Tội cưỡng đoạt tài sản phạt thế nào theo quy định pháp luật?

Cưỡng đoạt tài sản là tội phạm xâm hại nghiêm trọng đến cả quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, kỷ cương xã hội. Bài viết sau đây của Tổng Đài Pháp Luật sẽ cung cấp cho bạn những quy định của pháp luật hiện hành về tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào muốn được Luật sư giải đáp nhanh chóng, hãy gọi ngay cho chúng tôi qua hotline 1900.6174 để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất.

toi-cuong-doat-tai-san-hien-nay

Tư vấn chính xác mức xử phạt tội cưỡng đoạt tài sản, gọi ngay 1900.6174

Cưỡng đoạt tài sản là gì?

Anh Hải Đăng (Thái Thái Bình) có câu hỏi như sau:
Vừa qua tôi có đi từ Hà Nội về Thái Bình trên xe khách của anh A. Vào khoảng 22h khi đi đến thành phố Nam Định thì xe anh A bị hỏng, đồng thời cũng gặp xe khách do anh B điều khiển cũng đang chở khách về Thái Bình. Tại đây anh A và anh B thỏa thuận anh A sẽ chuyển toàn bộ 19 khách trên xe anh A sang xe anh B giá vé mỗi khách là 100 nghìn đồng. Anh B phải có trách nhiệm trả khách theo đúng lộ trình và không được thu thêm bất cứ một khoản tiền nào của khách. Anh B đồng ý và đã nhận đầy đủ số tiền theo thỏa thuận.
Tuy nhiên sau khi chạy được tầm 20km thì anh B đã dừng xe và thu thêm của mỗi khách mỗi người 200 nghìn đồng với lí do là tiền sang xe. Khi anh B đi thu tiền thì mọi người trong đó có tôi không đồng ý nộp, anh B đe dọa nếu không nộp sẽ bị đuổi xuống xe và sẽ cử đàn em đến “cho một trận” ngay trong đêm, lúc này vào khoảng 23h. Do lo sợ bị đuổi xuống xe cũng như sợ đám côn đồ kiếm chuyện nên tôi và các hành khách khác phải miễn cưỡng nộp tiền.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi hành vi của anh B có được xem là hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không? Tôi xin cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản hiện nay, gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Chào Hải Đăng, cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho chúng tôi, trong trường hợp của bạn chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 với nội dung: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Có nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng hành vi cưỡng đoạt tài sản thường được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải miễn cưỡng giao tài sản cho người phạm tội.

Ngoài ra thực tiễn cho thấy sau khi người có tài sản bị đe dọa sẽ dùng vũ lực và các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần thì người có tài sản do lo sợ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, nên sẽ tự nguyện chuyển giao tài sản cho người cưỡng đoạt nên dễ chuyển sang thành giao dịch dân sự nếu người bị cưỡng đoạt tài sản không tố giác.

Quay trở lại với trường hợp của bạn, hành vi của anh B là hành vi cưỡng đoạt tài sản, bởi lẽ anh B đã đe dọa dùng vũ lực (nếu khách hàng không nộp thêm tiền anh ta sẽ cho đàn em đánh đập) và có thủ đoạn uy hiếp tinh thần khách hàng trên xe (nếu không nộp tiền sẽ bị đuổi xuống xe ngay trong đêm) đây là hành vi cố ý trong việc chiếm đoạt tài sản của hành khách trên xe. Anh B là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ được hành vi của mình là sai trái, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Vì vậy căn cứ vào Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 anh B đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản, tùy theo tính chất mức độ, cũng như các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ mà anh B sẽ bị xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Mọi thắc mắc về hành vi cưỡng đoạt tài sản, vui lòng gửi câu hỏi về email của Tổng Đài Pháp Luật hoặc liên hệ ngay đường dây nóng 1900.6174 để được kết nối với Luật sư tranh tụng và lắng nghe giải đáp chi tiết nhất

>> Xem thêm: Đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cưỡng đoạt tài sản từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?

