin ly hôn. Và ly hôn theo pháp luật Việt Nam được chia thành ba thủ tục gồm: Ly hôn thuận tình, Ly hôn đơn phương và Ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình.
Khi hai vợ chồng tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến tài sản, con cái, đây được coi là ly hôn thuận tình. Vì giữa hai bên không có bất kỳ tranh chấp nào nên đây là yêu cầu về hôn nhân gia đình, cụ thể là yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Theo khoản 2 Điều 29 và điểm b khoản 2 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Về thẩm quyền xác định theo lãnh thổ, điểm h khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án cấp huyện nơi một trong hai bên của yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cư trú hoặc làm việc sẽ có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương.
Ly hôn đơn phương được hiểu đơn giản là ly hôn theo yêu cầu của một bên. Các trường hợp được coi là ly hôn đơn phương được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Ly hôn trong trường hợp này thuộc tranh chấp về hôn nhân, gia đình. Theo khoản 1 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án cấp huyện nơi bị đơn trong vụ án ly hôn cư trú hoặc làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, trong trường hợp ly hôn đơn phương, pháp luật cho phép thỏa thuận chọn Tòa án nơi người khởi kiện cư trú, làm việc thụ lý giải quyết căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Việc thỏa thuận trên phải được lập bằng văn bản và có sự chấp thuận của hai bên trong tranh chấp.
Nếu tài sản trong tranh chấp ly hôn là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản đó cũng có thẩm quyền giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp tại Điều 127 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Riêng với ly hôn có yếu tố nước ngoài nói chung, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo khoản 3 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trường hợp đơn phương ly hôn, theo điểm a, b, c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể thuộc về Tòa án nơi cư trú, làm việc của người bị kiện, Tòa án theo thỏa thuận hai bên hoặc Tòa án nơi có bất động sản tranh chấp.
Trường hợp hai bên thuận tình ly hôn, theo điểm h khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một trong các bên cư trú, làm việc.
Ngoài ra, một trường hợp đặc biệt mà ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cần lưu ý rằng, các trường hợp xác định thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam nêu trên sẽ không được áp dụng nếu như cả hai vợ, chồng đều không thường trú tại Việt Nam. Khi đó, việc giải quyết ly hôn sẽ được áp dụng pháp luật của nước nơi một trong hai vợ chồng sinh sống, cư trú lâu dài vì lý do chủ quyền lãnh thổ và thẩm quyền riêng biệt của mỗi nước.
>>>Luật sư tư vấn miễn phí về cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn, gọi ngay 1900.6174
Thủ tục giải quyết ly hôn.
Tiếp đến, sau khi xác định được nơi có thẩm quyền giải quyết ly hôn, thủ tục giải quyết ly hôn sẽ được diễn ra như sau:
Thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình.
Để được giải quyết ly hôn thuận tình, các bạn cần thực hiện theo các bước:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Trước khi nộp tại Tòa, người có yêu cầu ly hôn thuận tình cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:
- Đơn xin ly hôn thuận tình có xác nhận của hai vợ chồng;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu không còn, các bạn có thể liên hệ cơ quan hộ tịch nơi đăng ký kết hôn để cấp bản sao;
- Bản sao Chứng minh dân dân/ Căn cước công dân của hai vợ chồng;
- Bản sao Giấy khai sinh của con chung (nếu có);
- Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung đối với yêu cầu công nhận việc phân chia tài sản chung (nếu có)
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ như trên, các bạn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình như đã được hướng dẫn ở trên.
Bước 2: Thụ lý yêu cầu thuận tình ly hôn
Sau khi Tòa án nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án nhân dân nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ phân công một Thẩm phán giải quyết. Sau khi xem xét điều kiện thụ lý có đúng thẩm quyền không, hồ sơ đủ căn cứ hay không,…, Thẩm phán sẽ ra một Thông báo nộp lệ phí và người có yêu cầu phải đóng lệ phí trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo nộp lệ phí. Việc vợ hay chồng phải có nghĩa vụ đóng lệ phí có thể xác định theo Điều 149 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tiếp đến, Tòa án sẽ thông báo cho người có yêu cầu trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn.
Bước 3: Mở phiên họp giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình
Trong thời hạn xem xét, giải quyết đơn yêu cầu trong 01 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải mở phiên hòa giải để hàn gắn hai vợ chồng và giải thích về các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau ly hôn,…
Bước 4: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn nếu hòa giải hai bên không thành. Quan hệ hôn nhân chính thức chấm dứt kể từ ngày quyết định này có hiệu lực pháp luật.
Nếu hòa giải thành, Tòa án sẽ phải ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình, quan hệ hôn nhân vẫn được duy trì.
>>>Luật sư tư vấn miễn phí về thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình, gọi ngay 1900.6174
Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương.
Việc ly hôn đơn phương diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Tương tự như thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình, việc ly hôn đơn phương cũng cần một số tài liệu chính như:
- Đơn xin ly hôn đơn phương;
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu không còn, các bạn có thể liên hệ cơ quan hộ tịch nơi đăng ký kết hôn để cấp bản sao;
- Bản sao Chứng minh dân dân/ Căn cước công dân của hai vợ chồng;
- Bản sao Giấy khai sinh của con chung (nếu có);
- Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung nếu có tranh chấp về việc phân chia tài sản chung…
Người có yêu cầu cũng có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương.