Bạn Ngọc Hà (Quảng Ninh) có câu hỏi:
“Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau: Chồng tôi là anh Quang và anh Hải là bạn thân với nhau đồng thời anh Hải cũng là giám đốc công ty mà chồng tôi đang làm việc. Năm ngoái chồng tôi tình cờ biết được anh Hải đang qua lại bất chính với cô thư ký mặc dù đã có vợ con ở nhà. Chồng tôi thường xuyên quay lại những video cũng như hình ảnh thân mật giữa anh Hải và cô thư ký kia và nói là giữ lại lúc nào cần thì dùng.
Vừa qua do ham mê cờ bạc nên chồng đã phải vay nợ giang hồ với số tiền 300 triệu đồng. Do lo sợ không có tiền trả nợ sẽ bị giang hồ đòi nợ, chồng tôi đã lên kế hoạch đe dọa anh Hải phải giao cho chồng tôi 300 triệu đồng nếu không sẽ gửi hết những video, hình ảnh quan hệ bất chính giữa anh Hải và cô thư ký cho vợ anh Hải cũng như cho toàn bộ công ty biết.
Tôi có khuyên can thì chồng tôi chửi mắng và nói là nhà anh Hải rất giàu 300 triệu không là gì với anh ta, chồng tôi có dọa nếu tôi báo công an sẽ đánh chết tôi. Nói là làm, chồng tôi đã gửi tin nhắn đe dọa anh Hải với nội dung nếu không đưa cho anh 300 triệu thì cả thế giới sẽ biết anh ta ngoại tình. Ngay hôm sau khi gửi tin nhắn đe dọa, anh Hải đã báo với công an và chồng tôi đã bị bắt tại nhà.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tại sao chồng tôi chưa lấy được số tiền 300 triệu từ anh Hải nhưng vẫn bị bắt? Hành vi của chồng tôi có phải là hành vi đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản hay không? Tôi xin cảm ơn.”

>> Cưỡng đoạt tài sản từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự? Gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho chúng tôi. Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự 2015 như phân tích ở trên có thể nhận thấy hậu quả không phải là một yếu tố bắt buộc đối với tội phạm này. Người phạm tội thậm chí chưa gây ra hậu quả nhưng người đó chỉ cần có ý thức muốn chiếm đoạt tài sản đồng thời có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để buộc chủ sở hữu tài sản phải giao tài sản thì khi đó tội cưỡng đoạt tài sản đã hoàn thành.

Điều này có nghĩa là người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản chỉ cần có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản mà không cần phải xác định số tiền người này đã chiếm được là bao nhiêu tiền.

Vì không quan tâm đến số tiền mà người phạm tội chiếm đoạt nên trong trường hợp này thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt khác nhau.

Vì vậy trong trường hợp của chồng bạn mặc dù chồng bạn chưa chiếm đoạt được của anh Hải 300 triệu đồng như mục đích mong muốn, nhưng chồng bạn đã thực hiện đầy đủ các thủ đoạn như gửi tin nhắn nhằm đe dọa anh Hải nếu không đưa tiền sẽ xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của anh Hải thông qua việc phát tán video và hình ảnh ngoại tình của anh ta. Chồng bạn là người có năng lực trách nhiệm pháp lý đầy đủ, nhận thức được hành vi của mình là sai trái, xâm phạm đến những quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đó. Có thể thấy hành vi này được thực hiện với lỗi trực tiếp.

Căn cứ vào những phân tích trên đây chúng tôi nhận thấy hành vi của chồng bạn đủ điều kiện cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015.

Trên đây là tư vấn của Luật sư về vấn đề hành vi như thế nào sẽ bị xử lý hình sự tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy gọi ngay cho chúng tôi qua đường dây nóng của Tổng Đài Pháp Luật 1900.6174 để được tư vấn luật hình sự nhanh và chính xác nhất!

>> Xem thêm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và quy định mới nhất

xu-ly-hinh-su-toi-cuong-doat-tai-san

Cưỡng đoạt tài sản đi tù bao nhiêu năm?

Bác Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) có câu hỏi:
“Xin chào Luật sư, con trai tôi năm nay 25 tuổi do ăn chơi nên con trai tôi có vay nợ xã hội đen 500 triệu đồng, đến nay con trai tôi đã trốn ra Hà Nội. Tháng trước có một đám người mặt mũi dữ tợn đến nhà tôi chửi bới đòi nợ, tôi có nói con trai tôi đã lớn đủ tuổi kiếm tiền trả nợ nên tôi không có nghĩa vụ trả nợ cho nó nữa. Khi nghe xong thì chúc tức giận, đe dọa vợ chồng tôi nếu không trả nợ thay con trai tôi chúng sẽ không để cho vợ chồng tôi được sống yên ổn.
Hai hôm trước chúng lại đến nhà tôi rất hung hăng, chúng có mang theo vũ khí như dao, gậy… và bắt vợ chồng tôi phải mở két giao tiền cho chúng. Vì quá sợ hãi vợ chồng tôi đã giao hết tài sản cho chúng bao gồm số tiền mặt 400 triệu đồng và 1 cây vàng, tổng tài sản mà chúng lấy đi gần 500 triệu đồng.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi hành vi của chúng có phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không? Vợ chồng tôi phải làm gì khi bị xã hội đen đòi nợ và đòi lại được tài sản của mình?”

>> Tư vấn mức phạt tù và cách giảm mức phạt tù với tội cưỡng đoạt tài sản, gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Cảm ơn Bác đã đặt câu hỏi cho Tổng Đài Pháp Luật. Với câu hỏi của bác chúng tôi xin được trả lời như sau:

Tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015 đã quy định cụ thể các khung hình phạt đối với tội cưỡng đoạt tài sản bao gồm:

Khoản 1 Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015 là trường hợp phạm tội thuộc cấu thành cơ bản thuộc loại tội nghiêm trọng và được áp dụng khi người thực hiện hành vi cưỡng đoạt không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015. Phạm tội thuộc trường hợp này thì người phạm tội bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự cũng phải xem xét tới các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản của người bị hại hay chưa, tài sản bị chiếm đoạt nhiều hay ít, nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác của vụ án.

Khoản 2 điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp đó là:

– Phạm tội có tổ chức

Định nghĩa về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”

– Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

Tại Mục 5 Nghị quyết 01/2006 có quy định cụ thể chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: “a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; b. Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.” Tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng.

– Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

Tình tiết ngày là tình tiết định khung tăng nặng của hầu hết các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội cưỡng đoạt tài sản nói riêng là cần thiết, cho thấy sự thay đổi về chính sách hình sự của nước ta nhằm bảo vệ tốt hơn những đối tượng yếu thế trong xã hội, ít có khả năng tự bảo vệ, cần được pháp luật hình sự bảo vệ và để răn đe cũng như xử lý nghiêm khắc những đối tượng phạm tội nhằm vào người bị xâm phạm là những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu.

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng

Quy định này được áp dụng đối với hai trường hợp, thứ nhất người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Thứ hai là người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng chứng minh được ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị như trên theo ý thức chủ quan của người phạm tội. Hay nói cách khác mục đích hướng đến số tiền nêu trên cũng là căn cứ để từ đó xác định giá trị tài sản và xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Hành vi này có thể hiểu là hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành, xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ.

– Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Khoản 3 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 có quy định khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm đối với những người phạm tội thuộc các trường hợp sau:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội

Thiên tai nghĩa là những tai họa do thiên nhiên gây ra, thiên tai bao giờ cũng gây ra những khó khăn cho xã hội chẳng hạn như bệnh truyền nhiễm, bão lũ, động đất….

Khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 xác định khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp sau:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Tại khoản 5 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 còn quy định về hình phạt bổ sung cụ thể người phạm tội có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy ngoài hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn thì người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền và bị tịch thu tài sản.

Có thể thấy so với Điều 135 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 thì Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 có một số những điểm mới sau:

Thứ nhất, Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung các tình tiết là “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu hoặc không có khả năng tự vệ”,”gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để làm tình tiết tăng nặng khung hình phạt tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.

Thứ hai, tại khoản 3 Điều 170 cũng bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng thiên tai dịch bệnh” và bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”

Thứ ba, tại khoản 4 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 cũng bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”

Quay trở lại với câu hỏi trên, hành vi chủ nợ đến nhà chửi bới, đe dọa và bắt vợ chồng bác phải giao nộp tài sản trả nợ thay con trai là hành vi đe dọa dùng vũ lực uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản là 400 triệu đồng và 1 cây vàng tổng trị giá gần 500 triệu đồng của bác. Hành vi trên của chủ nợ đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điểm a khoản 3 Điều 170 Bộ Luật hình sự 2015. Với hành vi này chủ nợ có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.

Vì vậy trong trường hợp này, bác cần bình tĩnh và khai báo ngay vụ việc với cơ quan công an địa phương nơi mình cư trú để được bảo vệ và đòi lại tài sản của mình.