Bước 2: Thụ lý vụ án ly hôn đơn phương
Sau khi xem xét các điều kiện, căn cứ khởi kiện, Tòa án cũng ra Thông báo nộp tạm ứng án phí. Người có yêu cầu khởi kiện phải đóng tạm ứng án phí, nộp Biên lai đóng tạm ứng án phí, Tòa án sau đó sẽ ra Thông báo thụ lý vụ án. Thời gian ước tính để giải quyết vụ án đơn phương ly hôn có thể kéo dài đến 04 tháng hoặc hơn.
Bước 3: Hòa giải trong ly hôn đơn phương
Tiếp đến, Tòa án sẽ mở phiên hòa giải, thủ tục này được xem là bắt buộc trước khi xét xử, trừ những vụ án không được hòa giải, không hòa giải được hay vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Chi tiết về thủ tục hòa giải được quy định tại Chương XIII của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Sau khi hòa giải, Tòa án sẽ ra một trong hai quyết định: Quyết định công nhận hòa giải thành nếu hòa giải thành công và các bên không thay đổi ý kiến sau 07 ngày; hoặc Quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu các bên hòa giải không thành.
Đối với trường hợp Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận, Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức từ khi ban hành và không được kháng cáo/kháng nghị. Vụ án ly hôn sẽ chấm dứt sau khi Tòa án ban hành quyết định này.
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử
Trường hợp hòa giải không thành, vụ án sẽ được đưa ra xét xử. Quy trình từ chuẩn bị xét xử, phiên tòa sơ thẩm, nghị án và tuyên án được tiến hành như một vụ án dân sự thông thường được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Nếu không tồn tại các căn cứ đình chỉ, tạm đình chỉ, vụ án đơn phương ly hôn sẽ được giải quyết bằng một bản án ban hành bởi Tòa án. Nếu không có bất kỳ kháng cáo, kháng nghị nào, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và quan hệ hôn nhân giữa hai bên chấm dứt.
>>>Luật sư tư vấn miễn phí về thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương, gọi ngay 1900.6174
Thủ tục giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Tương tự như thủ tục ly hôn thuận tình và thủ tục ly hôn thông thường. Tuy nhiên, trong thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ có một số điểm khác biệt các bạn cần lưu ý như sau:
- Về việc chuẩn bị hồ sơ, vì đây là ly hôn có yếu tố nước ngoài nên có thể vợ/chồng đang không ở Việt Nam. Do đó, người vợ/chồng đó phải chuẩn bị thêm Đơn xin xét xử vắng mặt. Nếu các giấy tờ trong hồ sơ do cơ quan nước ngoài cấp thì cần phải được chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự.
- Nếu một hoặc cả hai vợ chồng không thể có mặt vì lý do chính đáng là đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài thì Tòa án sẽ không tổ chức hòa giải theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp một trong hai vợ chồng sinh sống tại nước ngoài phải xét xử vắng mặt thì bạn phải đóng thêm lệ phí ủy thác tư pháp để tống đạt các văn bản quan trọng, bản án, quyết định giải quyết yêu cầu ra nước ngoài.
- Về thời gian giải quyết, thời hạn ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể bị kéo dài hơn thủ tục thông thường (khoảng 12 – 24 tháng) vì cần phải ủy thác tư pháp cho vợ/chồng xin xét xử vắng mặt do đang ở nước ngoài.
>>>Luật sư tư vấn miễn phí về thủ tục giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, gọi ngay 1900.6174
Vừa rồi, Tổng đài Pháp luật đã cung cấp một số thông tin về thủ tục ly hôn, thẩm quyền giải quyết ly hôn tại Việt Nam. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ hotline của chúng tôi – 1900.6174 để được tư vấn miễn phí!
Liên hệ chúng tôi
✅ Dịch vụ luật sư | ⭐️ Chuyên nghiệp: Dành cho cá nhân – gia đình – doanh nghiệp |
✅ Dịch vụ xử lý nợ xấu, nợ khó đòi | ⭐️ Đúng pháp luật – Uy tín |
✅ Dịch vụ ly hôn | ⭐️ Nhanh – Trọn gói – Giải quyết trong ngày |
✅ Dịch vụ Luật sư riêng | ⭐️ Uy tín: Dành cho cá nhân – gia đình – doanh nghiệp |
✅ Dịch vụ Luật sư Hình sự | ⭐️ Nhanh chóng – Hiệu quả |
✅ Dịch vụ Luật sư tranh tụng | ⭐️ Giỏi – Uy tín – Nhận toàn bộ vụ việc |
✅ Dịch vụ Luật sư doanh nghiệp | ⭐️ Tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp |
Tổng Đài Pháp Luật – Tư vấn đúng luật, an tâm pháp lý!
Website: tongdaiphapluat.vn
Hotline: 1900.6174