Trong trường hợp tư vấn của Luật sư chưa được rõ ràng, hãy gọi ngay đến hotline của Tổng Đài Pháp Luật để được trao đổi với Luật sư và lắng nghe tư vấn chi tiết nhất!

Cưỡng đoạt tài sản có được hưởng án treo không?

Anh Linh (Hải Dương) có câu hỏi như sau:
“Thưa Luật sư, em trai tôi là Mạnh và em Yến là người yêu của nhau. Sau khi chia tay, em trai tôi dọa sẽ tung hình ảnh nhạy cảm của Yến để đòi Yến phải gửi tiền cho em trai tôi. Yến đã gửi tiền cho em tôi nhiều lần, mỗi lần từ 2 đến 3 triệu đồng. Khi tổng số tiền lên đến 150 triệu thì gia đình tôi phát hiện và bắt em đi đầu thú. Em tôi bị tạm giam đến nay đã gần một tháng. Gia đình tôi đã khắc phục hậu quả cho người bị hại đến nay là 120 triệu đồng.
Em tôi năm nay 20 tuổi, mới phạm tội lần đầu, bố tôi là thương binh người có công với cách mạng. Vậy Luật sư cho tôi hỏi em tôi có được hưởng án treo không? Em tôi nhận tiền của người bị hại nhiều lần vậy đây có phải là tình tiết tăng nặng không? Mong Luật sư có thể giải đáp sớm cho tôi, tôi xin cảm ơn!”

>> Tư vấn mức hưởng án treo, luật sư tư vấn bào chữa với tội cưỡng đoạt tài sản, gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản nếu muốn được hưởng án treo thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 2 nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cụ thể bao gồm:

– Bị xử phạt tù không quá 03 năm

– Có nhân thân tốt

– Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự 2015.

– Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Xét trong trường hợp của bạn căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 thì em trai bạn có thể phải chịu mức án phạt cao nhất lên đến 10 năm tù giam hoặc thấp nhất là 3 năm tù giam.

Đối chiếu vào những điều kiện được hưởng án treo quy định tại Điều 2 nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP như phân tích ở trên, dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp có thể thấy em trai bạn không đủ điều kiện để hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra em bạn còn bị vướng vào tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Bởi lẽ phạm tội nhiều lần nghĩa là phạm tội từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi vi phạm thì đều cấu thành một tội phạm độc lập nhưng tất cả các tội đó đều bị xét xử trong một bản án. Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng Bộ luật hình sự, có thể được quy định cùng một khoản nhưng cũng có thể ở các khoản khác nhau ở cùng một điều luật. Các hành vi phạm tội này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị cơ quan thẩm quyền xử lý và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một bản án.

Hành vi của em trai bạn là hành vi phạm tội nhiều lần với cùng một tội là cưỡng đoạt tài sản, mỗi lần thực hiện hành vi của em bạn là một lần cấu thành tội phạm. Tất cả hành vi này đều được quy định trong Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 và bây giờ được đưa ra xét xử trong cùng một vụ án.

Nếu bạn còn bất kỳ vướng mắc nào về mức hưởng án treo đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hãy gọi ngay đến tổng đài 1900.6174, đội ngũ Luật sư, chuyên gia uy tín sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc – mọi nơi!

toi-cuong-doat-tai-san-duoc-huong-an-treo-khong

Tư vấn cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản

Bạn Dũng (Nghệ An) có câu hỏi như sau:
“Chào luật sư, bạn tôi là anh Hoàng Đức (30 tuổi) do túng thiếu, Đức đã đến nhà chị My là đồng nghiệp của Đức để trộm cắp vì Đức có nghe nói nhà chị My rất giàu. Khi đến nhà chị My, thấy chị My đang ngồi trên sofa Đức liền lấy con dao thái mà mình mang theo kề vào cổ chị My, đe dọa và bắt chồng chị My phải đưa hết tiền cho Đức. Chồng chị My mở cửa phòng lấy ra một bọc tiền trong đó có 350 triệu đồng đưa cho Đức. Lấy được tiền Đức liền đẩy chị My vào phòng và chạy trốn. Ngay lúc đó vợ chồng chị My đã báo công an và Đức bị bắt 1 ngày sau đó.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi làm thế nào để nhận diện hành vi nào là hành vi cưỡng đoạt tài sản? Những yếu tố cấu thành hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh Đức bạn tôi là gì?”

>> Tư vấn các hành vi cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, gọi ngay 1900.6174

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho chúng tôi. Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được đưa ra câu trả lời như sau:

Để có thể hiểu rõ hơn về một hành vi có được coi là cưỡng đoạt tài sản hay không cần phải nhận diện thông qua 4 yếu tố cấu thành tội phạm đó là: khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm

– Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản:

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân nhưng mục đích chính là quan hệ sở hữu. Nếu có quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về thể chất (tính mạng, thương tật), mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần (như sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe của nạn nhân nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại.

Như vậy về yếu tố khách thể của tội phạm, tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu và sự gây thiệt hại này phản ánh một cách đầy đủ nhất bản chất hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong đó quan hệ sở hữu được hiểu là quan hệ xã hội trong đó quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt được tôn trọng.

– Mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản

Mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản được thể hiện qua hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực và các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực ở đây tương tự hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực, đó là việc người phạm tội không dùng vũ lực mà bằng lời nói đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với chủ sở hữu, người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc người khác, nếu họ không giao nộp tài sản theo yêu cầu của người phạm tội.

Đe dọa dùng vũ lực có thể được thực hiện trực tiếp bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói công khai trực tiếp với người bị hại. Có thể đe dọa một cách gián tiếp như thông qua tin nhắn, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.

Các hành vi dùng thủ đoạn để uy hiểm tinh thần của người khác được hiểu là các hành vi nhằm gây áp lực lớn về tinh thần cho người bị hại để buộc họ phải giao nộp tài sản cho người phạm tội.

Một số thủ đoạn thường gặp trên thực tế là người phạm tội thường lợi dụng những sai lầm hay khuyết điểm của nạn nhân mà người phạm tội biết để đe dọa đến uy tín, nhân phẩm hay danh dự của họ.

Trường hợp người phạm tội mới chỉ có hành vi chuẩn bị phương tiện, công cụ hay kế hoạch để đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa thực hiện được thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

– Mặt chủ quan của tội cưỡng đoạt tài sản

Cũng như đối với các tội chiếm đoạt tài sản khác, tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức được hành vi đe dọa hoặc hành vi uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt được tài sản của người khác bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Về lý trí người phạm tội tự mình nhận thức rõ được hành vi đe dọa dùng vũ lực của mình để uy hiếp tinh thần người khác là một hành vi không phù hợp với đạo đức, vi phạm điều cấm của luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Họ thấy trước được hậu quả của hành vi của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Về ý chí, người phạm tội muốn hậu quả mà hành vi của mình sẽ được phát sinh. Hậu quả này hoàn toàn phù hợp với mục đích của hành vi phạm tội.

Người phạm tội biết rõ tài sản đó là của người khác nhưng lại muốn chiếm hữu nó thành của mình một cách bất hợp pháp.

– Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản

Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản là bất kỳ một người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Quay trở lại với trường hợp của bạn, để nhận diện hành vi của anh Đức có phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản hay không chúng ta cần nhìn nhận qua các yếu tố sau:

Khách thể: Đức đã cùng một lúc xâm phạm nghiêm trọng đến hai khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân (anh Đức vừa đe dọa đến tính mạng của chị My, vừa cướp đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của chị My).Tuy nhiên việc xâm hại đến quan hệ nhân thân ở trong trường hợp này không phải mục đích chính mà chỉ là đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt là vợ chồng chị My phải giao tài sản.

Mặt khách quan: thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của Đức. Hành vi này là hành vi thể hiện thái độ, hành động, lời nói của anh Đức tạo cho người bị đe dọa là vợ chồng chị My cảm giác sợ hãi và tin rằng anh Đức sẽ dùng bạo lực nếu không đưa tài sản cho anh ta.

Mặt chủ quan: Đức thực hiện hành vi trên với lỗi trực tiếp với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Chủ thể: Đức là người trưởng thành, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đức nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sai trái, sẽ bị pháp luật nghiêm trị nhưng vẫn cố tình thực hiện để thỏa mãn mục đích chiếm đoạt của mình.

Trên đây là bài viết quy định của pháp luật hiện hành về tội cưỡng đoạt tài sản cũng như các trường hợp cụ thể trên thực tế. Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích, phần nào giúp mọi người có thể tự bảo vệ được mình cũng như bảo vệ những người xung quanh. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần chúng tôi giải đáp, hãy nhấc máy ngay và gọi đến đường dây nóng của Tổng Đài Pháp Luật 1900.6174 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.